Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Hướng tới giao thông xanh, Singapore đặt mục tiêu xây 1.300km đường dành cho xe đạp

Huy Văn: Thứ năm 05/10/2023, 10:02 (GMT+7)

Giao thông xanh đang là xu hướng trên thế giới. Để hướng tới giao thông xanh, không chỉ là giảm bớt khí thải từ phương tiện, mà còn là khuyến khích, hỗ trợ các phương tiện ít, hoặc không xả khí thải như xe đạp.

Mới đây, theo đài CNA, chính quyền Singapore khởi công xây dựng thêm đường dành cho xe đạp tại 4 khu dân cư trong thành phố, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024. Đây là dự án đường xe đạp thứ 3 được tiến hành trong năm nay.

Cơ quan giao thông đường bộ Singapore cho biết: “Sau khi dự án hoàn thiện, người dân có thể cải thiện khả năng kết nối di chuyển giữa các khu giao thông chính, trung tâm mua sắm tại thành phố, khu dân cư, trường học, bệnh viện…”.

Hiện cơ quan này đang tiếp tục kêu gọi đấu thầu cho các dự án đường xe đạp mới.

Đường dành cho xe đạp tại Tampines Ave 8, Singapore. Ảnh: LTA

Đường dành cho xe đạp tại Tampines Ave 8, Singapore. Ảnh: LTA

Tiến sĩ Samuel Ching, người đứng đầu phòng nghiên cứu giao thông đô thị, Trung tâm Sáng tạo, cải tiến Singapore chia sẻ: “Việc mở rộng đường xe đạp sẽ giúp người dân có thêm lựa chọn để đi lại, đồng thời cũng khuyến khích mọi người có một lối sống tích cực hơn, vận động, hoạt động thể dục nhiều hơn bởi thời buổi hiện nay có rất nhiều người đang chọn phương án làm việc tại nhà”.

Trước đó, vào tháng 1 năm nay, Singapore đã công bố khởi công xây dựng đường dành cho xe đạp tại 7 thị trấn. Dự án này vẫn đang tiếp tục triển khai sau khi một phần dự án tại trung tâm thành phố đã được hoàn thiện vào tháng 6.

Được biết, nguyên vật liệu sử dụng cho dự án cũng được Cơ quan giao thông đường bộ Singapore tính toán, cân nhắc để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bê-tông sử dụng cho thi công là loại bê-tông có hàm lượng carbon thấp hơn rất nhiều so với loại bê-tông thường, từ đó hạn chế lượng carbon thải ra môi trường. Cơ quan này cho biết trong tương lai sẽ tiếp tục cân nhắc sử dụng thêm các nguyên vật liệu “xanh và bền vững” như cốt sợi thủy tinh Polyme để thay thế cho thép.

Các dự án xây dựng đường dành cho xe đạp của Singapore trong năm nay đều thuộc chương trình Mạng lưới xe đạp toàn quốc được phê duyệt và triển khai từ năm 2020. Theo đó, chương trình đề ra mục tiêu, xây dựng 1.000 km đường dành cho xe đạp vào năm 2026, hoàn thiện 1.300 km vào năm 2030, và cứ 10 hộ dân thì có 8 hộ có thể đạp xe từ nhà ra các con đường này chỉ trong vài phút. Dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch nhưng đến nay hiện Singapore đã hoàn thành khoảng 530 km đường dành cho xe đạp.

Ông Steven Lim, thành viên ban cố vấn Chương trình chia sẻ: “Đã đến lúc chúng ta cần thêm nhiều phần đường dành cho xe đạp. Trước khi có chương trình này thì phần đường cho xe đạp tại Singapore chỉ tập trung chủ yếu ở phía bắc thành phố. Việc mở rộng mạng lưới ra toàn thành phố sẽ giúp người đi xe đạp hưởng lợi rất nhiều.”

Ngoài ra, hạ tầng bãi đỗ xe dành riêng cho xe đạp cũng được chú ý. Hiện quốc đảo Singapore có khoảng 254 nghìn chỗ đậu xe đạp. Khoảng 3 nghìn chỗ đậu gần các ga tàu điện ngầm sẽ tiếp tục được xây mới và hoàn thiện vào năm 2025. Một số cơ sở hạ tầng hỗ trợ khác như đường giao cắt, bản đồ mạng lưới v.v… cũng đang được triển khai.

Singapore đặt mục tiêu xây 1.300 km đường xe đạp vào năm 2030. Ảnh: Lianhe Zaoba

Singapore đặt mục tiêu xây 1.300 km đường xe đạp vào năm 2030. Ảnh: Lianhe Zaoba

Bên cạnh chương trình Mạng lưới xe đạp toàn quốc, Singapore cũng đang nỗ lực cải thiện an toàn cho người đi xe đạp, bao gồm việc mở rộng lối đi, đặt biển báo hoặc các vạch cảnh báo và một số các biện pháp giảm tốc độ khác để nhắc nhở người đi xe đạp chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết khi di chuyển qua lại các khu vực đông người.

Cơ quan giao thông đường bộ Singapore cho biết họ cũng đẩy mạnh việc giáo dục, tuyên truyền tới người dân về văn hoá đạp xe an toàn, có trách nhiệm song song với các cải tiến về cơ sở hạ tầng.

Trở lại với Việt Nam, hạ tầng dành cho người đi xe đạp chưa được quan tâm là rào cản khiến người dân không mặn mà với loại phương tiện này. Để khuyến khích và tạo thói quen đi xe đạp, theo các chuyên gia, chính quyền các đô thị cần bắt đầu từ việc xây dựng chính sách.

Vào cuối tháng 8 vừa qua, dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng đã chính thức triển khai tại Hà Nội với 79 trạm và 1.000 xe, trong đó có 500 xe điện trợ lực. Dịch vụ nằm trong dự án Xe đạp đô thị của thành phố dự kiến triển khai cuối năm 2022, nhưng bị hoãn lại do nhà đầu tư muốn phát triển thêm loại xe điện trợ lực, có tay ga.

Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết dịch vụ cho thuê xe đạp giúp người dân có thêm lựa chọn phương tiện công cộng, thay đổi thói quen đi lại để góp phần bảo vệ môi trường.

Dịch vụ cho thuê xe đạp trước đó đã triển khai tại TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, với hơn 2.500 xe hoạt động, hơn 2,6 triệu km đã đi.

 

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn