Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Để tiết kiệm năng lượng trở thành thói quen

Minh Hiếu: Thứ tư 27/03/2024, 15:21 (GMT+7)

Hằng năm, vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 lại diễn ra sự kiện Giờ Trái Đất. Tại Việt Nam, nhiều hoạt động hưởng ứng đã diễn ra nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích việc bảo tồn năng lượng. Tuy nhiên, để tiết kiệm điện trở thành thói quen của mọi người dân thì cần nhiều giải pháp hơn nữa.

Tắt toàn bộ thiết bị điện, cùng nhau dạo bộ công viên - đó là việc làm quen thuộc để hưởng ứng Giờ Trái Đất hằng năm của gia đình anh Vũ Trường Sinh, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Không chỉ dịp này, vợ chồng anh Sinh cũng thường xuyên nhắc nhở các con tiết kiệm điện trong cuộc sống thường ngày:

"Giờ buổi trưa, buổi tối nhiều nhà dùng điện thì tất cả người nhà mình hay dồn vào một phòng, đỡ phải bật điện từng phòng thì sẽ tiết kiệm được nhiều. Từ hồi có chương trình Giờ Trái Đất thì mình thấy mọi người bắt đầu có ý thức, tiết kiệm điện và đỡ ảnh hưởng môi trường."

Giờ Trái Đất được tổ chức thành công tại Việt Nam 16 năm qua, góp phần thay đổi lớn nhận thức của cộng đồng trong việc tiết kiệm điện nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung (Ảnh - EVN)

Giờ Trái Đất được tổ chức thành công tại Việt Nam 16 năm qua, góp phần thay đổi lớn nhận thức của cộng đồng trong việc tiết kiệm điện nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung (Ảnh - EVN)

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, bên cạnh những người nhiệt tình hưởng ứng thì vẫn còn không ít người thờ ơ, hoặc thậm chí không biết Giờ Trái Đất là gì. Nhiều ý kiến bày tỏ cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông và nhiều giải pháp hơn nữa:

"Từ khi còn nhỏ là mình luôn luôn tắt quạt khi rời khỏi cái quạt, ra khỏi phòng là tắt đèn chứ không bao giờ để đó mà đi. Và cũng từ nhỏ mình quan sát ít người có thói quen đó giống mình. Mình nghĩ mọi người cần có ý thức về điện nghiêm ngặt hơn vì càng ngày nhu cầu năng lượng của con người càng lớn. Mạng xã hội phải lan truyền thông điệp này nhiều hơn."

"Có thay đổi nhưng vẫn còn chậm, đó là đánh giá của chị. Quan trọng nhất là giáo dục. Xã hội có nhiều tầng lớp khác nhau, không phải ai cũng tiếp cận được nhiều với phương tiện truyền thông. Thế nên cái đó cũng chỉ được một phần nhỏ thôi, phải có quy định, hình phạt."

TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đánh giá, Giờ Trái Đất đã được tổ chức thành công tại Việt Nam 16 năm qua, góp phần thay đổi lớn nhận thức của cộng đồng trong việc tiết kiệm điện nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung. Và để phát huy hiệu quả hơn nữa thì cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý:

"Tôi nghĩ rằng cần tuyên truyền rộng hơn nữa, mạnh hơn nữa và cụ thể. Ví dụ, tiết kiệm điện sẽ mang lại lợi ích gì, ngoài việc bảo vệ môi trường thì nó cũng tiết kiệm chi phí cho gia đình. Tuyên truyền những công nghệ, sản phẩm được dán nhãn tiết kiệm điện; có những chính sách để khuyến khích người dân sử dụng nhiều hơn những thiết bị ấy."

Để tiết kiệm điện thực sự trở thành thói quen của mọi người dân thì cần nhiều giải pháp hơn nữa (Ảnh minh họa)

Để tiết kiệm điện thực sự trở thành thói quen của mọi người dân thì cần nhiều giải pháp hơn nữa (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, ông Chu Bá Thi, chuyên gia năng lượng cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, cần có những quy định mạnh mẽ hơn:

"Phải làm thế nào để việc thực hiện tiết kiệm năng lượng phải là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đối với đất nước. Chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm của thế giới, ví dụ như Trung Quốc, người ta còn giao chỉ tiêu về tiết kiệm năng lượng cho từng ngành, từng địa phương và phải có hệ thống theo dõi, giám sát các chỉ tiêu. Tức là nhà nước cần phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp và người dân tuân thủ."

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn