Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Tăng cường xe buýt điện, hướng đến mục tiêu ‘nâng chất’ giao thông công cộng

Trọng Điển - Trọng Nghĩa: Thứ sáu 14/04/2023, 16:30 (GMT+7)

Kể từ ngày 1/4, các tuyến xe buýt trên địa bàn TpHCM sẽ được đánh giá theo 6 tiêu chí và mới đây Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM cũng vừa đề xuất mở rộng thêm xe đạp công cộng và tăng cường các tuyến buýt điện.

Tất cả những động thái đến từ các Sở ngành nhằm hướng đến mục tiêu ‘nâng chất’ giao thông công cộng vốn đã bị bỏ lơi trong suốt thời gian qua. Từ đó có thể thu hút thêm nhiều người dân sử dụng dịch vụ.

Trong hơn 20 năm qua, các đô thị Việt Nam đã xác định phát triển vận tải hành khách công cộng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm ùn tắc giao thông và cung ứng dịch vụ công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại ở các đô thị.

Ảnh: Linh Phương/PLO

Ảnh: Linh Phương/PLO

Tại TP.HCM, hiện đang có 2.109 phương tiện xe buýt hoạt động trên 128 tuyến xe buýt, trong đó 91 tuyến xe buýt có trợ giá. Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến 22/22 quận huyện (đạt 100%) và 178/322 số xã phường, thị trấn (đạt 55,3%). Tuy nhiên trái ngược con số trên là lượng hành khách đã giảm đi đáng kể theo từng năm. Hiện nay các tuyến xe buýt chỉ phục vụ khoảng 5% nhu cầu đi lại của người dân.

Vì chất lượng và dịch vụ xe buýt truyền thống không đảm bảo, người dân đã dần ‘quay lưng’ với loại hình giao thông này:

"Một vài chuyến xe buýt thì tôi thấy khá ổn nhưng một vài chuyến xe buýt thì tôi cảm thấy như nó sắp hư rồi, nó giống như là tới tuổi không chạy được nữa. Nếu có thể em hy vọng những chuyến xe buýt sẽ nâng cấp ở mức ổn hơn."

"Chất lượng xe buýt ở nước ta hiện nay em thấy chỉ ở mức tạm ổn chứ chưa thực sự cao cấp lắm, chỉ có thể di chuyển được thôi."

"Theo em xe buýt nên cải thiện chất lượng, vì cuộc sống, mức sống tăng lên thì nhu cầu đi xe buýt sẽ nhiều hơn thì chất lượng phục vụ cũng phải tăng theo."

Trước những ý kiến phản hồi từ phía người dân về chất lượng vận tải hành khách công cộng. Vừa qua, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng vừa đề xuất Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM thí điểm bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên các tuyến xe buýt có trợ giá từ ngày 1/4 theo các tiêu chí tỷ lệ hoàn thành số chuyến; đúng giờ; bị hành khách phản ánh, khiếu nại để thưởng, phạt.

Tuyến xe buýt điện đầu tiên tại TP.HCM có số hiệu D4 đi vào vận hành từ tháng 3/2022. Ảnh: PLO

Tuyến xe buýt điện đầu tiên tại TP.HCM có số hiệu D4 đi vào vận hành từ tháng 3/2022. Ảnh: PLO

Ngoài ra một loạt giải pháp cũng sẽ được phía trung tâm Quản lý giao thông công cộng thực hiện để vực dậy xe buýt trong năm nay, trong đó tập trung hoàn thiện mạng lưới tuyến và nâng cao chất lượng phục vụ. Cụ thể ông Lê Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm giao thông công cộng TP.HCM cho biết: "Hiện nay chúng ta sẽ tái cấu trúc lại mạng lưới tuyến xe buýt trên quan điểm tuyến trục và tuyến nhánh để đảm bảo vận chuyển nội bộ và vận chuyển theo vùng của TpHCM để đảm bảo tính khoa học và tính hiệu quả trong thời gian sắp tới. Đối với phương tiện vận tải, hiện nay có khoảng 20% tuyến xe buýt có niên hạn sử dụng trên 10 năm thì đây là động lực để chúng tôi thay đổi các phương tiện trong thời gian sắp tới.

Chúng tôi sẽ thay đổi dần các phương tiện thông qua các công tác đấu thầu đầu tư để phục vụ tốt hơn trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp các nhà chờ bến bãi mới để phục vụ cho hoạt động xe buýt, tăng cường khả năng tiếp cận hạ tầng để người dân có thể đi bộ đến điểm chờ xe buýt dễ dàng hơn."

Theo ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng viện chiến lược và phát triển cho rằng, hiện nay TP.HCM có hơn 90 tuyến xe buýt trợ giá. Ngân sách thành phố hỗ trợ bình quân khoảng 1.000 tỷ đồng/năm nhưng các năm gần đây, các đơn vị vận hành xe buýt vẫn “than” lỗ vì sản lượng hành khách liên tục giảm.

Trước mắt Sở GTVT TP.HCM và Trung tâm quản lý điều hành cần nhanh chóng điều chỉnh lại hợp đồng thầu, giảm thiểu trợ giá bằng việc tăng cường quảng cáo trên xe buýt, đấu thầu tuyến áp dụng cơ chế thị trường để chọn được những doanh nghiệp có năng lực và chất lượng tốt, góp phần ‘nâng chất’ vận tải hành khách công cộng trong thời gian tới.

"Chúng ta xây dựng phương pháp theo phương pháp trợ giá mới và kêu gọi một số những doanh nghiệp cần đầu tư xã hội hóa phương tiện. và lấy mức trợ giá thấp nhất để khai thác tuyến đầu tư thu hút để giảm mức hỗ trợ nhà nước đi và tăng mức tự chủ của doanh nghiệp và các bên tham gia vận tải hành khách công cộng. Như thế sẽ phù hợp hơn với thực tế hiện nay", ông Lê Đỗ Mười cho biết.

Ngoài những giải pháp trước mắt, về lâu dài theo ông Lê Trung Tính -  Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách TP.HCM cho rằng phía Sở GTVT cần có ‘kế sách’ để nâng cấp toàn diện hệ thống giao thông công cộng từ cơ sở hạ tầng đến phương tiện và cả thái độ phục vụ của nhân viên. Không nên làm theo kiểu “ăn đong từng bữa” như hiện nay. Có như vậy mới mong vận tải hành khách công cộng thoát khỏi cảnh ì ạch suốt bao năm qua.

"Hệ thống vận tải công cộng ở bất cứ đô thị nào thì đó là một vấn đề rất khó chứ không phải đơn giản. Sở GTVT cần trình với thành phố kế sách nâng cấp lại hệ thống giao thông công cộng bằng mọi cách, từ cơ sở hạ tầng đến phương tiện rồi phục vụ, và phải làm đồng bộ.

Hay là xe đạp công cộng, một hướng phát triển mới của TP.HCM, thì tôi thấy hệ thống này đúng ở chỗ giải quyết những km cuối cùng của hành trình xe buýt thì với xe buýt điện, xe buýt CNG là một trong những điểm sáng TP.HCM cần được hỗ trợ. Nếu không hệ thống GTCC rất khó phát triển", ông Lê Trung Tính nói.

Xe buýt vẫn là loại hình vận tải công cộng ưu tiên phát triển ở TP.HCM trong những năm tới. Ảnh: Hoàng Triều/Báo Lao động

Xe buýt vẫn là loại hình vận tải công cộng ưu tiên phát triển ở TP.HCM trong những năm tới. Ảnh: Hoàng Triều/Báo Lao động

Phát triển giao thông công cộng được xem như một điều tất yếu tại các đô thị phát triển hiện nay. Tuy nhiên hệ thống giao thông công cộng tại ông Lê Trung Tính vẫn chưa thực sự tương xứng với tốc độ đô thị hóa cũng như sự dẫn đầu của nền kinh tế.

Vậy nên trong tương lai các Sở ngành cần đặc biệt quan tâm, không chỉ dừng lại ở việc đầu tư mới phương tiện, thêm nhiều luồng tuyến mà cần có quy hoạch tổng thể, phát triển hạ tầng đường phố,… 

Điều này giống như một cuộc ‘đại phẫu’ để giao thông công cộng thực sự được ‘lột xác’ trong tương lai.  Đây cũng góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: “Nâng chất lượng giao thông công cộng, xứng tầm đô thị hiện đại.”

Hiện nay, không chỉ ở TP.HCM mà nhiều đô thị khác trong cả nước, sản lượng hành khách đi lại bằng xe buýt đều giảm. Nhiều tuyến xe buýt mở ra, duy trì không được bao lâu đành đóng cửa, vì thiếu vắng người đi. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do hoạt động sản xuất của doanh nghiệp hiện đều khó khăn; nhiều nơi ngừng hoạt động; người lao động vì thế mất công ăn việc làm, lâm cảnh thất nghiệp.

Nhiều người buộc phải về quê; người ở lại thì không thích dùng xe buýt để đi lại. Kinh tế suy giảm; người dân hầu hết đều thắt chặt chi tiêu;không mấy ai mặn mà với xe buýt khi di chuyển. Trong khi bản thân các hạn chế bấy lâu nay của xe buýt vẫn chưa được khắc phục. Đó là tình trạng chạy không đúng giờ giấc; bỏ tuyến, bỏ bến vẫn còn diễn ra. Các tuyến tiếp tục bị chia cắt, không sao kết nối được. Đi xe buýt qua rất nhiều chặng mới tới được điểm cần đến; vừa tốn thời gian lại khó cơ động khi muốn đến nơi khác.

Đó là chưa kể thái độ ứng xử của lái xe, nhân viên phục vụ một số xe không thân thiện. Tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, lấn tuyến để kip giờ vẫn còn xảy ra. Xe buýt có niên hạn cao, chạy nhả khói đen mù mịt; gây ô nhiễm môi trường vẫn xuất hiện. Nhà chờ nhiều nơi nhếch nhác, bong tróc. Đây là những mảng xám khiến nhiều người có cái nhìn thiếu thiện cảm về xe buýt.

Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường

Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường

Để vực dậy ngành giao thông công cộng thiết yếu này, nhiều năm qua và hiện nay, TP.HCM đã thực hiện hàng loạt các chính sách đầu tư về tài chính, nhân lực, xe cộ, bến bãi, nhà chờ; trong đó có việc trợ giá, trợ cước cho xe buýt. Tác dụng rõ thấy là có thời gian dài, nhiều tuyến xe buýt của thành phố ngày càng đông khách; sản lượng hành khách có thời điểm gia tăng đột biến.

Thành phố cũng đưa vào hàng loạt các điểm cho thuê xe đạp di chuyển trong nội đô các quận trung tâm; chuẩn bị thí điểm cho xe buýt điện vào hoạt động. Phát triển buýt đường sông để kết nối với buýt trên bộ; người dân và du khách có thêm nhiều phương tiện công cộng để di chuyển. Đặc biệt trong một vài năm tới, khi tuyến Metro Bến Thành- Suối Tiên đi vào hoạt động, việc chọn lựa chọn xe buýt để đi lại với Metro của người dân chắc chắn sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, trước những khó khăn, thách thức mà xe buýt đang đối diện như vừa kể trên; ngay lúc này là ngành xe buýt của thành phố cần có những cải tổ rõ nét. Khắc phục được các tồn tại, hạn chế cố hữu lâu nay; nắm bắt xu hướng để có sự đầu tư bài bản từ phương tiện, xe cộ đến bến bãi và cả cung cách phục vụ. Trong đó xây dựng hình ảnh xe buýt thân thiện với môi trường, cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp, chính xác; đúng giờ giấc; đem cảm giác yên tâm, an toàn với mỗi hành khách trên từng lộ trình vv…

Để làm được điều này, bản thân Trung tâm điều hành Giao thông công cộng thành phố phải siết chặt khâu quản lý, giám sát. Kiên quyết xử lý, chấm dứt đối với hợp tác xã các lái xe, nhân viên vi phạm nội quy, quy chế. Quan tâm đầu tư nhân lực, công nghệ hỗ trợ các hợp tác xã trong đào tạo, bồi dưỡng đạo đức kinh doanh, đạo đức phục vụ. Các hợp tác xã nâng cao chất lượng đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, chu đáo; đặt sự hài lòng của hành khách lên trên hết và trước nhất.

Xe buýt được coi là phương tiện tiếp cận chủ đạo và phải có nếu muốn metro đạt hiệu quả như kỳ vọng. Ảnh: Thanh niên

Xe buýt được coi là phương tiện tiếp cận chủ đạo và phải có nếu muốn metro đạt hiệu quả như kỳ vọng. Ảnh: Thanh niên

Về phía chính quyền thành phố, tiếp tục đầu tư nhiều hơn  nữa về vốn, công nghệ, cơ sở hạ tầng để giúp ngành xe buýt không ngừng phát triển và mở rộng. Coi văn minh đô thị gắn liền với số lượng người sử dụng phương tiện công cộng, trong đó có xe buýt để đi lại. Không thể để phương tiện cá nhân phát triển quá mức; khiến đô thị vốn đã chật hẹp lại càng thêm bí bách.

Phương tiện công cộng chính là đích đến, bắt buộc để xây dựng được thành phố thực sự văn minh, hiện đại. Đầu tư phát triển các loại hình phương tiện công cộng vì thế phải tiếp tục được TP.HCM, Hà Nội và các địa phương trong cả nước tập trung xây dựng cả trước mắt và lâu dài.

Trọng Điển - Trọng Nghĩa/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn