Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Xu thế hợp nhất thanh toán các loại vé giao thông công cộng

Huy Văn: Thứ tư 19/04/2023, 10:34 (GMT+7)

Trong thời đại số như hiện nay, thanh toán điện tử đang được áp dụng ngày một rộng rãi, trong đó có cả giao thông như thu phí tự động hay bán vé xe điện tử. Tuy nhiên, khi nhiều đơn vị vận tải cùng hoạt động sẽ dẫn tới một vấn đề đó là người dân phải sử dụng quá nhiều ứng dụng.

Do đó, việc hợp nhất và đơn giản hóa phương thức thanh toán vé điện tử là điều quan trọng, nhất là với giao thông công cộng.

Singapore là một trong những quốc gia nổi bật với hệ thống giao thông công cộng hiện đại bao gồm xe buýt công cộng và tàu điện ngầm. Hiện tại quốc gia này có 2 loại thẻ  trả phí giao thông công cộng phổ biến là EZ-link và Transit Link với lượng người đăng ký lần lượt là 1,9 triệu và 830 nghìn.

Dù các chức năng cơ bản của 2 loại thẻ này là như nhau, tuy nhiên vẫn có một số khác biệt về các tính năng phụ như chặn thẻ thất lạc, tự động nạp tiền hay đăng ký vé xe ưu tiên v.v… Do đó, trên thực tế người dân phải sử dụng song song cả hai để không bị gián đoạn việc đi lại.

Nhưng mới đây, Cơ quan GTVT đường bộ Singapore cho biết họ sẽ hợp nhất 2 dịch vụ này vào nửa cuối năm 2023. Tầm nhìn tới nửa cuối năm 2024 sẽ hợp nhất toàn bộ các thẻ thanh toán phí giao thông công cộng nhằm đơn giản hóa phương thức thanh toán cho người dân.

Một người dân Singapore sử dụng thẻ Ez-link để thanh toán vé xe buýt. Ảnh: Today

Một người dân Singapore sử dụng thẻ Ez-link để thanh toán vé xe buýt. Ảnh: Today

Theo đó, sau khi hợp nhất, người dân sẽ được sử dụng toàn bộ các tính năng của cả 2 loại thẻ mà không cần phải thay đổi ứng dụng. Người dân cũng không cần phải liên hệ từng bên riêng biệt để giải đáp các vấn đề, thắc mắc của mình khi mà nhân lực của cả Ez-link và Transit Link gồm khoảng 400 người cũng sẽ được hợp nhất.

Quyết định này của Cơ quan GTVT đường bộ Singapore đã nhận được sự ủng hộ của người dân. Tian Tian, một người thường xuyên sử dụng xe buýt để đi làm chia sẻ: “Việc 2 loại thẻ này hợp nhất thực sự là việc tốt, là sự thay đổi cần thiết. Bởi điều này sẽ cải thiện rất lớn trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng giao thông công cộng”.

2 loại thẻ Transitlink và Ez-link vốn được Cơ quan GTVT đường bộ Singapore tạo ra phục vụ cho 2 mục đích khác nhau. Transitlink ra mắt từ năm 1987 để bán vé phương tiện giao thông công cộng và các hoạt động liên quan như nạp tiền vào vé xe; còn thẻ Ez-link xuất hiện từ năm 2002 khi Singapore bắt đầu áp dụng các phương thức thanh toán không tiếp xúc.

Thẻ EZ-link còn có thể sử dụng để thanh toán khi mua thực phẩm và đồ uống từ các cửa hàng thực phẩm và đồ uống, máy bán hàng tự động hay một số cửa hàng bán lẻ. Tuy nhiên, 2 ứng dụng này trở nên tương tự nhau vào năm 2019 khi Singapore ra mắt Simply Go, một hệ thống cho phép người dùng thanh toán tiền tàu xe bằng thẻ ngân hàng của họ. Điều này cũng giúp khách du lịch không nhất thiết phải mua thẻ Ez-link mà có thể sử dụng thẻ Visa để thanh toán tiền tàu xe.

Theo Cơ quan GTVT đường bộ Singapore, việc hợp nhất 2 loại thẻ Ez Link và Transit Link và tương lai là toàn bộ các loại thẻ, vé xe khác sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội kinh doanh và phát triển thêm các dịch vụ.

Giáo sư Walter Theseira của Đại học Khoa học Xã hội Singapore chia sẻ: “Tôi cho rằng, tại Singapore, đôi khi các loại thẻ thanh toán như Ez-link gặp khó khăn trong việc phát triển bởi sự tồn tại của quá nhiều các hệ thống thanh toán thông qua rất nhiều phương tiện như thẻ tín dụng, điện thoại di động v.v… Công ty nào cũng mong muốn bạn sử dụng ứng dụng, hệ thống của họ nên rất khó để một ứng dụng nào đó có thể vượt trội hoàn toàn”.

Theo Report Linker, thị trường toàn cầu cho bán vé tàu xe qua điện thoại di động đã đạt 1,2 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng lên 4 tỷ USD vào năm 2027 khi người dùng ngày càng quen với hình thức thanh toán không tiếp xúc, không tiền mặt.

Do đó, việc bán vé tích hợp và đơn giản hóa thủ tục thanh toán, mua vé sẽ không chỉ giúp người dân tiếp cận hệ thống giao thông công cộng một cách dễ dàng hơn mà còn đem tới nhiều lợi ích khác như tiết kiệm thời gian, chi phí. Còn đối với đơn vị quản lý, sự thống nhất sẽ giúp cả hệ thống vận hành hiệu quả hơn, dễ thu thập dữ liệu, thông tin hơn để từ đó thêm vào những cải tiến về chất lượng và dịch vụ.

Thị trường toàn cầu cho bán vé tàu xe qua điện thoại di động đã đạt 1,2 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng lên 4 tỷ USD vào năm 2027

Thị trường toàn cầu cho bán vé tàu xe qua điện thoại di động đã đạt 1,2 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng lên 4 tỷ USD vào năm 2027

Trở lại với Việt Nam, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ nên hình thức mua vé trực tuyến hay vé điện tử cũng trở nên phổ biến. Với ngành đường sắt, vé tàu điện tử đã được triển khai từ năm 2015 và nay đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Nhưng còn giao thông công cộng, vé điện tử vẫn đang “giậm chân tại chỗ”. Từ ngày 1/7/2022, các doanh nghiệp vận tải ở bến xe bắt buộc phải chuyển đổi từ vé giấy sang vé điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Tới nay, rất nhiều doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định còn đang rất lúng túng, thậm chí không hề triển khai vé điện tử và sử dụng hóa đơn. Khó khăn lớn nhất vẫn là do thiếu sự thống nhất với các bến xe ở nơi đi và nơi đến trong quá trình triển khai bán vé điện tử.

Việc tháo gỡ được những rào cản để doanh nghiệp không còn ngại vé điện tử cũng sẽ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách.

Thời gian tới, Thủ đô Hà Nội kỳ vọng sẽ triển khai thẻ vé liên thông các loại hình vận tải công cộng như đường sắt đô thị, xe bus. Cụ thể, trong năm 2023, Sở GTVT Hà Nội sẽ xây dựng và trình UBND TP nội dung về khung tiêu chuẩn kỹ thuật và chính sách vé dùng chung cho toàn hệ thống, cùng với việc xây dựng phương án và lộ trình đầu tư. Dự kiến, việc triển khai đầu tư sẽ được thực hiện vào năm 2024.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn