Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Tài chính - Thị trường

“Điêu đứng” với cước tàu biển, doanh nghiệp Việt ứng phó ra sao? (Phần 2)

Như Ngọc - Anh Thư: Thứ sáu 26/07/2024, 21:14 (GMT+7)

Sau khi VOVGT ghi nhận tình tình trạng tăng giá cước vận tải biển từ đầu năm 2024 đến nay, đặc biệt trong khoảng 1 tháng trở lại đây, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Vậy cần làm gì để ứng phó với việc giá cước vận tải biển tăng cao?

Giá cước vận tải biển tăng trong thời gian gần đây đang “bào mòn” lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu.  Do đó, chủ động ứng phó, chuyển đổi dần phương thức kinh doanh, thay thế phương tiện vận chuyển,… là giải pháp mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang hướng đến.

Trước tình hình này, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HaWa) chia sẻ: "Doanh nghiệp nên đa dạng hóa thị trường, nếu tập trung 1 thị  trường khi có biến động thì rất khó. Doanh nghiệp luôn có những kế hoạch linh hoạt để ứng phó trong ngắn hạn  với những thay đổi đột ngột và lúc nào chuẩn bị nguồn lực lao động cho tốt, vì giá nhân công sẽ tăng".

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã sớm linh hoạt tìm kiếm thị trường mới, trong đó tập trung vào các thị trường gần như ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong khi đơn hàng của các thị trường truyền thống đang sụt giảm mạnh, giá cước vận tải tăng cao.

Trước khó khăn này, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa cao su TP.HCM kiến nghị: "Doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí sản xuất để tồn tại. Chúng tôi kiến nghị trước khó khắn của doanh nghiệp trong giai đoạn này, ngành sản xuất cao su trong nước đang khó khăn, Nhà nước nên hoàn thuế nhanh hơn để doanh nghiệp có dòng tiền nhanh hơn, tăng khả năng cạnh tranh tốt hơn để có thể tồn tại và phát triển được".

Ảnh minh họa: T.TR

Ảnh minh họa: T.TR

Hiện các doanh nghiệp đang tìm cách để giảm bớt chi phí cước tàu, có thể phải tạm ngưng xuất khẩu với những đơn hàng kém quan trọng, hoặc xin giãn thời gian giao hàng. Ngoài ra, việc tìm thị trường mới, thị trường gần, dễ giao hàng thay vì tập trung vào châu Âu, Mỹ cũng được đẩy mạnh. Các doanh nghiệp Việt còn cố gắng lựa chọn hãng tàu nào rẻ hơn để thuê, thay vì chọn phương án khó hơn là thay đổi tuyến đường biển truyền thống.

Trong bối cảnh hiện nay, TS Bùi Quý Thuấn, Trưởng Bộ môn Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, Trường ĐH Phenika đề nghị:  "Theo tôi, cơ quan quản lý Nhà nước cần giám sát chặt chẽ giá dịch vụ cảng biển và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển tại VN. Thứ 2, công ty quản lý cảng, các hãng tàu cần đẩy mạnh tốc độ giải phóng hàng hoá tại cảng rồi cơ quan hải quan giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông quan".

Theo các chuyên gia, để tránh thiệt hại, các doanh nghiệp phải luôn có kịch bản chuẩn bị từ sớm. Ngoài ra, Việt Nam cần thiết phải có đôị tàu, vận tải biển tương xứng như chia sẻ của ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết:

"Nâng cao năng lực về quản trị, nâng cao năng lực về kho bãi, hạ tầng logistic, đổi mới công nghệ và đặc biệt phát triển nguồn nhân lực cho phù hợp với tình hình mới. Và một điều nữa cực kỳ quan trọng, logistic hiện nay phải hướng tới logistic xanh".

Thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã đàm phám với các hãng tàu về một mức tăng nhất định không quá cao để hỗ trợ các doanh nghiệp. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương):

"Vừa qua, các cơ quan chức năng cũng có những trao đổi văn bản gửi đến các hiệp hội, doanh nghiệp logistic và xuất nhập khẩu kể cả các hãng tàu cần có sự chia sẻ giữa các bên. Đặc biệt trong trường hợp này, việc các hãng tàu tăng phí thì cần phải xem xét một cách cẩn trọng".

Trước những khó khăn, doanh nghiệp cần phải chủ động, linh hoạt và đa dạng hóa thị trường, do hiện nay Việt Nam chưa thể làm chủ sân chơi logistics mà còn phụ thuộc nhiều vào các hãng tàu nước ngoài./.

Như Ngọc - Anh Thư/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn