Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

TP.HCM chủ động các kịch bản đối phó với dịch sởi

Phan Nhơn: Thứ bảy 22/06/2024, 20:17 (GMT+7)

Mới đây, TP.HCM liên tiếp ghi nhận 9 ca bệnh sởi, hầu hết chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Đây cũng chính là điểm lo ngại mà nhiều chuyên gia đã cảnh báo ở những mùa dịch trước đó.

Mức bao phủ chỉ đạt xấp xỉ 90%, chưa đạt chỉ tiêu tối thiểu TP.HCM đề ra là trên 95% và theo yêu cầu của Bộ Y tế, đây là mức bao phủ cần thiết để có thể tạo miễn dịch cộng đồng ngăn ngừa bệnh bùng phát và tiến đến mục tiêu loại trừ bệnh sởi

PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM để làm rõ hơn những kịch bản có thể xảy ra nếu dịch sởi bùng phát khi đang vào đầu mùa.

PV: Vâng, xin chào bác sĩ Trương Hữu Khanh, thành phố bắt đầu xuất hiện rải rác các ca sởi. Vậy ông có dự báo gì trước những tình hình này không?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Khi mình thấy số ca ghi nhận được ở TP.HCM và theo tôi biết ở các tỉnh cũng có rải rác, những ca đó mình xét nghiệm ra còn số thật ở ngoài dạng sốt phát ban hoặc mình bỏ sót còn nhiều hơn số mình thấy. Cho nên, bây giờ bắt đầu mùa của  của dịch sởi và có khả năng xảy ra nếu không có cách phòng chống tốt.

PV: Thưa ông, vậy nguyên nhân do đâu và có chăng một phần do thiếu hụt vắc xin ở giai đoạn cuối năm 2023 và đầu 2024?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Thông thường mình chưa có vắc xin thì sởi xảy ra hằng nằm, khi mình có vắc xin rồi thì sởi xuất hiện chu kỳ. Bởi vì, chúng ta khó có thể phủ rộng được lượng vắc xin ở tỉ lệ cao, nên chu kỳ khoảng 4-5 năm một lần. Chúng ta biết năm 2014 ta có một trận, sau đó 2018 rồi cũng có thể 2024, vì cũng gần 5 năm rồi nên một trận dịch nữa xảy ra sẽ không có gì làm lạ. 

Thứ hai, khi dịch Covid thì mọi thứ dừng lại hết thành ra chuyện chích vắc xin cũng ngừng lại và ta cũng biết vừa qua có thời gian không cung ứng đủ vắc xin. Lúc đó tiêm chủng mở rộng thiếu vắc xin. Tất cả các yếu tố làm độ phủ vắc xin giảm xuống rất nhiều.

Rõ ràng hiện các ca phát hiện sởi là những ca tiêm không đủ hoặc không tiêm. Với những yếu tố trên không có gì để khó lý giải hết. Tuy nhiên, khi dịch bắt đầu mình cùng nhau phòng chống, tại yếu tố phòng chống sởi rất khó vì lây nhiều song cũng rất dễ vì ta có vắc xin, đó là vấn đề của dịch sởi.

Trẻ mắc bệnh sởi được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Trẻ mắc bệnh sởi được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

PV: Những kịch bản nào được cần được chuẩn bị khi ông là một chuyên gia thường xuyên nằm trong ekip với HCDC và Sở Y tế TP.HCM trong công tác chống dịch?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Lãnh đạo Sở y tế Thành phố đầu tiên muốn ngăn chặn dịch sởi phải tòan dân chứ nếu mỗi ngành y tế làm không thì không được.

Thứ 2, mình phải phát hiện ra ca thật sớm, ví dụ trong một nhà trẻ có một ca sốt phát ban thôi thì phải nghĩ coi chừng đó là sởi, để mình phát hiện. Hoặc tại một nhà trọ nào đó nếu mình thấy có ca phát ban nên báo với địa phương, nhà trẻ báo lên y tế trường, còn bệnh viện phát hiện ca sởi phải báo cho y tế dự phòng đi xuống điều tra ngăn chặn dịch. Đặc biệt, điều tra hết những đứa trẻ tiếp xúc rồi theo dõi đứa đó, cần chú ý những trẻ chưa chích ngừa đủ thì phải chích phủ lại, đó là cách phòng ngừa.

Về khía cạnh điều trị thì Sở Y tế cũng thành lập một ban cố vấn về điều trị, có số điện thoại của các chuyên gia để khi khó khăn của địa phương liên lạc được tuyến trên hỗ trợ điều trị. Tuy nhiên, đến nay mức độ điều trị cũng không quá khó, vì các ca chưa nhiều. Hiện, TP.HCM đã chuẩn bị thuốc, nhân lực sẵn sàng. Bản thân BV Nhi đồng 1 và cùng 2 bệnh viện nhi đồng còn lại và Bv Bệnh Nhiệt đới sẽ chuẩn bị một khu vực, nếu dịch có xảy ra thì để bệnh nhân nằm ở khu vực thế nào? Mở rộng ra sao? Tất cả đều có kịch bản hết vì việc chống dịch này thường xuyên ở BV Nhi, dịch thường xảy ra nên khi xuất hiện chỉ cần họp lại, tổ chức lại thôi.

Ảnh: Thảo Phương/PLO

Ảnh: Thảo Phương/PLO

PV:Thưa ông, có thêm một cái kịch bản nữa thì các ca nặng, các tuyến tỉnh đổ về đông quá thì mình dự liệu như thế nào?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Thông thường có dịch sởi thì thế nào tuyến dưới cũng gọi lên hỏi. Tại vì dịch sởi không đơn giản là điều trị không mà còn vấn đề chống dịch trong bệnh viện. Hiện nay, một vài bệnh viện liên lạc với Nhi đồng 1 xem xem hỗ trợ chống dịch như thế nào.

Cũng giống như bệnh dịch khác, tốt nhất là điều trị tại chỗ. Song, bệnh nhân họ muốn đi đâu thì mình tiếp nhận và điều trị thôi, điều trị tại chỗ hỗ trợ bằng các buổi hội chẩn. Nếu nhiều quá thì bác sĩ tuyến trên thực hiện động tác huấn luyện lại qua hệ thống Zoom hoặc xuống trực tiếp. Vừa rồi, Bộ Y tế cũng thành lập một đoàn cùng với chống dịch và lâm sàng xuống 1-2 tỉnh tham gia giảng dạy trở lại.

PV: Còn kịch bản nữa là khả năng năm nay có thể xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch” như 2014, 2018, vừa Sởi chồng thêm dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Cái đó đúng là nỗi lo của chúng ta, khi bàn tới dịch sởi là bàn đến điều này. Tại vì, chúng ta biết dịch sởi bệnh nhi không được nằm cùng nhau đứa nào hết. Ví dụ, sốt xuất huyết mình chống muỗi thôi, có thể nằm xen kẽ nhau được còn sởi phải dành cho các bé một khu riêng biệt. Nếu như dịch chồng lên dịch thì như vậy không có chỗ nằm, khoa nhiễm phải tải đi chỗ khác.

Tuy nhiên, điều may mắn chúng ta biết là có vắc xin nên mình muốn dập dịch nhanh thì chỉ có vắc xin vô là dịch sẽ ngừng lại. Vấn đề ở chỗ sự phối hợp giữa người đi tiêm, ý thức người dân khi đi tiêm chủng cố gắng tiêm đủ thì lúc đó mới ngăn được dịch. Nếu để dịch xảy ra như chúng ta biết năm 2014, 2018 thì trả giá rất nhiều sinh mạng đứa trẻ, rất là tội.

PV: Vâng, xin cảm ơn bác sĩ.

Phan Nhơn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn