Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Tấm thảm sang đường và trách nhiệm người cầm lái

Chu Đức: Thứ bảy 17/09/2022, 07:00 (GMT+7)

Những tuần gần đây, một số địa phương phía Nam đang áp dụng thử nghiệm sơn hoặc trải thảm màu đỏ kết hợp vạch sang đường màu trắng ở các tuyến phố đông đúc, giao thông phức tạp như cổng trường học.

Mô hình này được gọi là “Thảm an toàn giao thông” hoặc “Thảm an toàn cho học sinh sang đường”.

Ngoài một số ý kiến băn khoăn nên dùng màu sơn đỏ, hồng hay vàng cho phù hợp, thì đa số người dân bước đầu đều ủng hộ, cho rằng, màu sắc nổi bật đã gây được chú ý về thị giác, giúp người điều khiển phương tiện dễ nhận biết, giảm tốc độ từ xa, đảm bảo an toàn hơn cho học sinh đi bộ qua đường.

Xa hơn, chúng có ý nghĩa đánh động về trách nhiệm với người cầm lái.

Mô hình “Thảm an toàn cho học sinh qua đường” khu vực trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Du, TP.Cần Thơ vừa hoàn thành. Ảnh: Báo Cần Thơ

Mô hình “Thảm an toàn cho học sinh qua đường” khu vực trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Du, TP.Cần Thơ vừa hoàn thành. Ảnh: Báo Cần Thơ

Nhường đường cho người đi bộ là một nét văn hóa đẹp khi tham gia giao thông. Song ở nhiều nơi, tai nạn vẫn xảy ra mà nguyên nhân chính do tài xế không hạn chế tốc độ, làm chủ được tay lái khi đi qua khu vực đông dân cư, bất chấp các biển báo, gờ giảm tốc được bố trí dày đặc trước vạch sang đường.

Không đâu xa, ở các tuyến phố trung tâm quanh hồ Hoàn Kiếm tại Thủ đô Hà Nội, việc tài xế cho xe đi chậm, rồi dừng hẳn, nhường người đi bộ qua đường hết mới đi tiếp - Hình ảnh ấy không phải hiếm, nhưng cũng chưa đủ nhiều để đại diện cho văn hóa lái xe ở thành phố này.

Thực tế, không phải nơi nào cũng được bố trí thảm sang đường một cách nổi bật, còn rất nhiều nút giao thiếu hụt cầu, hầm bộ hành. Bên cạnh học sinh, bất cứ nhóm đối tượng đi bộ nào khác cũng phải được sang đường an toàn, miễn nơi đó có vạch qua đường đúng quy chuẩn.

Sự xuất hiện của “thảm sang đường”, vì vậy, là một tín hiệu mang tính báo động nhiều hơn là một sáng kiến thuần túy. Chúng xuất hiện càng nhiều, càng chứng tỏ nhiều nơi vẫn thiếu vắng nét văn hóa nhường đường, người đi bộ vẫn phải thấp thỏm, bất an khi băng qua đường.

Một thính giả từng ví von: “Giống như dùng bút dạ quang tô nội dung nổi bật, nhưng khi tô quá nhiều sẽ không thể phân biệt được đâu là nơi nổi bật”. Một thính giả khác chia sẻ: “Dù có sơn nhiều màu sắc hơn, làm to rộng thảm sang đường hơn, mà gặp tài xế thiếu trách nhiệm thì cũng không có tác dụng”.

Những ý kiến này đều có lý. Bên cạnh sáng kiến giải quyết tình thế cấp bách, bề nổi trước mắt, nhà chức trách cần thường xuyên kiện toàn, duy tu, bảo trì hệ thống báo hiệu, vạch kẻ đường, sao cho rõ ràng, minh bạch, đạt hiệu lực thiết kế. Căn cơ hơn là đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, nâng cao chất lượng sát hạch, siết chặt đầu ra đào tạo lái xe.

Với các bác tài, sự thận trọng, kỹ năng quan sát, đi lại an toàn qua khu vực giao lộ, đông dân cư là một bài học cơ bản trong các bài thi lấy bằng. Những bác tài thuần thục, có trách nhiệm sẽ không cần đến thảm sang đường sặc sỡ để sực nhớ ra, họ cần giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ. Đó nên là một thói quen.

Chu Đức/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn