Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Tro xỉ nhà máy nhiệt điện Hải Dương gây ô nhiễm môi trường, cần xử lý nghiêm

Hải Hà: Thứ tư 13/03/2024, 06:13 (GMT+7)

Những ngày qua, dư luận quan tâm đến những phản ánh của người về tình trạng tập kết, vận chuyển tro, xỉ thải của Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương gây ô nhiễm môi trường.

Trong đó, tro xỉ tập kết trái phép ở một số bến bãi dưới chân cầu Mây, xã Thăng Long và ở khu đất chuyển đổi thuộc thôn Xạ Sơn, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương không có các biện pháp che đậy, chống bụi.

Vậy theo quy định của pháp luật, quy trình xử lý các tro, xỉ thải của nhà máy nhiệt điện phải thực hiện như thế nào? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường xung quanh nội dung này:

PV: Thưa Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, các chất thải, tro xỉ của nhà máy nhiệt điện theo quy định phải được xử lý như thế nào để không ảnh hưởng tới môi trường?

TS Hoàng Dương Tùng: Vấn đề tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện là một vấn đề được quan tâm hàng đầu, bên cạnh khí thải. Khi xây dựng nhà máy nhiệt điện, bao giờ cũng có đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường.

Trong đó quy định các bãi đổ tro xỉ ở đâu, các phương thức đổ tro xỉ như thế nào để hạn chế những ảnh hưởng ra môi trường.

Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. Ảnh: Báo Công luận

Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. Ảnh: Báo Công luận

Tro xỉ, tro bay của các nhà máy nhiệt điện không phải là chất thải nguy hại. Tuy nhiên, nếu chúng ta đổ ra các bãi đất, thì các bãi đấy phải được phép và phải có những cái quy cách để bảo vệ môi trường, chống bụi. 

Qua những thông tin được biết, tôi cho rằng, một số cách làm của Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương không đúng, gây bụi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Thứ hai, cái bãi đổ xỉ chưa chuẩn bị kỹ, đổ ra những khu đất, không biết đã có phép hay không, đã có phương pháp lót ở dưới hay không cũng như có các phương pháp chống bụi hay không.

Tuy nhiên, thông qua dư luận, người dân kêu, có vẻ nhà máy là không tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường như trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và Giấy phép môi trường.

PV: Có cách nào để tái sử dụng các tro xỉ, tro bay của các nhà máy nhiệt điện không thưa ông?

TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

TS Hoàng Dương Tùng: Tro xỉ của nhà máy nhiệt điện Phả Lại tiêu thụ rất nhiều, có thể tái sử dụng, làm thành vật liệu xây dựng, tro bay làm cho nhà máy xi măng, vật liệu.

Rất nhiều các nhà máy hiện nay tận dụng tro xỉ để tái sử dụng và dùng làm nhiều việc khác.

Tuy nhiên, trong quá trình  chưa bán được ngay, các nhà máy bao giờ cũng phải có cách bãi tro xỉ. Ở nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương, tôi thấy rằng, người ta cũng có làm dây chuyển để xử lý nhưng dây chuyền không hoạt động.

Chắc chắn, khi nhà máy vận hành như vậy, trong báo cáo Đánh giá tác động môi trường phê duyệt, người ta đã phê duyệt các quy cách kỹ thuật của bãi tro xỉ, địa điểm các bãi tro xỉ và quy cách vận chuyển như thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và các biện pháp hạn chế bụi. Tôi không hiểu tại sao nhà máy lại có những thay đổi đột ngột như thế ảnh hưởng đến tất cả, môi trường và đời sống người dân.

Trước đây,  Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân cũng gây bụi và gặp phải phản ứng của người dân, nhưng sau đó, nhà máy đã có nhiều những biện pháp chống bụi và tìm cách để tiêu thụ tro xỉ, tro bay của nhà máy nhiệt điện. Như vậy thì tôi nghĩ rằng tất cả những cái đấy thì nó đã được quy định rồi.

PV: Vậy với sự cố môi trường của nhà máy nhiệt điện Hải Dương, trách nhiệm thuộc về đơn vị nào và cách nào để khắc phục thưa ông?

TS Hoàng Dương Tùng: Nhà máy nhiệt điện Hải Dương có quy mô không nhỏ, nên bất kỳ hoạt động của nhà máy thì chính quyền địa phương phải nắm rõ và có trách nhiệm, như Sở Tài nguyên Môi trường, chính quyền địa phương cũng phải biết. Bởi đây là các cơ quan của địa phương có trách nhiệm theo dõi kịp thời, phát hiện kịp thời và có những phản ứng kịp thời.

Hiện nay, cả bên Sở Tài nguyên và Môi trường, công an tỉnh cũng đã vào cuộc. Tôi thấy rằng, cần phải nghiêm khắc xử lý vấn đề này vì nó ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe cuộc sống của người dân.

Tôi nghĩ rằng, tất cả các nhà máy nhiệt điện, trước hết các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về tro xỉ. Thứ hai, các cơ quan nhà nướccũng thường xuyên giám sá,t phải bám sát tìm hiểu các hoạt động của doanh nghiệp,phải có những biện pháp kiểm tra, thanh tra kịp thời và yêu cầu tạm dừng. Thứ ba, phải lắng nghe các ý kiến phản ánh của người dân để nhanh chóng kiểm tra, thanh tra và có biện pháp xử lý kịp thời.  

PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn