Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Nhà bị lún nứt khi cải tạo kênh rạch: Do phương án thi công hay do xây nhà lấn chiếm?

Kim Loan: Thứ hai 29/04/2024, 21:12 (GMT+7)

Trong quy hoạch tổng thể giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ sẽ là “trái tim” của ĐBSCL về hạ tầng để phục vụ công tác học tập, làm việc và giao thương. Tuy nhiên, giữa trung tâm thành phố lại xuất hiện nhiều con kênh, rạch nước đen bị bức tử và chết dần vì ô nhiễm chất thải.

Đầu năm 2024, thành phố bắt đầu khởi công dự án cải tạo lại một số kênh, rạch nhằm chỉnh trang đô thị và hoàn chỉnh hệ thống thoát nước trong mùa triều cường trong năm. Thế nhưng, chỉ vừa động thổ thì hàng loạt nhà dân bị nứt, lún.

Một trong những con rạch “chết” nhiều năm trong nội ô thành phố Cần Thơ là rạch Mương Củi (ranh giới giữa phường An Khánh và phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) dài hơn 1.500m, chiều rộng khoảng 7m, bắt nguồn từ mương lộ 91B đổ ra rạch Đầu Sấu.

Đầu tháng 4/2024, Ban Quản lý dự án ODA TP.Cần Thơ động thổ cải tạo lại con rạch này thì nhà dân cạnh đó bị sụt lún, nứt toát nền gạch.

Rạch Mương Củi đang trong giai đoạn thi công cải tạo

Rạch Mương Củi đang trong giai đoạn thi công cải tạo

Ông P. B. H. là hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất, gôi nhà của ông có chiều dài 70m nhưng đã hết một bên đã bị sụp lún, có vị trí lún thành hố sâu cả mét so với ban đầu và tiếp tục có nguy cơ sụp nhiều hơn. Ông cho biết, kỹ thuật thi công có lẽ là tác nhân gây ảnh hưởng:

"Dự án này mang lại phúc lợi cho cộng đồng, đến khi triển khai thi công thì không đồng bộ giữa ranh thi công và ranh giải phóng mặt bằng. Đơn vị thi công không có giải pháp chống sạt lở nên mới xảy ra việc này. Giờ tôi nghỉ bán buôn, chờ khắc phục xong mới dám bán lại. Người ta cũng làm kè chắn trước khi làm, nhưng mà về mặt kỹ thuật phải hỏi lại. Theo tôi được biết, nếu đã đào sâu xuống 6m thì cừ phải đóng sâu 9m mới đảm bảo không sạt lở, còn đằng này họ đào 6m và cừ cũng chỉ cắm xuống 6m thôi."

Rạch Mương Củi có niên tuổi hơn 100 năm, là rạch công cộng để phục vụ giao thông thủy và đôi khi được người dân sống dọc theo đây lấy nước sử dụng, nhưng nhiều năm qua, con rạch này đã “bất lực”. Dọc chiều dài hơn 1.500m chỉ được gần 10% số đoạn nước còn chảy nhưng đen kịt, 40% số đoạn bị san lấp gần như hoàn toàn và 50% số đoạn gần như cô đặc bởi rác thải sinh hoạt. Ông Đoàn Thanh Tâm – Phó GĐ Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ, chủ đầu tư dự án cho biết nguyên nhân dẫn đến sự cố này:

"Trong quá trình thi công có đóng cừ, một số hộ dân có nhà không nằm trong diện giải phóng mặt bằng thì đều có kết cấu tạm bợ, yếu. Nên mới có hiện tượng nứt và sụt lún. Trước mắt những hộ bị hư hại nhẹ thì chúng tôi hỗ trợ sữa chữa. Còn nhà nào không thể ở thì chúng tôi hỗ trợ di dời và hỗ trợ tiền tạm cư 5 triệu/tháng."

Từ nguồn vốn tài trợ của ngân hàng thế giới, ngày 30/5/2023, Ban Quản lý dự án ODA TP. Cần Thơ đã khởi công thực hiện nâng cấp, cải tạo các tuyến rạch nhánh trên địa bàn quận Ninh Kiều, gồm rạch Ông Tà, Xẻo Lá, Cây Me, Ông Đạo, Từ Hổ, Bà Lễ, Xẻo Dớn, rạch Sao, rạch Mương Củi, Xẻo Nhum, Ngã Bát và Mương Lộ (91B). Tuy nhiên, trên một số con kênh, rạch đang thi công cũng có nhiều nhà dân bị nứt, lún. Đến nay, đã có 33 hộ bị ảnh hưởng. Về giải pháp khắc phục, ông Đoàn Thanh Tâm – Phó GĐ Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ cho biết:

"Trong họp đồng thi công có mua bảo hiểm, hiện nay đơn vị bảo hiểm đã tiếp cận, ghi nhận mức độ thiệt hại của người dân. Chúng tôi đang kiểm định, đánh giá thiệt hại, có kết quả sẽ mời hộ dân lên để thương thảo đền bù."

Căn nhà của hộ dân bị sụt lún khi rạch Mương Củi đang được thi công

Căn nhà của hộ dân bị sụt lún khi rạch Mương Củi đang được thi công

Tuy chưa có khẳng định việc nứt lún nhà dân là do phương án thi công không hợp lý nhưng vấn đề xây nhà lấn chiếm tại một số con rạch này cũng là điều được địa phương xác nhận có thật. Trước sức ép trọng lực trong quá trình thi công, nền đất yếu, những ngôi nhà được xây dựng tạm bợ sẽ chịu tác động nghiêm trọng là điều khó tránh khỏi.

Thành phố Cần Thơ đang đối mặt với thách thức ngập lụt do triều cường, hồi sinh lại những dòng kênh, rạch đã “chết” trong thành phố là điều cấp bách hiện nay. Bởi ngoài việc phục hồi cảnh quan, cải thiện môi trường thì khơi thông kênh rạch để giúp cho thành phố thoát cảnh ngập lụt hằng năm, tiến đến một đô thị sinh thái như mong đợi.

Tuy nhiên, những bất cập xảy ra trong quá trình thi công dẫn đến nứt, lún nhà dân cũng cần được nhìn nhận thấu tình đạt lý. Ngoài trách nhiệm hỗ trợ để sửa chữa nhà cửa thì người dân cũng cần nắm rõ vấn đề, tự ý cơi nới lấn xây dựng hạ tầng trên nền đất vốn là kênh rạch thì khó tránh khỏi những ảnh hưởng về sau.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn