Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Theo ánh mặt trời

Mai Ngọc - Phan Nhơn - Trọng Nghĩa: Chủ nhật 11/02/2024, 07:21 (GMT+7)

Cuộc đời ai cũng mong sống trọn một hành trình hướng thiện, nhưng cũng có người không tránh khỏi những bước đi đôi khi va vấp, và rồi phải trả giá bằng những năm tháng chốn tù giam. Để tìm lại một cuộc đời ý nghĩa, bản thân họ cần phải can đảm đứng lên từ nơi mình vấp ngã.

Và cùng với nỗ lực của chính mỗi phạm nhân, còn là sự hỗ trợ của xã hội, của pháp luật với những cánh tay vị tha, bao dung, mà đại diện là người cán bộ quản giáo. Họ chính là người nối lại cây cầu hướng những phạm nhân lầm lỡ, hướng con người đã từng va vấp tìm đến điểm thiện, làm lại cuộc đời.

Đó là một góc nhìn của “việc tử tế và lòng can đảm” thấm đẫm tinh thần nhân văn, chúng tôi muốn chia sẻ với quý vị và các bạn nhân ngày đầu xuân năm mới, để chúng ta cùng thắp lên niềm hy vọng ấm áp đón những người con đã biết vượt qua lỗi lầm trở về với cuộc sống.

Ngày cuối năm Quý Mão, những cơn gió se se lạnh thổi qua song sắt trại giam Chí Hoà (huyện Củ Chi, TP HCM). Những vạt nắng chiều nhè nhẹ rọi qua những chòi tháp canh len lỏi vào khu sinh hoạt lao động lẫn buồng giam của các phạm nhân đang chấp hành án tại đây.

Trước một cái Tết đang đến gần, ai cũng có những phút giây nhớ về gia đình sum họp và muốn sớm được “tự do”.

Trại tạm giam Chí Hoà thuộc Công an TP HCM, cơ sở nằm ở ấp 5, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, cách nội thành ước chừng 40 km.

Ở đây có hơn 270 phạm nhân, trong đó có 10 phạm nhân từng gây án giao thông.

Ngày cuối năm Quý Mão, những cơn gió se se lạnh thổi qua song sắt trại giam Chí Hoà (huyện Củ Chi, TP HCM).

Ngày cuối năm Quý Mão, những cơn gió se se lạnh thổi qua song sắt trại giam Chí Hoà (huyện Củ Chi, TP HCM).

Day dứt ân hận vì phút giây lỗi lầm

“Mỗi lần bật tivi có tin tức giao thông hiện lên, tôi đều suy nghĩ tại sao mình không cẩn trọng hơn sẽ không có vụ va chạm với người ta. Nhưng giờ mọi chuyện đã đi quá xa rồi, và giờ chỉ biết ngồi ân hận”.

Đây là trải lòng của phạm nhân Nguyễn Đăng Xuân trong trại tạm giam Chí Hoà, hiện anh đang chấp hành án tù 3 năm 6 tháng vì tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

“Tối hôm đó tôi sử dụng rượu, bia để tham gia giao thông và điều khiển mô-tô. Khi trên đường về nhà đã vô tình va chạm với một xe khác. Anh đó trúng phần đầu dẫn đến chấn thương sọ não và tử vong. Dù tôi đã cố gắng đưa nạn nhân đi bệnh viện nhưng đã không kịp cứu chữa. Lúc đó tôi rất bàng hoàng, hoang mang, không biết là mình sẽ bị như thế nào?”.

Khoảnh khắc ấy đã “đóng đinh” vào tâm trí Xuân đến hôm nay.

Trước khi vướng vào lao lý, Xuân từng là đầu bếp cho các nhà hàng. Cuộc sống ổn định và có một tình yêu đẹp.

Phạm nhân Nguyễn Đăng Xuân chia sẻ: "Mọi thứ vụt biến mất khi tôi gây ra tai nạn giao thông... Dù gia đình nạn nhân đã thứ tha nhưng tôi luôn mang trong mình nỗi ám ảnh" (Video: Mai Ngọc - Trọng Nghĩa)

Một buổi tối định mệnh, sau khi quá chén và ngà ngà say, trên đường về, Xuân lái chiếc mô-tô tông vào một người đàn ông. Cú va chạm mạnh khiến anh vụt tỉnh, hoảng hốt đưa nạn nhân đi cấp cứu, song vì tình trạng chấn thương sọ não quá nặng, nạn nhân đã tử vong sau 1 ngày.

Thời điểm đó, Xuân còn quá trẻ, chỉ mới 23 tuổi. Giờ sau hơn 1 năm chấp hành án, với anh nỗi đau ấy chưa thể nào nguôi ngoai dù gia đình nạn nhân đã thứ tha.

“Khi người chồng mất, người vợ cũng đồng cảm tha thứ  không trách móc tôi. Nhưng trong lương tâm tôi luôn cắn rứt khi cướp đi một chỗ dựa như vậy”, anh Xuân bộc bạch.

Đứng trước tòa để nhận bản án do lỗi lầm mình gây ra, Xuân đã bày tỏ sự ăn năn và chịu mọi phán quyết của toà. Nhưng 1 năm sau đó anh mới chính thức đến trại tạm giam Chí Hoà chấp hành án, khoảng thời gian “tự do” về thể xác nhưng là nỗi ám ảnh về tinh thần.

Rơi vào trầm cảm và suy sụp, Xuân đến nhà nạn nhân, đứng trước di ảnh thắp nén nhang để cầu mong hương linh người đã khuất tha thứ và bản thân được thanh thản.

“Con đường mình đang đi màu đỏ mà tự nhiên bây giờ chuyển sang màu đen, khiến bản thân mình rơi vào bế tắc không có lối thoát ra. Mình không biết phải xử lý ra sao, đến giờ mình mới bình tĩnh suy nghĩ ra là lúc đó mình dại dột quá, nên mới rơi vào hoàn cảnh như vậy”.

Những ngày tháng sau song sắt, để vượt qua trầm cảm, lấy lại phương hướng để tiếp tục hy vọng một ngày được tự do làm lại cuộc đời, đồng hành với anh Xuân luôn có cán bộ quản giáo.

Bằng lương tâm của mình, người quản giáo đã hỗ trợ, hướng những phạm nhân nhận ra lỗi lầm và nhận thức được con đường ngắn nhất để trở về với xã hội chính là học tập và lao động tích cực trong trại giam.

Empty
Empty
Empty
 

Anh Xuân nhớ lại: “Thực sự ngày đầu vào trại một ngày của tôi thật dài, dài như 1 năm vậy. Không nghĩ rằng mình rơi vào hoàn cảnh thế này, thật sự nhờ sự giáo dục của cán bộ giúp cho mình nhận ra lỗi lầm, nên giờ này thông thoáng hơn về suy nghĩ. Nên bây giờ một ngày của mình diễn ra rất bình ổn, làm những công việc ngày trước mình không suy nghĩ tới như nhặt rau, trồng rau, nuôi cá. Những công việc rất bình dị...”

Đã từng trải qua Tết Quý Mão ở trại giam, những tháng ngày mà ai cũng muốn được sum họp đoàn viên, phạm nhân Xuân lắng lòng gửi đến mọi người bài học của chính cuộc đời anh, mong mọi người hãy tỉnh táo trước những lời mời của rượu bia.

“Tết 2024 tôi xin gửi lời chúc đến sức khỏe, đến gia đình cũng như là tất cả các bạn, khán thính giả đang nghe đài, một năm mới được sum vầy và đoàn viên bên gia đình. Và cũng xin gửi lời chúc đến tất cả gia đình đang có người đang chấp hành án như tôi, phải luôn vững tin vào chúng tôi sẽ cải tạo tốt để sớm được về với xã hội. Cũng mong rằng các bạn trẻ đang tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm chỉnh về luật lệ giao thông, không muốn rượu, bia để không ai có thể xảy  tai nạn nư tôi ở hiện tại”.

Phạm nhân Võ Văn Hậu trải lòng: "Khi lái xe, tất cả mọi ức chế hãy để sang một bên...." (Video: Mai Ngọc - Trọng Nghĩa)

Cùng cảnh ngộ phạm nhân Xuân, anh Võ Văn Hậu là một tài xế xe tải có kinh nghiệm 10 năm đường trường. Song, chỉ vì cự cãi với chủ xe, tâm lý mất bình tĩnh đã thiếu quan sát sau 1 cú đánh lái vô lăng, bỏ qua điểm mù khiến anh va quệt làm một người đi xe máy tử vong. Hậu quả anh phải trả giá bằng bản án 2 năm tù. Nhưng bản án lương tâm đau đớn nhất là khó lòng anh tha thứ cho chính mình.

“Gây ra tai nạn cũng làm ảnh hưởng gia đình của mình, đau xót lắm. Nằm đêm mình cũng ray rứt, làm mất đi hạnh phúc của một gia đình, mất đi tình thương của người mẹ với hai đứa con nhỏ. Mình cũng đau đớn lắm”.

Qua hơn một năm chấp hành án, thời gian để trở về với anh Hậu chỉ còn tính bằng tháng. Những ngày lao động, học tập ở “ngôi trường” đặc biệt này đã giúp anh học được tính kiên nhẫn và chữa tính nóng nảy, để một ngày được trở về xã hội và tiếp tục làm nghề tài xế, sống một cuộc đời có ích hơn. Anh bày tỏ:

“Mong tất cả anh chị em mình nếu có chạy xe – yêu nghề tài xế thì bớt nóng tánh lại, cái gì giận thì bỏ qua để xe đi đến nơi đến chỗ. Đừng để như tôi rơi vào con đường tội lỗi khiến bao nhiêu người khổ”.

Empty
Empty
Empty

Một ngày của phạm nhân ở trại tạm giam Chí Hoà thường lao động vào sáng sớm.

Ngoài công việc quét dọn, chăm từng luống rau,... phạm nhân cũng có thời gian đọc sách để nắm thêm thông tin và chơi bóng chuyền để vực dậy tinh thần, mong sớm chấp hành xong án phạt và trở về với gia đình.

Gia cảnh của anh Hậu có chút khó khăn. Bố mẹ anh mất sớm chỉ còn anh và chị, những tháng ngày tuổi trẻ rong ruổi khắp nơi trên chiếc xe mà quên đi hạnh phúc cá nhân. Không may rơi vào cảnh phải cải tạo nên khi chúng tôi hỏi về mơ ước hạnh phúc có 1 gia đình nhỏ, anh lại trở nên rụt rè.

Với anh giờ đây chỉ mong ngày bước ra khỏi cánh cổng trại giam để tìm lại công việc, nuôi bản thân rồi mới dám viết tiếp những trang mới cuộc đời mình.

01.1

 

Người “thầy” bắc cây cầu đến điểm thiện

Hai phạm nhân Xuân và Hậu là điển hình trong số những phạm nhân sau khi được học tập, cải tạo đã nhận thức được lỗi lầm, phấn đầu và tìm ra ý nghĩa mục tiêu cho cuộc đời. Để được như vậy, họ luôn có những cán bộ quản giáo cận kề hỗ trợ, cảm hóa trên hành trình hướng thiện.

Thượng úy Hà Như Huỳnh, một cán bộ quản giáo có thâm niên hơn 5 năm tại trại tạm giam Chí Hoà, làm công tác giáo dục cho hàng trăm phạm nhân. Ở một môi trường đặc biệt, giáo dục các đối tượng đặc biệt luôn là thách thức, khó khăn cho những cán bộ công tác tại trại giam.

Quản giáo Huỳnh tâm sự rằng, giáo dục cảm hóa những phạm nhân trên con đường hướng thiện là công việc hết sức phức tạp, đòi hỏi cán bộ phải tác động nhiều mặt tích cực vào một con người. Mục đích cuối cùng là giúp họ nhận thức đúng, có thái độ đúng, qua đó sẽ có hành động đúng và không tái phạm tội sau khi về xã hội.

Công tác thực sự khó khăn khi phạm nhân bao giờ vào trại cũng mang tâm lý hoang mang, chống đối và tự để bản thân trượt dài dù trải qua bao nhiêu phương pháp từ lao động đến học tập.

Cán bộ quản giáo - Người thầy bắc cây cầu đến điểm thiện (Video: Mai Ngọc - Trọng Nghĩa)

Một chút trải lòng của quản giáo Huỳnh về nhiệm vụ của mình: “Cán bộ quản giáo là những người thầy nối về điểm thiện cho những phạm nhân. Mỗi cán bộ quản giáo cần phải có một chữ tâm đối với nghề, đó chính là tình yêu và lòng trách nhiệm đối với nghề của mình.

Vì môi trường cán bộ quản giáo trong trại giam khá là đặc biệt, nó có những khó khăn nhất định, có những sự xa xôi nhất định, thì thật sự phải có tình yêu đối với nghề thì mới từng bước tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, đồng hành với phạm nhân, giúp cho họ thay đổi, chuyển biến những suy nghĩ theo hướng tích cực. Qua đó, họ mới có thể sớm được trở về với gia đình và xã hội và không tái phạm tội”.

Quá trình công tác, cá nhân Thượng úy Huỳnh cũng có nhiều kỉ niệm với phạm nhân. Anh nhớ mãi hoàn cảnh một phạm nhân hết sức đặc biệt, phạm nhân N .C. Q vào trại với tội danh “Vi phạm tham gia giao thông đường bộ” với án phạt 2 năm 6 tháng tù.

Phạm nhân khi uống bia rượu say xỉn trên đường về nhà đã gây ra tai nạn làm một người tử vong. Sau khi nhận bản án của pháp luật, bản thân có tư tưởng không ổn định, bỏ trốn khi tại ngoại. Bị truy nã suốt 10 năm thì phạm nhân bị bắt.

Empty
Empty
 

Lúc vào trại, phạm nhân có biểu hiện lì lợm, không muốn ai quan tâm, không tích cực cải tạo... Mặc dù đã đưa ra nhiều biện pháp giáo dục, động viên, phạm nhân cũng không cải thiện, liên tục xếp loại lao động kém. Vì thế các cán bộ mới tiếp tục nghiên cứu sâu vào hồ sơ, hoàn cảnh phạm nhân để hiểu rõ căn nguyên vì sao phạm nhân cố tình từ bỏ khát vọng tự do và mất phương hướng.

Quản giáo Huỳnh nhớ lại: “Trước khi vào chấp hành án, phạm nhân có vợ mới chia tay phạm nhân đi theo người khác, bỏ lại một đứa con nhỏ ở với bà. Hoàn cảnh hết sức khó khan. Chúng tối cũng nắm được thông tin rằng phạm nhân rất thương người con.

Chính vì vậy, khi xác định được nguyên nhân của phạm nhân có những biểu hiện như vậy thì chúng tôi mới tiến hành gần gũi để phạm nhân tự chia sẻ được điều đó với chúng tôi. Phạm nhân có mở lòng được thì chúng tôi mới có thể nói chuyện, đồng cảm giúp cho phạm nhân có những chuyển biến trong suy nghĩ”.

Chính cách cảm hoá bằng cách tác động đến trái tim một người cha dù phạm lỗi lầm nhưng luôn dành tình thương cho con đã khiến phạm nhân thay đổi nhận thức. Họ hiểu rằng, tương lai là đứa con thơ, sau lưng còn mẹ già, không có con đường nào về với gia đình nhanh nhất bằng cải tạo tốt để được giảm án.

 “Chính vì lý do đó phạm nhân muốn về chăm sóc con phải nỗ lực xây dựng lại kế hoạch cho mình, có động lực cải tạo tốt hơn. Tác động đúng nên phạm nhân có những thay đổi tích cực và cải tạo tốt. Dần dần phạm nhân tích cực tham gia các phong trào thi đua, từ đó xếp loại chấp hành án phạt tù loại khá, tốt được đề nghị giảm án trước thời hạn phạt tù vào đợt 2/9 và được trở về nhà”.

Theo quản giáo Huỳnh, song song biện pháp giam giữ phải đồng bộ thêm biện pháp lao động và giáo dục để có một môi trường lành mạnh.

“Tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân, tổ chức thi đấu bóng chuyền cho phạm nhân nam ngày Tết, cho phạm nhân nữ trang trí hội trường, thường xuyên cập nhật, bổ sung nhiều đầu sách cho thư viện, hay chế độ liên lạc điện thoại cho phạm nhân..."

Phạm nhân Nguyễn Ngọc Sơn Hoàng đã đón Tết Quý Mão trong trại tạm giam và năm nay cũng thế.

Empty


Cuộc sống từng tự do, sau lỗi lầm đối diện 4 bức tường nhà giam, anh cũng không ít lần hoang mang, bế tắc, suy sụp tinh thần. Phạm nhân biết ơn những người đã giúp anh vực dậy cả tinh thần, thể chất và cảm thấy những việc làm mỗi ngày ý nghĩa cho bản thân. Một ngày lao động học tập tốt là rút ngắn thời gian để anh về với gia đình, vợ con ngóng chờ. Anh Hoàng bày tỏ:

“Nhờ sự động viên, dạy bảo của quản giáo nên dần lấy lại tinh thần. Lúc mới vào nghĩ rằng 1 ngày ở ngoài xã hội tự do, vào đây 1 ngày như cả 1 năm, thực sự bí bách. Nhờ quản giáo, rồi hòa nhập với anh em trong tù, giúp đỡ lẫn nhau nên dần dần quen cuộc sống trong đây. Vô đây tôi học được bài học kỷ luật cho bản thân mình cũng như những thứ bổ sung giúp ích tôi mà ngoài đời không thể có. Ở ngoài thường la cà, thức khuya còn trong đây rèn luyện được giờ giấc, chơi thể thao rèn luyện sức khỏe... Ngày Tết nhớ gia đình, nhớ người thân rất rất nhiều”.

Với cán bộ quản giáo ở đây, cái Tết luôn đặc biệt. Năm nào cũng vậy, theo quy định tất cả cán bộ đều trực chiến tại đơn vị. Thời gian này ai cũng dành cho sum vầy đoàn viên với người thân, gia đình, nhưng hiểu được trách nhiệm trên vai, họ đều biết gác lại niềm vui cá nhân để cùng với những phạm nhân đón Tết tại trại.

Quản giáo Huỳnh nhớ lại cái tết đặc biệt năm 2021, cái Tết “khoảng cách” theo quy định chống dịch.

“Giữa tình người và tình người, giữa tình cán bộ với phạm nhân, giữa con người với con người. Chúng tôi tạo cho phạm nhân được cảm giác đón xuân ấm áp. Giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà, xa người thân. Phạm nhân nào đến thời điểm Tết ít hay nhiều cũng có cảm giác nhớ người thân, nhớ gia đình. Hiểu được điều đó, Ban giám thị trại luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát tổ chức nhiều hoạt động vui xuân để giúp phạm nhân vơi đi những điều đó, tích cực cải tạo để sớm trở về với gia đình”.

Tết – khoảnh khắc đoàn tụ của các gia đình, cũng là khoảnh khắc để phạm nhân lắng đọng nhiều bài học cho bản thân.

Tết cũng là lúc trông ngóng những chuyến xe thăm nuôi của những gia đình có phạm nhân chấp hành án. Và trên những chuyến xe ấy còn mang theo cả những niềm hy vọng sum họp, đoàn viên. Ngắn ngủi, vội vàng với những lời nói động viên, an ủi “cải tạo tốt, sớm về với gia đình” nhưng là động lực, là điểm tựa để những phạm nhân vượt lên chính mình.

Empty

 

“Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” -  một ngày trong tù bằng cả ngàn năm bên ngoài là để nói về giá trị của sự tự do.

Ai cũng muốn thiện lương, sống cuộc đời có ích và dựng xây một xã hội bình yên. Song, hành trình ấy vì một khắc vô ý, chủ quan hay những điều đặng chẳng đừng mà nhiều số phận phải nhận bản án của pháp luật.

Cây cầu nối lại hai bờ thiện lương của nhiều con người lầm lỡ một lần sa vào tù tội, cần nỗ lực phục thiện của phạm nhân.

Song, người cán bộ quản giáo cũng góp phần hướng và bắc cây cầu ấy cho phạm nhân nối điểm thiện làm lại cuộc đời. Để thực hiện được công việc cao cả ấy, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giúp cho phạm nhân trang bị hành trang tìm lại cuộc sống tự do, hòa nhập xã hội, những quản giáo cũng phải dùng tâm, sức, kiên trì, nhẫn nại vượt qua khó khăn, thử thách trong công việc.

Còn đối với các phạm nhân, họ đang đứng trước một “giao lộ” quan trọng của cuộc đời, giữa một bên là bóng tối, một bên là ánh sáng.

Hy vọng với những bài học phải trả bằng những năm tháng tự do đắt giá, với lòng can đảm biết đứng lên sau lỗi lầm của bản thân, với tinh thần hướng thiện, với sự cảm hoá của các quản giáo… họ sẽ bước đi vững vàng, tìm cho mình một “la bàn” kiên định trong bản đồ cuộc sống, hướng đến tương lai rạng rỡ ánh mặt trời.

Mai Ngọc - Phan Nhơn - Trọng Nghĩa/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
30/4, những điều chỉ thấy ở Sài Gòn

30/4, những điều chỉ thấy ở Sài Gòn

Sài Gòn ngày thường luôn vội, ngày Tết Độc Lập như một khoảnh khắc đẹp, chứng tỏ vùng đất anh hùng dù có hội nhập, phát triển tốc độ cao đến mấy vẫn luôn có không gian để giữ gìn, trân trọng, biết ơn những hy sinh của các anh hùng, chiến sĩ đã giải phóng dân tộc.

Để phạt nguội xe máy, cần nhiều thay đổi quyết liệt

Để phạt nguội xe máy, cần nhiều thay đổi quyết liệt

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT đã đề nghị phạt nguội với xe máy nhằm cải thiện hành vi của người đi xe máy, từ đó góp phần kéo giảm tai nạn giao thông. Việc này thể hiện quyết tâm rất cao của ngành GTVT trước khối lượng xe máy khổng lồ tại Việt Nam.

Đi chơi dịp Lễ bằng xe buýt, tàu điện có gì thú vị?

Đi chơi dịp Lễ bằng xe buýt, tàu điện có gì thú vị?

Dịp nghỉ Lễ 30/4, 1/5 năm nay, thời tiết Hà Nội và phần lớn các địa phương đều nắng nóng với nền nhiệt lên tới 39-40 độ C. Trong bối cảnh đó, nhiều người đã lựa chọn đi chơi, du ngoạn bằng phương tiện công cộng thay vì phương tiện cá nhân.

Hà Nội sống và yêu: Bắc - Nam nối liền một dải

Hà Nội sống và yêu: Bắc - Nam nối liền một dải

49 đã đi qua, một Việt Nam thống nhất chan hòa tình Bắc Nam vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của người Hà Nội hướng về miền Nam ruột thịt. Xen lẫn với ngỡ ngàng, ngây ngất của niềm vui chung… là những mong chờ khắc khoải của các gia đình có con, có chồng, có người thân đi chiến trường.

Thủ đô Hà Nội rực rỡ sắc đỏ chào mừng 30/4

Thủ đô Hà Nội rực rỡ sắc đỏ chào mừng 30/4

Hà Nội những ngày này như được khoác lên mình một màu áo mới, mang một hơi thở mới, một sức sống mới hòa đón chào kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và 138 năm ngày Quốc tế lao động 1/5.

TP.HCM: Chợ tự phát ở ngã tư Bốn Xã nhiều năm lấn chiếm lòng đường

TP.HCM: Chợ tự phát ở ngã tư Bốn Xã nhiều năm lấn chiếm lòng đường

Thời gian qua, Hotline và Fanpage của kênh VOV Giao thông liên tục nhận được rất nhiều phản ánh của thính giả về tình trạng người dân lấn chiếm lòng đường, lề đường để “họp chợ” ở ngã tư Bốn Xã (thuộc quận Bình Tân và quận Tân Phú).

Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà nhưng cần ngăn trục lợi

Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà nhưng cần ngăn trục lợi

Bộ Công Thương cho rằng giải pháp chống phát ngược và mua với giá 0 đồng (trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia) với điện mặt trời mái nhà là phù hợp, vừa khuyến khích loại hình này vừa ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách.