Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Trắng đêm lo sạt lở

Trọng Nhân: Thứ ba 14/05/2024, 09:56 (GMT+7)

Thời gian qua, tình trạng sạt lở tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang diễn biến ngày một phức tạp khi có đến hơn 400 điểm sạt lở khiến 10km đường giao thông và 38 căn nhà bị thiệt hại. Điều này dẫn đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa trở nên khó khăn.

Gần 1 tháng trôi qua nhưng cô Ngọt, ngụ tại ấp kinh 5, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng vẫn chưa hết bàng hoàng với những chuyện đã xảy ra với mình. Ngôi nhà mà cả đời cô cố gắng chắt chiu, làm lụng mới có được, chỉ trong tích tắt đã bị chôn vùi trong đống đổ nát.

Nhìn về ngôi nhà đã sập từ túp lều dựng tạm, cô Ngọt kể lại: “Lúc đó cô đang nằm trong nhà thì nghe tường nhà nổ, rồi căn nhà nghiêng từ từ đổ xuống lòng sông. Trong nhà không ai hay biết hết, rồi đến khoảng một chút là nghe một cái rầm khiến cô chạy ra không kịp, lúc đó cô xỉu luôn. Con cô không thấy cô đâu nên lao vào ẵm cô chạy ra. Bây giờ còn của cải gì nữa đâu con ơi, khóc 1 tháng nay rồi. Nhớ lại vợ chồng với con làm hoài mới xây được ngôi nhà nhưng giờ mất hết rồi…”

Hiện trường một vụ sạt lở tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang

Hiện trường một vụ sạt lở tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang

May mắn hơn cô Ngọt, ngôi nhà của cô Hạnh vẫn còn đứng vững sau vụ sạt lở. Tuy nhiên, vụ sạt lở đã khiến đoạn đường phía trước nhà cô Hạnh bị sập hoàn toàn dẫn đến việc lưu thông của người dân trong khu vực vô cùng khó khăn. Giờ đây, cô Hạnh phải dỡ bỏ hàng rào và dành phần hành lang phía trước nhà rộng chỉ bằng 1 chiếc xe máy để người dân có thể đi lại.

Thế nhưng, nỗi lo lớn nhất hiện nay của cô Hạnh là nền đất còn quá yếu sẽ khiến tình trạng sạt lở trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng đến ngôi nhà. Sạt lở xảy đến đã để lại trong cô nỗi ám ảnh mỗi đêm vì ngôi nhà là tài sản duy nhất mà cô và chồng mình phấn đấu cả đời mới gầy dựng được:

“Cô không mở hàng rào thì lấy đường đâu người dân đi, mà để người dân đi thì sợ sạt lở vào nhà mình. Từ ngày bị sạt lở cô không thể ăn nổi. Đêm ngủ mà nghe tiếng gió thôi cũng sợ. Ngủ không yên, đi tới đi lui để nhìn quanh nhà vì sợ sạt lở để chạy ra. Đêm không dám ngủ vì lo sợ…đi làm mệt về cũng không được ngủ yên.

Theo báo cáo của huyện U Minh Thượng, từ khi xảy ra tình trạng sạt lở đã khiến nhiều cây cầu hư hỏng và hơn 10km đường giao thông bị thiệt hại. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân nói riêng và kinh tế vùng nói chung.

Từ khi xảy ra tình trạng sạt lở đã khiến nhiều cây cầu hư hỏng và hơn 10km đường giao thông bị thiệt hại

Từ khi xảy ra tình trạng sạt lở đã khiến nhiều cây cầu hư hỏng và hơn 10km đường giao thông bị thiệt hại

Ghi nhận của phóng viên, hiện trên địa bàn huyện U Minh Thượng gồm có xã An Minh Bắc và xã Minh Thuận bị ảnh hưởng nặng bởi sạt lở. Tại 2 xã này người dân thường sinh sống bằng nghề trồng trọt và vận chuyển hàng hoá đến các vùng khác để buôn bán.

Tuy nhiên, tình trạng sạt lở đã khiến việc lưu thông hàng hoá trở nên khó khăn, bởi xe tải và xe ba gác không thể di chuyển. Thay vào đó người dân phải vận chuyển bằng các phương tiện nhỏ gọn như xe máy, xe đẩy khiến mất nhiều thời gian và công sức. Ngoài ra, việc đến trường của các em học sinh cũng gian nan và thêm phần vất vả:

“Xe tải mình đậu ở nhà giờ không đi được nữa. Giờ xảy ra sạt lở khiến việc vận chuyển hàng hoá nhiều công đoạn lắm. Đoạn nào đi được thì mình chuyển hàng bằng xe lôi, đoạn nào xe lôi không đi được mình chuyển qua chở xe máy, xe rùa hoặc khiên vác qua chỗ sạt lở. Nói chung là tốn nhiều nhân công, cực khổ hơn. Đi lại khó khăn khiến việc đi học của các em nhỏ cũng cực hơn.”

Theo ông Phạm Quốc Toản - đại diện phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, huyện U Minh Thượng, vị trí sạt lở thường có nền đất tơi xốp và do tác động của hạn hán kéo dài. Liên quan đến công tác khắc phục hậu quả tạm thời sau sự cố sạt lở, địa phương đã tuyên truyền và hỗ trợ di dời người dân trong vùng ảnh hưởng đến nơi an toàn.

Cùng với đó, đặt rào chắn và gắn biển cấm cảnh báo các đoạn đã và sắp sạt lở, cấm các phương tiện xe bốn bánh có tải trọng lớn vào vùng nguy hiểm; huy động lực lượng khắc phục tạm thời những đoạn đường giao thông nông thôn hư hỏng để người dân lưu thông, vận chuyển hàng hoá.

Tình trạng sạt lở đã khiến việc lưu thông hàng hoá trở nên khó khăn, bởi xe tải và xe ba gác không thể di chuyển

Tình trạng sạt lở đã khiến việc lưu thông hàng hoá trở nên khó khăn, bởi xe tải và xe ba gác không thể di chuyển

Về phương án khắc phục lâu dài thì hiện địa phương cùng các sở ngành liên quan vẫn đang gấp rút thống nhất và tìm hướng giải quyết căn cơ. Ông Phạm Quốc Toản cho biết thêm:

“Đối với các tuyến đường đê bao và lộ giao thông nông thôn thì là tuyến đường chính của nông dân lưu thông. Sụt lún, sạt lở như thế thì ảnh hưởng không ít đến đời sống và kinh tế của người dân. Hiện nay địa phương cùng các sở ngành đang họp tìm ra phương án tháo gỡ về lâu dài, còn biện pháp trước mắt thì tạm thời mở đường tạm để người dân lưu thông.”

Rất may những vụ sạt lở xảy ra tại huyện U Minh Thượng vừa qua chưa có thiệt hại về người. Tuy nhiên, mất mát về vật chất và tinh thần thì đã và đang còn đó. Rất mong, các đơn vị chức năng tỉnh Kiên Giang sẽ sớm đưa ra phương án để khắc phục hậu quả, cũng như biện pháp phòng chống sụt lún, sạt lở trong thời gian tới.

Trọng Nhân/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn