Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Nhật ký phòng chống COVID-19: Bản sắc Việt Nam anh hùng trong 100 ngày chống dịch

Phóng viên - 09/05/2020 | 6:37 (GTM + 7)

Từ ngày 29 Tết Nguyên đán, thời điểm 2 bệnh nhân đầu tiên mắc COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam, đến nay, sau hơn 100 ngày chống dịch, nước ta đã cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh.

Hoạt động giao thông vận tải hành khách trong nước đã trở lại bình thường.

Nghe nội dung chi tiết:

Tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới

# Tính đến 16h ngày 8/5, toàn thế giới có hơn 3,9 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó, hơn 270.000 người tử vong. 

# Từ 0h ngày 8/5, Bộ GTVT cho phép hoạt động vận tải hành khách trong nước trở lại như bình thường. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 trên các phương tiện vận tải hành khách.

# Ngồi trong lớp học không bắt buộc phải đeo khẩu trang, nhưng khi ra chơi cần đeo khẩu trang, là một trong những nội dung mà Bộ Y tế đưa ra trong khuyến cáo đối với học sinh khi ở trường để phòng chống dịch bệnh COVID-19.

# Nhiều hệ thống rạp chiếu phim đã thông báo lịch mở cửa trở lại vào ngày 9-5, sau một thời gian tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc mở cửa này vẫn tiếp tục phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch bệnh.

Học sinh THCS và THPT đã đi học trở lại.

# Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi phòng GD-ĐT các địa phương về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 trong trường học. Theo đó, các cơ sở giáo dục không áp dụng giãn cách trong lớp học và được sử dụng điều hòa.

# Tỉnh An Giang vừa có quyết định miễn tiền sử dụng nước sạch cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tháng 4,5 và 6-2020. Đồng thời, giảm giá tiêu thụ nước sạch cho các khu cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID.

# Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, nếu không có biện pháp ngăn chặn, dịch Covid-19 có thể khiến 190.000 người ở châu Phi tử vong trong năm nay. Hiện hơn 1.200 người tại 47 nước châu Phi đã thiệt mạng vì COVID-19-19.

# Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ được xét nghiệm Covid-19 hàng ngày sau khi một cần vụ của ông dương tính với virus SARS-CoV-2. Nhà Trắng cho biết, hiện kết quả xét nghiệm của Tổng thống là âm tính và sức khỏe tốt.

Thủ tướng Pháp: Người được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 có thể tự cách ly ở nhà hoặc ở khách sạn. (Ảnh: Báo Nhân dân)

# Chính phủ Pháp cho biết, sẽ dỡ bỏ dần phong tỏa toàn quốc vào ngày 11/5 tới. Tuy nhiên, vẫn tiếp tục đóng cửa biên giới với các quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu.

# Cơ quan Y tế Đức cảnh báo, nước này có thể đón nhận làn sóng dịch Covid-19 bùng phát vào mùa Thu năm nay, với mức độ nghiêm trọng không kém giai đoạn đầu. Đức hiện có 166.000 ca mắc Covid-19, trong đó hơn 7.100 người đã tử vong.

#  Một nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học của Đại học Kitasato (Nhật Bản) chủ trì vừa sản xuất thành công một loại kháng thể trung hòa nhân tạo chống virus SARS-CoV-2.

#  Trung Quốc lại xuất hiện ca mắc mới trong cộng đồng. Trước đó, 4 ngày liên tiếp nước này không có thêm bệnh nhân Covid-19 trong nước.

# Nghiên cứu của Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm qua mắt cao gấp 100 lần so với virus SARS. Điều này củng cố thêm khuyến cáo, không nên chạm tay vào mắt và phải rửa tay thường xuyên.

# Ngày 8/5, số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc bật tăng trở lại mức hai con số. Trước đó, 3 ngày liên tiếp Hàn Quốc không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.

# Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch nới lỏng biện pháp phong tỏa, đồng thời cân nhắc mở lại các trung tâm thương mại vào ngày 17/5 tới. Tuy nhiên, sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực đến ngày 31/5. 

Dù rằng tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, tuy nhiên, người dân không nên chủ quan, nên đeo khẩu trang đúng cách và thường xuyên rửa tay theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Góc chuyên gia: Để chống dịch Covid-19 hiệu quả, người dân đừng coi nhẹ với những khuyến cáo y tế

Từ ngày 16/4 đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, bất chấp những khuyến cáo của ngành y tế về nguy cơ tồn tại những người mang virus nhưng chưa được phát hiện trong cộng đồng, một bộ phận người dân đang có tâm lý chủ quan, không tuân thủ nghiêm các khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế.

Về vấn đề này, PV VOVGT có cuộc trao đổi PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế).

PV: Thưa PGS.TS Trần Đắc Phu, ông có đánh giá như thế nào về việc ngăn ngừa nguy cơ lây lan Covid -19 trong cộng đồng thời gian qua?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Chúng ta đã rất thành công trong việc ngăn chặn dịch xâm nhập. Giai đoạn đầu là từ Trung Quốc, giai đoạn sau là các nước châu Âu, châu Mỹ. Sau nữa là các nước châu Á, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới. Việt Nam đã làm tốt giai đoạn đó nên làm chậm quá trình dịch lây lan ra cộng đồng.

Ở một số nước khác cũng có ca mắc giống như Việt Nam nhưng chỉ trong vài tuần đã tăng lên vài nghìn ca, thậm chí số người chết cũng lên tới vài trăm ca. Đến khi có lo ngại dịch lây lan ra cộng đồng thì Việt Nam lại làm rất đúng lúc chuyện giãn cách xã hội.

Dịch từ bên ngoài vào thì hiện nay chúng ta cách ly 100% với người nhập cảnh vào. Cứ phát hiện ca nào có triệu chứng ho, khó thở là chúng ta xét nghiệm và cho cách ly, kể cả những người tiếp xúc gần. Thế rồi phong tỏa dịch, qua đó khống chế dịch 100%. Rồi những việc như Hà Nội mới đây áp dụng khai báo tại hiệu thuốc. Đấy là những biện pháp tích cực để chống dịch.

PV: Hiện một bộ phận người dân đang có tâm lý chủ quan với dịch Covid -19 như ra đường, tới nơi công cộng mà không đeo khẩu trang, Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Chúng ta không có xảy ra dịch trong cộng đồng chứng tỏ việc giãn cách xã hội của chúng ta làm tốt, hiệu quả, thành công nhưng không chủ quan được. Đối với người dân vẫn phải thực hiện biện pháp 5 an toàn. Một là đeo khẩu trang. Hai là không giao tiếp gần, không tụ tập đông người. Ba là hạn chế đi ra ngoài nếu không cần thiết, đặc biệt là người già và những người có bệnh lý nền. Bốn là rửa tay bằng xà phòng,chất sát khuẩn hàng ngày và thực hiện lối sống vệ sinh. Năm là khai báo y tế. 

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Việt Nam và “bản sắc anh hùng” trong 100 ngày chống dịch

Từ ngày 29 Tết Nguyên đán, thời điểm 2 bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam, đến nay, sau hơn 100 ngày chống dịch COVID-19, nước ta đã cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh. Đã có thời điểm xuất hiện nhiều sự e ngại, thậm chí là cả nỗi sợ hãi, nhưng với tinh thần đoàn kết, lòng quả cảm đã giúp Việt Nam vượt qua được những thời khắc khó khăn nhất. Ngay sau đây, xin mời quý vị cùng lắng nghe bài viết của phóng viên Chu Đức với nhan đề:“Việt Nam và “bản sắc anh hùng” trong 100 ngày chống dịch”.

Việt Nam - Một quốc gia nhỏ bé nằm ở khu vực Đông Nam Á, từng gây sửng sốt thế giới khi trở thành nước đầu tiên tuyên bố chấm dứt đại dịch SARS năm 2003. 17 năm sau, Việt Nam một lần nữa khiến thế giới khâm phục với thành tích chống dịch Covid-19.

Trong khi một số nước chủ quan, lơ là, thậm chí là coi thường với chủng mới virus Corona, thì những ngày giáp Tết Nguyên đán 2020, hệ thống y tế Việt Nam đã kích hoạt chế độ ứng phó khẩn cấp ngay sau khi có thông tin dịch bệnh xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc). Đáng chú ý, mức độ ứng phó của nước ta luôn cao hơn một bậc so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng như mức được các nước khác trong khu vực áp dụng.

Bà Satoko Otsu - Trưởng nhóm đáp ứng sự kiện y tế khẩn cấp của WHO tại Việt Nam nhấn mạnh, chính nhận thức đúng tình hình và chuẩn bị chu đáo đã giúp Việt Nam đối phó tốt với chủng mới virus Corona.

“Chúng tôi thấy rất rõ sự cam kết ở mức cao nhất của Chính phủ Việt Nam, sự vào cuộc của tất cả ban, ngành song hành cùng Bộ Y tế trong việc chuẩn bị, ứng phó với dịch bệnh. Chúng tôi tin tưởng ở khả năng, năng lực kiểm soát, ứng phó tốt với dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam”, bà Satoko Otsu nói

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các chiến lược phòng dịch phù hợp với từng giai đoạn.

Trong giai đoạn các ca bệnh chủ yếu xâm nhập từ nước ngoài về, chúng ta giám sát chặt chẽ, kê khai y tế tại các cửa khẩu đường bộ, đường hàng không, tổ chức cách ly tập trung đối với các trường hợp nghi ngờ, có biểu hiện bệnh. Trong giai đoạn các ca bệnh lây lan trong cộng đồng, chúng ta thực hiện phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

Những ổ dịch phát sinh đều nhanh chóng được chi viện tổng lực từ tuyến trên để kịp thời khoanh vùng, dập dịch. Diễn biến tại các thôn Sơn Lôi, phường Trúc Bạch, thôn Hạ Lôi, công ty Trường Sinh (Bệnh viện Bạch Mai) ở Hà Nội, Vĩnh Phúc đã cho thấy hiệu quả của phương pháp này. Bên cạnh đó, việc đưa các bệnh nhân Covid-19 về cơ sở y tế tuyến huyện điều trị là quyết sách rất đúng đắn, vừa giảm tải cho bệnh viện tuyến trung ương, vừa hạn chế virus lây lan trong quá trình vận chuyển người bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: “Đó chính là quan điểm trong vấn đề điều trị các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt với các bệnh nguy hiểm. Bệnh xảy ra ở khu vực nào, địa phương nào thì tiến hành cách ly, thu dung điều trị tại đó. Trừ trường hợp vượt quá khả năng ở đó thì mới chuyển lên tuyến trên điều trị. Vì trong quá trình vận chuyển, rất dễ có nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Phác đồ cách ly của ngành y tế là khoanh vùng và cách ly ở nơi phát hiện dịch bệnh”.

Trạm xét nghiệm nhanh ngoài cộng đồng đã được xây dựng nhanh chóng để sớm phát hiện nguy cơ lây lan Covid-19 ngoài cộng đồng.

Song song với đó, công tác tác xét nghiệm cũng được khẩn trương tiến hành.  Nhóm các nhà khoa học viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nhanh chóng phân lập thành công virus SarsCoV2, hợp tác với các đơn vị để nghiên cứu sản xuất sinh phẩm xét nghiệm, test nhanh với độ đặc hiệu và độ nhạy cao theo chuẩn châu Âu, khẳng định năng lực, uy tín của ngành y tế Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói: “Có thể nói rằng, công tác điều trị chúng ta đang thành công và tiến triển rất tốt. Chúng tôi luôn có trao đổi chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan chuyên môn các nước. Chúng ta có đủ năng lực, đủ sinh phẩm để làm xét nghiệm ở quy mô lớn hơn”.

Xét nghiệm nhanh Covid-19 tại các chợ đầu mối - nơi có nguy cao lây nhiễm ngoài cộng đồng.

Bên cạnh việc chủ động được các hoạt động chuyên môn trong dự phòng, xét nghiệm, điều trị, Ban chỉ đạo phòng dịch đã có những quyết định rất nhân văn, thể hiện sự đoàn kết, đúng với chủ trương “không bỏ lại ai phía sau”, “Hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo an toàn cho nhân dân”.

Trong các chuyến bay giải cứu đồng bào từ các quốc gia có dịch trên thế giới, các công dân đều không giấu được sự xúc động, lòng tự hào khi được trở về Tổ quốc, được quê hương giang rộng vòng tay đón chào trong bối cảnh cả thế giới đóng băng các hoạt động giao thông.

Anh Trần Đình Nhân, người trải qua 3 tuần cách ly tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sau khi trở về từ Vũ Hán chia sẻ: “Trong thời gian 21 ngày, chúng tôi được chăm sóc từng chân tơ, kẽ tóc. Hàng ngày bác sĩ vào thăm hỏi sức khỏe chúng tôi nhiều lần. Tất cả điều kiện ở đây đều rất tốt, không có gì phàn nàn. Vô cùng biết ơn các bác sĩ và các ban, ngành. Chúng tôi chỉ lo lắng khi còn kẹt lại ở Vũ Hán thôi, còn khi đặt chân về Việt Nam, trên quê hương của mình thì hoàn toàn vững tâm. Vì chúng tôi hiểu, Việt Nam phòng dịch rất tốt”.

Khu phố đi bộ hồ Gươm trong thời gian cách ly xã hội.

Đương nhiên, công tác chống dịch không thể thành công nếu thiếu sự ủng hộ, chia sẻ từ phía người dân. Trong giai đoạn cao điểm, mang tính quyết định, Việt Nam đã phải thực hiện một loạt giải pháp chưa từng có: Đưa đất nước vào tình trạng chiến tranh với phương châm “chống dịch như chống giặc”; thực hiện cách ly toàn xã hội; cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, Việt Nam là một trong rất ít nước huy động quân đội tham gia phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu.

Làm việc trong hoàn cảnh khó khăn, vất vả và nguy hiểm, các lực lượng chống dịch nơi tuyến đầu, bao gồm nhân viên y tế, các nhà ngoại giao, hải quan, công an cửa khẩu, bộ đội biên phòng, các nhà khoa học… đã kịp thời nhận được sự động viên, khích lệ to lớn từ phía cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Trang - người ủng hộ khẩu trang N95 và quần áo bảo hộ cho các bác sĩ ở TP.HCM đã dùng từ “người hùng” để nói về họ: “Mình thấy đây là nghĩa vụ và trách nhiệm của một người công dân, cần chia sẻ với những đóng góp, hy sinh của các bác sĩ nơi tuyến đầu. Họ là những anh hùng. Các bạn ở công ty mình đều tự nguyện, có người còn xin đóng thêm, như nước tẩy rửa, nước rửa tay, các hiện vật nhỏ khác. Tinh thần công ty rất vui”.

Tinh thần tương thân tương ái trong mùa dịch cũng thể hiện qua con số hàng trăm tỷ đồng ủng hộ qua tin nhắn từ người dân cho công tác chống dịch; các hãng sản xuất trong nước, các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hỗ trợ trang thiết bị y tế, tặng máy thở; những cây “ATM gạo” thắm đượm nghĩa tình dành cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội.

Bác sĩ Trần Văn Phúc – Bệnh viện đa khoa SaintPaul Hà Nội bày tỏ quan điểm: Trong nghịch cảnh, người dân phải thay đổi cơ bản cách giao tiếp, sinh hoạt, học tập và làm việc, nhưng họ không nao núng, trái lại, còn thể hiện được bản sắc của người Việt Nam – quả cảm, giỏi thích ứng và đoàn kết, yêu thương nhau.

“Chúng ta thấy rằng riêng Hà Nội là tâm điểm của dịch, ngay lập tức có hàng ngàn sinh viên của trường đại học Y xung phong ra tuyến đầu chống dịch, có hàng trăm hàng ngàn bác sĩ đã về hưu đăng ký để xung phong ra tuyến đầu.

Tôi cho rằng nó hun đúc từ một tinh thần anh hùng dân tộc bất khuất, cộng với yếu tố là người dân rất thận trọng và có tinh thần bao dun,g có một tinh thần sẵn sàng hi sinh của cuộc sống bản thân mình cho cộng đồng và điều đó đã làm nên chiến thắng trong đại dịch”, Bác sĩ Phúc chia sẻ

Hoạt động kinh doanh nhanh chóng trở lại sau khi nới lỏng giãn cách xã hội.

Đến thời điểm này, sau hơn 100 ngày chống dịch bệnh, Việt Nam vẫn đang kiềm chế tốt dịch bệnh, đẩy lùi được virus không lây lan rộng ra cộng đồng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 khẳng định: “Có được kết quả đó là nhờ chúng ta có sự chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, Nhà nước, có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ngành chức năng. Nhưng trước hết và trên hết, chúng ta có sự tham gia của nhân dân với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”. Thay mặt BCĐ, tôi xin trân trọng cảm ơn nhân dân đã đồng sức, đồng lòng, chung tay chống dịch. Dù phải chịu rất nhiều bất tiện, thiệt thòi về lợi ích kinh tế, rất nhiều tổ chức cá nhân, từ cụ già đến các em bé đã có nhiều hành động rất đẹp, rất y nghĩa để tiếp sức cả vật chất lẫn tinh thần cho cuộc chiến chống dịch”

Dù cho dịch bệnh vẫn còn là vấn đề nguy nan trên toàn thế giới, nhưng điều này không đáng lo ngại ở Việt Nam, vì mọi thứ đang được kiểm soát rất tốt. Như lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng 7/5/2020:  “Về cơ bản chúng ta đã đẩy lùi dịch COVID-19 và chuyển sang thời kỳ mới. Tình hình dịch trong nước đã được kiểm soát rất tốt, đã trải qua 3 tuần không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Mặc dù tình hình dịch trên thế giới vẫn phức tạp, nhưng Việt Nam đứng trước yêu cầu phải tiếp tục đón nhận người nước ngoài vào Việt Nam vì mục đích công vụ, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đặc biệt là thực hiện trách nhiệm bảo hộ công dân, đón một số công dân có hoàn cảnh đặc biệt từ các nước có dịch bệnh về nước.

Trong số này không tránh khỏi có một số người đã bị nhiễm bệnh nhất là ở những khu vực mà dịch đang hoạt động. Nên vẫn phải thực hiện cách ly ngay sau khi nhập cảnh để đảm bảo dù có một hay nhiều người trong số này bị nhiễm bệnh thì vẫn hoàn toàn an toàn với cộng đồng”.

Mặc dù công tác phòng chống dịch vẫn còn phức tạp, nguy cơ còn tiềm ẩn, song chúng tai tin tưởng tuyệt đối vào Chính phủ và sự đồng lòng của toàn dân tộc, nhất định Việt Nam sẽ giành chiến thắng trước dịch bệnh COVID-19.

Tags:
Ý kiến của bạn
Diện mạo mới của cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật

Diện mạo mới của cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật

Cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khoác áo mới lung linh ánh sáng, kết hợp với các tác phẩm nghệ thuật giống như một đường "hầm thủy cung".

Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 đầu tiên tại Việt Nam sẽ ra đời vào tháng 9

Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 đầu tiên tại Việt Nam sẽ ra đời vào tháng 9

Đây là sản phẩm được ra đời từ quá trình hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với Diễn đàn Kinh tế thế giới và sẽ là trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 thứ 19 trên toàn thế giới

Hà Nội: Đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp lễ 30/4-1/5

Hà Nội: Đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp lễ 30/4-1/5

Đến thời điểm này các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã sẵn sàng các phương án, kế hoạch để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Những bất cập trong các thủ tục bàn giao lẫn việc thanh toán chi phí quản lý vận hành cho đơn vị phụ trách đã khiến tuyến đường này gặp nhiều khúc mắt khi bị cắt điện tại các nút giao lớn hay nghiêm trọng hơn là đứng trước nguy cơ không có đơn vị quản lý vận hành, bảo trì bảo dưỡng.

Đường lên Tây Bắc: Từ những chiếc xe đạp thồ đến máy bay A321

Đường lên Tây Bắc: Từ những chiếc xe đạp thồ đến máy bay A321

21 nghìn chiếc xe đạp thồ, hơn 3 vạn lượt dân công hỏa tuyến- trong số 26 vạn dân công cả nước, đã cùng với phương tiện vận tải cơ giới, vượt núi cao, vực sâu, đưa 25 nghìn tấn vũ khí, lương thực thực phẩm vào phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Làm đường sắt đô thị trên làn BRT, có hợp lý?

Làm đường sắt đô thị trên làn BRT, có hợp lý?

Thông tin Hà Nội sẽ thay buýt nhanh BRT bằng đường sắt đô thị đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Liệu Hà Nội có nên “khai tử” buýt nhanh BRT ở thời điểm hiện tại? Ai chịu trách nhiệm khi xóa bỏ dự án nghìn tỷ này? Lựa chọn lần này của Thành phố là đường sắt đô thị sẽ đi về đâu?

Hà Nội làm gì để đẩy tiến độ cải tạo chung cư nguy hiểm cấp D?

Hà Nội làm gì để đẩy tiến độ cải tạo chung cư nguy hiểm cấp D?

Gần đây VOV Giao thông liên tiếp nhận được phản ánh của người dân Hà Nội về việc họ sẵn sàng di dời khỏi các chung cư cũ để cải tạo, xây mới, tuy nhiên điều khiến họ lo ngại nhất là thời gian xây dựng thường kéo dài, gây phiền hà và đảo lộn cuộc sống.

// //