Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Biến cao tốc thành suối, giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện điều kiện sống

Thái Sơn: Thứ tư 26/03/2025, 10:16 (GMT+7)

Từng bị chôn vùi dưới lớp bê tông và dòng xe cộ tấp nập, dòng suối Cheonggyecheon hồi sinh ngoạn mục, trở thành một không gian xanh mát ngay giữa lòng thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Kế hoạch biến đường cao tốc… thành suối ban đầu gây rất nhiều tranh cãi, nhưng ngày nay nó được xem niềm tự hào của người dân Seoul, minh chứng cho cách một thành phố hiện đại hoàn toàn có thể dung hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường.

 Từ đường cao tốc ô nhiễm đến dòng suối xanh giữa lòng Seoul

Giữa lòng thủ đô Seoul, Hàn Quốc dòng suối Cheonggyecheon là một trong những điểm tham quan nổi tiếng, thu hút rất đông du khách. Không chỉ mang vẻ đẹp tự nhiên, Cheonggyecheon còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa không khí, giảm thiểu ô nhiễm và kiểm soát ngập lụt, góp phần kiến tạo không gian sống xanh cho người dân thành phố.

Dòng suối Cheonggyecheon xanh mát ngay giữa lòng thủ đô Seoul, Hàn Quốc - Ảnh Theguardian

Dòng suối Cheonggyecheon xanh mát ngay giữa lòng thủ đô Seoul, Hàn Quốc - Ảnh Theguardian

Vào mỗi buổi sáng sớm, các nhân viên văn phòng và du khách thường đổ về đây, thả bộ dọc bờ suối rợp bóng cây xanh, ngắm nhìn dòng nước trong lành và tận hưởng không gian yên bình giữa lòng đô thị náo nhiệt.

Anh Kareem, một khách du lịch đến từ Malaysia cho biết: “Cảm giác thực sự tuyệt vời, đây là một trong những điểm thu hút khách du lịch chính khi ghé thăm ở Seoul."

Nhìn dòng suối xanh mát Cheonggyecheon, ít ai tin rằng, chỉ hơn 20 năm trước, khu vực này là một đường cao tốc rộng lớn, nơi mỗi ngày có tới gần 170.000 ô tô chen chúc di chuyển qua trung tâm Seoul. Con đường đã "nuốt chửng" dòng suối Cheonggyecheon, biến nó thành một phần của hệ thống giao thông ưu tiên ô tô.

Thời điểm đó, việc xây dựng cao tốc được xem là giải pháp tất yếu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng tại Seoul. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế và gia tăng dân số, cao tốc Cheonggyecheon dần quá tải, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, sự tồn tại của cao tốc còn gây ra những hệ lụy không nhỏ đến môi trường.

Năm 2002 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho dự án Cheonggyecheon khi ông Lee Myung-bak, người sau này trở thành Tổng thống Hàn Quốc, đắc cử Thị trưởng Seoul với cam kết khôi phục dòng suối.

Chỉ trong 27 tháng, dự án cải tạo Cheonggyecheon hoàn tất với tốc độ đáng kinh ngạc so với quy mô và mức độ phức tạp của nó. Tổng chi phí cho dự án là gần 400 tỷ won (gần 7.000 tỷ đồng). Anh Park Byung-chul, một cư dân địa phương, chia sẻ: “Ban đầu mọi người đều lo ngại dự án này sẽ gây ùn tắc giao thông, nhưng rồi cũng quen dần. Giờ thì chẳng ai hình dung nổi Seoul từng có đường cao tốc ở chỗ này."

Theo Viện Nghiên cứu Seoul, khu vực xung quanh con suối hiện mát hơn 3,6°C so với các tuyến phố lân cận, tạo nên một hành lang xanh giữa trung tâm đô thị đông đúc. Việc dỡ bỏ đường cao tốc còn giúp cải thiện lưu thông không khí, giảm ô nhiễm đáng kể với mức khí NO₂ giảm tới 35%.

Hệ sinh thái cũng hồi sinh mạnh mẽ. Một khảo sát của Viện Nghiên cứu Seoul cho thấy, khu vực này hiện là nơi sinh sống của hơn 660 loài, bao gồm trên 170 loài động vật và gần 500 loài thực vật. Bà Minah Park, giám đốc Bảo tàng Cheonggyecheon, nhận định: “Dự án này đánh dấu một bước chuyển mình từ quy hoạch giao thông lấy phương tiện làm trung tâm sang phát triển đô thị hướng đến con người."

Không những vậy, ẩn dưới vẻ ngoài tự nhiên của Cheonggyecheon là một hệ thống kiểm soát lũ tiên tiến. Dòng suối có khả năng chịu được những trận lũ lớn 200 năm mới xảy ra một lần, với các cửa xả đặc biệt dẫn nước mưa chảy về các con sông lớn hơn trước khi đổ ra sông Hán.

Tuy nhiên, dự án cũng vấp phải không ít ý kiến trái chiều. Bởi khác với dòng suối nguyên bản chỉ có nước vào mùa mưa, Cheonggyecheon ngày nay cần duy trì dòng chảy nhân tạo với chi phí lên tới gần 3 tỷ won một năm. Và mỗi ngày, có hơn 48.000 tấn nước được bơm vào. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một công trình nhân tạo tốn kém hơn là một dòng suối tự nhiên thực sự.

 Bài học quý giá cho các đô thị trên thế giới

Dẫu vậy, thành công của Cheonggyecheon tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Seoul tiếp tục tháo dỡ 16 đường cao tốc trên cao khác, nhường chỗ cho không gian công cộng và vỉa hè rộng rãi hơn. Mỗi năm, dòng suối thu hút hơn 12 triệu lượt khách tham quan, trở thành một phần không thể thiếu trong nhịp sống của Seoul.

Dòng suối Cheonggyecheon về đêm - Ảnh Theguardian

Dòng suối Cheonggyecheon về đêm - Ảnh Theguardian

Bà Minah Park cho biết dự án này không chỉ có tác động trong nước mà còn lan tỏa ra quốc tế. Bảo tàng của họ mỗi năm đón tiếp khách từ khoảng 30 quốc gia thông qua chương trình trao đổi kinh nghiệm. Trong bối cảnh các thành phố trên toàn cầu đang phải đối mặt với cơ sở hạ tầng đường cao tốc đã lỗi thời, nhu cầu giảm lượng khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, Cheonggyecheon nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng.

Dự án Cheonggyecheon không chỉ là câu chuyện thành công của Seoul mà còn là bài học quý giá cho nhiều đô thị trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng tại Việt Nam kéo theo hàng loạt hệ lụy như ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và thiếu không gian công cộng.

Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình của Cheonggyecheon vào Việt Nam đòi hỏi sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương.

Một ví dụ điển hình là sông Tô Lịch, con sông từng gắn bó với lịch sử Hà Nội nhưng nay trở thành điểm nóng ô nhiễm. Việc cải tạo dòng sông này là một thách thức lớn, song nếu có quy hoạch bài bản và sự chung tay của cộng đồng, hoàn toàn có thể biến nơi đây thành một không gian xanh, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân. 

Thái Sơn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Đỉnh mới của giá vàng và khuyến nghị từ chuyên gia

Đỉnh mới của giá vàng và khuyến nghị từ chuyên gia

Giá vàng trong nước tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, chính thức chạm mốc kỷ lục 108 triệu đồng/lượng – mức cao nhất từ trước đến nay. Sau khi đi ngang đầu phiên sáng, thị trường vàng đã nhanh chóng tăng tốc, nối dài chuỗi ngày lập đỉnh trong tuần qua.

Check-in ảnh đẹp nhưng đừng để lại rác bẩn

Check-in ảnh đẹp nhưng đừng để lại rác bẩn

Thời gian gần đây, khu vực Hàm Cá Mập (Hà Nội) đang “gây sốt” trên mạng xã hội, sau khi có thông tin sẽ bị phá dỡ. Việc người dân và du khách chen lấn, tụ tập đông người, thậm chí trèo rào, đứng lên đài phun nước để chụp ảnh có lúc khiến giao thông hỗn loạn, mất ANTT và vệ sinh môi trường.

Lộ trình di chuyển vào Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất

Lộ trình di chuyển vào Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa có hướng dẫn về lộ trình giao thông kết nối đến nhà ga hành khách quốc nội T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất).

Nâng trách nhiệm để bảo vệ “tài sản” thông tin cá nhân

Nâng trách nhiệm để bảo vệ “tài sản” thông tin cá nhân

Theo Công ty An ninh mạng Viettel, trong năm 2024, số lượng thông tin cá nhân bị đánh cắp đã tăng 50%, với hàng chục triệu bản ghi bị rò rỉ. Trong đó, dữ liệu khách hàng bị lộ lọt nhiều nhất, thậm chí có cả thông tin nhận diện khuôn mặt.

Từ tinh thần của “Tàu Không số” đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới

Từ tinh thần của “Tàu Không số” đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới

Trong kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh trên biển là hiện thân của lòng quả cảm, ý chí sắt đá; một huyền thoại có thật, một kỳ tích của dân tộc Việt Nam anh hùng; góp phần to lớn làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Người đàn ông gánh phở

Người đàn ông gánh phở

Ở phố Tống Duy Tân, có một người đàn ông vẫn ngày ngày gánh phở – không phải bằng đôi chân di chuyển, mà bằng ký ức được đúc lại trong một dáng hình.

Cốc nước miễn phí, lòng tốt dang dở trên đèo và những điều thú vị khi “phượt” 58 tỉnh thành

Cốc nước miễn phí, lòng tốt dang dở trên đèo và những điều thú vị khi “phượt” 58 tỉnh thành

Những cung đường từ bắc chí nam không chỉ đưa ta đến những khung cảnh thiên nhiên diễm lệ của núi non hùng vĩ, biển cả bao la, mà còn là chiếc gương phản chiếu tâm hồn người lữ khách.