Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Người thầy của những cô cậu học trò đặc biệt

Thu Thủy – Hồng Nhung - 09/06/2022 | 13:50 (GTM + 7)

Việc dạy dỗ mỗi học sinh, nhất là những học sinh có hoàn cảnh hay vấn đề đặc biệt về tâm lý, cũng giống như đi leo núi vậy. Mỗi học sinh sẽ là một ngọn núi, mà bản thân mình biết lộ trình đi là rất dài.

Nhưng mỗi lộ trình ấy sẽ lại là một sự khám phá, để từ đó mình có thể đúc rút kinh nghiệm và nâng cao chính bản thân…

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Có lẽ cũng bởi vì luôn mang trong mình quan niệm giáo dục đặc biệt như vậy, mà trong suốt 25 năm qua, cô giáo Nguyễn Phước Ngọc Diệp đã có thể giúp cho không ít học sinh có hoàn cảnh cũng đặc biệt không kém, có một cuộc đời tốt hơn.

Đó có thể là những học sinh cá biệt, mải chơi, có học lực kém nhất lớp, hay là những học sinh mồ côi cha mẹ, là nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực học đường, thậm chí là có cả những em gặp vấn đề về tâm lý, như mắc bệnh trầm cảm, tự kỷ hành xác, tăng động, không kiểm soát được hành vi,…

Nhưng tính đến nay, cũng đã có khoảng 100 học sinh của cô Diệp đã đỗ vào các trường cấp 3 công lập, các trường cao đẳng, đại học tại Việt Nam. Có những bạn hiện đang du học nước ngoài, nhiều bạn đã có ngành nghề ổn định và trở thành những người có ích cho xã hội.

Lớp học đặc biệt của cô Nguyễn Phước Ngọc Diệp

Lớp học đặc biệt của cô Nguyễn Phước Ngọc Diệp

Sinh năm 1983, nhưng chị Nguyễn Phước Ngọc Diệp, ở Hà Nội đã có hơn 25 kinh nghiệm trong việc giảng dạy tại nhà, hai bộ môn Toán, Hóa cho các em học sinh có lứa tuổi từ lớp 2 đến lớp 12, ngoài công việc chính là làm tại nhà xuất bản Thế giới, và làm huấn luyện viên dạy võ karate cho các trường học.

Người học trò đầu tiên đến với chị, và cũng là một trong những người khiến chị không thể nào quên, là một cô bé hàng xóm mắc bệnh basedow, thường không kiểm soát được hành vi và đập phá đồ đạc mỗi khi gặp ức chế hay không vừa ý chuyện gì đó. Chị Diệp khi ấy mới 13 tuổi, đang là học sinh lớp 8, còn cô bé ấy là học lớp 1.

Cô bé được bố mẹ gửi gắm cho chị Diệp, bởi một phần là chỉ có chị mới có thể nói chuyện được với bạn ấy, mỗi khi bạn ấy mất kiểm soát. Thế rồi sau quãng thời gian đồng hành với cô giáo Diệp, từ lớp 1 đến lớp 9, cô bé ấy sau này đã đỗ vào Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi làm giáo viên tiếng Anh của một trường tiểu học tại Hà Nội, thì đã sang Đức định cư và hiện đang du học tại Anh.

Ngoài cô bé đó thì trong suốt quá trình giảng dạy, cũng có rất nhiều trường hợp học sinh đã được chị Diệp giúp thay đổi suy nghĩ, con người và cả hành vi. Đáng nhớ nhất có thể kể đến câu chuyện về một bạn học sinh nam, sinh năm 1998, rất nghịch ngợm, được coi như là đầu gấu của trường. Nhưng sau khi gặp cô giáo Diệp, bạn ấy đã đồng ý đi học và nói rằng: “Em chấp nhận đi học và sẽ coi việc đi học này như là đi tu vậy”.

Bạn học sinh ấy đến với chị Diệp khi đang học lớp 9, nhưng chị phải dạy lại kiến thức từ lớp 3. Và sau khoảng một tháng theo học, bạn ấy vì quá căng thẳng, còn dẫn tới bị viêm dây thần kinh, bị nổi nhiều nốt trên cơ thể gây đau đớn. Nhưng bạn ấy vẫn cố gắng, kiên trì và đã đỗ vào được một trường cấp 3 công lập, với 8 điểm toán. Khi kể về bạn học sinh ấy, chị Diệp còn chia sẻ một chi tiết đáng nhớ như này:

"Trước ngày thi thì có một câu chuyện cũng vui nho nhỏ. Đó là bạn ấy vẫn rất thiếu tự tin, sợ không tự làm được bài như ở nhà. Thì trước ngày thi mình có dặn bạn ấy một câu, nói theo cái kiểu dân xã hội, đấy là, em phải nhớ, em vào phòng thi, em là bố chúng nó, cho nên là em không phải nhìn bài bất kể một ai cả. Vì kiến thức người bố thì sẽ lớn hơn kiến thức của người con. Nên em không phải lăn tăn nhìn bài bạn này hay bạn kia. Em cứ yên tâm và tập trung làm việc của mình thôi.

Khi bạn ấy nghe được câu ấy, thì bạn ấy cảm thấy như là được tiếp thêm sức vậy, và đã rất tự tin đi thi. Mình dặn bạn ấy một câu như thế, mà không dặn như một người giáo viên bình thường, vì bạn ấy là một học sinh rất khó bảo, lại là đầu gấu, nên mình chia sẻ và nói chuyện với bạn ấy theo cách đó, để có thể khiến bạn ấy bước ra được nỗi sợ bản thân, và đi thi".

Cô giáo Nguyễn Phước Ngọc Diệp

Cô giáo Nguyễn Phước Ngọc Diệp

Không chỉ giúp thay đổi cuộc đời của nhiều học sinh bằng con đường học tập, hay chỉ ra cho các em được một lối sống đúng đắn hơn, trong số những học sinh của cô giáo Diệp, có em còn may mắn được cô cứu sống khi có hành vi tự tử. Đó là một em học sinh nữ, sinh năm 1996, mắc hội chứng ngược đãi bản thân, do luôn cảm thấy bị cô đơn, sống thiếu vắng tình cảm và sự quan tâm của gia đình.

Mỗi lần cảm thấy không vui, em ấy sẽ lại dùng dao lam rạch tay mình và để dưới vòi nước, với ý nghĩ máu chảy nhanh hơn, thì mình sẽ chết nhanh hơn. Và đỉnh điểm là khi đang học lớp 9, trong một lần mâu thuẫn với bạn trai, em ấy đã có hành động bồng bột là uống tới 20 viên thuốc ngủ để kết thúc cuộc sống. Và hôm ấy, chính cô Diệp là người đã phát hiện và đưa em ấy đi cấp cứu kịp thời. Nhớ lại kỷ niệm về người học trò này.

Chi Diệp có tâm sự: "Khi bạn ấy quay trở lại học, thì một hôm bạn ấy có bảo: “Chị ơi, chị có thích cái gì không để em bảo bố mẹ em mua tặng chị ?”. Bởi vì bạn ấy trẻ con mà, nên mình cũng chỉ gõ đầu bạn ấy và nói là, em phải nhớ, cái mạng này của em là do chị cứu về. Nên lần sau mà muốn tự tử lần nữa là phải xin phép chị. Thế là bạn ấy cười và bảo là: “Chị ơi em nhớ rồi, em sợ lắm rồi. Bây giờ em hứa là sẽ không làm gì dại dột như thế nữa. Và nếu những lúc em bức xúc, khó chịu em sẽ đến gặp chị. Kể cả sau này em không học chị nữa, thì em vẫn sẽ đến gặp chị để chia sẻ những điều đấy”.

Được biết, cũng trong năm đó, bằng sự cố gắng của hai cô trò, cô học sinh ấy đã vươn lên và đỗ vào một trường công lập trên địa bàn quận Hoàng Mai. Và cho tới nay, mặc dù đã lập gia đình và có 3 con nhỏ, nhưng hai cô trò vẫn luôn đồng hành cùng nhau trong nhiều vấn đề của cuộc sống.

Những trường hợp kể trên, chỉ là một trong rất nhiều học trò đặc biệt mà chị Diệp đã đứng lớp giảng dạy trong suốt 25 năm qua. Và mặc dù luôn phải làm việc với cường độ cao, lên tới 16 tiếng một ngày, nhưng chưa bao giờ chị cảm thấy mệt mỏi, vì luôn có động lực đó là tình yêu đối với học trò.

Thậm chí với chị, việc luôn tiếp nhận những học sinh đặc biệt như vậy, còn khiến chị thêm nhiệt huyết với nghề. Bởi nó giống như đi leo núi vậy, không ai cứ muốn leo mãi một ngọn núi cả. Hôm nay mình đi Phan Xi Păng, thì lần sau mình sẽ phải đi Tà Xùa, và sau nữa thì phải chinh phục những đỉnh núi khác.

Và với quan điểm giáo dục, luôn lấy học sinh làm trung tâm và đồng hành với học sinh bất kỳ hoàn cảnh nào, những lớp học không bảng, không phấn, không cả giáo trình của chị, vẫn cứ được được duy trì bền bỉ suốt những năm qua, để giúp bao đứa trẻ nên người và trở thành người có ích.

---

Các bạn thân mến, nếu trong những phút giây của cuộc sống thường ngày hay trên những con đường mà các bạn đi qua, có những câu chuyện khiến các bạn nhớ mãi về tình người, tình yêu cuộc sống, rất mong các bạn hãy chia sẻ với chúng tôi qua fanpage: Thiên lý hữu tình, hoặc email: [email protected].

Chương trình phát sóng chiều thứ Ba, phát lại chiều thứ Năm hàng tuần trên kênh VOV Giao thông.

Để nghe thêm hoặc nghe lại chương trình trên các thiết bị di động, thính giả có thể truy cập website vovgiaothong.vn, các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); rồi sau đó gõ từ khoá: VOVGT, VOV giao thông; hoặc gõ tên các chương trình. 

Ý kiến của bạn
Hà Nội và những 'dòng sông chết'

Hà Nội và những "dòng sông chết"

Nếu tính trên toàn bộ địa bàn Hà Nội, hiện chúng ta đang "sở hữu" 7 dòng sông lớn nhỏ khác nhau. Trong đó chảy qua địa bàn nội thành có các sông như sông Hồng, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, Kim Ngưu... Thế nhưng điều đáng nói, trong 4 con sông vừa kể tên, 3 trong số chúng đã... chết, đúng theo nghĩa đen

Nút giao Chùa Bộc - Thái Hà: Gạch đá ngổn ngang, giao thông ùn tắc

Nút giao Chùa Bộc - Thái Hà: Gạch đá ngổn ngang, giao thông ùn tắc

Hiện dự án đầu tư hoàn thiện nút giao thông Chùa Bộc – Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn đang trong quá trình thi công. Thực tế tình hình giao thông tại đây như thế nào? VOV Giao thông đã có dịp trò chuyện với những người tham gia giao thông thường xuyên di chuyển qua khu vực này.

Đừng để BHYT là bánh... vẽ

Đừng để BHYT là bánh... vẽ

Tính đến cuối năm 2023, đã có hơn 90% người dân trên cả nước tham gia Bảo hiểm Y tế (BHYT). Khi nâng mức đóng BHYT của hơn 93 triệu người thì không chỉ cần tăng mức hưởng mà còn cần tăng cả khả năng tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được BHYT chi trả.

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng từ khi được công bố đã đem lại kỳ vọng giải bài toán nhà ở xã hội một cách bền vững. Tuy nhiên, việc giải ngân rất chậm, nhiều dự án không thể triển khai, người thu nhập thấp vẫn chưa thể chạm vào cơ hội có được nơi an cư.

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Các cơ sở giáo dục trên cả nước đang gấp rút lựa chọn SGK năm học 2024-2025 cho học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Quyền chọn SGK được giao cho các trường, làm thế nào để thầy cô phát huy vai trò tự chủ, trách nhiệm, đồng thời hệ thống được kiến thức những năm học trước đó cho học sinh?

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động mạnh

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động mạnh

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, trong tuần giao dịch vừa qua (18 - 22/3), thị trường hàng hóa biến động mạnh. Điều này thể hiện qua sự phân hóa, giằng co rõ rệt trên diễn biến giá của các mặt hàng.

Lãi suất huy động tìm đáy mới

Lãi suất huy động tìm đáy mới

Tính đến tuần cuối tháng 3, mức lãi tiết kiệm 5%/năm đã chính thức biến mất khỏi dải lãi suất các ngân hàng quốc doanh.

// //