Thúc đẩy phát triển kinh tế số: Cần làm thật, làm đúng, chớ chạy theo phong trào
Huy Hoàng - 22/04/2022 | 16:09 (GTM + 7)
Là một thành tố quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số không chỉ phục vụ lợi ích thường nhật của hàng triệu người dân đô thị mà còn là một hướng đi cần thiết để các địa phương khẳng định năng lực quản lý và điều hành ở cấp độ vĩ mô.
Sau 2 năm chịu tác động bởi dịch COVID-19, giờ đây chị Lê Thị Mỹ Hạnh (phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã quá quen thuộc với việc đi chợ bằng điện thoại thông minh.
Những ngày tháng phải ở nhà thực hiện giãn cách xã hội, làm việc từ xa đã khiến chị Hạnh từ 1 người không rành công nghệ nay có thể mua từ cọng rau con cá cho đến quần áo, mỹ phẩm, thậm chí là chiếc xe máy trị giá vài chục triệu đồng.
"Ban đầu em không hào hứng lắm với việc mua sắm online, tuy nhiên khi buộc phải ở nhà không thể ra đường thì chiếc điện thoại di động với các ứng dụng mua bán trực tuyến đã giúp em rất nhiều. Bây giờ, tuy cuộc sống dã dần trở lại bình thường nhưng em vẫn giữ thói quen mua sắm online, nó vừa giúp tiết kiệm được thời gian vừa cho mình sự chủ động trong kế hoạch chi tiêu, mua sắm", chị Hạnh nói.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Văn Thị Anh Thư – giám đốc Marketing công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang cho biết các ứng dụng số đã mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho hoạt động của doanh nghiệp, không chỉ vậy quá trình chuyển đổi số còn giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với nhiều khách hàng hơn so với trước.
Bà Thư chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn mang đến nhiều giải pháp an toàn, tiết kiệm, thẩm mỹ, công nghệ, giải pháp linh hoạt cho người dùng cũng như đóng góp nhiều hơn cho kỷ nguyên số, kinh tế số của Chính phủ và các địa phương".
Ông Phạm Lưu Đức – chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp quận 12 (TPHCM), giám đốc công ty TNHH sơn Hoàng Gia cho biết doanh thu từ các giao dịch số trong năm 2021 của công ty ước đạt từ 20-25% và mục tiêu trong các năm tiếp theo dự báo sẽ còn tăng cao hơn nữa: "Hiện nay các doanh nghiệp đang rất muốn chuyển đổi số để hòa nhập vào thị trường thế giới, để được vậy thì rất cần chính quyền phải thực sự minh bạch, có những chính sách pháp lý rõ ràng để doanh nghiệp làm theo chứ không nên để doanh nghiệp tự làm rồi dẫn đến hệ lụy về sau".
Chính sự chuyển mình trong tư duy mua sắm, kinh doanh của hàng triệu người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát đã gián tiếp mang đến doanh thu hơn 190.000 tỷ đồng cho hoạt động kinh tế số của TP.HCM trong năm 2021.
Đây chính là cơ sở quan trọng để Đảng bộ và chính quyền TP.HCM đưa kinh tế số trở thành động lực tăng trưởng mới trong tương lai.
Điều này đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội Đảng TPHCM lần thứ XI. Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: "TP.HCM đã xây dựng kế hoạch hành động, quyết tâm thực hiện chương trình chuyển đổi số, đặt mục tiêu sớm đưa viện công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo của thành phố, trung tâm tư vấn hỗ trợ chuyển đổi số hoạt động có hiệu quả hơn.
Triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh ở giai đoạn 2, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước, thúc đẩy các đề án phát triển giáo dục thông minh, y tế thông minh, trí tuệ nhân tạo, quyết tâm hình thành nhanh hệ sinh thái toàn diện phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế số thành phố".
Với việc tổ chức diễn đàn kinh tế 2022 để tìm kiếm các giải pháp phát triển kinh tế số, TP.HCM đã thể hiện một quyết tâm đủ lớn trong chiến lược trở thành đầu tàu kinh tế số của cả nước.
Điều này đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ phía lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: "Tôi có niềm tin là sự khởi động của kinh tế số là động lực tăng trưởng, đây là một tư tưởng vô cùng quan trọng mang tính hành động rất kịp thời, với tất cả những nền tảng vững chắc hiện nay, những sự bắt đầu rất sớm hiện nay thì tôi rất tin tưởng TP.HCM sẽ tiếp tục là đầu tàu trọng điểm của kinh tế phía Nam và cả nước trong sự phát triển sắp tới".
Đồng tình với chiến lược phát triển kinh tế số của TP.HCM, tuy nhiên theo tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn – giảng viên cao cấp đại học Bristol (Anh Quốc) thì thành phố cần lưu ý thêm về vấn đề pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp: "Tôi cho rằng TP.HCM cần có độ mở lớn hơn nữa đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh sử dụng dịch vụ kinh tế số. Các doanh nghiệp nhỏ hiện nay đang rất khó trong chuyển đổi số do đó cần khung pháp lý để các sở ban ngành, đơn vị có thể tài trợ cho các doanh nghiệp có thể chuyển đổi số thành công".
Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng Chính phủ và các bộ ngành cần dành nhiều sự quan tâm hơn, nhất là đề xuất cho phép triển khai các thử nghiệm trước khi hoàn thiện các quy định pháp lý trong phát triển kinh tế số: "Cái đổi mới sáng tạo đòi hỏi nhà nước không thể quy định trước được mà nó phát triển sau đó, thấy rằng có vấn đề cần quản lý thì mới có quy định (còn gọi là sendbox), đó là cái mà thể chế cần tập trung vào".
Tập trung phát triển kinh tế số là tư duy đột phá và hết sức cần thiết để T.PHCM có thể về đích sớm hơn trong công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch.
Việc lựa chọn Kinh tế số là động lực phát triển trong thời gian tới là một hướng đi phù hợp của TPHCM, tuy vậy để công cuộc này thực sự mang lại hiệu quả thì rất cần những động thái cụ thể từ chính quyền thành phố lẫn các bên liên quan.
Tiếp tục vấn đề này, ngay sau đây, xin mời quý vị cùng theo dõi bài bình luận với nhan đề “Chớ chạy theo phong trào”
2 năm vừa qua, dịch COVID-19 tuy đã gây ra những tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống người dân nhưng ở góc độ nào đó lại là một cú hích tích cực để thúc đẩy giao dịch trực tuyến nói riêng và chuyển đổi số nói chung, ở Việt Nam và cả phạm vi toàn cầu.
Không chỉ có những bước phát triển mạnh mẽ mà kinh tế số đang có xu hướng áp đảo so với nền kinh tế truyền thống. Điều này thể hiện rõ ở con số hơn 381 tỷ USD quy mô thị trường IOT trên phạm vi toàn cầu.
Với những lợi thế sẵn có, TP.HCM một lần nữa đóng vai trò tiên phong khi là địa phương đầu tiên ban hành chương trình chuyển đổi số ngay sau khi Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia. Điều này cho thấy sự nhạy bén trong tư duy và hành động của chính quyền thành phố trong việc lựa chọn những phương thức tiếp cận mới giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Việc đặt mục tiêu đưa kinh tế số chiếm 25% GRDP vào năm 2025 và 40% GRDP vào năm 2030 được xem là một thách thức không nhỏ cho TP.HCM. Nó vừa là tham vọng vừa là động lực để đưa TP.HCM tìm lại vị thế vốn có của mình. Quan trọng hơn là tập trung sự phát triển của thành phố theo hướng sáng tạo và bền vững.
Để có một nền kinh tế số phát triển, trước mắt cần duy trì và đảm bảo hoạt động hiệu quả nền kinh tế thực (hay còn gọi là kinh tế truyền thống). Việc đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ hàng hóa dồi dào chính là tiền đề cần thiết để thúc đẩy kinh tế số, kinh doanh trực tuyến hay các dịch vụ số khác.
Thường xuyên trao đổi học tập nghiêm túc các kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia trên thế giới, thiết lập các kênh hợp tác song phương, đa phương để cập nhật, điều chỉnh kịp thời, linh hoạt, đảm bảo tính đặc thù của đất nước, của địa phương.
Quá trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế số của TP.HCM cần gắn liền với đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, rà soát các bất cập về thể chế, bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng nhân sự chất lượng cao.
Thường xuyên lắng nghe và kịp thời giải quyết những bất cập trong quá trình triển khai chuyển đổi số ở cấp cơ sở, doanh nghiệp lẫn người dân.
Cần khẳng định rằng phát triển kinh tế số là lựa chọn mà nhiều quốc gia, nhiều địa phương đang hướng tới. Chính vì tính thời thượng như vậy nên khi triển khai cần hết sức tập trung, nghiêm túc, tuyệt đối tránh tình trạng chạy theo phong trào dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Nên dành sự quan tâm đúng mức về nhân lực, vật lực để hoàn thành dứt điểm từng cột mốc, đề án cụ thể hơn là dàn trải, thiếu trọng tâm để rồi im lặng không kèn không trống như nhiều chủ trương khác.
Tập trung phát triển kinh tế số là tư duy đột phá và hết sức cần thiết để TP.HCM có thể về đích sớm hơn trong công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch. Hơn hết, đó còn là cơ hội để TP.HCM tái khẳng định vai trò dẫn dắt trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Cơ hội đã rõ, điều quan trọng là sự quyết tâm cùng với tinh thần trách nhiệm cao nhất của cả hệ thống chính trị, để cùng làm đúng, làm đủ, làm một cách khoa học theo tinh thần đổi mới, sáng tạo mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới.
Những năm tháng đầu đời tại trường Mầm non là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của của trẻ. Và không chỉ có các cô giáo, các em nhỏ trường Mầm non 19/5 Thành phố còn có một người bạn đồng hành đầu tiên, người thầy đầu tiên đó là thầy Thái Hồng Duy.
Trước thực trạng thuốc lá điện tử, ma túy, cũng như các tệ nạn xã hội có chiều hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt là người sử dụng ngày càng trẻ hóa, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhằm ngăn ngừa tình trạng ma túy xâm nhập học đường.
Những ngày này tận dụng thời tiết khô ráo, nhà thầu thi công Dự án mở rộng QL21B qua địa bàn huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội đã tập trung máy móc thiết bị, nhân sự đẩy mạnh thi công, quyết tâm đưa một phần dự án vào khai thác cả 2 chiều dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Giá vé máy bay tăng cao trong suốt năm vừa qua do nhiều nguyên nhân. Nhưng, điều đáng buồn là giải pháp thuê thêm tàu bay của các hãng hàng không lại gặp khó vì thủ tục.
Các tuyến đường cửa ngõ, vành đai phía Nam Hà Nội đang được tích cực triển khai dự án mở rộng. Đây là một tin vui với bộ hành yêu thích đi xe buýt ở khu vực ngoại vi trung tâm.