Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 1/8

Phóng viên - 23/07/2021 | 16:26 (GTM + 7)

Để tăng cường phòng chống dịch COVID-9 mạnh mẽ hơn, lãnh đạo TP.HCM đã quyết định sẽ tiếp tục duy trì giãn cách xã hội trên phạm vi toàn thành phố theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 1/8/2021.

ẢNH 1: Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo TP.HCM tại Buổi sơ kết 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo TP.HCM tại Buổi sơ kết 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Tình hình dịch bệnh vẫn rất phức tạp

Chiều ngày 23/7/2021, 15 ngày sau khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ (kể từ 0h ngày 9/7), TP.HCM đã tổ chức buổi Sơ kết để đánh giá lại những việc làm được và những điểm còn tồn tại. Tham gia buổi sơ kết có sự tham gia của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bí thư thành Ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng thường trực Thành Ủy, UBND cùng đại diện các Sở ngành, địa phương.

Tại buổi sơ kết, ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết tình hình dịch bệnh tại Thành phố vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Số ca nhiễm cộng đồng của thành phố từ ngày 27/4 đến nay là 46.178 trường hợp.

Từ ngày 9/7/2021 đến nay, trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca bệnh; các ca nhiễm hiện hay được ghi nhận phần lớn là tại khu cách ly, khu phong tỏa; số ca khi tầm soát cộng đồng, mở rộng khu vực xét nghiệm, sàng lọc tại bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh vẫn ở mức thấp.

Thành phố Hiện đang điều trị 36.569 trường hợp dương tính mới (bao gồm PCR (+) và test nhanh dương), trong đó có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 10 bệnh nhân can thiệp ECMO, có 441 trường hợp tử vong (cộng dồn từ ngày 01/01/2021), trong ngày 22/7 có 2.046 bệnh nhân xuất viện. 

Thành phố đã thành lập Trung tâm Điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 để điều hành toàn bộ công tác lấy mẫu, nhập liệu, xét nghiệm và trả kết quả với phương châm “Rõ - Chắc - Nghiêm - Nhanh”. Hiện nay tổng số nhân sự lấy mẫu: 4.456 người, tương ứng 2.228 đội. Thành phố đã thay đổi phương thức lấy mẫu tại nhà nên năng lực lấy mẫu hiện nay vào khoảng: 150-200 mẫu/đội/ngày.

Do đó, tổng công suất lấy mẫu tối đa mỗi ngày có thể đạt 334.000 - 445.000 mẫu/ngày. Trong thời gian từ ngày 9/7/2021 đến nay đã tiến hành 1.619.292 test xét nghiệm được thực hiện trong đó có 1.328.046 test xét nghiệm kháng nguyên nhanh và test xét nghiệm PCR.

Về năng lực điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19, thành phố đang thực hiện thu dung và điều trị người bệnh COVID-19 được thực hiện theo hệ thống 5 tầng điều trị nhằm phân phối và đảm bảo tốt nhất  hiệu quả chữa trị cho các bệnh nhân. 

Về tổng số nhân lực ngành Y tế đang tham gia chống dịch trên địa bàn là 14.129 nhân sự, trong đó đội ngũ y, bác sĩ của Thành phố là 10.022 người, Trung ương và các tỉnh thành hỗ trợ là 4.107 người; đã phân bổ lực lượng này tại các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức là 6.531 người, tại các bệnh viện dã chiến là 7.407 người và các khu cách ly tập trung là 191 người. 

Giảm mật độ phương tiện lưu thông, nỗ lực tăng cường năng lực cung ứng nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu

Sở GTVT TP.HCM cho biết, trong 15 ngày thực hiện giãn cách, mật độ giao thông trên toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giảm khoảng 80 - 90% so; nhiều quận, huyện đã tổ chức phân luồng lại đối với các tuyến lưu thông trên địa bàn Thành phố để kiểm soát việc di chuyển của người dân trên địa bàn mình quản lý.

Đã cấp Phiếu nhận diện được ưu tiên lưu thông khi qua các khu vực kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 (có mã QR Code) cho 18.658 xe với 549 đầu mối doanh nghiệp (cùng các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng), đảm bảo lưu thông xuyên suốt trên địa bàn Thành phố và ưu tiên (theo luồng xanh) khi qua các trạm kiểm dịch trên địa bàn các tỉnh phía Nam.

Đã huy động 05 tàu cao tốc của Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP (Greenline) để vận chuyển hàng hóa bình quân khoảng 20 tấn hàng hóa/mỗi chuyến tàu.

Về tình hình cung ứng lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân, Sở Công thương TP.HCM cho biết sản lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường Thành phố trung bình hơn 5.000 tấn/ngày. Thành phố đã chỉ đạo các hệ thống phân phối, doanh nghiệp bình ổn thị trường Thành phố nâng khả năng dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng đồ khô với năng lực dự trữ lên 120.000 - 150.000 tấn/tháng, đảm bảo đầy đủ nhu cầu phục vụ người dân trên địa bàn Thành phố.

Ngoài ra đã công bố 2.833 điểm bán được phân bổ rộng khắp trên địa bàn 22 quận huyện, Thành phố Thủ Đức gồm 106 siêu thị, 2.616 siêu thị Mini, cửa hàng tiện lợi, 111 chợ truyền thống đủ điều kiện an toàn và 28.700 cửa hàng bách hóa; đã tăng cường tổ chức các điểm bán hàng thực phẩm bình ổn lưu động trên khắp địa bàn với nhiều mô hình mới như xe bus bán thực phẩm lưu động…, mang hàng hóa, nhu yếu phẩm đến người dân tại từng địa bàn dân cư.

Tính đến ngày 22/7/2021, Thành phố đã tổ chức được 798 điểm bán với 886 lượt xe bán hàng lưu động phân bổ trên địa bàn các quận - huyện, Thành phố Thủ Đức. 

Để từng bước khôi phục hoạt động của chợ truyền thống, hiện Thành phố đã triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ người dân đi chợ như mô hình “App đặt lịch đi chợ dành cho người dân” (đang thí điểm tại chợ Tân Chánh Hiệp, Quận 12); mô hình “Tổng đài đặt lịch đi chợ” (đang thí điểm tại chợ Bình Thới, Quận 11).

Trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình, Thành phố sẽ triển khai nhân rộng thực hiện đồng bộ cho các chợ truyền thống trên địa bàn….

Sẽ tiếp tục duy trì và siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tới ngày 1/8

Từ những mặt được và chưa được, lãnh đạo TP.HCM quyết định sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg đến ngày 1/8/2021 với các giải pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong. 

Thành phố sẽ tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách. Ngân hàng, chứng khoán bảo đảm hoạt động mức độ duy trì công suất để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết, riêng đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách.

Siết chặt hoạt động của doanh nghiệp: chỉ những doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn.

Các doanh nghiệp sản xuất khác chỉ được phép hoạt động với điều kiện phải bảo đảm an toàn; kiên quyết dừng ngay lập tức và xử phạt nghiêm đối với các trường hợp hoạt động không bảo đảm các yêu cầu công tác phòng, chống dịch. 

Tiếp tục tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm để mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ. Tiếp tục phát huy thế mạnh của test nhanh kháng nguyên; đồng thời đẩy mạnh việc tiếp nhận thông tin tại từng khu phố, ấp và đáp ứng kịp thời xét nghiệm tại nhà cho người có triệu chứng, người có yếu tố dịch tễ (kể cả ttrong khu vực phong tỏa, khu vực nguy cơ hay khu vực cộng đồng ít nguy cơ…).

Kết hợp việc xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và cách ly tại nhà đối với người chờ kết quả khẳng định của xét nghiệm PCR. Tiếp tục hoàn thiện công tác nhập liệu để phục vụ cho việc phân tích, dự báo và đề ra các giải pháp phù hợp. Triển khai trả kết quả xét nghiệm qua tin nhắn điện thoại và ứng dụng y tế trên điện thoại thông minh. 

Siết chặt công tác quản lý khu phong tỏa với mục tiêu tiên quyết là không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa: Thực hiện khoanh vùng khu phong tỏa phù hợp đáp ứng các tiêu chí về dịch tễ; hàng ngày theo dõi số lượng F0 phát sinh mới tại từng khu phong tỏa, qua đó kịp thời phát hiện nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa và có giải pháp khắc phục ngay;

Đánh giá tình hình khu phong tỏa định kỳ để kịp thời gỡ phong tỏa từng phần, từ đó sẽ giảm thiểu áp lực về tâm lý cho người dân và sức lực của các lực lượng quản lý phong tỏa. 

Phải kiểm soát thật chặt chẽ khu phong tỏa: các địa phương phải thật quyết liệt; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân; gia đình với gia đình; thực hiện nghiêm yêu cầu, quy định cách ly, phong tỏa “nhà cách ly với nhà, người cách ly với người”.

Yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trong khu phong tỏa với sự tham gia của lực lượng công an, quân đội, Thanh niên xung phong; phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị xã hội, hoạt động của Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng tham gia kiểm soát chặt chẽ khu phong tỏa.

Trường hợp vi phạm thì phải xử lý thật nghiêm; nơi nào vẫn để tiếp diễn tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách dẫn đến lây nhiễm thì sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương nơi đó.

Các bộ phận liên quan cần nhanh chóng khắc phục vướng mắc hiện nay trong việc phối hợp điều chuyển F0, F1 trong quá trình cách ly và điều trị. Theo đó, hướng dẫn rõ công tác vận chuyển, phối hợp giữa các khu cách ly và bệnh viện điều trị khi “F1 chuyển thành F0” và “F0 không triệu chứng thành F0 có triệu chứng nặng”. Nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm cấp cứu 115 trong công tác điều phối và vận chuyển bệnh nhân kịp thời, giảm tử vong. 

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để kịp thời điều động đội ngũ nhân lực và trang thiết bị tốt nhất cho các bệnh viện tầng 5; tăng cường các máy thở chức  năng cao cho Bệnh viện này để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng; song song đó phối hợp Bộ Y tế thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP.HCM.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

Hôm nay (22/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng.

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi Luật Giá được Quốc hội thông qua, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện Nghị định thi hành Luật Giá nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, quy định liên quan tới kê khai giá trong Nghị định này đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi có điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Số liệu Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc tuần giao dịch 15 – 21/4, mặc dù giá hàng hoá biến động rất mạnh nhưng các mức tăng, giảm trái chiều khiến chỉ số MXV-Index chỉ nhích nhẹ 0,05% so với tuần trước đó, lên mức 2.329 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng đỉnh trong 7 tháng qua.

Gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Việc chăm lo giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

// //