Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Vì sao cửa hàng xăng dầu ở ĐBSCL đóng cửa hàng loạt?

Kim Loan: Thứ tư 05/10/2022, 14:42 (GMT+7)

Chưa năm nào tình cảnh thiếu xăng dầu cục bộ lại kéo dài dai dẳng tại khu vực ĐBSCL như năm nay. Đến giờ phút này, hầu hết mỗi tỉnh, thành đều có hàng chục cây xăng “đệ đơn” xin được đóng cửa. Các đại lý còn neo lại thì cũng “sức cùng lực kiệt” khi bán buôn trong thua lỗ mấy tháng ròng.

Đến địa bàn thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang trong thời điểm này, hình ảnh chung tại các cây xăng còn mở cửa là bán giới hạn dưới 1.000 lít/ngày. Có đại lý mở cửa buổi sáng nhưng buổi chiều thì đóng cửa treo bảng “đang nhập hàng”. Theo lí giải của các chủ cây xăng, “bán nhiều lỗ nhiều, bán ít lỗ ít” nên để số tiền lỗ “ra đi” chậm lúc nào hay lúc nấy.

Các đại lý đong vài ngàn lít bán hết trong vài ngày mới dám nhập về thêm. Đây chính là lí do hết cây xăng này hạ bảng “đang nhập hàng” lại đến cây xăng khác dựng bảng lên. Hiện trên địa bàn An Giang đã có 20 doanh nghiệp “đệ đơn” lên Sở Công Thương đề nghị xin ngừng hoạt động.

Doanh nghiệp tư nhân Năm Hùng, ở xã Vĩnh Hòa, TX Tân Châu, An Giang là một trong số các đại lý còn cố gắng duy trì cung ứng xăng dầu trên địa bàn trong suốt 10 tháng qua. Những năm trước, trung bình một ngày đại lý Năm Hùng bán ra 1.600 lít xăng dầu.

Kể từ sau Tết nguyên đán, chiết khấu còn 0 đồng, doanh nghiệp cắt giảm chỉ bán giới hạn 1.000 lít/ ngày. Với mức bán này, doanh nghiệp đã chịu lỗ 60 triệu đồng/ tháng. 

Ông Trần Trung Tín – đại diện doanh nghiệp tư nhân Năm Hùng, xã Vĩnh Hòa, TX Tân Châu, An Giang kể khổ: "Mình nhập vô nhiều mà đong nhỏ giọt người dân đâu có chịu, có số điện thoại đường dây nóng dán trên tường, có gì người ta gọi báo quản lý thị trường, rồi lúc đó phải kiểm kê bồn chứa còn mệt cho chính mình nữa. Mà nhập về ít thì xe đâu có giao, phải nhập ít nhất 3 ngàn lít thì xe mới giao. Giá trần bán theo giá trần, bán không lợi nhuận, duy trì từ nay tới tết chắc cũng xin cơ quan chức năng cho ngừng bán".

Một cửa hàng xăng dầu treo biết 'hết hàng'

Một cửa hàng xăng dầu treo biết "hết hàng"

Tại Bến Tre, công ty TNHH Một thành viên Minh Thư có chuỗi 06 cửa hàng bán xăng dầu trên địa bàn cũng đã có văn bản gửi đến Sở Công thương tỉnh này xin được tạm nghỉ trong 29 ngày vì kinh doanh thua lỗ. Theo giải thích của đại diện công ty, doanh nghiệp bị thua lỗ trung bình 1 tỉ/tháng, đã mất khả năng thanh toán tiền mua hàng. Với mức chiết khấu chỉ vài trăm đồng/lít, còn không đủ cho chi phí vận chuyển nói chi đến chi trả tiền thuê nhân viên báng hàng, lãi suất vay ngân hàng và các chi phí khác.

Ông Dương Minh Tuấn, Giám đốc công ty cho hay: 'Nguồn cung vẫn có nhưng hoa hồng quá thấp, bây giờ bán không lỗ là mừng lắm, tháng nào cũng có lỗ nhiều hay ít thôi chứ đừng có nghĩ đế lãi bao nhiêu. Giá thế giới vừa nhích lên một chút là đầu mối nhập khẩu bóp hoa hồng xuống bằng 0 liền, còn giá xăng dầu thế giới tăng 5-6% thì từ sáng đến giờ chưa thấy ai tăng hoa hồng lên hết, có chỗ tăng chừng 100 "đồng/lít. Bây giờ càng bán càng lỗ, nếu tối thiểu hoa hồng tại kho là 700 đồng/lít thì bán mới bằng vốn.

Bến Tre có tổng số 411 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tương ứng với 258 doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn có 2 kho xăng dầu đang hoạt động với trữ lượng khoảng 5.600 m3. Sản lượng tiêu thụ xăng dầu của tỉnh trung bình hằng năm hơn 200.000 m3. Ông Nguyễn Văn Bé Sáu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre thừa nhận, hiện nay nhiều đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đang bị thua lỗ là có thật. Sở Công thương đã tiếp nhận 5 đơn của các doanh nghiệp xin tạm ngưng hoạt động.

Còn tại Tiền Giang – địa phương có mạng lưới kinh doanh xăng dầu thuộc tốp lớn của vùng ĐBSCL. Tiền Giang có nhiều Quốc lộ như: Quốc lộ 1A, 60, 50, 30 và kênh Chợ Gạo, sông Tiền... tất cả đều là đầu mối giao thông thủy bộ, huyết mạch của vùng nên cần lượng xăng dầu phục vụ phương tiện mỗi ngày rất lớn.

Trên địa bàn tỉnh có 12 đơn vị cung ứng xăng dầu, trong đó có 07 thương nhân phân phối, 02 thương nhân phân phối nhận ủy quyền, 01 thương nhân xuất nhập khẩu, 01 tổng đại lý, 01 đơn vị thuộc Tập đoàn Petrolimex cùng với hơn 640 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Nhưng việc thu lỗ kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp không còn tha thiết với ngành nghề này nữa. Nhiều cửa hàng giảm bớt nhân viên, cắt bớt trụ bơm, giảm thời gian bán hàng và không còn nhiệt tình phục vụ khách hàng như trước đây.

Đa số các chủ đại lý, cửa hàng cho rằng, chẳng đặng đừng mới bán hàng vì ngưng hoạt động sẽ bị xử phạt và mất khách hàng. Kinh doanh thua lỗ kéo dài nhiều tháng qua, nhiều doanh nghiệp, chủ đại lý xăng dầu phải ôm nợ, “chết lâm sàng”.

Một chủ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại xã Tân Thanh, huyện Cái Bè cho biết: "Bây giờ cố gắng chịu thôi chứ biết làm sao bây giờ. Mình đâu dám xin nghỉ vì nghỉ sẽ mất mối hết, từ xưa đến bây giờ mình sống có nghề này không cũng ráng đeo, nên cũng ráng chờ. Cố gắng coi tình hình thế nào chứ theo lâu dài theo không nổi đâu, chịu đựng không được chắc buông luôn quá".

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang trong tình trạng 'bán nhiều lỗ nhiều, bán ít lỗ ít'

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang trong tình trạng "bán nhiều lỗ nhiều, bán ít lỗ ít"

Ở thời điểm này, Tiền Giang đã có 20 cửa hàng bán lẻ xăng dầu xin tạm ngưng bán hàng từ 1 đến 3 tháng với lý do sửa chữa nâng cấp cơ sở. Sở Công tỉnh Tiền Giang đang tiến hành xác minh cụ thể và sẽ không chấp thuận cho tạm ngưng kinh doanh xăng dầu khi không có lý do chính đáng. Ông Đặng Văn Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cho biết, về giá cả, ở góc độ địa phương không giải quyết được vấn đề mà phải cần  cấp TW vào cuộc:

"Tình hình chung là vậy, mình biết họ lỗ thật mà. Hiện giờ người ta càng bán càng lỗ chứ làm sao bây giờ. Các Bộ phải có ý kiến, có cơ chế hoa hồng tối thiểu kiểu gì cho người ta bán chứ  làm càng ngày càng lỗ mà bắt người ta bán hoài sao được. Chắc là Bộ có chính sách, có hướng dẫn… chứ ép người ta bán lỗ sao được, ví dụ cơ bản một ngày một bữa thì được chứ dài ngày quá sao được".

Tại Cà Mau, nguồn cung dầu Diesel phục vụ cho gần 4.000 tàu thuyền đánh bắt thủy sản và các phương tiện giao thông vận tải, sản xuất nông nghiệp, thi công công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh đang thiếu đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều phương tiện, kéo theo chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Công Thương nhờ can thiệp tình trạng giá dầu tăng cao, nguồn cung khan hiếm.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, hiện nay hoạt động kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến cơ chế chiết khấu và nhiều thủ tục hành chính. Từ tháng 7/2022 đến nay, chiết khấu các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân và các doanh nghiệp bán lẻ rất thấp, không đủ tiền vận chuyển, chi phí điện nước, nhân công. Các doanh nghiệp kiến nghị cần kiểm soát chặt và làm rõ giá thành đầu vào của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu; Chiết khấu hoa hồng tối thiểu để đảm bảo chi phí kinh doanh.

Những tháng qua, thị trường xăng dầu dù đã được áp dụng nhiều giải pháp để để kìm chế sự gián đoạn cung ứng, tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để, căn cơ. Tại ĐBSCL, vùng có 90% diện tích đất sản xuất cần đến nhiên liệu xăng dầu để vận hành thiết bị máy móc đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Bởi, hiện nay, các cửa hàng bán lẻ đã không còn “dọa dẫm” bán nhỏ giọt nữa mà đã thật sự đóng cửa.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn