Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi): Tách thẩm định viên tài sản và thẩm định viên doanh nghiệp

Quách Đồng: Thứ hai 10/04/2023, 15:01 (GMT+7)

Bộ Tài chính đang soạn thảo dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Đáng chú ý, tại dự thảo Luật lần này, Bộ Tài chính đề xuất nhiều điểm mới nổi bật, trong đó có việc tách thẩm định viên về giá thành 2 lĩnh vực theo hướng chuyên môn hóa là thẩm định giá tài sản và thẩm định giá doanh nghiệp.

CHUYÊN MÔN HÓA THEO 2 LĨNH VỰC

Dự thảo Luật Giá sửa đổi do Bộ Tài chính soạn thảo, có 7 chương, 76 Điều, gồm: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Nguyên tắc quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; Bình ổn giá, Định giá; Hiệp thương, kê khai, niêm yết giá; Thẩm định giá…

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, Luật Giá sửa đổi lần này vẫn kiên trì mục tiêu theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước để phù hợp với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Một trong các thay đổi lớn tại dự thảo Luật Giá sửa đổi là điều chỉnh thẩm quyền quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá cho Chính phủ, nhằm tăng cường tính linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch thông qua việc củng cố, quy định rõ về trường hợp, phạm vi, quy trình thực hiện bình ổn giá.

Đặc biệt, đối với công tác thẩm định giá, dự thảo Luật Giá sửa đổi bổ sung nhiều quy định chặt chẽ hơn về điều kiện thẩm định viên về giá, siết chặt điều kiện hoạt động của doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp, nhằm tạo hàng rào kỹ thuật ngăn tiêu cực từ một lĩnh vực tương đối nhạy cảm...

Cụ thể, Dự thảo Luật Giá sửa đổi cơ bản kế thừa các quy định hiện hành và củng cố theo hướng chuyên môn hóa hoạt động của thẩm định viên theo lĩnh vực tài sản. Theo đó, thẻ thẩm định viên về giá được chuyên môn hóa theo hai lĩnh vực gồm: thẩm định giá tài sản gồm bất động sản, động sản và các hàng hóa, dịch vụ thông thường; Thẩm định giá doanh nghiệp, tài sản tài chính...

Tại dự thảo Luật Giá sửa đổi, Bộ Tài chỉnh cũng quy định thẩm định viên về giá phải là những người có thẻ thẩm định viên và đang hành nghề thẩm định giá tại các doanh nghiệp thẩm định giá. Điều kiện để đăng ký hành nghề phải là người có thẻ thẩm định viên và có kinh nghiệm 36 tháng làm việc thực tế tại doanh nghiệp thẩm định giá để nâng cao chất lượng dịch vụ thẩm định giá.

Để ràng buộc trách nhiệm của thẩm định viên về giá trước kết quả thẩm định, dự thảo Luật Giá sửa đổi cũng quy định thẩm định viên phải giải trình hoặc bảo vệ kết quả thẩm định giá do mình thực hiện với khách hàng thẩm định giá hoặc bên thứ ba được sử dụng kết quả thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá khi có yêu cầu; giải trình kết quả thẩm định giá do mình thực hiện với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật

Ngoài ra, để quản lý chặt chẽ hơn đối với các thẩm định viên về giá, dự thảo Luật Giá sửa đổi cũng quy định về những điều cấm đối với thẩm định viên về giá, quy định một số trường hợp xử lý đối với thẩm định viên về giá khi vi phạm pháp luật về thẩm định giá, qua đó, tăng cường tính răn đe đối với thẩm định viên, góp phần yêu cầu các thẩm định viên không ngừng cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

Dự thảo Luật Giá sửa đổi hiện đang tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện theo sự thẩm định, đóng góp ý kiến của Bộ Tư pháp. Dự kiến dự thảo Luật này sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm, Quốc hồi khóa XV (dự kiến được tổ chức vào tháng 5 năm 2023).

Ảnh minh họa: việc chuyên biệt hóa lực lượng thẩm định viên được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng thẩm định giá tài sản (nguồn: VnEconomy)

Ảnh minh họa: việc chuyên biệt hóa lực lượng thẩm định viên được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng thẩm định giá tài sản (nguồn: VnEconomy)

SẼ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC NHỮNG BẤT CẬP?

Vì sao Bộ Tài chính đề xuất tách thẩm định viên về giá thành 2 loại, thẩm định viên tài sản và thẩm định viên doanh nghiệp tại Luật Giá sửa đổi? Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Thẩm định giá, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính – đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Giá sửa đổi:

PV: Thưa ông, một trong những điểm mới nổi bật của dự thảo Luật Giá sửa đổi là quy định chuyên môn hóa theo hướng thẩm định giá tài sản và thẩm định giá doanh nghiệp. Vì sao ban soạn thảo lại quy định như vậy?

Ông Phạm Văn Bình: Luật Giá hiện hành quy định chung về thẻ thẩm định viên về giá. Như vậy, thẩm định viên về giá có thể hành nghề ở tất cả những lĩnh vực tài sản khác nhau, tức là hiện nay chỉ có một loại hoạt động tất cả các lĩnh vực: bất động sản, máy thiết bị, động sản, hàng hóa cũng như doanh nghiệp, rồi tài sản tài chính.

Tuy nhiên, do không có sự chuyên môn sâu về lĩnh vực hoạt động nên có thể dẫn đến chất lượng thẩm định giá bị thả lỏng. Qua số liệu thống kê mà cơ quan quản lý nhà nước chúng tôi quản lý hàng năm thì chỉ có khoảng 20-30% các thẩm định viên về giá tham gia vào việc thẩm định giá doanh nghiệp. Còn lại chủ yếu người ta làm về những lĩnh vực về tài sản thông thường như bất động sản, động sản bình thường thôi.

Thứ 2, lĩnh vực thẩm định giá doanh nghiệp có thể sau này sẽ là những lĩnh vực cụ thể như là giá trị doanh nghiệp, tài sản tài chính thì nó đòi hỏi có một sự chuyên sâu và chuyên môn tương đối đặc thù. Tức là những người muốn làm tốt được cái thẩm định giá doanh nghiệp thì họ cần có kiến thức rất sâu về phân tích tài chính.

Kết hợp với nữa là Việt Nam hiện nay cũng là thành viên của Hiệp hội thẩm định giá ASEAN,  cũng như thành viên của Tổ chức Thẩm định gía quốc tế, thì qua nắm bắt kinh nghiệm quốc tế thì các nước cũng có xu hướng chuyên môn hóa lĩnh vực tài sản mà các thẩm định viên thực hiện. Chính vì vậy Bộ Tài chính đã đề xuất và quy định nội dung này ở dự thảo Luật.

Ông Phạm Văn Bình- Trưởng phòng Thẩm định giá, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).

Ông Phạm Văn Bình- Trưởng phòng Thẩm định giá, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).

PV: Việc chuyên môn hóa hai lĩnh vực thẩm định viên về giá sẽ giải quyết được những bất cập gì đang nảy sinh hiện nay?

Ông Phạm Văn Bình: Chuyên môn hóa hoạt động chuyên môn của thẩm định viên thì nó sẽ giúp một số thuận lợi trong quá trình triển khai, cũng như nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá. Nhờ chuyên môn hóa sâu từng lĩnh vực tài sản sẽ giúp thẩm định viên chuyên sâu hơn về chuyên môn và từ đó nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá. Đấy là cái chúng tôi mong muốn nhất.

Thứ hai, chính từ việc chuyên môn hóa lĩnh vực hoạt động của thẩm định viên cũng sẽ góp phần định hướng rõ hơn về nghề nghiệp cho những hoạt động về đào tạo, bồi dưỡng sau này. Một cái nữa là góp phần giảm chi phí nguồn lực cho xã hội và rút ngắn thời gian đào tạo cho đến khi hành nghề. Bởi vì nếu chỉ làm thẩm định giá tài sản thì người ta sẽ không cần phải học những môn thuộc về thẩm định giá doanh nghiệp nữa.

Mà thực tế chúng tôi đã chứng minh là hiện nay có 70-80% thẩm định viên chỉ làm về thẩm định giá tàn sản. Như vậy, người ta sẽ không phải học cái mảng mà người ta không bao giờ làm. Như vậy, quay ngược lại là toàn bộ quy trình về đào tạo, bồi dưỡng, thi, cấp cái thẻ này nó cũng sẽ gọn nhẹ hơn, từ đó góp phần vào phát triển nghề thẩm định giá ngày càng chuyên nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông. 

BẢO ĐẢM TÍNH ĐỘC LẬP, TRUNG THỰC

Việc chuyên biệt hóa đối với hoạt động thẩm định viên về giá sẽ có những tác động xã hội như thế nào? Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội:

PV: Thưa ông, một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Giá sửa đổi là việc tách thẩm định viên về giá thành 2 loại gồm thẩm định viên tài sản và thẩm định viên doanh nghiệp. Ông có ý kiến như thế nào về điều này?

Ông Hoàng Văn Cường: Đây là một tiến bộ rất lớn, sẽ là một tiền đề để thực hiện chuyên nghiệp hóa những hoạt động định giá.

Bởi lẽ định giá doanh nghiệp không phải đơn thuần chỉ là tài sản thông thường, mà nó có yếu tố về những tài sản rất chuyên biệt, ví dụ tài sản vô hình như thương hiệu, như uy tín, danh tiếng, vị thế của doanh nghiệp đó trên thị trường, rồi còn nhiều tài sản rất đặc thù trong cấu thành giá trị doanh nghiệp.

Chính vì vậy việc chia thành 2 nhóm thẩm định viên về giá đòi hỏi người thẩm định viên phải có đủ trình độ, kiến thức chuyên sâu về từng lĩnh vực thì anh mới có thể hành nghề định giá trong lĩnh vực đó. Và nếu người nào đủ năng lực chuyên sâu cho cả 2 lĩnh vực có thể có 2 chứng chỉ được phép hành nghề và được thực hiện trên tất cả loại tài sản cần định giá.

PV: Lâu nay dư luận cũng băn khoăn về việc có thể có tình trạng thông đồng với doanh nghiệp khiến việc định giá tài sản bị sai lệch. Theo ông, dự thảo Luật cần có những quy định như thế nào nhằm ngăn chặn tình trạng này? 

Ông Hoàng Văn Cường: Trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp các đơn vị thẩm định giá bắt tay với doanh nghiệp, làm sai lệch giá trị của hàng hóa và những sai lệch đó đã dẫn ra những sai phạm trong việc mua sắm, thất thoát tài sản và cũng rất nhiều trường hợp không chỉ những doanh nghiệp mua sắm bị xử lý, mà cả những cán bộ, thẩm định viên cũng bị xử lý.

Cho nên, ngay từ Luật Giá hiện hành cũng đã quy định trách nhiệm của các chuyên viên thẩm định giá trong việc đảm bảo tính trung thực trong kết quả thẩm định giá cũng như các thông tin làm căn cứ, cơ sở thẩm định giá.

Trong Luật sửa đổi lần này cũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của các nhân viên thẩm định giá, chịu trách nhiệm chuyên môn về kết quả thẩm định giá và chịu trách nhiệm giải trình trước các cơ quan nhà nước về kết quả thẩm định giá của mình.

Như vậy, nếu như với giá không hợp lý bị phát hiện, các chuyên viên thẩm định giá này chắc chắn sẽ bị xử lý trách nhiệm. Đây sẽ là quy định cảnh báo và yêu cầu các chuyên viên thẩm định giá này phải hoạt động một cách trung thực theo quy định của pháp luật. Đấy cũng đã là quy định khá chặt chẽ về trách nhiệm của người thẩm định giá.

PV: Theo ông, nếu Luật Giá sửa đổi được ban hành sẽ có tác động xã hội như thế nào?

Ông Hoàng Văn Cường: Theo tôi nó sẽ tác động vào trách nhiệm, điều kiện cũng như phạm vi hoạt động của các tổ chức tư vấn định giá cũng như chuyên viên thẩm định giá.

Đây sẽ là một khuôn khổ pháp lý giúp cho những vướng mắc trong công tác tư vấn định giá hiện nay được tháo gỡ, không chỉ giúp các tổ chức định giá, các chuyên viên định giá sẽ được hoạt động một cách chuyên nghiệp, mà nó đòi hỏi hoạt động này càng ngày càng phải đi vào chuyên nghiệp và có chất lượng cao hơn, bảo đảm tính độc lập, tính trung thực khi thực hiện các dịch vụ tư vấn, thẩm định giá.

PV: Xin cảm ơn ông.

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra vừa qua, khi thảo luận về dự thảo Luật Giá sửa đổi, một số ý kiến cho rằng, qua nghiên cứu các vụ án vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, một trong những vấn đề nổi lên là việc thẩm định giá, “thổi” giá cao, đặc biệt với thiết bị y tế. Tình trạng này xảy ra do có lỗ hổng trong quy định pháp luật ở Luật Giá hiện hành.

Do vậy, tại dự thảo Luật Giá sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề xuất chuyên biệt hóa hoạt động thẩm định viên về giá cũng như ràng buộc trách nhiệm của thẩm định viên về giá nhằm mục tiêu khắc phục những bất cập này.

Bạn kỳ vọng gì vào dự luật này? Nếu được ban hành, các quy định mới của dự luật sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Aple Podcast và Google Podcast.

 

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu xuống vùng thấp nhất 2 tuần

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu xuống vùng thấp nhất 2 tuần

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa hôm qua với diễn biến phân hoá.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.