Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Xã hội đen trông giữ xe tự phát: Miếng lợi ích về ai?

Phóng viên - 02/03/2020 | 10:47 (GTM + 7)

Dư luận được quyền đặt câu hỏi về vai trò quản lý, giám sát từ chính quyền địa phương. Sự im lặng càng lâu, càng có cơ sở cho nghi vấn về quyết tâm chống thất thu ngân sách, thậm chí, có hay không sự nể nang, tránh né, có hay không lợi ích nhóm?

Với quy mô hàng chục tòa nhà, hơn 30 vạn dân, khu vực HH Linh Đàm đang thiếu trầm trọng bãi trông xe. Hiện, khu này chỉ có 3 đơn vị trông xe hợp pháp, gồm Công ty Hữu Đức Trí, Hoàng Lan và Hoàng Mai.
Với quy mô hàng chục tòa nhà, hơn 3 vạn dân, khu vực HH Linh Đàm đang thiếu trầm trọng bãi trông xe. Hiện, khu này chỉ có 3 đơn vị trông xe hợp pháp, gồm Công ty Hữu Đức Trí, Hoàng Lan và Hoàng Mai.

 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Xã hội đen đằng sau các bãi trông giữ xe tự phát

Thông qua đường dây nóng 02437.919191 của Kênh VOV Giao thông, thính giả N.V.T, trú tại bán đảo Linh Đàm, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội phản ánh: Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng có người gửi xe trong khu vực xung quanh khu nhà HH Linh Đàm bị phá hoại tài sản.

Do các bãi gửi xe hợp pháp không đáp ứng được nhu cầu nên người dân buộc phải gửi xe ở các bãi trông giữ tự phát. Khi xảy ra mất mát, không có hợp đồng ràng buộc nên khách hàng không được đền bù, còn người trông giữ xe thì phủi tay.

Anh T. chia sẻ bức xúc:

“Vé thì làm gì có, có vé thì lại sai quy định, chỉ có một số người ra thu tiền, khi thu tiền mình cũng nói lên nhà người nhà chơi làm gì mà lên một tí lại phải mấy chục. Nhưng mình thấy nếu mà ăn trộm thì lấy gương đi, nhưng đây lại bị đạp gẫy gương, rồi đập kính chắn gió, cào sườn xe”

Vị thính giả này cho biết, tình trạng các bãi trông giữ xe trái phép mọc lên xung quanh khu HH Linh Đàm đã diễn ra từ lâu. Vào tháng 9/2019, khi lực lượng chức năng xử lý mạnh tay, các bãi này đã tạm rút đi. Nhưng đến nay, tình tình lại tái diễn.

Đáng chú ý, hầu hết người đứng đằng sau hoạt động thu phí trông giữ xe trái phép tại khu vực được thính giả cho biết là người máu mặt, xăm trổ. Anh N.V.T gọi về đường dây nóng VOV Giao thông cũng không dám tiết lộ tên thật và nơi cư trú, vì sợ bị trả thù.

Nhiều tài xế phải 'làm luật' với các bãi trông giữ xe lậu. Thính giả phản ánh không dám nêu tên vì sợ trả thù. Trong ảnh là bãi trông giữ xe không phép phía sau tòa H3, sát công viên bán đảo Linh Đàm
Nhiều tài xế phải 'làm luật' với các bãi trông giữ xe lậu. Thính giả phản ánh không dám nêu tên vì sợ trả thù. Trong ảnh là bãi trông giữ xe không phép phía sau tòa H3, sát công viên bán đảo Linh Đàm

Nhằm xác minh thông tin, phóng viên VOV Giao thông đã khảo sát thực địa xung quanh khu HH Linh Đàm vào chiều ngày 19/2/2020. Tại khu vực phía trước và bên sườn tổ hợp chung cư này, có 3 đơn vị trông giữ xe trên vỉa hè và dưới lòng đường được cấp phép, gồm: Công ty Hữu Đức Trí, Hoàng Lan và Hoàng Mai. Trong đó, diện tích cấp phép cho mỗi đơn vị khoảng 100-200 mét vuông, tương đương sức chứa chỉ vài chục xe ô tô.

Phía sau khu HH3, còn có “Bãi xe bán đảo Linh Đàm” do Tổng công ty đầu tư phát triển nhà ở và khu đô thị chi nhánh miền Bắc quản lý, nhưng đã kín chỗ từ nhiều năm nay.

Trong khi đó, ở viền khu đất bỏ trống bên cạnh tổ hợp HH Linh Đàm, đã hình thành nên một loạt dịch vụ rửa xe, gara ô tô, kiêm trông giữ xe ngày đêm. Khi phóng viên hỏi về phí trông giữ và hợp đồng, được một đàn ông trung niên, tự nhận là người trông giữ xe ở bãi gửi HH4B này trả lời:

“Nếu cháu cứ đi làm từ sáng đến tối cháu về, từ 5h chiều bọn chú ghi 1 vé đêm là 40 ngàn, gửi từ đấy đến 8h sáng ngày mai. Nếu 8h sáng chưa đi thì cháu phải mất thêm 30 ngàn nữa. Còn nếu cháu lấy vé liên tục đi ra đi vào trong 1 ngày đêm là 70 ngàn. Gửi cả tháng là 1 triệu 3, ở đây không có hợp đồng, công ty này chỉ thu tiền 2 tháng 1 lần, thu tiền tay bo thôi”

Bãi trông xe hoạt động trở lại ở khu đất trống bên cạnh HH Linh Đàm dù đã bị giải tỏa cưỡng chế từ năm 2018.
Bãi trông xe hoạt động trở lại ở khu đất trống bên cạnh HH Linh Đàm dù đã bị giải tỏa cưỡng chế từ năm 2018.

Dù khu đất này từng bị cưỡng chế 2 lần vào năm 2017 và 2018, nhưng việc trông giữ xe “lậu” đang manh nha tái diễn, chưa thể giải quyết triệt để. Tương tự là các bãi trông giữ xe ngay sát nhà văn hóa – thể thao của Quận Hoàng Mai, bãi sau khu HH3, sát Công viên bán đảo Linh Đàm với quy mô hàng trăm ô tô.

Do ít lựa chọn, người dân phải cắn răng chấp nhận bỏ tiền gửi xe, dù biết bãi xe không phép, không đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh, trật tự; trong khi chính cánh tài xế taxi cũng tiết lộ, phải “làm luật” với “dân anh chị” ở các bãi xe này, mới được thoải mái dừng đỗ.

"Thực ra thì trong bãi bây giờ, làm việc ở đâu cũng có cơ chế kiểu thế mà".

"Ở chỗ này, thường thường người ta không đuổi mấy. Hai bên kia thì anh em xã hội người ta cai quản hết. Chắc họ cũng toàn sống quanh khu này. Không phải tất cả các ông xăm trổ đi đuổi đâu, thình thoảng các ông ấy xuất hiện thì nhắc các ông nhân viên đuổi xe taxi, xe đỗ vớ vẩn thôi".

"Có mấy chỗ đấy, không phải một chỗ bất hợp pháp đâu. Trong đây là một, ngoài kia, dọc đây, sảnh trước lại một chỗ, chia nhau nhiều lắm. Chỗ này cũng phức tạp, trước kia tranh giành nhau, đấu đá rất khiếp. Công ty mình thì cũng đã mua lốt, làm luật với bãi rồi”

Xử phạt như “muối bỏ bể”

Cũng trong chiều 19/2/2020, phóng viên VOV Giao thông thị sát trực tiếp một buổi cưỡng chế của lực lượng liên ngành quận Hoàng Mai tại bãi trông giữ xe “lậu” sát nhà văn hóa – thể thao quận, gồm: Chính quyền, Công an phường Hoàng Liệt, Công an quận Hoàng Mai, Thanh tra giao thông. Nói là bãi xe, nhưng thực tế, các xe đỗ trên vỉa hè và dưới lòng đường, không có kẻ vạch và dây giăng giới hạn diện tích.

Ngay sau khi có thông tin xe cẩu đến xử lý ô tô đỗ tại bãi xe này, rất nhiều phương tiện chở theo các đối tượng xăm trổ tập trung tại khu vực. Họ không phải chủ phương tiện, mà được cho là có liên quan bãi trông giữ xe này.

Thông tin đến VOV Giao thông về kết quả xử lý, ông Ngô Quốc Cường – Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Hoàng Mai cho biết:

“Đối với trường hợp vi phạm bãi xe không giấy phép đó, phường Hoàng Liệt đề xuất Thanh tra Sở GTVT phạt lỗi chiếm dụng lòng đường đô thị từ 20m2 trở lên làm nơi trông giữ xe, phạt 12,5 triệu đồng. Đối với những xe không có chủ xe ở đấy, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương kéo xe đi được hơn 10 xe”.

Nhiều đối tượng xăm trổ xuất hiện sau khi lực lượng liên ngành tiến hành giải tỏa, cưỡng chế bãi trông xe lậu cạnh nhà văn hóa thể thao quận Hoàng Mai hôm 19-2-2020
Nhiều đối tượng xăm trổ xuất hiện sau khi lực lượng liên ngành tiến hành giải tỏa, cưỡng chế bãi trông xe lậu cạnh nhà văn hóa thể thao quận Hoàng Mai hôm 19/2/2020

Được biết, theo phân cấp của quyết định 41/UBND TP.Hà Nội, chính quyền địa phương quản lý các khu đất trống, đất dự án, từ vỉa hè trở lên ở những tuyến đường không có tên. Do đó, lực lượng Thanh tra GTVT chỉ phối hợp khi được địa phương đề nghị, chứ không quản lý trực tiếp.

Trong 2 tháng đầu năm 2020, Thanh tra GTVT đã phối hợp với lực lượng liên ngành giải tỏa 13 bãi trông giữ xe trái quy định trên địa bàn quận Hoàng Mai, trong đó 7 trường hợp nằm trên địa bàn phường Hoàng Liệt. Số tiền xử phạt mỗi trường hợp từ 5,5 triệu đến 12,5 triệu đồng.

Đề cập giải pháp cho câu chuyện cứ xử phạt, giải tỏa các bãi trông giữ xe trái quy định rồi đâu lại hoàn đấy, ông Ngô Quốc Cường đề xuất: Trong bối cảnh quận Hoàng Mai hiện chỉ có hơn 20 bãi trông giữ xe hợp pháp trong tổng số hơn 100 bãi trông giữ đang hoạt động, mật độ dân cư và nhu cầu đỗ xe của người dân rất cao, nên chăng chính quyền địa phương cân nhắc khảo sát các khu đất lưu không, đất dự án, đất chung cư bỏ trống, thí điểm cấp phép việc trông giữ xe để vừa quản lý được, vừa đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cháy nổ.

Về thực trạng mất an ninh, trật tự ở các bãi trông giữ xe không phép xung quanh khu HH Linh Đàm, VOV Giao thông đã liên hệ, gửi nội dung làm việc với Công an quận Hoàng Mai về vấn đề này. Tuy nhiên, đã gần 2 tuần trôi qua, chưa nhận được phản hồi.

Bày tỏ quan điểm về trách nhiệm của chính quyền địa phương, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh nhận định: Trước tiên là vấn đề quy hoạch, năm 2014 Hà Nội mới có quy hoạch bãi trông giữ xe, nhưng cũng không có tính khả thi. Tiếp sau đó là năng lực quản trị:

“Chuyện lộn xộn là do quản trị còn yếu kém, quản trị có 3 bên là chính quyền địa phương, xây dựng và địa chính. Đỗ xe là dịch vụ thì phải trả tiền, tức là nền kinh tế có thu. Hiện nay chuyện đỗ xe đang là chiếm dụng không gian, tài nguyên của xã hội mà xã hội không thu được tương xứng với lợi ích. Như thế nó đang làm mồi ngon cho sự rối loạn không chỉ Hoàng Mai mà chỗ nào cũng sẽ như vậy”

Về đề xuất cấp phép trông giữ xe ở các dự án bỏ không, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng, rất khó vì vướng luật, trong thời gian 6 tháng không có vốn, các dự án của Nhà nước phải bị thu hồi. Việc cần kíp lúc này là minh bạch hóa trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu địa phương với một vấn đề rất cụ thể là các bãi trông xe trái phép.

Thời điểm 19-2-2020, bãi trông giữ xe máy này đã hết hạn giấy phép nhưng vẫn hoạt động
Thời điểm 19/2/2020, bãi trông giữ xe máy này đã hết hạn giấy phép nhưng vẫn hoạt động


Miếng lợi ích về tay ai?

Một nghiên cứu của nhóm các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc ở Hà Nội đang được tiến hành để đo đếm số tiền thất thu ngân sách bởi các bãi gửi xe không phép.

Những tính toán rất rõ ràng và dễ hiểu. Nếu một quận có khoảng 20.000 ô tô và 200.000  xe máy sẽ cần 1 triệu mét vuông đỗ xe. Nhưng tỉ lệ cấp phép cho các bãi trông giữ xe hiện nay trung bình mới đạt gần 15%. 85% phương tiện còn lại vẫn phải đỗ, tiền thu được chảy vào túi các bãi trông xe “lậu”. Nếu tính đủ số tiền thu được từ 85% này, quận có thể có 2.000-3.000 tỷ đồng/năm, bằng một nửa ngân sách của chính quận đó.

Quá choáng váng!

Không phủ nhận sự lúng túng của chính quyền sở tại hiện nay bắt nguồn từ quy hoạch giao thông tĩnh quá chậm trễ và bất hợp lý. Nhưng lỗ hổng cơ chế đang mở ra miếng lợi ích quá béo bở.

Những biên bản xử phạt dăm chục triệu không thấm vào đâu với doanh số hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, không đủ ngăn cản những bộ óc tham lam và bất chấp pháp luật.

Dư luận được quyền đặt câu hỏi về vai trò quản lý, giám sát từ chính quyền địa phương. Sự im lặng càng lâu, càng có cơ sở cho nghi vấn về quyết tâm chống thất thu ngân sách của chính quyền đó, thậm chí, có hay không sự nể nang, tránh né, có hay không lợi ích nhóm?

Năm 2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn thành phố. Trường hợp để các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, thu phí không đúng quy định mà không có biện pháp xử lý dứt điểm, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đến nay, tình trạng trông giữ xe trái quy định vẫn kéo dài dai dẳng, cũng chưa thấy cán bộ nào phải chịu trách nhiệm.

Còn dư luận thì vẫn loay hoay với câu hỏi: Miếng lợi ích về tay ai./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương tiếp giáp biển như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Tiền Giang và mới đây nhất là Bến Tre đã liên tục phát hiện số lượng rất lớn ma túy trôi dạt vào bờ.

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Từng chiến đấu với căn bệnh ung thư nên anh Trương Văn Vũ-Chủ nhiệm CLB Nét bút xanh hiểu được sự cùng cực của những người rơi vào những hoàn cảnh khó khăn. Sau khi khỏi bệnh, anh đã viết tiếp những giấc mơ dang dở cho học sinh khó khăn ở ĐBSCL nói chung, con em người Việt ở Campuchia nói riêng.

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH, thống nhất với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024. Nhưng bên cạnh niềm vui cũng là nỗi lo về việc lương tăng không theo kịp mức tăng của giá cả hàng hóa.

// //