Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Kích cầu tiêu dùng cuối năm: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Minh Hiếu: Thứ tư 01/11/2023, 06:14 (GMT+7)

Chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2023 và tiếp đó là Tết Âm lịch 2024. Những tháng cuối năm, nhiều chương trình khuyến mại, xúc tiến thương mại liên tiếp mở ra trên cả nước để các đơn vị tăng doanh số và lợi nhuận.

Trong bối cảnh xuất khẩu chưa vượt qua những khó khăn, việc kích thích sức mua xã hội, đẩy mạnh doanh số ở thị trường nội địa cần được thực hiện như thế nào? Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội.

PV: Ông có đánh giá thế nào về các chương trình kích cầu tiêu dùng cuối năm đang được triển khai?

Ông Vũ Vinh Phú: Doanh số bán lẻ 9 tháng của chúng ta tăng khoảng 7 - 8%, đấy là sự cố gắng lớn của nhà nước. Mấy tháng nay, nhiều chương trình kích cầu rất rầm rộ như: xúc tiến thương mại, hội chợ...

Còn đối với nhà nước thì tiếp tục giảm thuế VAT 2%, đề xuất giảm thuế môi trường 50% đến hết năm 2024, rồi hoãn, giãn thuế, tạo công căn việc làm, tăng cường đầu tư công...

Ảnh minh họa: VGP

Ảnh minh họa: VGP

Cái này rất cần, nhưng chưa đủ. 75% lương công nhân chưa đủ sống, như thế thì làm sao có thể văn hóa, văn nghệ, đi mua sắm được. Nông dân thì được mùa mất giá, nhiều lúc thua lỗ, bán giải cứu. Rồi hàng vạn công nhân không có việc làm. Đầu tư công của chúng ta trong 9 tháng mới giải ngân được 50 - 60% thôi.

Kích cầu không chỉ là vấn đề khuyến mại, giảm giá. Theo tôi, quan trọng nhất là đẩy sức mua xã hội lên, sức mua xã hội đang yếu.

Thứ nhất, kích cầu chưa chú trọng khía cạnh mối quan hệ thương mại trên thị trường. Hiện nay, hàng hóa “từ gốc đến ngọn” phải qua rất nhiều khâu trung gian, khi đến bán lẻ thì bị đẩy giá lên 2-3 lần.

Một cân cam ở Vĩnh Long, rồi bí xanh có mấy nghìn đồng, ra đến Hà Nội là 20.000 - 25.000 rồi, đúng ra chỉ bán 12.000 - 13.000 là có lãi. Vì thế, nếu người ta mua thì thay vì mua 2 cân cam, người ta chỉ mua 1 cân thôi. Tôi nói một hình ảnh rất đơn giản như thế.

Thứ hai, kích cầu cũng phải chú ý đến việc tổ chức thực hiện như thế nào, đào tạo những con người phục vụ kích cầu như thế nào? Phải phục vụ có văn hóa, có trách nhiệm, không phải bán hàng khuyến mại, kích cầu xong thì “miễn đổi trả” đâu. Hoặc khuyến mại hàng gần hết “đát”; hoặc trưng bày một cái ô tô to tướng, trao giải thưởng, rồi không biết ai trúng cả.

Rồi chúng ta phải tạo công ăn việc làm, tạo sức mua, giải quyết vấn đề tiêu thụ cho bà con nông dân. Rồi chúng ta phải chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, chống đầu cơ, tích trữ đẩy giá lên.

Và cuối cùng, phải có sơ kết, đánh giá kinh nghiệm từng đợt kích cầu. Tôi thấy tổng kết của các vị chỉ định tính thôi chứ không có định lượng. Ai làm tốt, ai không làm tốt, phục vụ thế nào, cần rút kinh nghiệm ra sao?

Rồi vai trò của các hiệp hội và cả hệ thống chính trị như thế nào? Có phải riêng ngành thương mại làm đâu, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh,… phải vào cuộc, động viên, phải làm rất mạnh để phục vụ cho kích cầu.

Ảnh: TTXVN

Ảnh: TTXVN

PV: Từ góc độ vĩ mô, theo ông cần có những giải pháp gì để tăng sức mua xã hội?

Ông Vũ Vinh Phú: Tôi nói thật giảm VAT 2% “mờ” lắm, không mạnh đâu. Vào siêu thị, cửa hàng mới được giảm 2%, chứ còn đi ra chợ thì có ai nghĩ đến VAT đâu? Mà tôi xin nói 80% hàng tươi sống bán ở chợ. Tôi có kiến nghị là giảm thêm 3% nữa, là giảm 5% thuế VAT.

Ngoài ra còn một số thuế rất vô lý đánh vào xăng dầu và một số thứ làm “xẹp” ví tiền của người dân. Tôi nói ví dụ thuế tiêu thụ đặc biệt, coi xăng dầu như mặt hàng thuốc lá, rượu thì mua xăng khỏi mua thịt. Rồi Quỹ bình ổn giá xăng dầu, 7.000 tỷ đồng mà chi có 300 đồng/lít xăng, còn lại để dành, để dành đến bao giờ?

Xăng là mặt hàng thiết yếu sau lương thực, chứ không phải hàng xa xỉ. Bây giờ đặt lên “bàn cân” là: giảm giá xăng để năng lực cạnh tranh về giá của sản phẩm Việt Nam tăng lên, có công ăn việc làm, có tiêu thụ, hay để xăng cao lên, hàng không bán được? Tất cả những cái đó, chúng ta phải nhìn tổng thể, toàn diện.

Cuối cùng là phải cho xã hội mình cạnh tranh. Xăng dầu, điện không có cạnh tranh một cách hoàn hảo, hạn chế kích cầu một cách gián tiếp. Tôi nhắc lại, kích cầu phải hết sức toàn diện, chứ không phải chỉ bày hàng hóa, khuyến mại, giảm giá.

 PV: Xin cảm ơn ông.

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn