Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Người Hà Nội vẫn muốn có loa phường, nhưng theo cách khác

Hải Bằng: Thứ ba 02/08/2022, 17:21 (GMT+7)

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 tất cả xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư. Kế hoạch này của Hà Nội làm dấy lại cuộc tranh luận nên khôi phục hay bỏ hoàn toàn loa phường do không còn phù hợp với thực tiễn và gây ô nhiễm tiếng ồn.

Bên cạnh các băn khoăn, thì cũng có không ít ý kiến đồng tình. Nhiều người vẫn mong có loa phường, nhưng tất nhiên, hoạt động theo một cách khác so với trước kia.

Nhiều người hẳn vẫn chưa quên âm thanh từ những chiếc loa phường trong quãng thời gian Hà Nội phải căng mình phòng, chống đại dịch Covid-19.

Với bà Hoàng Thị Loan (trú tại Hai Bà Trưng, HN), không chỉ thời dịch, mà cho đến nay, loa phường vẫn hữu ích với bà. Nghe loa, bà vừa có thể làm việc nhà, vừa chăm cháu mà vẫn biết được thời gian, địa điểm tiêm mũi vaccine số 4 hay khuyến cáo phòng chống dịch sốt xuất huyết của địa phương:

“Tôi nghĩ loa phường rất tốt, trong đợt dịch COVID-19 loa phát thông tin như thế rất cần thiết. Thỉnh thoảng nên có những chương trình ví dụ như ngày 27/7, chương trình phát động về cộng đồng sạch sẽ, vệ sinh.

Nhưng mà ngày nào cũng phát, phát liên tục buổi sáng, buổi chiều thì không nên. Mình nên giữ loa phường, nhưng giữ ở mức độ nào”, bà Loan nói.

Ảnh: Ngọc Thắng/Thanh niên

Ảnh: Ngọc Thắng/Thanh niên

Trải qua hàng chục năm, âm thanh từ những chiếc loa phát thanh đã trở thành một phần trong đời sống người dân Hà Nội.

Thông báo cắt điện, cắt nước, thông tin họp tổ dân phố hay các bản nghị quyết… bà con đều nghe trên loa phường. Sự bùng nổ của internet và các ứng dụng kết nối thông minh khiến loa phường đã có lúc tưởng lu mờ, thậm chí gây phiền vì tăng thêm tiếng ồn vốn đã có thừa trong đô thị.

Tuy vậy, kế hoạch của thành phố dự định phủ sóng 100% tổ dân phố đã thu hút rất nhiều sự quan tâm:

 “Nếu mà được như thế thì tốt quá, mọi người dân đều biết được tin tức trong nước và thế giới, hiểu biết nhiều hơn, nhiều lợi ích. Những người ở gần loa sẽ có ảnh hưởng nhưng lợi ích chung nhiều hơn lợi ích riêng”.

“Phát trên loa phường để người dân được biết, người già, trẻ nhỏ đến thanh niên đều biết, như thế cũng rất tốt. Chẳng hạn như nội dung về dịch bệnh, liên quan đến học hành của các cháu, liên quan đến người cao tuổi thì nên phát. Phát thì nên cách nhật ra sẽ hay hơn, phát thường xuyên sẽ không tốt lắm”.

“Ở đây nhiều người cao tuổi nên cũng không sử dụng được công nghệ 4.0. Nói đúng ra loa phương sẽ rất tốt để người ta biết về thông tin. Nếu giờ sớm quá cũng không nên phát vì còn để cho mọi người ngủ”.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, những giai đoạn Hà Nội căng mình phòng, chống dịch COVID-19 đã cho thấy loa phường là hình thức thông tin cơ sở có hiệu quả cao và ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. 

Ảnh: NLĐ

Ảnh: NLĐ

Trước các băn khoăn về việc loa phường sẽ hoạt động cách nào để tránh những phiền toái đã từng xuất hiện, bà Hương cho hay, thành phố sẽ hướng tới sự thân thiện, thay đổi trong cách thức truyền tải thông tin để loa phường trở thành một phương thức đưa những thông tin thiết yếu đến với người dân thủ đô.

“Hiện nay theo quy định với các quận nội thành chỉ có phát thanh 15 phút/buổi, một ngày tối đa không quá 2 buổi, trừ trường hợp dịch bệnh, những ngày lễ và phải có nhiệm vụ tuyên truyền đặc biệt thì phải có chỉ đạo mới được phát.

Nếu có 15 phút thì rõ ràng không gây tiếng ồn nhiều đến như vậy mà chúng ta phải lo ngại và thông tin phải thật thiết yếu, trong 1 tuần chỉ được phát 5 ngày, thứ 7 và chủ nhật sẽ dừng phát trừ có yêu cầu đặc biệt. Loa phát thanh là 1 kênh không thể thay thế được”, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết.

Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có 579 đài truyền thanh của xã, phường, thị trấn đang hoạt động. Theo kế hoạch của TP. Hà Nội, hoạt động truyền thanh cơ sở sẽ dần chuyển sang sử dụng dữ liệu trên hạ tầng viễn thông, Internet; sử dụng trí tuệ nhân tạo kết hợp với công nghệ dữ liệu lớn (big data) trong sản xuất nội dung chương trình, phát thanh.

Chia sẻ với VOVGT, nhiều người dân bày tỏ vẫn mong muốn có loa phường, nhưng theo một cách mới. Ủng hộ mục đích khôi phục loa phường, các chuyên gia cũng cho rằng, Hà Nội nên lấy ý kiến đóng góp của người dân và tham vấn của các ý kiến chuyên môn để loa phường thật sự hữu ích và thân thiện./.

Hải Bằng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn