Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Thêm nhiều động thái quyết liệt để chặn “ma men”

Nhóm PV - 13/01/2023 | 9:46 (GTM + 7)

CSGT toàn quốc đang quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn ở người tham gia giao thông, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an và chính quyền các địa phương. Sự quyết liệt này đã và đang tạo ra kết quả khả quan, gợi mở giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi mạnh hơn nữa tình trạng “ma men” lái xe.

 

CSGT toàn quốc đang quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn ở người tham gia giao thông (Ảnh minh họa)

CSGT toàn quốc đang quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn ở người tham gia giao thông (Ảnh minh họa)

20h tối 10/1 tại ngã tư Nguyễn Hoàng - Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm, HN) chỉ trong khoảng 30 phút tổ tuần tra, xử lý vi phạm nồng độ công thuộc Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội phát hiện và xử lý 2 tài xế điều khiển xe gắn máy vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, kết quả đo nồng độ cồn của tài xế đầu tiên ở mức 0,18mg/lít khí thở, dưới mức thấp nhất, song vẫn bị tạm giữ phương tiện.

Tài xế này giải thích: "Hôm nay sinh nhật cu con nên cũng hơi vui một chút, mức độ của em là thấp nhất, trước giờ không bao giờ đi xe máy, hôm nay có việc gia đình nhưng cũng chỉ uống 1-2 chén thôi".

Trường hợp thứ hai, kết quả đo nồng độ cồn là 0,51mg/l khí thở. Mặc dù vi phạm kịch khung, nhưng người lái xe đã có tuổi này nhất quyết không chịu ký biên bản vi phạm:

- Thôi đừng giữ xe nữa

- Không, chú ký vào đây giúp cháu.

- Xong đứa nào đèo tao về?

- Tí nữa chú đi grab về

- Grab làm gì có tiền.

- Đây, nồng độ cồn của chú là 0,511 ạ, chú ký vào đây giúp cháu…

Người vi phạm này thậm chí còn gọi thêm 3 người thân đến gây sức ép và có những lời lẽ không đúng mực với tổ công tác, hơn 1 giờ sau chịu ký biên bản.

Bám chốt cùng Đội CSGT Bến Thành tại giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo, Quận 1 TPHCM đêm qua (10/1), phóng viên VOVGT ghi nhận, Trung tá Nguyễn Công Liêm, Phó đội trưởng, Tổ trưởng tổ chuyên đề hướng dẫn người dân cách thổi kiểm tra nồng độ cồn: “Hôm nay đơn vị tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, cái này kiểm tra ngẫu nhiên, nếu anh không có thì mời anh đi, mời anh thổi một hơi dài như thổi bong bóng, thổi, rồi trong hơi thở có nồng độ cồn là 0.125mg/lít khí thở nha anh”.

Chỉ sau hơn 1 giờ, CSGT Bến Thành đã tạm dừng hàng chục phương tiện kiểm tra nồng độ cồn, phát hiện không ít trường hợp vi phạm.

Một số người vi phạm biện bạch:

"Cuối năm tất niên người ta mời, nồng độ cồn mình đo có thể cao nhưng mình uống mình cũng cầm chừng được tốc độ lái xe mình về, tại em uống có 3 lon. Nói chung cái này là lỗi của mình, uống rượu bia mà mình lái xe là mình sai rồi".

"Đúng ra là đi về rồi, ông anh phó chủ tịch rồi lâu ổng lên đây chơi, ông kêu tôi ra ca 1-2 bài. Trời ơi đi hát có mấy trăm nghìn mà phạt 4 triệu mấy thì chịu thôi".

"Phong tục Việt Nam là anh biết rồi cuối năm là phải có tất niên, em không bắt được grab anh, chứ nếu mà có là em đi Grab chứ em đi xe làm chi cho nó khổ”.

2 (1)

Trong khi đó, tại TP Cần Thơ, CSGT đã tập trung kiểm tra, xử lý tại các tuyến đường Lê Lợi – Trần Văn Khéo – Trần Phú, khu vực ẩm thực sầm uất với hơn 300 nhà hàng, quán karaoke, quán bar…

Tài xế Trần Duy Phương có kết quả đo nồng độ cồn là 0,35 miligam/1 lít khí thở, bị xử phạt 4 triệu đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày: "Chủ quan nhà gần nên uống bia rồi tự lái xe luôn, nếu gửi lại quán để đi taxi thì bất tiện vì hôm sau phải quay lại lấy xe. Nhiều quán không chịu giữ xe qua đêm".

Tuy vậy, khác với anh Phương, nhiều người dân TP Cần Thơ đã chuyển sang lựa chọn taxi, xe công cộng thay vì tự lái xe sau khi đã uống rượu bia.

"Hiện tại tôi đã uống 6 chai rồi đó, có những tình huống bất ngờ mình không xử lý kịp như lúc không say. Nên thôi, lựa chọn đi taxi".

"Phạt cũng 4-5 triệu chứ ít đâu, một tháng lương đó. Nếu uống nhiều quá phải đi taxi về thôi, có nhiều quán nhận giữ xe qua đêm".

"Có tiệc tùng ai mời nên đi taxi cho an toàn, thứ nhất bị phạt, thứ hai bị cơ quan khiển trách nữa, rồi xe bị tịch thu thì lấy gì mà chạy đi làm".

Theo Cục Cảnh sát Giao thông, năm 2022 lực lượng CSGT toàn quốc đã xử phạt hơn 308 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Đặc biệt chỉ trong hơn 3 tuần (từ 15/11/2022-9/1/2023) CSGT toàn quốc đã lập biên bản vi phạm nồng độ cồn đối với 71,7 nghìn trường hợp, bằng 24% cả năm 2022 .

Còn theo Phòng CSGT Hà Nội, năm 2022 lực lượng CSGT đã xử lý hơn 17 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó cao điểm từ 15/11/2022-10/1/2023 đã xử lý 4.380 trường hợp, bằng gần 26% cả năm 2022.

Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, xử lý vi phạm nồng độ cồn là một trong các trọng tâm của kế hoạch cao điểm đảm bảo TTATGT Tết Nguyên Đán này: "Các giải pháp nhằm xử lý hiệu quả tình trạng vi phạm nồng độ cồn  phải xác định từ quản lý nhà nước, tâp trung nghiên cứu nâng cao chế tài xử phạt; phối hợp với các ban ngành, địa phương tuyên truyền, giáo dục răn đe; mỗi một cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ là một tuyên truyền viên. Đặc biệt chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm, không xin xỏ và cũng không can thiệp. Sau khi xử phạt chúng tôi thông báo về chính quyền địa phương, các cơ quan chủ quản xử lý và báo cáo kết quả lại".

21

Động thái quyết liệt trong chỉ đạo và xử lý vi phạm nồng độ cồn ở người tham gia giao thông là hết sức cần thiết và được dư luận đồng tình, ủng hộ. Song để có thể tạo nên chuyển biến thực sự bền vững và lâu dài, cần nhiều hơn một sự quyết liệt.

Đây cũng là góc nhìn của VOVGT qua bình luận: “Văn hóa kiểu gì?”.

Trước hết, đối với hiệu quả công tác kiểm tra xử lý vi phạm về nồng độ cồn, cần được đánh giá bằng phương pháp định tính. Bởi cao điểm Tết nào từ rất nhiều năm nay – nhất là từ khi Nghị định 100 ban hành, thì nồng độ cồn luôn là trọng tâm số 1. Như vậy, về lý thuyết, sự quyết liệt vẫn đang duy trì theo chỉ đạo của Bộ Công an, chứ không phải đợi đến khi địa phương “tuyên chiến”.

Cao hơn, ngay sau khi Nghị định 100 có hiêu lực, tháng 1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh tinh thần: tuyệt đối không can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Sẽ không cần một chỉ đạo nhắc lại nào ở các địa phương, bộ ngành, đơn vị, nếu như tinh thần đó lâu nay vẫn đang được quán triệt và làm nghiêm. Vậy thì, không cần phải mỗi cao điểm lại phải hô khẩu hiệu với nhau, mà cái cần nhất là làm cho hết, cho tới những gì đã chỉ đạo.

Thứ hai, cũng về lý thuyết, vi phạm nồng độ cồn trong giao thông hoàn toàn có thể được đẩy lùi, giảm thiểu, với các biện pháp đủ mạnh và đồng thời, từ đánh vào túi tiền, đánh vào uy tín, danh dự… của cá nhân và tổ chức. Song, dùng sức mạnh để “đẩy”, vẫn chưa phải là cái gốc.

Loại trừ thói lạm dụng tín nhiệm, ảo tưởng quyền lực ở một bộ phận người có chức có quyền dẫn đến hành xử vô pháp vô thiên trong giao thông, thì còn một cái gốc khác, là tập quán.

Cái mà nhiều người vẫn lầm tưởng và đồng nhất với văn hóa rượu bia, thực ra, phần nhiều không còn là văn hóa. Nó đúng hơn là một tập quán cổ hủ, nhiều khi đến mức tệ nạn, một thứ trở lực thật sự với yêu cầu phát triển khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần từ cá nhân cho đến toàn xã hội.

Phải mượn bia rượu để thiết lập, duy trì quan hệ dích dắc mà tựu trung là lợi ích kinh tế với nhau, có phải là văn hóa?

Buộc phải rượu bia mới có thể mở lòng, chia sẻ giãi bày hoặc nói thẳng được với nhau, có đúng là văn hóa?

Lấy mức đầy vơi của rượu và độ say của người uống để đo cái tình, thì văn hóa ở đâu?

Nâng ly chúc nhau mà cạn xuống cạn lên, hò dô dăm bảy lượt, đến mức mặt đỏ tía tai, méo cả tiếng, vẹo cả người, là văn hóa kiểu gì?

Vui, nhất định phải rượu mới thăng hoa; buồn phải có rượu mới khuây, đó có thực là văn hóa, hay chỉ là một sự bất lực, thiếu kỹ năng giải tỏa năng lượng, cân bằng cảm xúc?

Rượu bia đã từng là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực. Ấy là khi nó được sử dụng như một thứ tinh hoa, một sản phẩm văn minh của con người, để thêm trân trọng nhau trong giao tế, thêm đậm đà tình thân, thêm thi vị cho tao nhân mặc khách…

Nhưng ngược lại, một khi đã bị sử dụng như là công cụ để đạt các mục đích thực dụng, thì nét văn hóa ấy không còn.

Minh định giữa cái thực sự là văn hóa và cái ngụy biện nhân danh văn hóa trong chuyện sử dụng rượu bia, các nhà quản lý xã hội sẽ thấy rằng, giải pháp quan trọng để đẩy lùi tệ nạn giao thông hay tệ nạn xã hội liên quan đến cồn, trước hết là xây dựng cho cộng đồng một cách quan niệm mới, một lối sống mới,  một ứng xử mới thật văn hóa trong mọi quan hệ xã hội, mà trong đó, rượu bia không cần phải là công cụ, không nên là công cụ.

Khi đó, cách ứng xử với rượu bia mới có cơ hội trở về văn hóa.

Khi đã thành bản năng văn hóa, việc uống có trách nhiệm sẽ là đương nhiên mà chẳng phải hô hào.

Khi đã thành bản năng văn hóa, người uống tự biết mình cần làm gì để rượu chỉ giúp mình đẹp hơn, hay hơn, chứ tuyệt đối không để tệ hại hơn sau khi uống.

Khi đó, các chế tài pháp luật tồn tại như sự nhắc nhở nghiêm khắc với những thiểu số hay quên, hoặc chưa đạt đến năng lực văn hóa.

Cái văn hóa ấy, thực ra chẳng có gì to tát xa vời, mà cũng chỉ là biểu hiện của hai từ “tiên tiến”, trong mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, mà ai cũng thuộc nằm lòng.

Và cái văn hóa ấy, đương nhiên, cần được xây dựng một cách nghiêm túc, công phu, với những người tiên phong, trước hết là những người “có tóc”./.

Ý kiến của bạn
Tự sự của đêm: Bình thản nhìn mây trôi

Tự sự của đêm: Bình thản nhìn mây trôi

Bất chợt, tôi nhớ đến một người quen từng bị cuộc đời làm cho bầm dập, nhưng trong câu chuyện cuộc đời anh chưa từng oán trách hay đổ lỗi cho bất kỳ ai.

Cà phê, trà có giúp tỉnh táo khi lái xe đường trường ban đêm?

Cà phê, trà có giúp tỉnh táo khi lái xe đường trường ban đêm?

Cuộc sống khiến chúng ta phải chạy đua với thời gian, di chuyển qua nhiều múi giờ, chuyển ca - kíp liên tục khiến giấc ngủ lý tưởng từ 21 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau đều đảo lộn. Để tỉnh táo làm việc ta cần thêm nhiều thức uống như: cà phê, trà để chống chọi từng cơn buồn ngủ.

Gỡ rào chắn đường Âu Cơ – Nghi Tàm, rộng chỗ này nhưng lo “thắt” chỗ kia

Gỡ rào chắn đường Âu Cơ – Nghi Tàm, rộng chỗ này nhưng lo “thắt” chỗ kia

Hiện nay, đoạn đường từ khách sạn Thắng Lợi (đường Yên Phụ) đến đầu đường Xuân Diệu dài khoảng 260m, nằm trong dự án mở rộng đường Âu Cơ – Nghi Tàm (Hà Nội) đã tháo dỡ toàn bộ rào, di dời máy móc thi công, lòng đường tại đoạn này rộng từ hơn 16m đến khoảng 21m.

“Bí ẩn cuộc sống...”

“Bí ẩn cuộc sống...”

Cứ đến chớm hè là khắp nơi từ quán trà đá vỉa hè tới mạng xã hội, người ta lại bàn tán, kháo nhau về chuyện “bỗng dưng” hóa đơn tiền điện nhà mình đột nhiên tăng mạnh, có khi gấp hai, gấp ba lần tháng trước, mà nhu cầu sử dụng hầu như không thay đổi?...

Quản lý hay Công nghệ giúp vận hành hiệu quả đường sắt đô thị

Quản lý hay Công nghệ giúp vận hành hiệu quả đường sắt đô thị

Việt Nam sắp đưa vào vận hành 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sau hàng chục năm xây dựng. Singapore được biết đến là quốc gia có hệ thống giao thông công cộng hiện đại, hiệu quả hàng đầu ở khu vực châu Á. Kinh nghiệm nào của Singapore có thể áp dụng tại Việt Nam.

Người lan tỏa mô hình Con tôm “ôm” Cây lúa

Người lan tỏa mô hình Con tôm “ôm” Cây lúa

Xâm nhập mặn ngày càng gay gắt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của bà con nông dân ven biển vùng ĐBSCL. Đồng cảm với khó khăn này, anh Huỳnh Chí Phương, Giám đốc Công ty Gạo Tôm ở An Giang đã mày mò nghiên cứu và quyết định lan tỏa mô hình lúa tôm thân thiện môi trường.

Lúa gạo chất lượng cao xu thế mới của thị trường

Lúa gạo chất lượng cao xu thế mới của thị trường

Mặc dù có thế mạnh về xuất khẩu gạo, thế nhưng, với những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước, nông dân và doanh nghiệp nước ta cũng cần chủ động bắt nhịp, thay đổi phương thức sản xuất phù hợp, tạo ra sản phẩm chất lượng cao vừa giảm chi phí và thân thiện với môi trường.

// //