Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Đường sắt đô thị: Muốn nhanh tiến độ, tập trung giải phóng mặt bằng

Hải Hà: Thứ hai 22/01/2024, 07:41 (GMT+7)

Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất kịp thời và chuẩn bị mặt bằng sạch cho các dự án đường sắt đô thị là khâu then chốt để hoàn thành dự án đùng tiến độ, tăng hiệu quả dự án đầu tư.

Để TP.HCM và Hà Nội có thể đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị sắp tới và phấn đấuthực hiện được mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị trong 12 năm thì cần có những giải pháp để đẩy nhanh khâu giải phóng mặt bằng (GPMB).

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Ngoc Tuân, Giám đốc Ban Chuẩn bị đầu tư, thay mặt cho Ban Quản Lý Đường sắt đô thị TP.HCM bên lề Hội thảo khoa học phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM tổ chức mới đây tại Hà Nội.

PV: Từ thực tế triển khai dự án đường sắt đô thị tại TP.HCM, khâu giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án gặp những khó khăn vướng mắc gì thưa ông?

Ông Hoàng Ngoc Tuân: Theo quy định hiện nay, chúng ta giải phóng mặt bằng theo giá thị trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam, giá thị trường biến động hàng ngày, thậm chí hàng giờ, căn cứ theo giá thị trường là hết sức phức tạp, chưa kể giá thị trường còn bị bóp méo bởi một số nhà đầu cơ.

Giá thị trường biến động không ngừng nhất là khi Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo ra nguồn phải chi trả cho GPMB rất lớn, vì giá thị trường luôn tăng. Ví dụ như tuyến metro số 1 từ khi khởi công đến nay, giá trị đất đai tăng lên 40 lần, rất lớn. Như vậy, nếu làm theo cách này, khi mà Nhà nước chi trả giải phóng mặt bằng cho những tuyến khác thì sẽ phải tốn một nguồn lực rất lớn.

Hiện nay đang có một bất cập là khi nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, thì các vùng đất lân cận ở xung quanh các nhà ga tăng gấp nhiều lần, hàng chục lần thậm chí hàng trăm lần.

Nhưng giá trị đó đang rơi vào tay một số cá nhân, một số tổ chức, trong khi thực tế, các cá nhân đó không có công gì trong việc tăng giá đất. Giá đất tăng là do Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng.

Ảnh minh hoạ: VnEconomy

Ảnh minh hoạ: VnEconomy

PV: Vậy Ban quản lý đường sắt đô thị có đề xuất, kiến nghị gì để tháo gỡ khó khăn ở khâu này, thưa ông?

Ông Hoàng Ngoc Tuân: Hiện nay chúng tôi đang đề xuất một nguyên tắc không có bất cứ một người nào được hưởng các lợi ích một cách cá biệt từ việc đầu tư công của Nhà nước mà cái lợi ích gia tăng về đất đai phải thuộc về Nhà nước. Bởi vì do Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng thì mới tăng lên nguồn lực đó.

Thứ hai chúng tôi đang đề xuất, dự án phát triển ĐSĐT gắn liền với các dự án phát triển các vùng phụ cận thành một dự án phát triển cho lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì như thế chúng ta có thể sử dụng quỹ đất xung quanh đấu giá cho các nhà đầu tư và lấy giá trị gia tăng do Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng lấy nguồn lực đó để tái đầu tư vào đường sắt đô thị.

Đó là nguồn lực rất cơ bản cho nguồn lực trong tương lai.

Tuy nhiên hiện nay quy hoạch giao thông nói chung và đường sắt đô thị nói riêng mới chỉ thể hiện hướng tuyến chưa thể hiện được vị trí cụ thể của dự án của vị trí đất lân cận. Do vậy công tác quy hoạch cần điều chỉnh nội dung này để làm sao chúng ta có thể thu hồi được đất và vùng phụ cận xung quanh.

Ngoài ra, cần lưu ý về thời điểm thu hồi đất. Hiện nay tất cả các dự án đường sắt đô thị đều là dự án quan trọng,  để thực hiện được các trình tự thủ tục hiện nay từ lúc đề xuất dự án, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo khả khi lập rank, thu hồi đất, chúng ta mất từ 5-7 năm, lúc đó giá thị trường biến động rất lớn.

Chúng tôi đang đề xuất là ngay từ khi lập quy hoạch chi tiết, chúng ta tiến hành thu hồi đất, trước ở thời điểm sớm hơn rất nhiều so với hiện nay, trước 5-7 năm, như vậy Nhà nước sẽ đỡ được tiền đền bù giải phóng mặt bằng và thứ hai và chúng ta có thể tổ chức đấu giá để thu hồi giá trị gia tăng từ đất đai

PV: Có một số chuyên gia đưa ra đề xuất, tách khâu giải phóng mặt bằng bên ngoài dự án thi công đường sắt đô thị để không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Ông Hoàng Ngoc Tuân: Tôi không đồng ý với quan điểm này. Dự án giải phóng mặt bằng chúng tôi đang đề xuất gắn chung với đường sắt đô thị để chúng ta thu hồi được đất ở vị trí đó. Vì ngoài khâu giải phóng mặt bằng chúng ta còn có rất nhiều khâu vướng mắc như trình tự thủ tục, phương án tổ chức thi công, phương án phân chia gói thầu, phương án áp dụng hợp đồng, rất nhiều phương án ảnh hưởng..

Ví dụ như ở tuyến metro số 1 chúng tôi không bị vướng về GPMB, chỉ vướng khoảng 18 ngôi nhà và ở Xa lộ Hà Nội chúng tôi đã sẵn mặt bằng. Tuy nhiên, tổ chức thi công về trình tự thủ tục, phương pháp triển khai, phương án phê duyệt, cách thức sử dụng hợp đồng… chúng tôi gặp rất nhiều vướng mắc trong vấn đề đấy.

PV: Vâng. Xin cảm ơn Ông!

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn