

Giữa mưa bom bão đạn, giữa muôn trùng hiểm nguy của khói lửa chiến tranh, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã được hình thành. Đây không chỉ là huyết mạch giao thông, cầu nối giữa hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, mà còn là biểu tượng của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
Dưới sự phá hoại điên cuồng của kẻ thù, hàng vạn chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã ngã xuống để giữ vững con đường. Máu đã đổ, nhưng ý chí không bao giờ khuất phục, để những đoàn xe thẳng tiến, hướng về miền Nam – thành đồng Tổ quốc.

HỒI ỨC NGƯỜI LÍNH GIÀ
Một buổi chiều giữa tháng Ba, xe chúng tôi lăn bánh trên con đường Hồ Chí Minh thênh thang, uốn lượn giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
Ngồi bên cửa sổ, Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Phó tư lệnh Binh đoàn 12, một trong những người chỉ huy, người lính Trường Sơn ngày ấy lặng hướng ánh mắt về phía trước. Những ký ức Trường Sơn năm nào bỗng ùa về như một thước phim quay chậm:
“Trên đường Trường Sơn chúng tôi sử dụng nhiều loại xe, trong đó có các loại xe 2 tấn, rồi đến 5 tấn, 6 tấn. Chúng tôi dùng xe ấy để chở vũ khí đạn dược, lương thực, đồng thời chở quân. Các anh biết là phải chở quân chứ còn đi bộ thì lâu lắm.
Nếu đi bộ từ Bắc vào Nam thì mất 6 tháng mới đến nơi. Nhưng nếu đi ô tô thì mất trên dưới một tháng. Cho nên buộc phải thực hiện mới đảm bảo được cho cơ động quân đội và chiến đấu”.

Hiệp định Genève 1954 chia cắt đất nước, vĩ tuyến 17 thành ranh giới. Giao thông Bắc - Nam cũng bị chia cắt, quốc lộ 1 cắt đoạn, đường sắt chia đôi.
Trường Sơn trở thành huyết mạch đường bộ xuyên rừng, núi cao nghìn mét, địa chất phức tạp, khí hậu khắc nghiệt. Tinh thần "Khoét núi đào hầm, mưa dầm cơm vắt" trong chiến thắng Điện Biên Phủ tiếp tục giúp quân dân ta mở đường trong lửa đạn...
Tháng 1/1959, cách mạng miền Nam gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là giao thông, liên lạc và việc chi viện từ Bắc vào Nam. Đảng ta đã xác định rõ: “Miền Nam là tiền tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn”, vì vậy miền Bắc phải chi viện sức người, sức của cho miền Nam chiến đấu.
Do đó, ngay trong tháng 5/1959, Tổng Quân ủy Trung ương quyết định thành lập “Đoàn quân sự đặc biệt” (sau đó gọi là Đoàn 559) có nhiệm vụ mở thông đường Trường Sơn vào Nam, nhằm xây dựng tuyến chi viện chiến lược.
“Trong cuộc chiến tranh đó, Đảng ta, nhà nước ta quyết định là phải tiến hành cuộc chiến tranh về mặt quân sự để thực hiện giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Và để làm được việc này thì phải có một tổ chức, lực lượng bảo đảm cho chi viện của miền Bắc vào cho miền Nam.
Vì vậy cho nên đã tổ chức thành lập ra một tuyến chi viện mang tên đoàn 559, lúc đầu để đảm bảo bí mật thì gọi là đoàn quân sự đặc biệt”, Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Phó tư lệnh Binh đoàn 12 tâm sự.

Nhìn con đường mòn Trường Sơn năm xưa nay đã trở thành thành đường Hồ Chí Minh rộng lớn, vươn mình như một dải lụa khổng lồ, kết nối những ký ức hào hùng với một tương lai đầy hy vọng, ánh mắt Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó chủ nhiệm về Chính trị Tổng cục Kỹ thuật như ngời lên bao cảm xúc.
Giữa vòng vây của kẻ thù, con đường trở thành huyết mạch chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam. Đó không chỉ là một kế hoạch táo bạo, mà còn là minh chứng cho ý chí sắt đá, tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn: “Lúc bấy giờ có khẩu hiệu là ‘Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Do đó, lực lượng Trường Sơn được làm nhiệm vụ là vận chuyển, chi viện.
Ngoài lực lượng của bộ đội Trường Sơn thì có hàng triệu những cán bộ chiến sĩ của các đơn vị quân đội và cán bộ của Đảng và nhà nước từ miền Bắc vào miền Nam đều đi qua tuyến đường Trường Sơn. Lực lượng bộ đội Trường Sơn làm nhiệm vụ vận chuyển, hướng dẫn và đảm bảo cho lực lượng này vào miền Nam”.

Ảnh tư liệu do Bảo tàng tỉnh Bình Phước cung cấp
Từ những cánh rừng Trường Sơn bạt ngàn, bước chân đầu tiên của các chiến sĩ Đoàn 559 bắt đầu hành trình mở đường vào Nam. Họ là những người tiên phong xây dựng đường Trường Sơn, mang theo khát vọng thống nhất đất nước, viết nên trang sử hào hùng của dân tộc.
Gánh trên vai sứ mệnh lịch sử là vận chuyển vũ khí, hàng hóa và bộ đội chi viện cho miền Nam, những năm đầu, đường Trường Sơn còn rất thô sơ, gần như chưa có gì ngoài các lối mòn, gập ghềnh, lầy lội và dốc đá cheo leo. Phương tiện vận chuyển chủ yếu là gùi, thồ hay xe đạp, khiến mỗi chuyến đi là một thử thách khắc nghiệt.
“Từ năm 1959 được thành lập, lực lượng lúc đầu chỉ có 500 cán bộ chiến sĩ thôi, phần lớn là cán bộ chiến sĩ miền Nam. Tuyến đường này là những tuyến đường chúng ta đã hoạt động từ thời kháng chiến chống Pháp, cho nên người ta mới gọi là đường mòn.
Như sau này đồng chí Nguyễn Viết Sinh, được công nhận là Anh hùng lực lượng vũ trang, là chiến sĩ giao liên gùi thồ, người ta tính quãng đường anh đi bằng một vòng quanh trái đất”, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn chia sẻ thêm.
CON ĐƯỜNG CỦA Ý CHÍ VÀ NIỀM TIN
Nhưng với ý chí sắt đá cùng lòng dũng cảm phi thường, quân và dân ta đã kiên trì bám trụ, không ngừng mở rộng, củng cố tuyến đường. Nhiều đoạn được nâng cấp kiên cố, đủ sức cho xe cơ giới có thể đi qua, tạo nền tảng vững chắc cho những bước tiến ngoạn mục sau này.
Theo Thiếu tướng Võ Sở, để từng bước xây dựng nên con đường, biết bao máu và mồ hôi của các chiến sĩ đã đổ xuống. Họ là những người con ưu tú của Tổ quốc, không quản ngại gian khổ, hy sinh, ngày đêm bám đường, thông tuyến:
“Trung đoàn 98 năm 1964 mở liền một lúc là 500 km đường, từ Mường Lò cho đến ngã ba biên giới, xuyên suốt tới Champasack, tỉnh cuối cùng của Lào. Bộ đội phải đi qua các vùng núi cao, vùng sông suối.
Lúc đầu ta chưa có kinh nghiệm thì có dùng một số lực lượng thanh niên xung phong, nhưng chủ yếu vẫn là công binh và bộ đội khác. Nhưng về sau, chúng tôi phải sử dụng xe ủi, xe húc từ DT35 cho đến C100 và các loại bom, mìn khác để mà khơi thông con đường.
Nhưng có một việc nữa là địch đánh phá. Khi chúng tôi làm mở đường thì địch đã đánh phá rồi, nhưng khi đã đảm bảo được thì địch đánh phá ngày càng ác liệt hơn”.
Những năm sau đó, hệ thống đường Trường Sơn ngày càng được mở rộng, nâng cấp, kết hợp cùng mạng lưới đường bộ, đường sông.
Để bảo đảm giao thông trên tuyến đường huyết mạch này, hàng vạn xe vận tải, pháo cao xạ, súng máy, tên lửa... được huy động. Quân và dân ta biến nơi đây thành chiến trường chống lại không lực Hoa Kỳ, với quyết tâm “Máu có thể đổ, đường không tắc; còn người, còn xe, còn hàng; tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Ảnh tư liệu do Bảo tàng tỉnh Bình Phước cung cấp
Năm mươi năm sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đứng trên con đường Trường Sơn, giờ trở thành biểu tượng của sự phát triển và đoàn kết, Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung, Nguyên Tư lệnh Binh đoàn 12 rưng rưng niềm tự hào, xúc động.
Những trọng điểm địch đánh phá ác liệt năm xưa, các sở chỉ huy tiền phương một thời trên con đường huyền thoại như Cà Ròong, ngầm Ta Lê hay đèo Phu La Nhích… đã trở thành những địa chỉ đỏ để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay.
“Nói đường Trường Sơn huyền thoại thì có lẽ lịch sử của dân tộc ta sẽ mãi mãi ghi nhớ. Nó là cầu nối của miền Bắc Xã hội chủ nghĩa vào tiền tuyến lớn miền Nam. Tức là tuyến đường đó làm công tác vận tải để đưa tất cả thiết bị, trang bị, lực lượng và con người vào miền Nam.
Và chiều ngược lại thì có việc là đưa thương binh và cán bộ từ miền Nam ra miền Bắc. Do đó có thể khẳng định nếu không có lực lượng của tuyến Trường Sơn thì miền Nam không thể có sức mạnh để giải phóng, để đánh thắng Mỹ”, Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung chia sẻ.
Xuyên qua dãy Trường Sơn hùng vĩ, bất chấp mưa bom, bão đạn, đường Hồ Chí Minh đã nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Đến năm 1975, tổng chiều dài tuyến đường lên tới gần 17.000 km.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, con đường đã vận chuyển hàng triệu tấn vũ khí, lương thực, thuốc men... Đặc biệt, tuyến đường bảo đảm cho hơn 2 triệu lượt bộ đội hành quân vào, ra chiến trường, góp phần quan trọng trong nhiều chiến thắng của quân và dân ta, để tiến tới Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đường Hồ Chí Minh, không chỉ là biểu tượng của lịch sử hào hùng, mà còn là huyết mạch giao thông quan trọng của đất nước trong thời kỳ hiện đại.
Từ những lối mòn gian khổ trong chiến tranh, con đường này đã vươn mình trở thành tuyến đường bộ quan trọng, kết nối liền mạch Bắc - Nam, mang lại sức sống mới cho nền kinh tế, đánh thức tiềm năng của các vùng và địa phương phía Tây lãnh thổ.
Đặc biệt, tuyến đường mở ra cơ hội lớn cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, giúp hàng hóa, nông sản từ những vùng đất này có thể vận chuyển nhanh chóng, thuận tiện đến các trung tâm kinh tế lớn, tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập, đời sống. Ý chí quật cường vượt lên gian khó, tinh thần sáng tạo trên đường Trường Sơn vẫn đang tỏa sáng trên hành trình mới của đường Hồ Chí Minh hôm nay.

MÁU CÓ THỂ ĐỔ, ĐƯỜNG KHÔNG THỂ TẮC
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng bất diệt, thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam.
Trên con đường huyền thoại này, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… bất chấp bom đạn, vượt mọi hiểm nguy, mở lối, giữ đường, đảm bảo cho mạch máu chi viện không bao giờ bị cắt đứt.
“Nơi này Mỹ đã sử dụng mọi lực lượng hiện đại nhất của quân đội Mỹ thời đó về không quân và bộ binh để đánh phá tuyến chi viện. Nếu bom đạn địch rải xuống miền Bắc Việt Nam là hơn mười triệu tấn thì riêng tuyến đường Trường Sơn là hơn 4 triệu tấn bom đạn. Chúng tôi tính toán cứ mỗi mét đường có ít nhất từ 5 đến 10 quả bom”, Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Phó tư lệnh Binh đoàn 12.
“Lúc đó khó khăn lắm, sau khoảng sáu tháng thì bắt đầu sốt rét đến và có thể nói là gần như 100%. Những đối mặt luôn cập kề với sự hi sinh”, bà Ngô Thị Tuyết, nguyên chiến sĩ giao liên trên đường Trường Sơn.
“Anh em chúng tôi bộ đội công binh, hôm nay còn ngồi với nhau nhưng chốc nữa chưa chắc đã còn nữa, cái chết và cái sống cách nhau trong gang tấc thôi. Và không tính bằng giờ đâu, nhiều khi là cùng một tiểu đội đấy nhưng ra mặt đường khi về chỉ còn một nửa thôi, anh em đã nằm lại rồi”, Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung, Nguyên Tư lệnh Binh đoàn 12.

Ảnh tư liệu do Bảo tàng Hậu cần - Kỹ thuật cung cấp
Bất chấp sự đánh phá tàn khốc của bom đạn, với sự gan góc, kiên cường của quân và dân ta, đường Trường Sơn vẫn hiên ngang đứng vững. Kể từ khi ra đời vào ngày 19/5/1959, đường Trường Sơn ngày càng mở rộng và nâng cấp, giúp quân ta vận chuyển hàng trăm nghìn tấn vũ khí, đạn dược, hàng triệu lượt bộ đội vào Nam, tạo thế trận vững chắc để từng bước làm thay đổi cục diện chiến trường.
Nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của tuyến đường, đế quốc Mỹ điên cuồng trút xuống hàng triệu tấn bom đạn, biến nơi đây thành chảo lửa hủy diệt, hòng cắt đứt tuyến chi viện của ta.
Nhìn dải Trường Sơn hôm nay rợp bóng cây xanh, Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung, Nguyên Tư lệnh Binh đoàn 12, chậm rãi đưa tay chạm vào từng lớp đất cũ. Ký ức của những ngày khói lửa năm xưa như vẫn còn tươi rói trong từng nắm đất bên đường:

“Lực lượng công binh mở đường, đảm bảo máu có thể đổ, đường không thể tắc, tư tưởng chỉ đạo như thế. Giai đoạn đó phải nói địch chặn bằng mọi cách. Những điểm trọng yếu, qua phà, qua ngầm, qua đèo đó là các trọng điểm, địch đánh phá suốt ngày đêm, tức là nó quyết tâm chặn mình.
Nhưng bộ đội của ta thể hiện ý chí là địch chặn đường này ta đi đường khác, mất tuyến này ta đi tuyến khác. Do đó, có 5 trục dọc và 21 trục ngang. Như thế tuyến lúc nào vẫn cứ thông suốt, lúc nào hàng cũng vẫn vào được miền Nam. Điều đó thể hiện ý chí của bộ đội Trường Sơn”, Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung bồi hồi nhớ lại.
Lặng lẽ bước trên con đường một thời từng khắc in dấu chân đồng đội, Đại tá Nguyễn Văn Mức, nguyên chiến sĩ quân giới bộ đội Trường Sơn, bồi hồi nhớ về những năm tháng chiến đấu gian khổ, không chỉ đối mặt với bom đạn ác liệt mà còn cả muỗi, vắt, và những cơn sốt rét như cơn sốt rét giữa rừng thiêng nước độc:
“Khi vào đến Nam Lào chúng tôi đều đào hầm hết, hầm chữ A, ăn ở trong đó. Suốt ngày bom đạn. Những mùa mưa thì toàn ở hầm chữ A. Bệnh sốt rét rất nhiều. Tôi vào đấy sức khỏe cũng tốt nên một năm sau mới bị sốt rét".

Ảnh tư liệu do Bảo tàng tỉnh Bình Phước cung cấp
SÁNG TẠO TỪ XƯƠNG MÁU
Năm 2011, Hội Kỷ lục gia Việt Nam ghi nhận đường Trường Sơn là tuyến đường quân sự độc nhất vô nhị, với chiều dài lớn nhất, thi công trong điều kiện địa hình khắc nghiệt, có đỉnh cao nhất gần 2.180m. Đây cũng là con đường có nhiệt độ thấp nhất, lượng mưa nhiều nhất và độ bốc hơi ít nhất trong lịch sử giao thông quân sự Việt Nam.
Giữa không gian yên bình hôm nay, Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung hồi tưởng những mùa mưa khắc nghiệt ở Trường Sơn, nơi các chiến sĩ công binh, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong… ngày đêm kiên cường bám trụ, xẻ núi, bắc cầu:
“Mưa bên Lào là sáu tháng cơ. Sáu tháng khô, sáu tháng mưa. Mùa mưa là mùa khó khăn nhất, địch vẫn biết lợi dụng về thời tiết để đánh về mùa mưa. Không những đường mưa lầy lội xe ta không vận chuyển được. Bao gạo một tạ không phải đồng chí nào cũng cõng được bao gạo một tạ đâu. Vứt xuống suối rồi cõng từ suối lên kho, rất gian khổ.
Giai đoạn đó các binh trạm phía trong như Nam đường 9 mùa mưa nhiều đơn vị không có gạo ăn. Như bọn tôi giai đoạn đó chỉ bình quân là 3 lạng một ngày, ưu tiên chủ yếu cho các đồng chí thương binh đang điều trị ở bệnh xá, ưu tiên những đồng chí đang sốt rét. Rất gian khổ thiếu thốn đủ đường. Nhưng ý chí, quyết tâm đã thấm nhuần trong máu rồi”.
Bom đạn cày xới, đất đá vùi lấp, nhưng những người lính công binh Trường Sơn vẫn lặng lẽ tiến lên, mở đường dẫn lối. Họ đào hầm xuyên núi, bắc cầu vượt sông, bất chấp hiểm nguy, để từng đoàn quân, từng chuyến hàng ra trận đúng hẹn.
Bà Ngô Thị Tuyết, nguyên chiến sĩ giao liên trên đường Trường Sơn nhớ lại những ngày bom trút như mưa, bà cùng đồng đội gùi hàng, tải lương, dẫn đường cho đoàn quân vượt qua suối sâu, dốc đứng giữa khói lửa chiến trường, nơi mỗi bước chân đều là thử thách sinh tử:
“Lực lượng này có sự hy sinh, gian khổ rất lớn. Có thể nói, đường Trường Sơn trước đây là độc đạo, nhưng sau này, chiến lược quân sự của ta không phải ở thế độc đạo nữa mà mở ra nhiều con đường, đường dọc đường ngang, đường kín đường hở, cả những con đường nghi binh đánh lạc hướng Mỹ và mình vẫn đảm bảo đưa quân vào thông tuyến”.

Đối diện với hiểm nguy, lực lượng công binh Trường Sơn vẫn dũng cảm, mưu trí, sáng tạo. Họ ngày đêm rà phá bom mìn ở các trọng điểm, xử lý bom từ trường, chế tạo dụng cụ rà phá, biến Trường Sơn thành trận địa công binh kiên cường.
Mỗi quả bom bị vô hiệu hóa là một con đường được khai thông, mỗi mét đường được bảo vệ là một bước quân ta tiến ra tiền tuyến. Nhờ tinh thần thép và trí tuệ sắc bén, những người lính công binh đã biến hiểm nguy thành chiến công, đảm bảo cho từng đoàn xe tiếp tục lao về phía trước.
"Bom mìn cũng rất nhiều loại, cái nổ nhanh, cái nổ chậm, có cái đến hàng tháng nó mới nổ cơ. Mỹ cũng tìm mọi cách về khoa học kỹ thuật thời đó để ngăn chặn bằng được đường Trường Sơn. Nhưng mà chính khát vọng độc lập tự do, từ hi sinh mà rút ra những bài học kinh nghiệm, từ xương máu để đẻ ra những sáng tạo.
Do đó sau này các loại bom từ trường hay các loại mìn vướng đối với công binh Trường Sơn chúng tôi gần như trở thành chuyện bình thường”, Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung, Nguyên Tư lệnh Binh đoàn 12 kể lại.

ĐÁNH ĐỊCH MÀ ĐI, MỞ ĐƯỜNG MÀ TIẾN
Theo Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Phó tư lệnh Binh đoàn 12, bên cạnh nhiệm vụ vận tải, Bộ đội Trường Sơn còn trực tiếp chiến đấu để bảo vệ tuyến đường huyết mạch, với phương châm "Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến", vừa vận chuyển, vừa kiên cường bám trụ, vừa ngoan cường đánh trả, biến tuyến đường thành chiến trường bất khả xâm phạm:
“Bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi 2.455 máy bay Mỹ, đủ các loại trong đó có một B52. Nếu tính số máy bay mà bộ đội Trường Sơn đánh thì chiếm hơn một nửa tổng số máy bay của cả nước ta bắn rơi trong kháng chiến chống Mỹ. Nếu chiến đấu trong chiến tranh thì chúng tôi có hơn 120 nghìn người chiến đấu trên đường này”.
Chính ý chí quật cường ấy khuất phục bom đạn quân thù, đã tạo nên vận tải huyết mạch vững chắc, đưa từng đoàn quân, từng chuyến hàng tiến thẳng vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.
Sau ngày non sông thu về một mối, con đường huyền thoại mang tên Bác đã bước sang một trang sử mới, mở ra hành trình kiến thiết và phát triển đầy mạnh mẽ.
Năm 2000 đánh dấu cột mốc quan trọng khi dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 chính thức khởi động. Đến năm 2004, Quốc hội ban hành Nghị quyết 38, khẳng định tầm vóc quốc gia của công trình này.
Với quyết tâm cao độ, dự án được triển khai trên quy mô rộng lớn, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hàng loạt đoạn tuyến, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng mặt đường, xây dựng các công trình cầu cống hiện đại.
Mục tiêu chiến lược là kiến tạo đường Hồ Chí Minh thành tuyến cao tốc, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng. Đường Hồ Chí Minh ngày nay đã thực sự trở thành tuyến giao thông hiện đại, đóng vai trò then chốt trong hệ thống giao thông vận tải Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

NHỮNG NGƯỜI GIỮ VỮNG "HUYẾT MẠCH RA TRẬN"
Đường Hồ Chí Minh - huyết mạch chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, không chỉ là tuyến vận tải quân sự quan trọng mà còn là biểu tượng của ý chí sắt đá, sức mạnh quật cường của quân và dân ta, biểu tượng của tinh thần đoàn kết nhân dân ba nước Đông Dương.
Từ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đến các tầng lớp nhân dân, tất cả đều chung sức, đồng lòng, giữ vững tuyến chi viện đến ngày toàn thắng.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn sôi nổi và tự hào khi kể những năm tháng oanh liệt, khi công binh xẻ núi mở đường dưới mưa bom, phòng không giáng lửa thép bắn rơi máy bay địch, thanh niên xung phong bạt rừng san lối, dân công hỏa tuyến tải đạn… tất cả cùng chung một ý chí, giữ vững huyết mạch cho tuyến đường ra trận.
Để xây dựng, chiến đấu và bảo vệ đường Hồ Chí Minh, nhiều lực lượng đã cùng chung sức, lập nên những chiến công oanh liệt. Trong đó, bộ đội Trường Sơn mở và duy trì gần 17.000 km đường bộ, vươn dài tới tận Lộc Ninh (Bình Phước), hơn 500 km đường sông, 1.400 km đường ống dẫn xăng dầu, đảm bảo chi viện liên tục cho chiến trường.
Lực lượng công binh ngày đêm rà phá bom mìn, xây hơn 3.000 cây cầu, san lấp hàng ngàn hố bom, giúp giao thông luôn thông suốt.
Bà Ngô Thị Tuyết, nguyên chiến sĩ giao liên trên đường Trường Sơn khẳng định, chính nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng, tuyến đường huyền thoại luôn trụ vững trước mọi mưu đồ của kẻ thù, đưa các binh đoàn thần tốc tiến ra tiền tuyến:
“Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc của chúng tôi khi đó có trên 100 nữ, tuổi mười tám, đôi mươi viết đơn ra trận. Chúng tôi được phân công ở nhiều lĩnh vực trong đường Trường Sơn như giao liên, y tá, công binh, bảo mật và những cương vị như hậu cần. Và tất cả chúng tôi đều cố gắng hết sức để hoàn thành trọng trách với tổ quốc”.

Ảnh tư liệu do Bảo tàng tỉnh Bình Phước cung cấp
TIẾNG HÁT TRÊN TUYẾN LỬA
Bên cạnh những đơn vị trực tiếp chiến đấu, vận tải và mở đường, có một lực lượng góp phần không nhỏ, mang đến sức mạnh tinh thần to lớn cho quân và dân ta trên con đường huyền thoại, đó là lực lượng văn công.
Ông Đặng Văn Sơn, nguyên chiến sỹ thuộc Trung đoàn Công binh 219 bồi hồi nhớ lại những đêm anh em bộ đội, thanh niên xung phong quây quần lắng nghe tiếng hát của đội văn công vang lên giữa rừng, trên đường, dưới hầm, bên những trọng điểm giao thông..., tiếp thêm sức mạnh cho đoàn quân ngày mai ra trận:
“Không ai ngờ được trong Trường Sơn có những hội trường ở dưới lán cây văn công biểu diễn. Văn công tổng cục chính trị các tỉnh gửi vào như Thái Bình, Quảng Ninh, Hà Nam… văn công từng đoàn một vào biểu diễn”.

Nhìn con đường Hồ Chí Minh hôm nay rộng mở, vươn mình giữa rừng xanh bạt ngàn, ông Sơn bồi hồi nhớ về những năm tháng Trường Sơn rực lửa.
Ông khẳng định, chính sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đã thắp lên ý chí sắt đá, giữ vững tinh thần chiến đấu và gắn kết mọi lực lượng, biến tuyến đường năm xưa thành huyền thoại bất diệt trong lịch sử dân tộc:
“Tư tưởng mà không thông thì vác cái bình nước cũng không nổi. Do đó tôi thấy rằng, ngoài nhiệm vụ chuyên môn thì vai trò công tác Đảng, công tác chính trị ở Trường Sơn đóng vai trò rất quan trọng. Tư tưởng lãnh đạo của chi bộ, lãnh đạo của các tổ chức quần chúng đó là một mặt trận.
Nhất là công tác tổ chức về tổ Đảng. Đại đội có chi bộ, tiểu đội có Đảng viên, trung đội có tổ Đảng, xây dựng ngay từ ban đầu về công tác Đảng, công tác chính trị”.

Ảnh tư liệu do Bảo tàng tỉnh Bình Phước cung cấp
Trong những ngày tháng cam go nơi chiến trường, khi bom đạn cày xới đất rừng và gian khổ thử thách ý chí con người, Thiếu tướng Võ Sở, một trong những người chỉ huy năm ấy, tự hào nhấn mạnh, người đảng viên luôn là tấm gương sáng, tiên phong trên mọi mặt trận, thể hiện tinh thần "đi trước, về sau" đầy quả cảm.
Họ không chỉ lãnh đạo, chỉ huy mà còn trực tiếp xông pha nơi nguy hiểm nhất, mở đường, phá bom, sẵn sàng hy sinh để bảo toàn con đường tiếp vận ra tiền tuyến.
“Công tác Đảng, công tác chính trị, công tác tư tưởng mang dấu ấn rất quan trọng, tạo nên sức mạnh. Bí thư chi bộ, chi ủy viên, cấp ủy viên là nòng cốt, phải đi trước, phải lao vào lúc khó khăn nhất. Trong một trận chiến đấu hoặc một ngày hay một tuần là đều phải có họp chi bộ, chi ủy bàn công việc và phân công.
Sự lãnh đạo của chi bộ, chi ủy thể hiện ở điều đó. Còn khi chiến đấu thì rõ ràng là người đại đội trưởng hay chính trị viên phải vào những chỗ khó khăn nhất, và những chỗ khó thì tháo gỡ cho anh em, cùng anh em cùng làm”, Thiếu tướng Võ Sở tâm sự.

TÌNH ĐOÀN KẾT KEO SƠN
Trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, không chỉ có sự chung sức của quân dân ta, mà còn sáng ngời tinh thần đoàn kết của ba nước Đông Dương, khi nhân dân và chiến sĩ Việt Nam – Lào – Campuchia cùng kề vai sát cánh, bảo vệ tuyến chi viện chiến lược.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bộ đội Việt Nam phối hợp chặt chẽ với quân đội và nhân dân Lào, Campuchia, mở rộng các tuyến vận tải, xây dựng căn cứ hậu cần, bảo đảm an toàn cho từng đoàn quân, từng chuyến hàng ra trận.
Trong bom đạn ác liệt, nhân dân các bộ tộc Lào và Campuchia đã nhường cơm sẻ áo, che chở, dẫn đường, cùng bộ đội ta kiên cường đánh trả địch, giữ vững từng tấc đất.
Nhắc về những năm tháng chiến đấu ở Trường Sơn, Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 12, xúc động kể lại tình đoàn kết keo sơn giữa ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia, khi cùng chung lưng đấu cật, chiến đấu giữa mưa bom bão đạn:
“Tuyến đường Trường Sơn là con đường của tình đoàn kết hữu nghị ba nước Việt Nam – Lào và Campuchia trong cuộc kháng chiến cùng chống kẻ thù chung. Tuyến đường Trường Sơn là cũng phần lớn đi qua đất bạn Lào và một phần đi vào đất Campuchia.
Bao gồm 5 trục dọc và 21 trục ngang là tuyến chính của Trường Sơn, trong đó có các lực lượng, mở đường là công binh, bảo vệ đường là pháo binh, bộ binh và vận tải là xe cơ giới. Các lực lượng này đánh địch mà đi, mở đường mà tiến. Vừa mở đường, vừa vận tải vừa đánh địch bảo vệ tuyến”.
Dọc theo chiều dài đất nước, đường Hồ Chí Minh không chỉ là tuyến giao thông huyết mạch mà còn là hành trình khám phá lịch sử, văn hóa đầy ý nghĩa. Những chương trình tìm hiểu về con đường huyền thoại này đang được nhiều công ty lữ hành triển khai mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Các tour du lịch "Về nguồn" đưa du khách đến với những địa danh lịch sử nổi tiếng như ngã ba Đồng Lộc, hang Tám Cô, nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn... nơi ghi dấu những chiến công oai hùng và sự hy sinh cao cả của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Những chương trình tìm hiểu về đường Hồ Chí Minh không chỉ giúp du khách hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của con đường huyền thoại này. Và còn nhiều di tích lịch sử trên đường Hồ Chí Minh đang chờ được đánh dấu, được ghi danh để mỗi người đi qua đều hiểu được câu chuyện của từng cột mốc.

Mời các bạn nghe lại Bản hùng ca trên Cung đường thống nhất trên Apple Podcast.