Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Nhọc nhằn đời diêm dân

Phóng viên - 06/02/2022 | 9:33 (GTM + 7)

Cái nắng chiều gay gắt cộng với con gió pha mùi nước biển phả vào mặt, vào cổ bỏng rát. Tiếng rột roạt của ruộng cát khô nỏ sau mỗi bước chân của tôi, cát ngấm nước biển được nắng, nóng rẫy. Thế mà họ người nào cũng chỉ chân đất ra đồng...

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

Ảnh: Việt Nam Phượt

Tôi đến xóm Xuân An, xã Hải Hòa, Hải Hậu vào một ngày giữa hè oi nồng, cũng là tranh thủ những ngày dịch bệnh bớt căng thẳng để thoát khỏi không khí ngột ngạt phố thị. 

Mấy hôm nay đài báo nắng nóng tràn ngập khắp nơi, có những nơi ở miền Trung nhiệt độ lên đến 42 độ C. 

Ngay từ sáng sớm nắng đã ào ạt theo từng đợt gió biển thổi tung bờ cát. Nắng đến mức chẳng toát mồ hôi. Bầu trời xanh ngắt điểm một vài quầng mây trắng mỏng tang như những chiếc khăn bông bay của cô gái thành thị hồi thập kỷ 80 thế kỷ trước hay dùng làm điệu.

Hôm nay biển động. Gió biển đem theo vô vàn những hạt cát li ti và hơi nước bay quẩn táp vào người ràn rạt, khắp mũi, miệng, tai, cổ, chỗ nào cũng có cát, mằn mặn...

Chui vội vào con đường đất nhỏ gập ghềnh chạy vào trong xóm - nơi anh chàng diêm dân chuyển nghề cào ngao tôi vừa gặp ngoài bãi biển chỉ cho là vùng người ta có nghề làm muối.

Đây rồi chứ đâu, cả một cánh đồng muối thẳng tắp, phẳng lỳ chẳng nhìn thấy điểm cuối. Vì đến vào buổi sáng nên tiệt chẳng thấy ai ngoài đồng. Đồng muối dễ nhận lắm, chẳng có cây cỏ gì ráo (nhưng vẫn được gọi là đồng!), nhìn xa giống như một cái áo kẻ của anh chàng điệu đàng ưa làm đỏm, cứ một khoang đen lại một khoang trắng rồi lại một đen, một trắng. Đen là cát, trắng là nước biển đã phơi thành muối. Nhàn nhạt! 

Trái với những nghề nông khác, chiều mới là lúc những diêm dân này đổ ra đồng. Một vụ của họ chỉ gói gọn trong một ngày - "Sáng cấy, chiều gặt"…

… Tôi lẽo đẽo chạy theo sau hai chị em thằng bé, nom nó chỉ độ tám chín tuổi, đứa chị khoảng mười một, mười hai. Thằng bé đẩy chiếc xe một bánh đi thoăn thoắt, con chị vác trên vai một cái bồ cào, một cái gầu múc nước làm bằng nhôm có gắn một cái cán tre dễ dài gấp ba chiều cao của nó, nom rất lạ mắt, thêm một cái chổi trên tay.

Cả cánh đồng hình như chỉ có hai chị em nó và tôi.

- Sao đi làm sớm thế cháu?

- Chúng cháu phải ra trước gạt cát giúp bố mẹ.

Thằng bé cười trả lời tôi, đôi hàm răng trắng của nó lấp lóa dưới ánh nắng.

Cánh đồng muối ở thôn Văn Lý, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu

Thằng cu Thái - tên nó và chị ngày nào sau giờ học sáng cũng phải ra đồng giúp bố mẹ làm muối. Chị em nó không nhớ đã phải ra đồng từ khi nào, chỉ biết rằng bây giờ việc cào cát, cào muối chúng rành còn hơn cả làm phép tính ở trên lớp. Nhà nó nghèo lắm, và phải phụ giúp bố mẹ như thế này mới có tiền mua sách bút để học. 

Mỗi ngày cả nhà nó làm việc cật lực, bốn người kiếm được khoảng ba chục ngàn, trừ chi phí chắc cũng còn độ hơn hai chục...

Cuộc sống vất vả khiến cơ thể chúng quắt lại, nước da đen sạm. Có lẽ trò chơi con trẻ duy nhất của chúng là... làm việc ở ngoài đồng muối.

Chợt ngẩng đầu lên đã thấy lác đác người ra đồng. Bố mẹ thằng cu Thái cũng đã ra tới nơi.

Bên cạnh ruộng nhà Thái, tôi để ý thấy có hai cụ già. Họ cứ lầm lũi làm việc. Bố cu Thái bảo, hai cụ ấy nhà nghèo lắm, nghèo nhất làng, nhất xã. Có ba đứa con, chả đứa nào theo nghề, chúng bỏ đi tha phương cầu thực lâu lắm rồi, không thấy về. Cụ ông đã tám mươi, còn cụ bà cũng dễ đến bảy lăm. Cái tuổi đáng nhẽ ra là lúc được an nhàn hưởng tuổi già, ấy vậy mà ngày ngày họ vẫn phải ra đồng làm công việc nặng nhọc của kẻ trẻ tuổi. 

Ông bà Đam - tên của hai cụ già - không nhớ mình đã làm nghề này bao lâu rồi, chỉ biết rằng từ khi nhận thức được đến giờ, bữa cơm trong nhà nhiều nhất là muối. Cụ ông tâm sự: Nghề này vất vả lắm chú ạ, nắng thì người ta chạy vào nhà mình lại phải chạy ra, mưa người ta tìm chỗ trú thì mình đang ở trong nhà lại phải "vọt" ra cứu muối... 

Thu nhập từ hơn một sào muối một ngày của hai ông bà chỉ ngót nghét hai chục ngàn đồng. Đủ để ông bà trang trải những sinh hoạt tối thiểu. Vất vả nhất là khi trời mưa, chẳng làm được gì. Nhìn đôi chân lẩy bẩy, cả thân mình oằn xuống vì sức nặng xe cát của cụ bà, tôi tự hỏi sao bây giờ mà người nông dân vẫn khổ thế?!.

Theo lời Trung, một diêm dân tôi gặp ở đây thì bây giờ ruộng muối đã thu hẹp hơn so với chỉ chục năm về trước. Vì công việc thì vất vả mà thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống ngày càng khó khăn. Mỗi ngày qua đi, số người  theo nghề trong làng lại một giảm, có nhà đã bỏ hẳn nghề làm muối để tìm cho mình một công việc khác cho thu nhập tốt hơn. Người thì đi biển, người nuôi hải sản,...

Có lẽ, rồi nghề làm muối ở quê Trung cũng sẽ dần không còn nữa…

Tôi theo chân hai cụ về nhà khi trời tắt nắng và công việc của ông bà cũng xong. Nhà hai cụ nằm ở cuối xóm, nói là nhà thì... hơi quá, căn nhà của ông bà chỉ nhỉnh hơn cái lều canh cá của người ta một tí, lúp xúp. Tường vôi tróc lở hết cả, mà hình như ở đây nhà nào cũng thế, có lẽ do cái không khí ướp đầy hơi muối khiến chẳng bức tường nào có thể chịu nổi. 

Bữa cơm chiều được chuẩn bị từ... trưa của ông bà thật đạm bạc. Một nồi cơm cho cả ngày, một bát muối trắng, vài quả cà, đĩa rau luộc đã thâm xì vì để lâu, một bát cá khô nhỏ xíu. "Người già chỉ ăn thế thôi cậu ạ", ông cụ Đam nói như thể phân trần với tôi. "Hôm nào mà mưa thì chỉ ăn cơm với muối thôi", cụ bà Đam góp vào một câu. Hôm nay hai cụ bán muối cho nhà Trung được hai mươi mốt ngàn. Nhiều hơn mọi ngày...

Nghề làm muối ở Hải Hậu đã có từ rất lâu, có lẽ là từ thời Pháp thuộc. Trước những năm 1978 là thời kỳ hoàng kim nhất của nghề muối. Lúc này, phong trào nhà nhà làm muối, người người làm muối đã rộ lên khắp nơi trong toàn huyện. Những đồng muối Hải Hậu một thời là điểm sáng kinh tế, lá cờ đầu trong phong trào hợp tác xã suốt những thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước.

Vậy nhưng đời sống của diêm dân nơi đây có lẽ vẫn "truyền thống" là nghèo khó vất vả. Chẳng bảo giờ người ta thấy có người giàu lên nhờ làm muối. 

Những diêm dân ở đây cho biết, do độ mặn nước biển không cao, nên các công đoạn làm muối khá cầu kỳ: Nước biển đưa vào ruộng phải phơi cho ngấu nước mặn sau đó mới thu cát đưa vào bể lắng, múc nước biển xối lên trốc cát để lọc ra nước tinh, đưa ra phơi nắng cả ngày để có hạt muối. Tất cả công đoạn đó phải diễn ra trong ngày, để sang ngày thứ 2 muối sẽ giảm vị mặn.

Chính vì thế mà muối Bắc bộ vẫn có vị mặn nồng hơn muối trong Nam, nhưng có nhược điểm là lẫn nhiều tạp chất như bùn, phù sa. Đây cũng chính là nguyên nhân vì sao muối thô ở Bắc bộ giảm giá trị và kém sức cạnh tranh. Mỗi kg muối bán tại ruộng còn không tới 1 ngàn đồng.

Chưa cần nói đến việc dịch bệnh kéo dài mấy năm nay đã ảnh hưởng không nhỏ tới công việc của những diêm dân nơi dây. Mà chính vì công việc này quá vất vả, không đủ trang trải cho cuộc sống cơ bản, nên mỗi ngày những cánh đồng muối lại thu hẹp lại.

Có lẽ trong một tương lai không xa, sẽ không còn người làm muối ở Hải Hậu nữa…
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi Luật Giá được Quốc hội thông qua, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện Nghị định thi hành Luật Giá nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, quy định liên quan tới kê khai giá trong Nghị định này đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi có điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

Hôm nay (22/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng.

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Số liệu Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc tuần giao dịch 15 – 21/4, mặc dù giá hàng hoá biến động rất mạnh nhưng các mức tăng, giảm trái chiều khiến chỉ số MXV-Index chỉ nhích nhẹ 0,05% so với tuần trước đó, lên mức 2.329 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng đỉnh trong 7 tháng qua.

Gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Việc chăm lo giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

// //