Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Nỗi khổ nhà phố không mở được lối thoát hiểm

Kim Loan: Thứ sáu 15/12/2023, 09:51 (GMT+7)

Đối với các ngôi nhà phố, hàn sắt kiểu “chuồng cọp” để phòng trộm lâu nay được cảnh báo là “cửa tử” nếu có xảy ra hỏa hoạn. Hiện nhiều hộ gia đình có nhà trong khu dân cư đang bắt đầu tính đến việc phải mở lối thoát hiểm ngay trong ngôi nhà của mình.

Thế nhưng, không phải ai cũng dễ dàng mở được khi không có sự đồng thuận của hàng xóm láng giềng. Hành trình mở lối thoát hiểm của những ngôi nhà phố ở TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp là một ví dụ được VOV Giao thông ghi nhận:

Ngôi nhà 3 tầng của ông Nguyễn Phú Hạnh ở phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp có mặt trước giáp đường Lê Thánh Tôn, mặt sau giáp hẻm 36. Bề ngoài nhìn rất khang trang nhưng các thành viên trong nhà lúc nào cũng nơm nớp lo sợ vì nhiều năm qua, ngôi nhà này không có cửa thoát hiểm phía sau.

Nhận thấy thời gian gần đây liên tục xảy ra nhiều vụ cháy, thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nhất là những ngôi nhà cao tầng dạng ống như nhà mình nên ông Hạnh đã thuê người đục vách tường để mở cửa thoát hiểm ra hẻm 36 (còn rộng chưa tới 1m).

Nhưng khổ nỗi, gia đình đối diện ngăn cản không cho thực hiện. Việc tranh chấp này đã được địa phương hòa giải 2 lần nhưng không thành. Hiện nay, cả gia đình 8 người cứ sống trong thấp thỏm lo âu.

Các khu dân cư của TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp nhìn từ trên cao

Các khu dân cư của TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp nhìn từ trên cao

Ông Nguyễn Phú Hạnh, trú tại phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Nhà tôi và nhà hàng xóm cách nhau 1 cái hẻm công cộng mà hàng xóm lấn lấy mất cái hẻm. Tôi chẳng còn gì, bây giờ xin mở lối thoát dạng cửa lùa thì láng giềng cũng không cho mở, họ nó ngay lối tôi mở là ngay cửa sổ của họ."

Cũng tại phường 2, TP Sa Đéc, ngôi nhà của Phạm Công Huân vốn có lối thoát hiểm là đường công cộng nhưng chục năm nay, lối đi này đã bị nhà hàng xóm bít kín, chiếm dụng làm tài sản riêng. Con hẻm là lối thoát hiểm độc đạo khi có sự cố cháy nổ nên ông Huân đã gửi đơn kêu cứu đến các cấp chính quyền. Sau đó, UBND TP Sa Đéc đã thụ lý, chấp nhận yêu cầu của Huân, yêu cầu “hàng xóm” phải trao trả lối đi này cho gia đình ông Huân làm lối thoát hiểm. Quyết định đã có cách nay 7 năm nhưng “hàng xóm” vẫn không thi hành. Mối thâm giao giữa 2 gia đình xấu dần, thậm chí nhiều lần đã xảy ra xung đột.

Bà Phạm Thị Chung – con gái Phạm Công Huân cho biết: "Họ che chắn và hàn cố định làm chúng tôi không thể nào đi đứng gì được trong tình huống cấp bách. Mong muốn của chúng tôi là được trả lại hiện trang ban đầu cho thông thoáng để chúng tôi có thể thoát hiểm khi cần thiết."

Dù mở lối thoát hiểm ra hẻm công cộng nhưng ông Hạnh lại vấp phải sự phản đối của 'hàng xóm'.

Dù mở lối thoát hiểm ra hẻm công cộng nhưng ông Hạnh lại vấp phải sự phản đối của "hàng xóm".

UBND tỉnh Đồng đã yêu cầu UBND huyện, thành phố tập trung chỉ đạo và vận động 100% nhà từ 2 tầng trở lên có lối thoát hiểm thứ 2. Hộ gia đình tự trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy, mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và cứu nạn. Thế nhưng, để mở được lối thoát hiểm tại các khu dân cư đô thị lại không phải là chuyện dễ dàng.

Anh Nguyễn Phú Hạnh bộc bạch nỗi lo: "Nhà tôi thì đông người, trong đó 2 người già, 4 trẻ em, nhà thì cao 3 tầng… nên chúng tôi cũng hoang mang lo sợ. Nếu hỏa hoạn mà cháy phía trước là chúng tôi không thể thoát được. Ngoài mở lối thoát hiểm để phòng hỏa hoạn thì chúng tôi cũng tiện bề sinh hoạt nữa."

Bà Nguyễn Thị Kim Loan - Chủ tịch UBND phường 2, TP Sa Đéc thừa nhận, công tác vận động cũng gặp không ít “chông gai”. Về góc độ địa phương, Phường nhiều lần đến vận động những gia đình có tranh chấp về mở lối thoát hiểm, nhưng có hộ thì đồng ý, còn có hộ chẳng những không lắng nghe mà còn không hợp tác. Điều này đòi hỏi địa phương phải có biện pháp vận động, căn cứ quy định cụ thể để áp dụng trong trường hợp các hộ gia đình không hợp tác nhằm có hướng giải quyết thấu tình đạt lý mà cũng đảm bảo an toàn cho khu dân cư.

Lối thoát hiểm của gia đình bị hàng xóm chiếm dụng làm của riêng, hàn sắt kín lại nên bà Chung cũng không có cách nào khác ngoài kêu cứu đến các cấp chính quyền.

Lối thoát hiểm của gia đình bị hàng xóm chiếm dụng làm của riêng, hàn sắt kín lại nên bà Chung cũng không có cách nào khác ngoài kêu cứu đến các cấp chính quyền.

Hiện nay các gia đình, đặc biệt ở thành phố thường sống theo lối khép kín. Mặc dù nhà chung tường sát vách nhưng không hề giao tiếp, thậm chí vẫn làm rào sắt chắn chốt bít hết mọi lối. Thế nhưng, ít ai biết rằng, những lối thông qua nhà hàng xóm đó lại chính là con đường cứu sống người gặp nạn trong hỏa hoạn.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều nỗi đau thương mất mát liên quan đến cháy nhà mà phần lớn người chết vì không có đường thoát thân. Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, rất mong bà con đang sinh sống tại các khu dân cư cùng chia sẻ để đảm bảo an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ nếu không may xảy ra bất trắc.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn