Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Chuyện trò trên phố

Thế giới của những người đạp xe đi làm

Chu Đức: Thứ ba 03/10/2023, 19:46 (GMT+7)

Hiện nay, đạp xe đi làm đang ngày một phổ biến. Nhiều cộng đồng đã dần phát triển và lớn mạnh, với mục tiêu không chỉ là tập thể dục, họ cũng mong muốn coi xe đạp như một lựa chọn thường xuyên, thay thế các phương tiện cơ giới cá nhân, góp phần vào một môi trường giao thông trong lành hơn.

Vậy họ gặp những thách thức nào và họ thu được gì khi đạp xe đi làm? PV VOV Giao thông đã có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Quang Kiên, người đã có gần 10 năm đạp xe đi làm.

PV: Xin chào anh Kiên, cả tuần nay, thời tiết Hà Nội mưa nắng khá thất thường. Không biết việc đạp xe của anh bị ảnh hưởng nhiều không?

Anh Nguyễn Quang Kiên: Chào anh và quý thính giả của VOV Giao thông. Đương nhiên thời tiết luôn là thách thức lớn khi đi bằng xe đạp. Quan điểm của tôi là: Không có thời tiết xấu, chỉ có sự chuẩn bị không phù hợp thôi.

Ví dụ, bạn đi xe đạp đi làm, có thể sử dụng bộ áo mưa phù hợp, trùm được vào ghi đông vẫn đảm bảo thông thoáng để bớt ra mồ hôi. Còn ngày nắng nóng, tôi vẫn đạp xe đi làm nhưng trang phục sẽ phải phù hợp hơn.

Tất nhiên, có những ngày tuỳ công việc, có ngày đi lại nhiều, cuộc hẹn quá xa văn phòng thì tôi vẫn dùng phương tiện khác. Còn ngày nào mưa quá, nắng quá thì tôi đi xe buýt. Tôi cũng có một thời gian khá dài sử dụng xe buýt xen kẽ xe đạp.

Group Facebook Đạp xe đi làm hiện có hơn 10 nghìn thành viên trên cả nước. Họ đang dần từ bỏ lệ thuộc vào phương tiện cơ giới cá nhân (Ảnh Nguyễn Phương Nghĩa - Hội đạp xe đi làm)

Group Facebook Đạp xe đi làm hiện có hơn 10 nghìn thành viên trên cả nước. Họ đang dần từ bỏ lệ thuộc vào phương tiện cơ giới cá nhân (Ảnh Nguyễn Phương Nghĩa - Hội đạp xe đi làm)

PV: Quãng đường của anh di chuyển như thế nào? Hàng ngày anh đi từ đầu tới đâu?

Anh Nguyễn Quang Kiên: Nhà tôi ở Trung Kính (Cầu Giấy), hàng ngày tôi đi làm tới Âu Cơ, Lạc Long Quân (Tây Hồ), quãng đường khoảng 10 cây số một lượt.

PV: Theo tôi được biết, ngoài rào cản khoảng cách, thời tiết, tôi được biết có nhiều người băn khoăn trong việc chuyển sang đạp xe. Đó là câu chuyện về hạ tầng giao thông. Ngay hôm nay, tôi di chuyển từ Hoàng Mai lên Tây Hồ cũng rất khó khăn, đó là ùn tắc, là ngập úng, rồi cả các công trường đang thi công nữa. Ở góc độ của anh, anh nhìn nhận những rào cản này ra sao?

Anh Nguyễn Quang Kiên: Theo tôi, hạ tầng cho xe máy không khác gì nhiều lắm với hạ tầng cho xe đạp. Có điều là hạ tầng đang bị quá tải. Điều này phụ thuộc vào tư duy của những nhà làm quy hoạch. Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất phải vượt qua, ngoài hạ tầng là vấn đề an toàn.

Khi xe đạp phải chia sẻ chung hạ tầng với xe hơi, xe máy, thì do tốc độ khác nhau, xe đạp lại nhỏ quá, khó nhận diện. Tôi sẽ phải quan sát nhiều hơn. Nhưng đi xe đạp thì tốc độ chậm hơn, khả năng hoà mình vào các không gian của xe đạp tốt hơn, tôi cũng bật nhỏ âm lượng tai nghe hơn để chú ý khi tham gia giao thông, thì sẽ khắc phục một phần, tới khi hạ tầng tốt hơn.

PV: Nói tới hạ tầng, Hà Nội đã triển khai cho thuê xe đạp công cộng. Và sắp tới, Hà Nội sẽ thí điểm thêm các làn đường cho xe đạp, bên cạnh 1 đường đã có trên đường Láng (đang thực hiện thi công công trường). Anh đón nhận thông tin này như thế nào?

Anh Nguyễn Quang Kiên: Thứ nhất, về việc cho thuê xe đạp công cộng, tôi cho rằng đây là điểm tích cực dành cho người yêu thích xe đạp. Nhưng phần lớn chúng tôi đi xe thì đã có xe rồi. Nên nó sẽ nhắm tới khách du lịch và bạn trẻ chưa đi xe đạp để tạo ra một nhu cầu mới.

Còn về chỗ đường Láng tôi cũng đã đi thử làn cho xe đạp. Nhưng rất tiếc không có giải pháp kết nối giao thông, bị ngắt nhiều đoạn. Họ làm giải pháp rào chắn, không cho xe máy, xe hơi đi vào. Tôi đạp xe đến phải bê xe đạp vào. Ví dụ, tôi đi các nước thì họ chỉ cắm, ai vào thì phạt nặng, thế là xong.

Thực tế, hạ tầng giao thông vẫn là một thách thức lớn với người đạp xe. Họ phải khắc phục những điểm hạn chế cho tới khi hạ tầng tốt hơn (Ảnh Lê Thanh Hải - Hội Đạp xe đi làm)

Thực tế, hạ tầng giao thông vẫn là một thách thức lớn với người đạp xe. Họ phải khắc phục những điểm hạn chế cho tới khi hạ tầng tốt hơn (Ảnh Lê Thanh Hải - Hội Đạp xe đi làm)

PV: Rõ ràng hạ tầng thì còn nhiều điều để nói. Vừa nãy chúng ta nói khá nhiều về thách thức rồi. Anh được những gì khi đạp xe đi làm?

Anh Nguyễn Quang Kiên: Được thì nhiều lắm. Cá nhân mình có sức khoẻ, tôi không cần tập thể dục nữa. Tôi thấy sức khoẻ cải thiện rất nhiều. Thứ hai là về tài chính. Nếu đi xe hơi mỗi tháng tôi bỏ ra 3 triệu tiền xăng dầu, chưa kể bảo dưỡng, sửa chữa. Đi xe đạp thì không mất khảon đó. Thứ ba là có lợi về mặt môi trường.

Xe đạp là một phương tiện khám phá tuyệt vời. Khi chúng ta giảm tốc độ lưu thông xuống, chúng ta tương tác nhiều hơn không gian xung quanh, thì cảm nhận chúng ta tốt hơn. Tôi làm kiến trúc nên để ý và được nhìn thấy nhiều không gian, cảnh đẹp như đình, chùa.

Tôi từng đi Mộc Châu nhiều, cả ô tô, xe máy. Nhưng tôi đi bằng xe đạp thì khác hẳn. Tôi nhìn rõ hơn, lắng nghe tốt hơn tiếng gió, cảm nhận cơ thể, sự sung sướng khi đổ con đèo, cái hơi thở mệt mỏi khi leo một con dốc. Tất cả nó đem lại hạnh phúc cho mình.

Thậm chí, tôi có một cái hạnh phúc rất là buồn cười, rất nhỏ bé. Tôi để xe lâu khi đi công tác, nên nó bị non hơi, đạp hơi nặng. Khi tôi đi bơm lốp thì căng hơn, đạp xe khác hẳn, tôi thấy rất vui vì xe đạp phản hồi khác hẳn.

Trong cuộc sống, tôi nghĩ mình cần những khoảng lặng, cảm xúc nho nhỏ như vậy, điều mà khi chúng ta đi ô tô, xe máy cứ ào ào, không có cơ hội để cảm nhận.

PV: Xin cảm ơn anh Kiên. Hy vọng anh sẽ tiếp tục lan toả tình yêu đạp xe đi làm tới nhiều người hơn.

Chu Đức/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn