Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Giao thông

"Ném" tiền tỷ ra đường (Bài 1): Làm 10 đồng, “nướng” 3 đồng vào ùn tắc

Nhóm PV VOV Giao thông: Thứ ba 10/12/2024, 13:52 (GMT+7)

Lãng phí đã được chỉ ra là một trong những nguyên nhân gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Nguy hại hơn, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Giao thông là một trong những lĩnh vực nhận được sự quan tâm đầu tư rất lớn, được ưu tiên hàng đầu để tạo đột phá chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Song, đây cũng là lĩnh vực đã và đang diễn ra sự lãng phí vô cùng lớn.

Mời các bạn cùng VOV Giao thông nhận diện sự lãng phí này và đi tìm giải pháp qua loạt bài: “ “Ném” tiền tỷ ra đường”.

Thời điểm 4 giờ chiều ngày  9/12, chưa đến giờ cao điểm, nhưng đường Trường Chinh trên cao đã ùn rất dài từ đoạn qua ngã tư Tôn Thất Tùng về ngã tư Vọng. Mệt mỏi, hao tổn xăng dầu, mất thời gian, công việc và tiền bạc là những gì người tham gia giao thông phải đối mặt hàng ngày:

Từ khoảng 16h, trước giờ cao điểm, vành đai 2 trên cao đã ùn dài từ đoạn qua ngã tư Tôn Thất Tùng đến ngã tư Sở. (Ảnh: Minh Hiếu)

Từ khoảng 16h, trước giờ cao điểm, vành đai 2 trên cao đã ùn dài từ đoạn qua ngã tư Tôn Thất Tùng đến ngã tư Sở. (Ảnh: Minh Hiếu)

"Ngày nào cũng tắc. Nếu lên đường trên cao thì mất khoảng hơn nửa tiếng từ Giải Phóng đến đây. Tắc đường kiểu ấy thêm vài chục nghìn tiền dầu tiền xăng là bình thường".

"Chủ yếu là áp lực, quá áp lực".

"Cũng cảm thấy khá uể oải trong người, tốn kém nước nôi các thứ".

"Nhiều lúc khách hàng giục rồi mình không kịp, về muộn một chút là không nhận được đơn khác".

"Mình phải đi sớm trước nửa tiếng, thậm chí một tiếng mới kịp tiến độ đi làm."

"Con cái, gia đình, cơm nước, nên mất thời gian nhiều trên đường thì cũng ảnh hưởng công việc gia đình".

 

Sáng 10/12, anh Nguyễn Đức Hoàn, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội mất khoảng 80 phút cho lộ trình chỉ 10 cây số trên tuyến đường vành đai 3 trên cao:

"Quá là “ghê gớm”, sợ thật, mọi người còn xuống khỏi xe, ngồi nói chuyện cơ mà. Mình ngồi thì mình ê ẩm hết cả người, không hoàn thành công việc được giao. Nào thì thoát vị đĩa đệm, đau cổ vai gáy, mà thu nhập nghề bác tài bọn mình quá là thấp ý".

Không chỉ dịp lễ tết, vành đai 3 trên cao cũng ùn tắc nghiêm trọng mỗi khi có va chạm hay xe gặp sự cố. Hình ảnh thính giả cung cấp sáng 10/12/2024.

Không chỉ dịp lễ tết, vành đai 3 trên cao cũng ùn tắc nghiêm trọng mỗi khi có va chạm hay xe gặp sự cố. Hình ảnh thính giả cung cấp sáng 10/12/2024.

Với mức quá tải gấp 8 lần lưu lượng thiết kế, ùn tắc xảy ra trên tuyến đường này bất kể ngày đêm, đặc biệt là những dịp cao điểm lễ tết hoặc khi có tai nạn, hỏng xe. Chiều 30/8 vừa qua, trước dịp nghỉ Quốc khánh, con đường được cánh tài xế đặt cho biệt danh là “vành đai đỏ” này đã tắc suốt 7 tiếng đồng hồ, khiến hàng trăm người vạ vật đợi xe, hàng ngàn người chôn chân tại chỗ.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông Hà Nội, năm 2024, thành phố vẫn còn 33 điểm ùn tắc, bao gồm 22 điểm chuyển tiếp từ năm 2023 và 11 điểm mới phát sinh. Có những điểm ùn tắc gần như mạn tính, trở thành nỗi ám ảnh với người dân và các lái xe kinh vận tải, như ngã ba Xa La, ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, nút phía Bắc cầu Chương Dương, nút Đại lộ Thăng Long về trung tâm thành phố…

Ước tính, tốc độ di chuyển trung bình của ô tô trong đô thị là chưa đến 20km/h, trong giờ cao điểm có thể thấp hơn vài ba lần. Nếu đặt bản đồ chỉ đường cho hành trình từ trung tâm ra các quận ven đô như Hà Đông, Cầu Giấy,… giờ cao điểm, lái xe ô tô sẽ mất gần 1 tiếng đồng hồ cho 10km, chậm hơn cả xe đạp, trải nghiệm thực tế còn tệ hơn nếu  có sự cố giao thông.

Theo tính toán của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, từ năm 2018, ùn tắc giao thông gây thiệt hại cho Hà Nội và TP.HCM khoảng 1,2 - 1,3 tỷ USD mỗi năm, tương đương khoảng 2,7% đến gần 3% tổng thu nhập trên địa bàn.

Tắc đường cũng gây thiệt hại hơn 1 triệu giờ lao động mỗi năm, làm giảm đáng kể năng suất lao động. Số liệu của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) năm 2020 cho thấy, giá trị sản xuất mỗi giờ lao động của người Việt Nam chỉ đạt 6,4 USD, chưa bằng 1/2 giá trị sản xuất của lao động Thái Lan, chưa bằng 1/10 giá trị sản xuất của lao động Singapore.

Hà Nội ùn tắc ngày càng nghiêm trọng

Hà Nội ùn tắc ngày càng nghiêm trọng

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, ùn tắc giao thông đã phá vỡ kế hoạch công việc của các tổ chức, cá nhân, gây tổn hại rất lớn đến hoạt động kinh tế xã hội cũng như sức khỏe, ô nhiễm môi trường…

"Ảnh hưởng việc phát triển kinh tế - xã hội, một đô thị lớn như Hà Nội mỗi năm cũng khoảng 2 - 2,5 tỷ USD. Việc ùn tắc giao thông không chỉ gây tổn hại đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến doanh thu của người dân, của đất nước, đặc biệt là ảnh hưởng môi trường. Thiệt hại này không chỉ có tác động trước mắt mà còn có tác động lâu dài đến sức khỏe của người lao động và sức khỏe của người dân đô thị", ông Định Trọng Thịnh phân tích.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Văn Đạt, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho rằng, ùn tắc giao thông tạo ra nhiều hệ lụy tới môi trường và ảnh hưởng sức khỏe người dân, dẫn đến chi phí y tế và an sinh xã hội rất lớn. Còn với nền kinh tế, sức hút đầu tư cũng giảm sút vì tắc đường:

"Một cách tổng quát, nó ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư. Đầu tư ở đây phải nói rộng hơn, bao gồm cả những lĩnh vực như du lịch,… khiến môi trường đầu tư không được hấp dẫn. Các hao tổn về thời gian, hao tổn về xăng dầu, xăng dầu với người dân, xăng dầu với doanh nghiệp vận tải làm cho chi phí logistics cao hơn".

Ùn tắc giao thông đang hàng ngày, hàng giờ gây ra sự lãng phí khủng khiếp cho doanh nghiệp, cho mỗi gia đình, cho từng con người, kéo lùi sự phát triển kinh tế của địa phương và đất nước. Trong khi, ngành giao thông cứ gỡ chỗ này lại tắc chỗ kia. Hà Nội vẫn bối rối với bài toán: phát triển hạ tầng để thỏa mãn nhu cầu đi lại đang tăng theo cấp số nhân, hay áp dụng các biện pháp để định hướng và quản lý nhu cầu.

Nhưng không chỉ lãng phí do ùn tắc, mà lãng phí trong giao thông đã và đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác, nhiều hoạt động khác, từ xây cầu, làm đường, cho đến tổ chức vận hành các hoạt động phục vụ giao thông.

VOV Giao thông sẽ tiếp tục đề cập nội dung này trong phóng sự tiếp theo.

Nhóm PV VOV Giao thông/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn