Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Lao động tự do có thể đóng bảo hiểm tai nạn linh hoạt

Quách Đồng: Thứ hai 10/07/2023, 16:11 (GMT+7)

Bộ LĐTB&XH đang dự thảo nghị định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Đáng chú ý, tại dự thảo nghị định này, có đề xuất Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí đóng bảo hiểm cho người lao động.

4 PHƯƠNG THỨC LỰA CHỌN

Dự thảo Nghị định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (gọi tắt là nghị định bảo hiểm tai nạn lao động cho lao động tự do) do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội soạn thảo có 6 chương, 39 điều, gồm: Những quy định chung; Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện…

Cụ thể, về đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, làm việc không theo hợp đồng lao động, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Về mức đóng, dự thảo Nghị định bảo hiểm tai nạn lao động cho lao động tự do đề xuất mức đóng là 2% mức lương tối thiểu vùng IV do Chính phủ quy định. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, phương án này có ưu điểm là mức lương cơ sở được Chính phủ công bố có thời điểm áp dụng rõ ràng, thuận tiện trong việc xác định mức đóng cũng như số tiền ngân sách nhà nước phải hỗ trợ. Với mức lương tối thiểu vùng IV do Chính phủ quy định năm 2023 là 3.250.000 đồng/tháng thì mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện tương ứng là 65.000 đồng/người/tháng.

Dự thảo nghị định về bảo hiểm tai nạn lao động cho lao động tự do cũng đề xuất Nhà nước hỗ trợ 30% đối với lao động thuộc hộ nghèo, 25% đối với hộ cận nghèo, 10% đối với người lao động khác.

Về phương thức đóng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định 4 phương thức đóng cho người lao động lựa chọn là 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng.

Về chế độ bảo hiểm, Dự thảo nghị định về bảo hiểm tai nạn lao động cho lao động tự do quy định 3 chế độ cơ bản mà người lao động được hưởng, tương tự như tham gia BHXH bắt buộc, gồm: Giám định mức suy giảm khả năng lao động; Chế độ trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng và trợ cấp phục vụ; Hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.

Dự thảo Nghị định về bảo hiểm tai nạn lao động cho lao động tự do đang được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lấy ý kiến các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức xã hôi liên quan và lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Dự thảo nghị định sẽ được chỉnh lý và gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ ban hành.

Mỗi năm có hơn 2.000 lao động tự do tử vong vì tai nạn lao động (Nguồn: CAND)

Mỗi năm có hơn 2.000 lao động tự do tử vong vì tai nạn lao động (Nguồn: CAND)

ĐẢM BẢO TÍNH LINH HOẠT

Vì sao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất chính sách bảo hiểm xã hội tai nạn lao động cho lao động tự do? Việc đề xuất Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho người lao động có giúp lao động dễ dàng tham gia bảo hiểm?

PV VOV giao thông đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội- đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định.

PV: Thưa ông, dự thảo Nghị định đưa ra những phương thức đóng bảo hiểm như thế nào đối với lao động tự do?

Ông Bùi Đức Nhưỡng: Chúng tôi đang dự kiến mức đóng là 2% mức lương tối thiểu vùng 4, tương đương với 65 nghìn đồng mỗi tháng. Về phương án này chúng tôi cũng dự kiến hỗ trợ của Chính phủ tối đa là 30% đối với người thuộc hộ nghèo, 25% đối với hộ cận nghèo, 10% đối với lao động khác. Mức hỗ trợ 30% tức là người lao động chỉ đóng 70% còn lại, tương đương với 45.500 đồng mỗi tháng.

Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đăng ký với cơ quan bảo hiểm xã hội theo một trong các phương thức đóng sau đây: thứ nhất là đóng hàng tháng; thứ 2 là đóng 3 tháng một lần; thứ 3 đóng 6 tháng một lần và cuối cùng đóng 12 tháng một lần.

Khi chúng tôi xây dựng và lựa chọn phương thức đóng như trên là đã đảm bảo tính linh hoạt để mọi người lao động có thể tham gia đóng được.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ quy định chi tiết về việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện.

PV: Khi tham gia bảo hiểm này thì quyền lợi của người lao động được quy định như thế nào? Có gì khác biệt so với các loại hình bảo hiểm tự nguyện khác?

Ông Bùi Đức Nhưỡng: Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được thiết kế tương tự như bảo hiểm bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hiện hành.

Đối với người bị tai nạn lao động dưới 31% thì được hưởng trợ cấp một lần, còn đối với người từ 31% trở lên thì được trợ cấp hàng tháng. Về mức hưởng thì tùy theo thương tật. Lấy ví dụ những người bị thương tật dưới 30% với mức hưởng khi suy giảm khả năng lao động 5% là khoảng 9 triệu đồng. Còn đối với người bị thương tật từ 30% trở lên thì mức hưởng lên tới 64,8 triệu đồng.

Ngoài mức trợ cấp 1 lần thì chúng tôi đã đưa ra mức trợ cấp hàng tháng, tối thiểu là 540 nghìn đồng và tối đa là 3 triệu đồng mỗi tháng. Ở đây chỉ là mức trợ cấp, chưa tính đến các chi phí khác và các hỗ trợ khác từ phía Nhà nước, ví dụ có thể có chế độ trợ cấp một lần khi chẳng may người lao động bị chết bằng 36 tháng lương cơ sở, tương đương với 64,8 triêu đồng.

Ngoài ra thì các chế độ khác như trợ cấp phục vụ, rồi hỗ trợ kinh phí để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình…

Ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội

Ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội

PV: Ban soạn thảo kỳ vọng gì vào các quy định của dự thảo Nghị định này?

Ông Bùi Đức Nhưỡng: Khi xây dựng nghị định này, thì hy vọng đầu tiên sẽ góp phần chia sẻ rui ro, gánh nặng chi phí đối với các vị tai nạn lao động xảy ra cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là nhóm lao động yếu thế, những người phải làm những nghề, công việc nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn lao động.

Cũng thông qua nghị định này, nếu được ban hành sẽ đảm bảo tốt hơn nữa quyền của người làm việc không theo hợp đồng lao động, chia sẻ rủi ro đối với người tham gia, đặc biệt là những đối tượng yếu thế, dễ xảy ra tai nạn lao động.

PV: Xin cảm ơn ông!

CẦN PHẢI CÓ BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ

Việc Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí có giúp thu hút lao động tự do tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện? PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết ban hành nghị định về bảo hiểm tai nạn lao động đối với lao động tự do?

Ông Phạm Trọng Nghĩa: Nước ta có một lực lượng lao động tương đối dồi dào, trên 52 triệu người trong độ tuổi lao động và tỷ lệ người lao động có quan hệ lao động chiếm tỷ lệ thấp. Hiện nay chúng ta có trên 30 triệu người lao động không có quan hệ lao động.

Do đó việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của họ còn hạn chế, nhất là vấn đề về bảo hiểm trong trường hợp người ta bị tai nạn lao động xảy ra.

PV: Vậy với những quy định tại dự thảo, theo ông đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết đo chưa và cần bổ sung những gì?

Ông Phạm Trọng Nghĩa: Qua tìm hiểu nội dung của dự thảo thì tôi thấy về cơ bản các chế độ áp dụng đối với người lao động khi tham gia hình thức bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện này gồm 3 chế độ: giám định mức suy giảm khả năng lao động, trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng và chế độ phục vụ hoặc là hỗ trợ việc trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình thì nó cũng tương đồng với các chế độ tai nạn lao động hiện nay mà người lao động có quan hệ lao động đang tham gia.

Tuy nhiên cái tôi băn khoăn ở đây đó là chúng ta cần phải có báo cáo đánh giá tác động kỹ bao nhiêu người lao động sẽ tham gia và mức đóng là bao nhiêu để người lao động có khả năng đóng và mức hỗ tợ là bao nhiêu để đủ sức thu hút người lao động tham gia cái chế độ bảo hiểm tự nguyện này, vì hiện nay mức đóng đang dự kiến là 2% mức lương tối thiểu vùng.

Chúng ta biết mức lương tối thiểu vùng này thường xuyên được điều chỉnh theo hướng tăng lên như vậy thì khả năng đáp ứng của người lao động với mức tăng lên này là như nào. Thứ 2 là mức mà Nhà nước hỗ trợ, ví dụ như hiện nay trong dự thảo là mức 30%, 25% và 10% liệu có đủ sức thu hút người lao động tham gia hay không thì cần phải có nghiên cứu và đánh giá kỹ.

Đối với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động thì bên cạnh việc chúng ta chuẩn bị mở ra thì hiện nay trên thị trường cũng có rất nhiều công ty bảo hiểm ngoài nhà nước, người ta đặt hàng, cung cấp hình thức bảo hiểm này. Vì vậy nếu cái bảo hiểm tự nguyện của nhà nước này không đảm bảo được tính cạnh tranh, không thu hút được người lao động thì người ta sẽ chuyển sang khu vực bảo hiểm thương mại kia.

PV: Vậy theo ông để thu hút được người lao động tham gia loại bảo hiểm này thì cần chú trọng khâu nào?

Ông Phạm Trọng Nghĩa: Tôi nghĩ cái đầu tiên là công tác tuyên truyền phổ biến để cho người lao động người ta thấy được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm tai nạn lao động này, đây là sự bảo đảm về thu nhập nếu chẳng may người lao động bị tai nạn, mất khả năng lao động và mất đi nguồn thu nhập của mình thì người ta có được khoản hỗ trợ, để người ta có thể chăm sóc y tế cũng như có khoản tiền để chi trả cho cuộc sống hàng ngày.

Thứ 2 là mức đóng và chế độ người ta được hưởng nó đủ sức thuyết phục để người lao động người ta tham gia. Bên cạnh đó chúng ta cần đẩy mạnh thủ tục hành chính để việc tham gia dễ dàng cũng như hưởng các chế độ dễ dàng mới thu hút được người lao động tham gia.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 33 triệu lao động tự do. Trong 5 năm qua, số lao động tự do bị chết do tai nạn lao động bình quân mỗi năm là trên 2.000 người, gấp gần 2 lần khu vực có hợp đồng lao động. Không những gây thiệt hại nặng nề về người, tai nạn lao động cũng để lại nhiều gánh nặng thương tật và chi phí xã hội cho nhóm người lao động yếu thế này.

Bởi vậy, việc ban hành nghị định về bảo hiểm tai nạn lao động đối với lao động tự do sẽ phần nào giảm gánh nặng cho người lao động nếu không may xảy ra tai nạn.

Bạn có ý kiến gì về các quy định mới của dự thảo nghị định này? Nếu được ban hành, các quy định mới của dự thảo nghị định sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư, thứ Bảy hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast và Google Podcast.

 

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hà Nội sống và yêu: Chuyện về những ngôi biệt thự cổ

Hà Nội sống và yêu: Chuyện về những ngôi biệt thự cổ

Biệt thự cổ là di sản tinh thần của người Hà Nội, mỗi viên gạch, mỗi đường nét trạm trổ đều mang trong mình ký ức về một Hà Nội thời "vang bóng”. Trớ trêu thay, nét kiến trúc hiếm hoi ấy đang dần lạc lõng giữa lòng phố thị hiện đại như những mẩu chuyện nhỏ sau đây...

Khi con đường hiện đại bậc nhất Thủ đô ngập rác

Khi con đường hiện đại bậc nhất Thủ đô ngập rác

Sau khi Vành đai 2 trên cao (Hà Nội) đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở được thông xe toàn tuyến đến nay tình hình vệ sinh môi trường trên tuyến đường này như thế nào?

TP Thủ Đức: Trồng 103 cây hoa ban khánh thành công viên đường Võ Nguyên Giáp

TP Thủ Đức: Trồng 103 cây hoa ban khánh thành công viên đường Võ Nguyên Giáp

TP Thủ Đức (TP.HCM) đã ươm mầm 103 cây hoa ban tại Nghĩa trang liệt sỹ Thành phố với hạt giống được mang về từ Điện Biên và được trồng tại công viên đường đại tướng Võ Nguyên Giáp bên bờ sông Sài Gòn.

Nghề ủn khách lên tàu có gì thú vị?

Nghề ủn khách lên tàu có gì thú vị?

Để đảm bảo các chuyến tàu có thể chuyên chở một lượng lớn hành khách và vẫn chạy đúng giờ, đơn vị quản lý hệ thống tàu điện ngầm Nhật Bản Japan Rail đã tuyển dụng những nhân viên "oshiya" hay còn gọi là "pusher" với nhiệm vụ duy nhất là đẩy, nhồi nhét được nhiều khách nhất có thể vào mỗi chuyến tàu.

Tín dụng xanh: Động lực cho phát triển kinh tế xanh

Tín dụng xanh: Động lực cho phát triển kinh tế xanh

Phát triển bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn.

Nỗi lòng bệnh nhân Ung bướu ĐBSCL

Nỗi lòng bệnh nhân Ung bướu ĐBSCL

Cần Thơ là trung tâm của cả khu vực ĐBSCL trong việc ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu để điều trị các ca bệnh khó cũng như có hạ tầng nhiều bệnh viện để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho hơn 20 triệu dân của 13 tỉnh/thành ĐBSCL.

Phẫu thuật Phaco tại Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt - Nga

Phẫu thuật Phaco tại Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt - Nga

Nhiều bệnh nhân đã lựa chọn điều trị bệnh đục thủy tinh thể bằng phương pháp phẫu thuật Phaco theo quy trình và tiêu chuẩn Châu Âu do các bác sĩ đầu ngành tại Việt Nam và Liên bang Nga thực hiện tại Bệnh viện Mắt quốc tế Việt Nga, đảm bảo an toàn, tỷ lệ thành công cao.