Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Không có đồ mổ, bác sĩ chỉ biết… nhìn nhau

Phan Nhơn: Thứ sáu 25/11/2022, 06:00 (GMT+7)

Nhiều tháng, thậm chí gần năm nay, cả bệnh viện lẫn bệnh nhân các địa phương phía Nam vẫn đang kêu trời vì thiếu thuốc và vật tư y tế. Nhiều cuộc họp được tổ chức, nhiều giải pháp đã được đưa ra, song thực tế, tại các bệnh viện phía Nam, tình hình gần như chưa có gì cải thiện.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu (45 tuổi, ở TP.HCM) mới đây phải đưa người thân đi cấp cứu qua 3 bệnh viện, chỉ trong vòng 1 ngày. Em trai chị bị đau bụng, tắc ruột, nhưng mỗi viện chẩn đoán một kiểu, không liên thông xét nghiệm và các chỉ số cận lâm sàng như X-quang, CT, siêu âm…

Đang nói, chị Giàu đưa em vào khoa cấp cứu, nhưng vì không có thuốc nên phải đợi chờ rất lâu mới nhận được chỉ định:

Chị Giàu nhớ lại: “Vào cấp cứu xong rồi bác sĩ mới kêu tôi là, chị đi mua mấy loại thuốc này rồi đưa cái phiếu để tôi đến quầy thuốc ngoài mua. Mua xong đem vào thì bác sĩ làm cho bệnh nhân. Trong khi lẽ ra thuốc trong phòng cấp cứu đương nhiên lúc nào cũng phải có sẵn để cấp cứu cho người ta, mà cái này người bệnh phải chịu đau chờ đợi”.

Ảnh minh họa: Báo điện tử Chính phủ

Ảnh minh họa: Báo điện tử Chính phủ

Gần như tất cả các chi phí cho ca điều trị này, chị Giàu đều phải thanh toán tiền mặt tại viện, không qua bảo hiểm y tế.

Theo khảo sát của PV VOV Giao thông, tình trạng thiếu thuốc vẫn đang diễn ra tại nhiều bệnh viện phía Nam, dẫn đến tình cảnh dở khóc dở mếu, đặc biệt là với ca chấn thương cần phẫu thuật.

Một phẫu thuật viên chấn thương chỉnh hình cho hay, suốt cả năm nay, tình trạng này vẫn chưa hề thay đổi. Bệnh viện nơi họ công tác vẫn đang chờ đấu thầu tập trung, nhưng chờ đến bao giờ thì chưa biết.

Ca nào mà người nhà có điều kiện, bác sĩ đành phải khuyên bệnh nhân ra viện tư để chữa trị, dù biết chi phí sẽ cao hơn. Nhiều cuộc giao ban ở khoa, bác sĩ nhìn chồng bệnh án rồi nhìn nhau, do không có đồ để mổ.

Một bác sĩ cấp quản lý đề nghị giấu tên cho biết: “Một thời gian dài không có khung cố định ngoài để mổ cho bệnh nhân bị gãy hở, chỉ có mấy cái đinh ốc vít bắt nẹp. Làm gì làm phải có nẹp cố định ngoài để mổ cho bệnh nhân, có bao nhiêu tiền đâu mà kêu hết. Mấy tháng trời làm cấp cứu không có đồ mổ luôn. Vào cứ cắt lọc bó bột, bó bột không...”.

Vừa qua Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã làm việc với nhiều bệnh viện tuyến cơ sở của Thành phố để tháo gỡ khó khăn trong công tác khám chữa bệnh. Có bệnh viện phải thường xuyên phun xịt khử khuẩn nên máy vi tính, máy lạnh, máy thở, máy điện tim... hư hao. Có nơi, khoa cấp cứu của bệnh viện hạng 1 thành phố mà máy tính gần như.. "tan nát”. Nhân viên y tế không có phim để làm X quang.

Hơn 30 năm công tác, Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Ngọc Huy Tuấn, Trưởng Khoa Cấp cứu của bệnh viện Trưng Vương, TP.HCM không hình dung, có lúc điều kiện bệnh viện lại bi đát như bây giờ:

"Những máy bị hư làm mất dữ liệu, làm chậm dữ liệu, tính toán phim X-quang cho người bệnh rất ảnh hưởng. Thời buổi giờ phòng mạch bình thường cũng có máy phim X-quang để chẩn đoán. Máy hư, Bệnh viện cấp 1 đó nghe có đau lòng không, máy chụp phim X-quang hư, dữ liệu hư.

Từ những chuyện nhỏ, chuyển nhỏ như vậy. Ai gánh? Bệnh nhân gánh! Nhân viên y tế cũng muốn chết luôn! Thiệt thòi tất cả đều đổ lên bệnh nhân.Đã có rất nhiều cuộc họp bàn, nhiều chỉ đạo từ các cấp để đề ra giải.

Song cho đến nay, các nỗ lực vẫn chỉ như mưa bóng mây trên sa mạc, nhiều bệnh viện vẫn đang vật vã với tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, còn người dân vào viện vẫn phải cắp theo túi thuốc tự mua, thậm chí thăm khám bình thường cũng còn trầy trật."

Phan Nhơn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn