Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thứ Tư, 2/4/2025
Thế Giới

Doanh nghiệp vận tải rút khỏi Hong Kong vì sợ căng thẳng thương mại

Huy Văn: Thứ bảy 22/03/2025, 18:26 (GMT+7)

Những chính sách thuế quan của tân tổng thống Mỹ Donald Trump và những “đòn đáp trả” của EU hay Trung Quốc đang gây nên không ít căng thẳng thương mại. Do đó, vận tải biển của đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cũng đang chịu ảnh hưởng khi nhiều công ty vận tải rời bỏ khu vực này.

Tàu thuyền rời Hong Kong do căng thẳng thương mại

Mới đây vào đầu tháng 3, ông Donald Trump tiếp tục áp thuế quan bổ sung 10%, tổng cộng là 20% lên hàng hoá Trung Quốc. Bắc Kinh lập tức có các chính sách thuế quan bổ sung để “trả đũa”, bên cạnh đó còn trừng phạt 15 công ty Mỹ bằng cách hạn chế xuất khẩu hàng hóa cho các công ty này.

Giữa những căng thẳng thương mại giữa 2 bên, mới đây theo Reuters, đã có một số công ty vận tải biển đã và đang “lặng lẽ” chuyển hoạt động của mình ra khỏi đặc khu hành chính Hong Kong, cũng như xoá đội tàu của mình khỏi sổ đăng ký treo cờ Hong Kong.

Theo Vessel Value, công ty con của nhóm dữ liệu hàng hải Veson Nautical, đã có 74 tàu đổi sang cờ Singapore và quần đảo Marshall, 15 tàu chở dầu và 7 tàu container mới xoá tên khỏi sổ đăng ký treo cờ đặc khu này.Đằng sau những động thái vừa nêu, một số thành viên của các công ty cho hãng tin Reuters biết nguyên nhân là do họ lo ngại tàu thuyền của họ bị chịu ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tàu container bên ngoài cảng Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tàu container bên ngoài cảng Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ tháng trước đã đề xuất đánh thuế cảng cao đối với các công ty vận tải biển Trung Quốc và những công ty khác vận hành tàu do Trung Quốc đóng, để chống lại "sự thống trị có mục tiêu" của Trung Quốc trong lĩnh vực đóng tàu và hậu cần hàng hải. Và đương nhiên, các công tàu, đội tàu đang vận hành ở đặc khu Hong Kong cũng nằm trong tầm ngắm.

Về vấn đề này, ông Andrew Leung, chuyên gia độc lập về Trung Quốc làm việc tại Hong Kong đã có một số phân tích:

“Bạn cần hiểu rằng, hiện Trung Quốc đang là quốc gia thống trị thế giới trong ngành công nghiệp vận tải tàu container. Trong số 11 cảng biển đông đúc nhất thế giới, có tới 7 cảng ở Trung Quốc, trong đó bao gồm Hong Kong. Ngoài ra, đội tàu của Trung Quốc chiếm 75% đội tàu toàn cầu, chiếm 81% thị phần; và 48%, gần một nửa đội tàu chở dầu cũng là của Trung Quốc.

Tôi cho rằng, mục tiêu của Mỹ là đưa ngành công nghiệp đóng tàu trở lại quốc gia này. Nhưng không dễ để có thể thay thế quốc gia tỷ dân. Chi phí đóng tàu ở Mỹ đắt gấp 3-4 lần so với Trung Quốc. Ngoài chi phí ra còn có toàn bộ chuỗi cung ứng, không chỉ về đóng tàu mà toàn bộ hệ sinh thái sản xuất còn lại ở Mỹ đã bị tụt hậu do lạm dụng việc thuê ngoài các quốc gia khác”.

Ảnh hưởng tới ngành vận tải và cơ hội của Việt Nam

Hơn một thế kỷ qua, Hong Kong đã trở thành một trong những trung tâm vận tải toàn cầu. Ngành vận tải và cảng biển của Hong Kong chiếm 4,2% GDP vào năm 2022. Còn theo Vessel Value, cờ của Hong Kong là cờ được các tàu biển treo nhiều thứ tám trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi mà căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang, sự lo ngại của các chủ tàu cũng vì đó mà tăng theo.

Thông tấn AFP cho biết, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, chính sách đối ngoại khó đoán của ông Donald Trump cũng đang khiến các nhà buôn dầu e ngại khi ký hợp đồng thuê tàu dài hạn,

Trả lời Reuters, người phát ngôn của chính quyền Hong Kong cho biết việc các công ty vận tải xem xét lại hoạt động của họ là điều bình thường. Người này cũng cho biết thời gian tới Hong Kong sẽ cung cấp ưu đãi cho các chủ tàu bao gồm trợ cấp đèn xanh và giảm thuế để “đưa Hong Kong tiếp tục phát triển như một trung tâm vận tải quốc tế nổi bật”. Trong khi đó, đại diện chính quyền Trung Quốc và Mỹ từ chối đưa ra bình luận.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Theo ông Andrew Leung, những động thái tại Hong Kong chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng:

“Trong ngắn hạn, khi mà các doanh nghiệp đang điều chỉnh lại chuỗi cung ứng, chắc chắn sẽ có những gián đoạn lớn. Không chỉ là với Hong Kong mà còn với các cảng khác vì chưa chắc họ đã có thể xử lý được toàn bộ khối lượng các tàu thuyền chuyển hướng. Do đó có thể nói là những động thái gần đây chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Sẽ không dễ để Mỹ có thể thay thế Trung Quốc. Nhưng chắc chắn rằng các doanh nghiệp đang có những sự chuẩn bị nhất định”.

Trở lại với Việt Nam, báo cáo từ Chứng khoán SSI cho rằng, các doanh nghiệp Mỹ có thể đẩy mạnh nhập khẩu trước khi thuế mới của Tổng thống Donald Trump được áp dụng, tương tự giai đoạn 2017-2019, khiến nhu cầu vận chuyển và giá cước container lên cao. Ngoài ra, những áp lực tương tự như căng thẳng Biển Đỏ sẽ có thể đẩy giá cước tăng mạnh hơn. SSI dự báo, lợi nhuận ngành này chưa đạt đỉnh trong năm 2025 mà có thể kéo sang năm 2026.

Đồng thời, thống kê 23 doanh nghiệp vận tải biển niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, năm 2024 doanh thu và lợi nhuận toàn ngành tăng rất mạnh. Hầu hết các bên đồng loạt lên kế hoạch mở rộng đón đầu cơ hội mới trong năm 2025.

Do đó, hiện nhiều doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đang đẩy mạnh mở rộng đội tàu để đáp ứng nhu cầu vận chuyển. Các doanh nghiệp như CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An, Công ty Hàng hải Việt Nam, CTCP Vận tải biển Vinaship hay CTCP Vận tải Biển Việt Nam đều đang định hướng đầu tư và đóng mới thêm tàu.

Với sự tham gia ngày càng sâu rộng trong chuỗi cung ứng thế giới, ngành vận tải biển Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ gia tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa toàn cầu.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn