Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Vĩnh Long tập trung ứng phó triều cường những tháng cuối năm

Kim Loan: Thứ sáu 03/11/2023, 10:05 (GMT+7)

Trong 10 tháng của năm 2023, tỉnh Vĩnh Long bị thiệt hại 69 tỷ đồng do thiên tai gây ra. Trong đó, nỗi lo sạt lở, vỡ đê… ảnh hưởng đến nhà cửa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp luôn luôn thường trực vì Vĩnh Long hiện nay là một trong những địa phương có nhiều điểm sạt lở ở ĐBSCL.

Theo dự báo, lũ đầu nguồn ĐBSCL năm nay nhỏ, nhưng vùng hạ nguồn lại có nguy cơ bị ngập lụt do tác động của triều cường các tháng cuối năm. Để ứng phó với tình trạng này, Vĩnh Long đã lên kế hoạch triển khai các biện pháp để bảo vệ sản xuất và dân sinh.

Gia cố đê, ứng phó sạt lở là 02 nội dung và phần việc quan trọng nhất trong kế hoạch tổng thể ứng phó với thiên tai từ nay đến cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Đây là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, khi trong 6 tháng đã có tới 100 điểm sạt lở lớn nhỏ. Ông Văn Hiền – trú tại ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn cho biết:

"Công sức lao động của mình tích góp bao nhiêu năm có thiên tai một cái mất hết. Rất là buồn, mà buồn cũng phải chịu chứ biết làm sao bây giờ. Chỉ mong nhà nước hỗ trợ cho miếng đất cất nhà ở chứ không biết ở đâu."

Gia cố đê và phòng chống sạt lở là 2 nội dung và phần việc quan trọng của Vĩnh Long trong việc ứng phó với các đợt triều cường từ nay đến cuối năm vì địa phương này có nhiều điểm sạt lở.từ đầu năm đến nay

Gia cố đê và phòng chống sạt lở là 2 nội dung và phần việc quan trọng của Vĩnh Long trong việc ứng phó với các đợt triều cường từ nay đến cuối năm vì địa phương này có nhiều điểm sạt lở.từ đầu năm đến nay

Báo cáo từ Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, 10 tháng của năm 2023, thiên tai gây thiệt hại về tài sản ước tính 69 tỷ đồng (tăng gần 34 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái). Đáng kể nhất là giông, lốc xoáy, mưa lớn, gió mạnh làm hư hỏng 93 căn nhà, thiệt hại 1.970 hecta lúa và 0,86 hecta rau màu. Nặng nề hơn, hiện tại địa phương đã có 122 điểm sạt lở làm mất 3.648m bờ sông, ảnh hưởng 109 hộ dân.

Để ứng phó với những đợt triều cường, mưa bão trong thời gian từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh Vĩnh Long đã yêu cầu các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng - thủy văn, thiên tai. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa các công trình thủy lợi, giao thông có nhiệm vụ ngăn triều, chống ngập và tổ chức thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” trong xử lý sự cố vỡ, tràn, sạt lở đê bao, đường bộ, ngập lụt… nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Đến hết tháng 10, cấp huyện và cấp xã đã triển khai thi công sửa chữa, nâng cấp 221 công trình thủy lợi nội đồng với chiều dài công trình 181.805m. Sở NN&PTNT triển khai thi công 48 công trình, dự án thủy lợi lớn với nguồn vốn đầu tư gần 756 tỉ đồng. Hiện nay, Vĩnh Long “tự tin” có 94% diện tích đất sản xuất nông nghiệp (tương đương gần 112.000 hecta) được khép kín thủy lợi và ứng phó tốt với diễn biến mưa, lũ, triều cường bất thường.

Nhiều đoạn đường giao thông bị tràn trong những năm trước đã được ngành giao thông nâng cấp như: Quốc lộ 1A (đoạn thuộc huyện Long Hồ, Tam Bình), quốc lộ 53 (đoạn thuộc huyện Long Hồ). Hiện Sở GTVT tỉnh đang rà soát các tuyến đường giao thông còn thấp, tổ chức nâng cấp, sửa chữa và thực hiện chống tràn tại những đoạn đường bị tràn để đảm bảo an toàn sản xuất và dân sinh.

Đề phòng triều cường bất thường, địa phương đã triển khai thực hiện 137 công trình, dự án thủy lợi và gia cố khắc phục sạt lở bờ sông nhằm đảm bảo sản xuất cho hơn 68.200 hecta cây lâu năm, 35.000 hecta lúa thu đông, 20.000 hecta rau màu, 230 hecta nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Long có 3.642km đê bao, bờ bao chống lũ, trong đó có 50% đê bao ngăn được lũ lớn. Tại các đô thị, đã có 46 tuyến kè chống sạt lở kiên cố dài 15,33km kết hợp làm đê bao chống ngập do triều cường.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, trên địa bàn tỉnh hiện còn 194.000m bờ bao, đê bao bảo vệ cho gần 11.430 hecta đất nông nghiệp và dân sinh bị xuống cấp, không đảm bảo ngăn được triều lớn. Ngoài ra, còn có 10 đoạn đường giao thông còn thấp, dài hơn 50km có thể bị tràn. Bên cạnh, vấn đề chống ngập tại các đô thị vẫn còn khó khăn do các công trình chống ngập đã thi công nhưng phần lớn chưa hoàn thành.

Một điểm sạt lở trên địa bàn Vĩnh Long

Một điểm sạt lở trên địa bàn Vĩnh Long

Chủ động lê kế hoạch ứng khó tại những điểm, đoạn còn hạn chế, ông Lưu Nhuận - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cho biết:

"Với trường hợp này chúng ta có 2 biện pháp. Biện pháp phi công trình là theo dõi chặt chẽ, thông báo lũ đến Chính quyền, cộng đồng dân cư để mà tổ chức ứng phó cho tốt. Thứ 2 là huy động nguồn lực để ứng phó với hậu quả mưa lũ, triều cường ( nếu có). Bên cạnh đó sẽ vận hành các hệ thống thủy lợi hiện có, đóng cống nếu mực nước dâng cấp báo động III, ưu tiên cho diện tích lúa – rau màu – thủy sản trên đồng để hạn chế thấp nhât ngập trong vùng đê bao."

Tình trạng thủy triều dâng cao kết hợp với mưa lớn và lượng nước thượng nguồn đổ về gây ngập lụt trên địa bàn tỉnh những năm gần đây xảy ra thường xuyên, các cơ quan chức năng và người dân đều đã có kinh nghiệm và kịch bản ứng phó. Vấn đề quan trọng hiện nay là các cơ quan chức năng và người dân cần chú ý theo dõi thường xuyên các bản tin cảnh báo của ngành khí tượng thủy văn, mỗi người mỗi nhà dựa trên kinh nghiệm thực tiễn để có kế hoạch ứng phó hiệu quả.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn