Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Tái diễn tình trạng bẫy, bắt chim hoang dã tại Ninh Bình

Hải Hà: Thứ ba 30/01/2024, 08:19 (GMT+7)

Tình trạng săn bắt, bẫy và mua bán chim di cư đang diễn ra phổ biến trên cả nước, trong đó có một số địa phương như Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình, đe dọa đến nhiều cá thể chim quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng.

"Khi ta đi trên các tuyến đường ven biển, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra các lưới chim giăng để bẫy chim di cư. Các chính quyền địa phương có thông báo, nhưng vì lợi nhuận một số hộ gia đình vẫn săn trộm, bẫy trộm chim." - Đó là chia sẻ của anh Phạm Văn Trang, Hiệu trưởng trường THCS Hải Hậu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định về thực trạng săn bắt, bẫy chim đang diễn ra trên địa bàn vào mùa chim di cư.

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm hành động vì động vật hoang dã Việt Nam (Wild Act) thực hiện vào tháng 10-11/2023, tình trạng săn bắt, bẫy chim diễn ra nghiêm trọng tại một số huyện Tiền Hải, Thái Thụy, Hải Hậu, Giao Thủy, Kim Sơn của 3 tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình. Chị Nguyễn Thanh Nga, Quản lý dự án Trung tâm hành động vì động vật hoang dã Việt Nam cho biết, mỗi địa phương lại có một hình thức săn bắt, bẫy đặc thù:

"Trong 3 tỉnh có hai hình thức bắt chim phổ biến nhất, đó là bẫy lưới và chim mồi. Ví dụ như ở Thái Bình thu nhận 712 bẫy lưới và hơn 100 loại chim mồi. Nam Định là điểm nóng bẫy lưới, thu được hơn 1.000 cái bẫy lưới và 182 chim mồi. Tỉnh Ninh Bình lại là điểm nóng về sử dụng chim mồi, chỉ riêng huyện Kim Sơn đã thu nhận 500 bẫy mồi."

Ảnh minh hoạ: Dân trí

Ảnh minh hoạ: Dân trí

Tình trạng săn bắt, bẫy chim diễn ra phổ biến ở những xã, huyện vùng ven Vườn Quốc gia Xuân Thủy do người dân có nhu cầu sử dụng làm thực phẩm vì cho rằng đó là những thực phẩm quý, bổ dưỡng. Ông Phạm Vũ Ánh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định thông tin: Đơn vị phải thường xuyên bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát tại vườn, nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng săn, bẫy trộm chim di cư:

"Đơn vị cũng gặp không ít những khó khăn do địa bàn quản lý rất rộng lực lượng mỏng. Các cán bộ, viên chức nền trong khi tuần tra kiểm tra mà phát hiện thì lại không có thẩm quyền xử lý mà phải trông cậy vào các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý."

Ông Nguyễn Thành Nam, Kiểm lâm viên Hạt kiểm lâm Xuân Hải, Chi cục Kiểm lâm Nam Định cho biết, dù quy định pháp luật đã tương đối đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực thi:

"Thực hiện Chỉ thị 04 của Chính phủ, cụ thể là trong việc liên hệ với chính quyền địa phương trong một số lần đi truy quét các tụ điểm bẫy bắt lưới chim. Thứ nhất nếu mà thông báo trước nó sẽ có những thông tin rò rỉ ra thì sẽ không có hiệu quả. Thứ hai, chúng tôi đến đột xuất để thông báo sự phối hợp lực lượng địa phương, các anh chị tham gia chỉ mang tính chất có thành phần thôi chứ các anh không thực sự vào cuộc để cùng với cán bộ kiểm lâm để truy tìm, tháo dỡ, phá bỏ cái bẫy, bắt đó."

Ông Nam cũng cho rằng, để ngăn chặn tình trạng săn bắt, bẫy chim cần có sự thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền địa phương về công tác bảo tồn chim di cư và tăng cường sự phối hợp với các cơ quan liên quan trong đó lực lượng kiểm lâm là nòng cốt.

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn