Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thiên lý hữu tình

Sức sống mới cho du lịch

Kim Loan: Chủ nhật 01/01/2023, 05:00 (GMT+7)

Chấp nhận “ngủ đông” chống chịu, đến tháng 3/2022, ngành du lịch Việt Nam chính thức mở cửa hoạt động du lịch và nỗ lực bứt phá với nhiều điểm sáng đáng ghi nhận.

Nằm ở vị trí “trời phú” rừng vàng - biển bạc, dưới tán bìa rừng U Minh Hạ thơm lừng bông tràm, khu du lịch sinh thái cộng đồng Mười Ngọt, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau được biết đến là địa chỉ dành cho những ai đam mê trải nghiệm sinh thái.

Một năm đóng cửa chống dịch, chủ nhà đã tôn tạo, chăm chút cho 1.000 kèo ong đến thời kỳ lấy mật. Khi du lịch được mở cửa trở lại, khu du lịch Mười Ngọt đã đón lượng khách tăng nhanh.

Anh Phạm Duy Khanh – Chủ điểm du lịch sinh thái Mười Ngọt, cho biết: "Chỗ đặc biệt của anh là tán rừng nằm gần với vườn quốc gia U Minh Hạ, đây là nơi có diện tích rừng thiên nhiên rất là lớn nên ong bay về rất nhiều.

Khách có thể đi bộ hoặc ngồi dưới thuyền để thấy rất nhiều tổ ong và nghe người thợ gác kèo giải thích thêm về cách thức gác kèo giữ ong. Khách hào hứng muốn thử một lần đến tận kề bên ổ ong để biết cái cảm giác hồi hộp sắp sửa “đánh trận” lớn có hàng ngàn quân là con ong.

Sau đó, ngồi lại dưới tán rừng đó để ăn những sản phẩm mình thu hoạch thì cảm tưởng của khách rất hớn hở, vui vẻ".

Đảo ngọc Phú Quốc giúp Kiên Giang đạt mức tăng trưởng ấn tượng về du lịch, trong năm 2022, địa phương đón hơn 7 triệu lượt du khách.

Đảo ngọc Phú Quốc giúp Kiên Giang đạt mức tăng trưởng ấn tượng về du lịch, trong năm 2022, địa phương đón hơn 7 triệu lượt du khách.

Trong khi đó, du lịch sinh thái chợ nổi kết hợp vườn cây ăn trái dọc sông Tiền và sông Hậu cũng được các doanh nghiệp và chính quyền tỉnh Tiền Giang triển khai đầu tư mới. Địa phương đã khai thác các tour tuyến bằng hình thức giao thông độc đạo đường thủy, chở du khách lướt sóng nước, ngắm cảnh thanh bình, ca hát, ăn uống trên sông.

Ông Võ Phạm Tân – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang cho biết về thế mạnh du lịch này của địa phương: "Chúng tôi đã đặt loại hình du lịch sinh thái miệt vườn là chủ lực nên Xuân 2023 chúng tôi sẽ gắn với các dịch vụ: Đờn ca tài tử, tát mương bắt cá, đò chèo, để du khách lên nhà vườn hái trái cây thưởng thức tại chỗ để cảm nhận hương vị của đồng quê".

Theo thống kê của các địa phương, sau hơn 2 năm “đóng băng” vì COVID-19, ngành du lịch tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có sự “bật dậy” mạnh mẽ với sự liên kết khai thác tour tuyến cùng TPHCM. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, TP.HCM và ĐBSCL đã đón khoảng 45 triệu lượt khách du lịch nội địa, chiếm khoảng 46% khách du lịch nội địa của cả nước.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng – Phó tổng Giám đốc công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam Vietravel nhận định sức bật của du lịch Việt Nam dựa trên các yếu tố: "Độ “nén” của người dân 2 năm không được đi lại, khi du lịch mở cửa thì bắt đầu “bùng nổ” cùng gia đình, bạn bè đi nghỉ dưỡng và trải nghiệm mới.

Ngành du lịch trong thời gian dịch cũng không nghỉ ngơi mà cùng phối hợp với các công ty du lịch tổ chức rất nhiều sự kiện kết nối, đi theo từng cụm chủ đề. Tất cả các bộ sản phẩm du lịch trên mọi miền của đất nước Việt Nam đã được chúng tôi làm mới, đặt lại tên gọi, đưa vào các giá trị văn hóa mới và điểm tham quan mới".

Du lịch sinh thái ở ĐBSCL hút khách du lịch ở nét thơ mộng, yên tĩnh và sắc màu tươi mới, khách đến để lưu lại những bức ảnh đẹp.

Du lịch sinh thái ở ĐBSCL hút khách du lịch ở nét thơ mộng, yên tĩnh và sắc màu tươi mới, khách đến để lưu lại những bức ảnh đẹp.

Trên bức tranh toàn diện của du lịch Việt Nam năm qua, theo thống, kết thúc năm 2022, Việt Nam đã đón và phục vụ ước khoảng 104,8 triệu lượt khách du lịch, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế và 101,3 triệu lượt khách nội địa

. Số lượng khách du lịch nội địa đã vượt xa với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, tăng trên 19% so với năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Bộ VHTT&DL thì lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ mới bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Nguyên nhân được cho là vấp phải các “điểm nghẽn” về chính sách visa còn kém cạnh tranh, quảng bá xúc tiến du lịch còn hạn chế so với các nước trong khu vực.

Trong năm 2023, các Bộ - Ngành sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế, nỗ lực để đảm bảo du khách quốc tế khi đến với Việt Nam sẽ thực sự cảm nhận “trăm nghe không bằng một thấy”, đến một lần lại muốn đến nhiều lần tiếp theo.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn