Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Giao thông

"Ném" tiền tỷ ra đường (Bài 3): Hàng chục tỉ đồng “đổ sông” theo thí điểm

Nhóm PV VOV Giao thông: Thứ năm 12/12/2024, 13:53 (GMT+7)

Việc thí điểm các phương án tổ chức giao thông hay thí điểm cách thức tổ chức điều hành môt số hoạt động giao thông đô thị là cần thiết, nhằm kiểm chứng mức độ phù hợp, hiệu quả trước khi tính toán nhân rộng.

Tuy vậy, thực tế triển khai nhiều dự án thí điểm tại Hà Nội thời gian qua đã bộc lộ không ít bất cập, kéo dài thời gian thử nghiệm mà không đi đến một kết quả nào, gây lãng phí tiền tỉ ngân sách, lãng phí nguồn lực xã hội và làm suy giảm niềm tin của người dân vào năng lực quản lý điều hành.

Hàng chục tỷ đồng đã đổ sông đổ bể theo các dự án thí điểm, chuyện diễn ra như thế nào? Mời các bạn đến với nội dung này trong kỳ tiếp theo của loạt bài “Ném” tiền tỷ ra đường”.

“Phân làn mà các phương tiện đi loạn lắm, làn xe máy sang ô tô, ô tô sang xe máy, không theo cái biển thông báo kia đâu, nó khiến xảy ra tai nạn và ùn tắc nhiều”.

“Phân làn đi phân làn lại không giải quyết gì cả, tan toàn không có mà phương tiện đi thẳng thì phải giảm tốc độ”.

“Không có hiệu quả một tí nào vì đoạn đường này ngày nào cũng tắc, đi khổ lắm; để barie thực sự không ăn thua”.

Hà Nội thí điểm phân làn phương tiện bằng dải phân cách cứng trên đường Nguyễn Trãi từ tháng 8/2022

Hà Nội thí điểm phân làn phương tiện bằng dải phân cách cứng trên đường Nguyễn Trãi từ tháng 8/2022

Từ đầu tháng 8/2022, Hà Nội tiến hành thí điểm phân làn, tách dòng phương tiện bằng dải phân cách cứng trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Ban đầu, với sự hướng dẫn, giám sát thường xuyên của các lực lượng chức năng, xe đi theo làn ở ở các đoạn có dải phân cách.

Nhưng chỉ được một đoạn rất ngắn, hoặc khi vắng lực lượng chức năng, ô tô xe máy lại…trộn vào nhau.

Đến tháng 8/2023, sau một năm thí điểm, Hà Nội bắt đầu dần dần gỡ bỏ dải phân làn, từng đoạn một, với lý do điều chỉnh tổ chức giao thông phục vụ một số hạng mục thi công. Không một tuyên bố nào được đưa ra, không một tổng kết nào về kết quả thí điểm.

Đối với người dân, đó là một sự thất bại đã được báo trước: “Nó lãng phí công sức của mọi người, của lực lượng chức năng, người dân phải di chuyển nhiều, vòng đi vòng lại, việc phân chia không hiệu quả làm mất thời gian của mọi người”.

Không những không mang lại hiệu quả với giao thông, mà việc thí điểm phân làn còn gây xáo trộn hoạt động đi lại, tăng nguy cơ va chạm giao thông, làm cho CSGT cũng phải… xoay như chong chóng để ứng phó với tắc đường và giải quyết sự cố.

Trung tá Phạm Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội - đơn vị trực tiếp tham gia phân làn trên đường Nguyễn Trãi cho biết:

"Vừa rồi là dỡ rào chỗ Nguyễn Trãi rẽ phải ra Nguyễn Xiển, khi họp bàn thì thống nhất để nguyên lòng đường để người dân đi cho rộng hơn. Đội CSGT số 7 rà soát theo tuần, theo ngày nếu có đột biến như biển báo rơi, cột biển báo, cột đèn có sự cố, hệ thống vạch sơn bị mất đi..."

Ngày 8/8/2023, theo ghi nhận của phóng viên VOV Giao thông, trên đường Nguyễn Trãi, TP Hà Nội, đoạn từ Ngã Tư Sở đi hầm chui Thanh Xuân và ngược lại một số vị trí đã được tháo dải phân cách cứng phân làn đường.

Ngày 8/8/2023, theo ghi nhận của phóng viên VOV Giao thông, trên đường Nguyễn Trãi, TP Hà Nội, đoạn từ Ngã Tư Sở đi hầm chui Thanh Xuân và ngược lại một số vị trí đã được tháo dải phân cách cứng phân làn đường.

Năm 2011, Hà Nội triển khai phân làn ô tô và xe máy trên một số tuyến đường: phố Huế, Bà Triệu, Hàng Bài, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Giải Phóng, với chi phí 24-25 tỷ đồng chỉ trong vòng 1 tháng đầu tiên, và kết quả là xe vẫn cứ trộn vào nhau, rồi đâm dúi dụi vào dải phân làn.

Năm 2017, Hà Nội lại dùng dải phân cách đóng một loạt ngã tư, đồng thời mở điểm quay đầu xe ở các vị trí kế cận. Ùn tắc không hề giảm, chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.

Một dự án thí điểm khác là phân làn dành đường riêng cho buýt nhanh, áp dụng từ khi Hà Nội bắt đầu vận hành thử nghiệm tuyến BRT 01 năm 2017. Sau 7 năm, thí điểm này cũng kết thúc bằng việc âm thầm chấp nhận cho các xe khác đi chung đường, bỏ xử phạt lỗi này, vì giao thông quá căng thẳng, không thể ngăn ô tô xe máy “tràn” vào làn buýt nhanh. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ODA lên đến 53,3 triệu USD (tương đương 1.160 tỷ đồng thời giá cuối 2015), chưa kể mỗi năm phải chi thêm khoảng 80 tỷ đồng để vận hành, nhưng cuối cùng, buýt nhanh cũng thành…buýt chậm.

Năm 2024, việc thí điểm tổ chức hai tuyến đường dành cho xe đạp (dọc sông Tô Lịch và xung quanh công viên Hòa Bình - đường Hoàng Minh Thảo) “ngốn” của Hà Nội khoảng 10 tỷ đồng ngân sách. Kết quả, hai tuyến đường này chỉ lác đác người đi bộ, nhiều chỗ trở thành … đống rác tự phát.

Chưa hết, các dự án thí điểm ứng dụng công nghệ vào dịch vụ giao thông tĩnh như mô hình trông giữ xe qua điện thoại di động (iParking) trên toàn thành phố đã phải tạm dừng; thí điểm chuyển đổi trông giữ xe sang hình thức không dùng tiền mặt, hay mới đây là thí điểm sử dụng công nghệ AI tại các điểm trông giữ xe thông minh, tuy bước đầu được kỳ vọng mang lại tiện ích nhưng trục trặc, bất cập khi vận hành mà không được khắc phục kịp thời, khiến người dân quay lại trả tiền mặt…cho nhanh!

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy tỏ ra ngạc nhiên vì những sai lầm trong thí điểm phân làn cứ lặp đi lặp lại hết lần này tới lần khác:

"4,5 lần phân làn, mỗi lần mấy chục tỷ đều thất bại, việc phân làn hãy cân nhắc thật kỹ rồi hãy làm, nếu không lãng phí tiền của người dân".

 

Tuyến buýt nhanh BRT hiệu quả không như kỳ vọng

Tuyến buýt nhanh BRT hiệu quả không như kỳ vọng

Các dự án thí điểm thất bại kéo dài, theo PGS. TS Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) không chỉ gây lãng phí về nguồn lực tài chính:

“Hậu quả của nó là thất thoát ngân sách Nhà nước, mất thời gian, mất niềm tin của người dân. Khi các dự án thí điểm này không đạt kết quả thì người dân trở nên hoài nghi về khả năng quản lý và hoạch định chính sách của cơ quan chức năng. Nó ảnh hưởng đến sự hợp tác xã hội trong các dự án sau”.

Theo ông Lê Văn Đạt, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, quá trình triển khai các dự án thí điểm vừa nêu, thiếu các tiêu chí cụ thể để đánh giá hiệu quả và không có phương án điều chỉnh linh hoạt. Do đó dẫn tới kéo dài thời gian thử nghiệm mà không đi đến kết luận rõ ràng, gây thêm tốn kém cho xã hội, phiền hà cho người dân. Nhưng theo ông Đạt, sự lãng phí lớn nhất không chỉ là tiền:

“Trong khi nhiều thành phố khác trên thế giới áp dụng thành công các mô hình như BRT, phân làn đường hay áp dụng các giải pháp công nghệ giao thông thông minh thì những dự án thí điểm thất bại khiến Hà Nội mất đi cơ hội phát triển và nhân rộng các mô hình này. Việc triển khai chậm trễ và kém hiệu quả làm chậm khả năng cải thiện hạ tầng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện”.

Hàng chục, hàng trăm tỉ đồng “đổ” vào các dự án thí điểm thiếu tính toán khoa học, cuối cùng đã… đổ sông đổ biển. Không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho ngân sách, mà sự lãng phí này kéo theo hàng loạt lãng phí khác do các hệ lụy mà nó gây ra, không thể đong đếm. Nguy hại nhất, là sự lãng phí niềm tin!

Lãng phí trong giao thông có thể bắt nguồn từ cách quy hoạch, thiết kế, tính toán, cách tổ chức thực hiện các dự án và công trình. Song, có những lãng phí gây nên từ bất cập chính sách. Những bãi xe phơi nắng, phơi mưa trực chờ cháy nổ hoặc đợi ngày thành sắt vụn mà không thể hóa giá, là một ví dụ điển hình.

VOV Giao thông đề cập nội dung này trong phóng sự tiếp theo của loạt bài: ““Ném” tiền tỷ  ra đường".

Nhóm PV VOV Giao thông/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn