Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Cảm hứng Mekong

Ngược gió

Kim Loan: Thứ hai 12/02/2024, 16:49 (GMT+7)

“Diều bay cao nhờ ngược gió, cá hồi sinh sôi nhờ ngược dòng”, chúng ta đang chứng kiến ngày càng có nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp đại học chấp nhận rời phố về quê “khởi nghiệp”.

Gói ghém hành trang là nguồn năng lượng tích cực của tuổi trẻ, là vốn kiến thức của những ngày bền bĩ học tập, nghiên cứu, nhiều người trẻ đã từng bước chinh phục những khó khăn để xây dựng sản phẩm mang “thương hiệu” của riêng mình. Họ như những cánh diều ngược gió, can đảm đối diện những thử thách để thành công. 

Chúng tôi đến Tiểu Cần (Trà Vinh) trong ngày đầu năm mới. Không khí đón tết ở vùng đất “trăm chùa” thật náo nhiệt và vui tươi.

Hòa lẫn trong gió có hương thơm dịu nhẹ, đó là hương thơm của hàng ngàn búp hoa dừa đang thời kỳ nhỏ mật.

Vừa tiếp chúng tôi, đôi vợ chồng trẻ Phạm Đình Ngãi và Thạch Thị Chanl Thi tranh thủ xếp 1.500 chai Nước tương mật hoa dừa hữu cơ lên xe để xuất khẩu sang thành phố Bremen (Đức).

Đây là lô hàng đầu tiên của năm Giáp Thìn với ước vọng cả năm sản xuất suôn sẻ, thuận hòa cho Trà Vinh Farm.

Phạm Đình Ngãi và Thạch Thị Chanl Thi thành công với mô hình thu mật hoa dừa thủ công để chế biến thành phẩm gia vị nước tương, mật thực vật, giấm mật…

Phạm Đình Ngãi và Thạch Thị Chanl Thi thành công với mô hình thu mật hoa dừa thủ công để chế biến thành phẩm gia vị nước tương, mật thực vật, giấm mật…

Trà Vinh Farm được Phạm Đình Ngãi và Thạch Thị Chanl Thi sáng lập cách đây 6 năm trong bối cảnh giá dừa tươi tại Trà Vinh rớt giá chỉ còn 2.000 đồng/trái, trồng 1 hecta  nhà vườn thu về vỏn vẹn 2,5 triệu đồng. Khởi sự của Trà Vinh Farm là thu mật hoa dừa thủ công – một loại mật thực vật thay thế đường tinh luyện. Sau đó chế biến thành phẩm gia vị nước tương, mật thực vật, giấm mật…

Chị Thạch Thị Chanl Thi – Giám đốc công ty Trà Vinh Farm cho biết: "Tất cả sản phẩm chế biến từ mật hoa dừa đều có chỉ số đường huyết thấp (GI dưới 54), đây là nghiên cứu của Đại học Sydney Úc đưa ra, rất phù hợp cho người bị bệnh tiểu đường. Mật hoa dừa cũng cực kỳ giàu khoáng, như: Natri, Photpho, Kali… những chất này tham gia vào quá trình điện giải của cơ thể, giúp hồi phục sức khỏe nhanh."

Sản phẩm của Trà Vinh Farm đánh trúng xu hướng thực dưỡng của người tiêu dùng và được đón nhận rộng rãi. Từ đây, công ty thu mua trung bình 45 tấn mật tươi/tháng, giúp tăng giá trị kinh tế nông hộ từ 3-5 lần, cải thiện sinh kế cho đồng bào Khmer tại Trà Vinh. Đáng mừng hơn, năm 2022, sản phẩm mật hoa đã lọt top nông sản xuất khẩu mang về 7 triệu USD cho Việt Nam. Mô hình thu mật hoa dừa cũng được UBND tỉnh Trà Vinh quy hoạch riêng 22 hecta làm vùng nguyên liệu.

Anh Phạm Đình Ngãi – Người sáng lập Trà Vinh Farm bộc bạch về giai đoạn thăng trầm lúc khởi sự: "Lúc đầu mình cũng gặp nhiều khó khăn, không có kiến thức kinh nghiệm nên mình thất bại nhiều lắm. Nhưng mà cứ đi rồi sẽ đến, cố gắng sẽ có mật ngọt. Ngày nay xu thế dùng thực phẩm thuần chay, mình làm ra sản phẩm này chẳng những cải thiện cho sinh kế của đồng bào ở đây mà còn tận dụng được nguồn nguyên liệu của địa phương."

Mạo hiểm của Trà Vinh Farm là phải đầu tư vốn liếng, nhưng đổi lại đã đạt mục đích về lợi nhuận, thương hiệu và thể hiện bản lĩnh của người trẻ dám nghĩ, dám làm. Trong không gian khởi nghiệp không có giới hạn thành phần và mô hình. Nếu Phạm Đình Ngãi và Thạch Thị Chanl Thi thành công với vốn liếng và những kinh nghiệm trong khai thác tài nguyên bản địa, thế mạnh của địa phương thì cũng có những bản trẻ khác “khởi nghiệp” lại không cần vốn liếng, chỉ cần tư duy, năng lượng, tận dụng nền tảng “mở” của làn gió số mà mà Vlogger Khoai Lang Thang là một điển hình.

Vlogger Khoai Lang Thang (Đinh Võ Hoài Phương) tận dụng nền tảng “mở” của làn gió số, các video trên YouTube hằng năm có thể đem lại cho Khoai Lang Thang từ 371 triệu đến 5,9 tỷ đồng.

Vlogger Khoai Lang Thang (Đinh Võ Hoài Phương) tận dụng nền tảng “mở” của làn gió số, các video trên YouTube hằng năm có thể đem lại cho Khoai Lang Thang từ 371 triệu đến 5,9 tỷ đồng.

Khoai Lang Thang tên thật là Đinh Võ Hoài Phương, người con của vùng đất Bến Tre. Anh học chuyên ngành Kỹ sư xây dựng, thích xê dịch và đam mê ẩm thực. Từ bỏ công việc theo đúng chuyên ngành mình học với mức lương hàng chục triệu đồng/ tháng, Phương đã bỏ ra 04 năm “lang thang” khắp các vùng miền của đất nước để thực hiện các video clip đăng phát trên kênh YouTube Khoai Lang Thang.

Ngày 22/2/2017, kênh Khoai Lang Thang ra mắt video đầu tiên, đến nay đã vượt mốc 1,1 triệu lượt người theo dõi. Những địa điểm mà Khoai Lang Thang đi qua được trình chiếu trong video với cảnh quay đẹp mắt, khám phá nhiều khía cạnh về phong tục, tập quán, văn hóa, địa lý và đặc biệt là ẩm thực…thu hút sự yêu mến của người xem, lan tỏa niềm đam mê du lịch của nhiều người.

Hiện nay, Khoai Lang Thang là một trong những YouTuber nổi tiếng của Việt Nam: "1-2 tháng mình dành thời gian đi 1 chuyến, sau đó về biên tập và dựng phim để phát lên youtube. Ban đầu khá tệ, mình rất ngây ngô, không có kỹ năng quay phim và không tự tin đứng trước máy quay, lại hay mắc cỡ khi có người khác nhìn mình. Nhưng mà nhờ sự can đảm đã giúp mình có động lực cải thiện."

Theo số liệu từ Social Blade, doanh thu hàng năm từ các video trên YouTube có thể đem lại cho Khoai Lang Thang từ 371 triệu đến 5,9 tỷ đồng. Hoài Phương sử dụng số tiền đó giúp đỡ cộng đồng, sáng lập dự án "Việt Nam - Chuyện chưa kể" với mục tiêu xây dựng hơn 30 sân chơi tại các trường học khó khăn trên khắp Việt Nam. Hành trình “ngược gió” của Khoai Lang Thang đã đóng góp giá trị thiết thực cho xã hội, mặc dù những ngày đầu khởi sự, anh nhận về không ít ý kiến phản đối từ người thân, thậm chí có những lúc anh muốn bỏ cuộc giữa chừng.

Trạc tuổi với Khoai Lang Thang, nhiều bạn trẻ cũng có ý tưởng táo bạo để tự tạo giá trị cho riêng mình và cho cả cộng đồng. Dưới chân núi Tà Pạ (Tri Tôn – An Giang) có làng ẩm thực Tà Pạ - Soài Chek, đặc điểm của hàng quán nơi đây là chế biến các món ăn theo công thức của đồng bào Khmer hoặc của nước bạn Campuchia.

Một trong những “ông chủ” đóng góp cho ẩm thực nơi đây có Chau Sóc Nương – xuất thân từ nhân viên văn phòng. Sau 05 năm làm việc ở Campuchia, Chau Sóc Nương về quê Tri Tôn mở quán ẩm thực Tà Pạ Cốc chuyên 02 món gà đốt Campuchia và Lẩu bò nhúng lá chúc.

Vào cuối tuần hoặc lễ, tết, Tà Pạ Cốc bán từ 60-80 con gà đốt/ngày. Hàng quán ở đây đã đưa Tà Pạ - Soài Chek từ một vùng đất núi đá hoang du trở thành địa điểm du lịch ẩm thực được đông đảo du khách lựa chọn: "Khi thực khách ăn, họ muốn trải nghiệm hương vị của nơi khởi nguồn. Hiện giờ Tri Tôn đang “nổi” lên các món ăn: Gà đốt, ếch nướng, cháo bò, đu đủ đâm. Mà đặc biệt khách đến đây đều muốn trải nghiệm các món ăn làm từ thịt bò vì thịt bò ở vùng Tri Tôn rất thơm và ngọt thịt. Quán mình tuyển phục vụ toàn bộ là người Khmer, giúp đỡ khách thuê trang phục truyền thống Khmer và hỗ trợ chụp hình làm kỷ niệm, nên khách rất thích."

Người có công đưa Tà Pạ nổi tiếng không chỉ có một mình Chau Sóc Nương nhưng Chau Sóc Nương là một trong những thanh niên có bản lĩnh nhận diện được khả năng và không ngại sự thay đổi. Sự đóng góp của Tà Pạ Cốc đã giúp An Giang có thêm cơ sở để đưa Food Tourism (du lịch ẩm thực) vào quy hoạch phát triển ngành du lịch tỉnh nhà.

Du khách có cơ hội trải nghiệm bản sắc văn hóa, sinh hoạt cộng đồng gắn với ẩm thực của người Khmer thông qua quá trình thưởng thức, thưởng rượu và trổ tài thi thố nấu ăn. 

Chau Sóc Nương bỏ phố về quê mở quán ẩm thực Tà Pạ Cốc chuyên 02 món gà đốt Campuchia và Lẩu bò nhúng lá chúc đã góp phần đưa làng ẩm thực Tà Pạ - Soài Chek từ một vùng đất núi đá hoang du trở thành địa điểm du lịch ẩm thực nổi tiếng.

Chau Sóc Nương bỏ phố về quê mở quán ẩm thực Tà Pạ Cốc chuyên 02 món gà đốt Campuchia và Lẩu bò nhúng lá chúc đã góp phần đưa làng ẩm thực Tà Pạ - Soài Chek từ một vùng đất núi đá hoang du trở thành địa điểm du lịch ẩm thực nổi tiếng.

Thực tế, mạng lưới khởi nghiệp quốc gia hình thành nhiều năm qua, nhằm tìm kiếm những Dự án khởi nghiệp khả thi như Trà Vinh Farm hay Khoai Lang Thang để đầu tư phát triển lớn mạnh. Tại ĐBSCL có Mạng lưới Khởi nghiệp ĐBSCL do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ điều hành. 7 năm hình thành, mạng lưới đã có 1.500 hồ sơ với gần 5.000 người.

Nhận định về mạng lưới khởi nghiệp của Việt Nam, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KHCN) cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được coi là năng động và phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Để đạt được điều này chính là nhờ vào sự năng động của các Startup.

Ông Phạm Hồng Quất thông tin: "Quyết định 188 của Thủ tướng Chính phủ muốn nâng cấp và mở rộng hoạt động của hệ sinh thái ra nhiều hơn, trong đó thúc đẩy thành lập những trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chuyên sâu hơn. Kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rộng mở hơn gồm cả các nguồn lực quốc tế, đặc biệt là kiều bào ở nước ngoài, đây là tinh thần của 188, đây là một định hướng mở nữa cho hệ sinh thái để nâng tầm startup trong nước."

Khởi nghiệp không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn làm giàu cho xã hội và đất nước. Khi đã có một ý tưởng hay, cùng việc chuẩn bị kỹ lưỡng thì khả năng thành công rất cao. Bên cạnh tạo ra dòng tiền thì khởi nghiệp cũng giúp cho bạn trẻ thu thập được nhiều vốn sống.

Khoai Lang Thang từng cho biết, anh thành công với kế hoạch trở thành Vlogger là vì anh học được từ cộng đồng để hoàn thiện sản phẩm của mình: "Trưởng thành hơn rất nhiều, rất nhanh. Một chuyến đi mình học được nhiều cái mới. Trước tiên mình phải có bản kế hoạch, dựa vào ưu nhược điểm để mình biết cải thiện và phát huy. Sau đó làm thử, có dấu hiệu tích cực rồi thì mình sẽ dành nhiều thời gian cho nó hơn."

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, sinh kế nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề, làn sóng cắt giảm việc làm ở đô thị lan rộng đã khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng thì câu chuyện khởi nghiệp, làm giàu từ tài nguyên bản địa lại bắt đầu được người trẻ chú ý.

Sau những bộc bạch của Hoài Phương, Phạm Đình Ngãi và Chau Sóc Nương, đi “ngược gió” không phải là làm điều dị thường mà đi tìm chỗ đứng, vị thế để khẳng định mình và để hành trình “hồi hương” không chỉ đơn giản là quay về mà còn góp phần để quê hương thêm trù phú, đáng sống.

3 mô hình đi “ngược gió” của Trà Vinh Farm, Khoai Lang Thang và Tà Pạ Cốc dù ở góc độ cá nhân và ở bước đầu định hình nhưng đã chứng minh được khả năng tự tạo việc làm và thích ứng nhanh nhạy, sáng tạo của người trẻ.

Dẫu biết con đường “bỏ phố về quê” không phải lúc nào cũng bằng phẳng, thênh thang, cũng hoa thơm trái ngọt, không ít bạn trẻ cũng ngậm ngùi “quay xe” vì vỡ giấc mộng hồng, thế nhưng nếu có lòng can đảm, sự chuẩn bị kỹ càng, kiên định với mục tiêu thì những câu chuyện khởi nghiệp như Trà Vinh Farm, Khoai Lang Thang hay Tà Pạ Cốc sẽ còn được viết tiếp bởi những người trẻ không ngại khó, ngại khổ, dám thử thách để thành công.

 

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn