Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Hãi hùng những cây cầu xuống cấp

Kim Loan: Thứ năm 09/02/2023, 16:33 (GMT+7)

Với địa hình sông nước khá dày đặc, tỉnh Bạc Liêu chọn giải pháp bắc cầu treo để phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân và đây được xem là giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, sau thời gian dài đưa vào sử dụng, nhiều cầu đã xuống cấp, hư hỏng.

Đặc thù của cầu treo là có độ rung nhẹ, nhưng quá trình khai thác lâu năm đã khiến nó càng lắc mạnh. Giờ đây, những cây cầu “nối nhịp bờ vui” trở nên hãi hùng trong mắt người tham gia giao thông, mỗi lần qua cầu là mỗi lần tim đập phập phồng.

“Mỏng như lá mía” là 4 từ dùng để lột hả hết mặt cầu của cây cầu treo Trà Kha bắt qua kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau nối liền Quốc lộ 1A đoạn Trà Kha với Trà Kha B thuộc phường 8, thành phố Bạc Liêu.

Mặt cầu làm bằng thiết nhưng đã “mòn lẳng”, không còn độ bám dính, xe chạy qua gặp nắng thì không sao còn nếu gặp mưa thì “hên xui”, không khéo là trượt bánh té ngã. Các trụ cầu được làm bằng sắt nhưng đã bong tróc và hoen gỉ.

Hiện trạng cầu Sân Chim được phản ánh là có độ rung lắc mạnh

Hiện trạng cầu Sân Chim được phản ánh là có độ rung lắc mạnh

Cầu treo Trà Kha có tuổi thọ gần 15 năm, nhưng đã có ngót 5 năm liên tục hư hỏng. Tổng chiều dài hơn 100m và rộng khoảng 2m, chỉ đủ cho 2 chiếc xe máy qua mặt nhau, cộng với thiết kế độ dốc cao nên việc lưu thông vốn dĩ đã khó. Bên cạnh đó, cây cầu nối 2 khu dân cư nên hằng ngày phải gồng gánh tải lượng người và phương tiện rất lớn, độ đàn hồi của sắt ngày càng nhiều dẫn đến độ rung lắc càng mạnh. Đi qua cầu mà cứ ngỡ là “đưa võng”.

Điều nguy hiểm hơn, trên cầu thường xuyên ùn tắt giao thông, khiến ai đứng đằng xa nhìn thấy cũng gao ngán lắc đầu và hồi hộp.

Ông Nguyễn Văn Minh - người dân sống tại phường 8, TP Bạc Liêu chứng kiến cho biết: "Cầu làm bằng thiết mà thiết nó mỏng quá rồi, xin nhựa về lấp mà lấp rồi cũng tróc nên hư hỏng hoài. Ngay giờ cao điểm học sinh tan học là kẹt xe, mà kẹt xe là nối dài tới dưới dốc cầu. Người chở đồ nhiều thì phải chặn lại, nếu không là kẹt một khúc dài. Kẹt xe trên cầu thấy sợ lắm, mà người dân thấy kẹt vẫn cứ cố bườn lên cầu."       

Kế đến là cầu treo Sân Chim, mặt cầu được làm bằng những tấm sắt đã hoen gỉ, có nhiều chỗ đã thủng lổ, trời mưa thì rất trơn trượt dễ gây té ngã cho người và phương tiện.

Bà Nguyễn Thanh Huệ - sống tại phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu cho biết: "Cây cầu treo này một ngày tôi đi 4 lần, mỗi lần mà 2 xe qua mặt nhau là cây cầu nó chao đảo nó rung lắc dữ lắm. Dốc cầu thì ngập ngụa, cứ xe chạy lên cầu thì phải chạy qua cái dốc dính sìn –bùn, lôi lên cầu gây trơn trượt, đã có người thả dốc và trượt bị gãy tay đó."

Trong thành phố thì có cầu treo, còn ở nông thôn thì có cầu liên xã. Trên tuyến đường từ xã Điền Hải về xã Long Điền Đông của huyện Đông Hải có một cây cầu Trường Điền chẳng người nào được rõ là cho phép tải trọng tối đa bao nhiêu, nhưng hằng ngày gồng gánh hàng trăm lượt tiện lưu thông. Điều đáng nói, cây cầu đã gãy hết lan can, xuống cấp nghiêm trọng, chạy không cẩn thận là người với xe … lọt xuống sông.

Anh Huỳnh Quang Long – người dân sống tại xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải cho biết: "Chạy qua, cầu sụp thì chưa sụp mà lan can gãy hết trơn, mặt cầu bể thủng lổ. Chạy không cẩn thận lên cầu là “bay” xuống sông liền. Xe hơi mà chạy qua là cây cầu đó vừa đủ 1 chiếc xe hơi. Cầu đó là xe vật liệu nó chạy nhiều lắm."

Cầu treo Trà Kha giữa trung tâm TP Bạc Liêu thì hẹp và xuống cấp

Cầu treo Trà Kha giữa trung tâm TP Bạc Liêu thì hẹp và xuống cấp

Mặc dù thời gian qua, địa phương đã nỗ lực bố trí kinh phí sữa chữa nhưng vẫn chưa đồng đều, vô hình chung gây khó khăn trong tham gia giao thông, trì trệ về phát triển kinh tế - xã hội. Trước mắt là ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của người tham gia giao thông, cứ bước ra đường thì lại hãi hùng “lần mò” qua cầu. Ai không cẩn thận, ai lỡ không “hên” thì “lọt cầu, sặc nước”.

Được biết, vào năm 2014, Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu có lập đoàn kiểm tra và yêu cầu UBND các huyện, thành phố quản lý cầu treo, căn cứ vào những hư hỏng không đảm bảo ATGT, an toàn đối với từng cây cầu của địa phương để lập phương án sửa chữa. Nguồn kinh phí sẽ đề nghị từ Quỹ bảo trì đường bộ.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh Bạc Liêu cho biết, cầu treo trên địa bàn toàn tỉnh giao cho các huyện, thành phố quản lý. Hàng năm, trước mùa mưa bão, Ban ATGT tỉnh và Sở GTVT cũng đã có văn bản nhắc nhở các đơn vị phải quan tâm, khảo sát, duy tu, bảo dưỡng, tăng cáp, bắt ốc vít lại.

Tuy nhiên, trước thực tế những cây cầu có tuổi thọ quá lâu, xuống cấp trầm trọng thì cần quyết sách đầu tư mới hoàn toàn. Nhất là trong bối cảnh tỉnh Bạc Liêu đang kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp với khát vọng trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước.

 

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn