Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Thu thuế bất động sản thứ hai: Giải pháp hữu hiệu để hạ nhiệt "sốt đất ảo"?

Trọng Điển - Minh Thùy - Trúc Thủy: Thứ sáu 06/01/2023, 14:29 (GMT+7)

UBND TP.HCM đang có đề nghị đánh thuế bất động sản thứ 2 với mục đích ngăn chặn đầu cơ, ổn định thị trường bất động sản, tạo nguồn ngân sách nhà nước phát triển thành phố.

Tuy nhiên, đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Liệu đây có phải là giải pháp hữu hiệu để hạ nhiệt cơn “sốt đất ảo” thời gian qua?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, việc UBND TP.HCM đề xuất thu thuế người sở hữu bất động sản thứ 2 không phải là mới. Trước đây, Thành phố cũng đã từng nhắc đến nhưng chính sách không được thực hiện, do vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Trong đó đa phần cho rằng chỉ nên đánh thuế bất động sản thứ 2 trong trường hợp vượt hạn mức quy định bất động sản hoặc không đưa vào khai thác bỏ hoang lâu năm, người sở hữu quá nhiều giá trị bất động sản.

Tuy nhiên, theo Luật sư Hậu, trong bối cảnh giá nhà đất hiện nay quá cao do tình trạng đầu cơ, sốt ảo nên việc đánh thuế này là cần thiết, nhưng chỉ nên làm thí điểm để đánh giá tính hợp lý trước khi áp dụng đại trà.

"Hiện nay, trong bối cảnh giá nhà đất tăng cao so với chi trả người dân và tỷ lệ lớn đầu cơ, cho nên mình nên thí điểm đánh thuế nhà thứ 2. Bởi vì phần lớn các nhà đầu tư tham gia thị trường là mua đi bán lại để kiếm lời thì sẽ gây bất ổn. Nên mình cần thí điểm xem phản ứng dư luận ra sao.

Tuy nhiên thí điểm là theo giá nhà hay là theo giá đất, bởi vì thị trường người ta mua nhà đất rất nhiều loại, để làm sao có hiệu quả toàn quốc, để điều tiết đồng vốn trong lĩnh vực này", Luật sư Hậu cho biết.

Trong bối cảnh giá nhà đất hiện nay quá cao do tình trạng đầu cơ, sốt ảo nên việc đánh thuế này là cần thiết, nhưng chỉ nên làm thí điểm để đánh giá tính hợp lý trước khi áp dụng đại trà (Ảnh: VnExpress)

Trong bối cảnh giá nhà đất hiện nay quá cao do tình trạng đầu cơ, sốt ảo nên việc đánh thuế này là cần thiết, nhưng chỉ nên làm thí điểm để đánh giá tính hợp lý trước khi áp dụng đại trà (Ảnh: VnExpress)

Cũng theo Luật sư Hậu, việc đánh thuế có thể sẽ làm người mua cân nhắc hơn; qua đó cũng có thể phần nào giảm bớt việc đầu cơ bất động sản , đồng thời góp phần tăng thêm nguồn thu ngân sách nếu thành phố làm nghiêm.

Ủng hộ quan điểm đánh thuế căn nhà thứ 2, song Kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cần tính toán hạn mức phù hợp cho từng đối tượng chịu thuế, áp dụng cho từng khu vực nông thôn hay thành thị, để tránh gây bất lợi cho người dân, nhất là những nhà đầu tư thứ cấp hoặc người lao động thu nhập thấp.

"Nếu trường hợp mua bỏ đó mà trong khi người khác không có nhà ở thì đánh thuế họ là hợp lý. Rồi còn người mua căn hộ cho người khác thuê với mục đích kiếm sống. Rồi người không có điều kiện mua nhà sẽ thuê ở. Như vậy cũng là giải pháp trung gian giúp chuyển tiếp quyền sở hữu cho người thuê. Nên cái này cũng có ảnh hưởng đến một số nhà đầu tư thứ cấp", Kiến trúc sư Khương Văn Mười nói.

Bên cạnh ý kiến đồng tình, vẫn có ý kiến băn khoăn, lo ngại về tính minh bạch, công bằng của chính sách; thậm chí khiến thị trường bất động sản vốn đang bị “đóng băng” khó càng thêm khó:

"Lịch sử từ xưa tới giờ, nghĩa là một gia đình hai vợ chồng có thể sở hữu 2-3 bất động sản đứng tên dùm cho con cái để ở. Ví dụ một căn nhà nhỏ quá sẽ mở rộng ra thành hai căn, có nghĩa là người ta sẽ chuyển nhượng cho con cái, người thân thì chúng ta sẽ tính toán như thế nào?"

"Có thể là đúng nhưng cần phải tính toán rõ ràng hơn. Bởi vì một người có hai biệt thứ. Một người nông thôn có hai nhà lá thì sao đánh thuế được. Nó phải có sự nghiên cứu".

"Nếu đánh thuế căn nhà thứ hai thì thị trường chắc chắn sẽ chậm lại, chắc chắn thị trường tiêu thụ sẽ khó hơn".

GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc đánh thuế này chưa chắc sẽ không ngăn được tình trạng đầu cơ. Bởi thực tế, người có nhu cầu nhà ở thật vẫn rất khó tiếp cận với giá nhà ở hiện nay, còn lại vẫn sẽ rơi vào tay các nhà đầu cơ tiếp tục đẩy giá bán lên cao do chịu thuế. Thậm chí có trường hợp nhờ người đứng tên bất động sản thứ 2 để lách luật.

"Tình trạng anh, chị, em, người thân đứng tên dùm là có. Nhưng chúng ta biết rằng, độ rủi ro của việc đứng tên này là rất cao. Thế thì đến một lúc nào đó, người ta sẽ cân nhắc chọn cách thà nộp thuế cao một chút nhưng đây vẫn là tài sản công khai của mình”, ông Đặng Hùng Võ cho biết.

Nói về đề xuất này, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc công ty đầu tư Bất Động Sản Việt An Hòa cũng lo lắng, nếu TP.HCM làm không khéo, gây khó cho nhà đầu tư; vô tình sẽ đẩy dòng tiền "chảy" sang địa phương khác:

"Nói vấn đề này để tăng ngân sách là chúng ta lợi một, mất mười. Vì rõ ràng, thu thuế bất động sản thứ 2 chúng ta áp dụng hàng loạt cho cả nước thì là đúng. Còn nếu, áp dụng cho riêng TPHCM, tôi nghĩ thu thuế không bao nhiêu mà dòng tiện đầu tư mất đi rất là lớn.

Nếu thu thuế như vậy, nhà đầu tư bất động sản buộc phải đi về tỉnh đầu tư, để tránh đóng thuế bất động sản thứ 2 thì vô tình chúng ta mất đi dòng tiền đầu tư, bời dòng tiền đầu tư này mang nhiều lợi ích khác".

Cũng về chủ trương này, nếu áp dụng sẽ tác động không nhỏ đến người dân, nhất là người thu nhập thấp. Ông Trần Khánh Quang kiến nghị, thành phố phải có kế hoạch dài hơi và nghiên cứu tổng thể, để tránh tạo sự thiếu công bằng trong xã hội:

"Muốn thu thuế bất động sản là vấn đề lâu dài. Muốn như vậy chúng ta phải có thị trường minh bạch, thông tin minh bạch. Tức là muốn làm việc đó, thứ nhất chúng ta phải số hóa bất động sản, điểm danh được bất động sản với một cá nhâu.

Thứ hai là minh bạch về giá, tức là giá giao dịch thực tế bao nhiêu chúng ta phải cập nhật thường xuyên, như vậy thu thuế bất động sản thứ 2 mới chính xác. Thứ ba là vấn đề hạng mức, rõ ràng có nhiều bất động sản nhưng chỉ mình nó thôi đã có giá trị lớn có thể bằng 10 bất động sản khác để lại".

Đất đai là loại tài sản đặc biệt, nhất là ở Việt Nam ta khi nhà cửa đất đai luôn được coi trọng hàng đầu (Ảnh: CafeF)

Đất đai là loại tài sản đặc biệt, nhất là ở Việt Nam ta khi nhà cửa đất đai luôn được coi trọng hàng đầu (Ảnh: CafeF)

Việc TP.HCM đề xuất đánh thuế thu đối với bất động sản thứ hai. Thực chất đây không phải lần đầu tiên đề xuất được đưa ra. Nếu muốn chính sách đánh thuế bất động sản thứ 2 được áp dụng thành công và hiệu quả, đòi hỏi TP.HCM cần có những bước đi thận trọng, tính toán bài bản và khoa học.

Góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: “Thu thuế bất động sản thứ hai: Cần xem xét kỹ tránh gây hệ lụy”. 

Đánh thuế bất động sản thứ hai, vì thuế mà nhiều người mua đi bán lại đầu cơ đất đai sẽ ngần ngại đầu tư. Phải khẳng định có hiện tượng này nhưng từ chế tài sẽ loại bỏ hoàn toàn việc mua đi bán lại đất đai để kiếm lời là khó khả thi.

Vì đất đai là loại tài sản đặc biệt, nhất là ở Việt Nam ta khi nhà cửa đất đai luôn được coi trọng hàng đầu.

Câu nói “ an cư mới lạc nghiệp”, từ lâu đã trở thành phương châm sống của nhiều thế hệ, nhất là cha mẹ hay truyền lại cho con cái khi dựng vợ gả chồng. Nên việc sở hữu một hoặc nhiều căn nhà đất đai được coi là mục tiêu, mục đích và niềm tự hào của nhiều gia đình, nhiều người.

Thực tế đầu tư vào đất đai cũng luôn đảm bảo sự ổn định và ít rủi ro so với nhiều loại hình khác. Vậy nên mới có trào lưu nhà nhà đi buôn đất, người người đi mua đất. Gây nên các đợt sốt đất liên tục, gây xáo trộn cả vùng đô thị lẫn nông thôn; làm méo mó nền kinh tế vĩ mô.

Đất đai đáng lẽ phải là nguồn tài nguyên quý báu; được khai thác và sử dụng liên tục để làm cơ sở sản xuất, mặt bằng kinh doanh, tạo ra của cải thực sự cho xã hội.

Đằng này, đất đai chỉ vì được mua đi bán lại lòng vòng, rồi để hoang hóa là một sự lãng phí quá lớn. Trong khi rất nhiều người không hề sở hữu một mảnh đất ngôi nhà nào mà vẫn phải đi thuê, đi mướn, ở trọ.

Nhiều người vẫn coi đất là của cải tích lũy không chỉ cho bản thân mà còn là đời con, đời cháu nên dù thuế có cao vẫn tích lũy và tìm cách sở hữu cho bằng được (Ảnh: CafeF)

Nhiều người vẫn coi đất là của cải tích lũy không chỉ cho bản thân mà còn là đời con, đời cháu nên dù thuế có cao vẫn tích lũy và tìm cách sở hữu cho bằng được (Ảnh: CafeF)

Điều này thể hiện sự lỏng lẻo và yếu kém trong công tác quản lý nhà nước bấy lâu nay. Luật đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi của toàn dân sắp tới đây cũng hướng đến tập hợp trí tuệ của các tầng lớp để đưa hoạt động đất đai vào quy củ và thực sự tạo ra động lực cho xã hội phát triển.

UBND TP.HCM đề xuất đánh thuế sở hữu bất động sản thứ hai cũng nhằm mục đích tốt đẹp này.

Tuy nhiên, như đã đề cập, đất đai là tài nguyên đặc biệt, ngoài giá trị kinh tế còn gắn với phong tục, tập quán, thói quen. Nhiều người vẫn coi đất là của cải tích lũy không chỉ cho bản thân mà còn là đời con, đời cháu nên dù thuế có cao vẫn tích lũy và tìm cách sở hữu cho bằng được.

Điều này vô tình lại đẩy giá đất mỗi ngày một cao. Người có thu nhập thấp rất khó có cơ hội tiếp cận.

Do vậy, để việc đánh thuế khi sở hữu bất động sản thứ hai cũng nên làm vì nhiều nước áp dụng và đã thành công. Giúp chỉ người thực sự có nhu cầu về chỗ ở, làm ăn mới muốn sở hữu thêm; ít có chuyện đất đai mua bán xong rồi để không.

Vấn đề lúc này là cần làm thận trọng, từng bước thí điểm để vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tránh làm tràn lan, theo kiểu áp đặt. Trên cơ sở những ưu khuyết điểm sẽ tổng kết, đánh giá những mặt lợi, hại để sau đó ra một quy trình khép kín và bài bản.

Khi đó thị trường bất động hy vọng sẽ bước vào giai đoạn mới, ổn định và bền vững hơn.

Trọng Điển - Minh Thùy - Trúc Thủy/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Vì sao công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe bị tạm dừng?

Vì sao công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe bị tạm dừng?

Theo thông tin từ Chi hội Đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, từ ngày 01/01/2025 đến nay, 100% các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trong toàn quốc đang phải tạm dừng hoạt động.

Người dân nâng cao ý thức từ khi áp dụng Nghị định 168

Người dân nâng cao ý thức từ khi áp dụng Nghị định 168

Hơn 8.000 vi phạm bị phát hiện lập biên bản. Trong đó, gần 2.000 phương tiện bị tạm giữ, hơn 1.000 giấy phép lái xe bị tước và bị trừ điểm giấy phép lái xe. Đây là con số sau 10 ngày thực hiện Nghị định 168 về tăng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Bến xe miền Tây đã sẵn phương án phục vụ dịp Tết Ất Tỵ

Bến xe miền Tây đã sẵn phương án phục vụ dịp Tết Ất Tỵ

Dịp Tết nguyên đán năm nay, người lao động được nghỉ 9 ngày, dự báo lượng khách đi lại qua bến xe Miền Tây sẽ tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngày cao điểm 27 tháng Chạp, bến xe phục vụ lượng khách nhiều nhất lên tới hơn 62.000 ngàn người.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành sẵn sàng thông xe 2 đoạn tuyến trước Tết Nguyên Đán

Cao tốc Bến Lức - Long Thành sẵn sàng thông xe 2 đoạn tuyến trước Tết Nguyên Đán

Vừa qua, Cục Đường Bộ đã phê duyệt phương án tổ chức giao thông đối với 2 đoạn tuyến thuộc cao tốc Bến Lức Long Thành sau khi thẩm định đủ điều kiện thông xe. Trong đó, đoạn đầu tuyến qua tỉnh Long An dài hơn 3km và đoạn cuối tuyến qua tỉnh Đồng Nai dài hơn 7km. 

Việt Nam được gì sau 6 năm gia nhập CPTPP?

Việt Nam được gì sau 6 năm gia nhập CPTPP?

Sau 6 năm gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hàng hóa Việt Nam đã được tiếp cận với một số thị trường mới. Tuy nhiên, để tối ưu hóa tiềm năng của hiệp định này còn rất nhiều việc phải làm.

Mùa Xuân trên phố

Mùa Xuân trên phố

Không khí Tết đã tràn ngập khắp phố phường, những cành đào thắm, quất vàng rực rỡ đã lác đác xuất hiện trên phố, đường phố trở nên đông đúc, nhộn nhịp hơn, mọi người bắt đầu tranh thủ đi sắm tết khi hôm nay đã là ngày Rằm tháng Chạp...

Chuyển biến tích cực về TT ATGT sau nửa tháng thực hiện Nghị định 168

Chuyển biến tích cực về TT ATGT sau nửa tháng thực hiện Nghị định 168

Sau nửa tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP, tình hình TTATGT đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, TNGT giảm cả 03 tiêu chí, giao thông đi vào nề nếp,…