Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Chuyện hôm nay

Để lại tương lai

Phạm Trung Tuyến: Thứ năm 03/11/2022, 07:00 (GMT+7)

Không ai không cảm thấy bàng hoàng vì câu chuyện thương tâm ở Hưng Yên, khi những người con gái đốt nhà mẹ đẻ vì một ngôi nhà thừa kế. Tất cả những người đàn bà ấy, cả người mẹ và những cô con gái, đều là những con người đáng thương.

Ba người đàn bà, những cô con gái đã hè nhau đốt nhà mẹ đẻ, họ cũng là những người đáng thương, như bà mẹ bất hạnh của họ. Cơn giận dữ và hận thù đã che mờ mắt họ, lấy đi của họ tình cảm ruột thịt, lấy đi của họ cả một tương lai phía trước.

Tôi không muốn phán xét ai trong câu chuyện đầy xót xa này. Chỉ nghĩ: Giá như bà mẹ ấy không có của cải gì đáng kể để mà để lại cho con cái.

Bà mẹ bất hạnh ấy, tôi nghĩ, cũng giống như rất nhiều người làm cha mẹ trên khắp đất nước này hẳn đã từng rất tự hào khi có thể để lại cho 4 đứa con, mỗi đứa một mảnh đất, nhất là khi những mảnh đất ấy lại một ngày trở nên có giá trị.

Bà chỉ không ngờ rằng, cái cách chia tài sản cho các con, theo bà là thỏa đáng, nhưng những đứa con bà lại không nghĩ thế. Và điều đó lại trở thành nguồn cơn gây ra tai họa cho chính bà, và cả những đứa con.

Hiện trường vụ việc. Ảnh: Zing News

Hiện trường vụ việc. Ảnh: Zing News

Các ông bố bà mẹ đều không ngờ, hoặc không muốn ngờ đến điều bi thảm ấy. Hầu hết đều nghĩ cuộc đời làm cha, mẹ là cố gắng dành dụm, tích lũy nhằm để lại tài sản cho con cái. Tài sản được coi là thành tựu, là thứ lớn nhất, hiện hữu nhất mà họ có thể để dành cho con.

Thậm chí, có người còn nghĩ tài sản thừa kế là thứ đảm bảo con cái sẽ có trách nhiệm với cuộc sống sau này, khi họ hết khả năng lao động.

Điều đó có thể đúng, có thể sai. Nhưng tôi cho rằng, việc đảm bảo cho con cái có một tài sản thừa kế lớn, thường lấy đi của chúng nhiều hơn.

Tôi có biết một người cùng lứa. Hồi trẻ, anh ấy là người thông minh, nhanh nhẹn. Rồi một lần bị cấp trên phê bình, anh ấy hất đổ cái máy tính, sập cửa phòng bỏ đi trong sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp. Sau, có người bảo: Nhà nó ở phố P, giá trị hàng tỷ đồng một mét, đi làm mà không vui thì nó chả thiết. Lúc đó, tôi cho rằng cũng phải.

Tôi vẫn gặp người đó, thi thoảng, giờ anh ta đã là một trung niên bê tha. Sáng ngủ đến 10 giờ, thỉnh thoảng đi làm mối manh lặt vặt, chủ yếu thời gian là ngồi quán nước, quán nhậu, chiều đánh mấy con lô, con đề.

Ngôi nhà trên phố, mẹ anh vẫn chưa bán. Khi tôi hỏi thăm giờ ở đâu, anh bảo mấy anh em nhà anh đều đưa vợ con về ở trong ngôi nhà phố ấy rồi. Để bà thấy chật chội mà quyết định phải bán đi cho đỡ khổ. Tôi hình dung, và không biết phải nói gì.

Ngôi nhà trên phố của bố mẹ anh, nó đáng giá thật, hơn trăm mét vuông, tính theo thời giá cũng gần 200 tỷ đồng. Nhưng 4 gia đình với 3 thế hệ cùng ở đấy quả là một cực hình. Nhưng họ vẫn chấp nhận chịu đựng để sớm được trở nên giàu có.

Có thể, một ngày nào đó người mẹ của anh sẽ bán đi căn nhà, anh sẽ được chia khoản tiền mấy chục tỷ đồng. Nhưng, chưa đến lúc đó, tại thời điểm này, anh đã đánh mất mình, để cả tuổi trẻ của mình trôi đi vô vị trong khi chờ giàu.

Ngôi nhà xảy ra vụ việc ba người con gái mang xăng đến đốt mẹ đẻ ở Hưng Yên. Ảnh: Hà Thanh/ Tuổi trẻ

Ngôi nhà xảy ra vụ việc ba người con gái mang xăng đến đốt mẹ đẻ ở Hưng Yên. Ảnh: Hà Thanh/ Tuổi trẻ

Nghĩ đến cảnh đó, tôi thấy thương anh, thương vợ con anh, thương cả người mẹ già của anh. Nếu như bà mẹ không có căn nhà ấy, hoặc bà bán đi để làm việc gì đó, để đầu tư, thậm chí để từ thiện, hoặc tuyên bố là sẽ không cho con cái thừa kế, thì cuộc đời của các con bà đã khác.

Họ đã tự sống bằng khả năng của mình và có thể thành đạt.

Nghĩ đến đó, tôi thầm cảm ơn cha mẹ mình, vì ông bà đã không cho anh em chúng tôi cơ hội để chia của cải của bố mẹ, không để anh em chúng tôi có hy vọng vào tài sản thừa kế. Hồi còn trẻ, đôi lúc so sánh với bạn bè, tôi cũng có thoáng chút tủi thân vì vào đời không có vốn liếng gì từ cha mẹ cho.

Nhưng, càng ngày tôi càng nhận ra, thứ mà cha mẹ tôi để lại cho mình nhiều hơn là tài sản. Đó là tình cảm của anh em tôi với nhau, là tri thức, sức khỏe và những trải nghiệm ấu thơ mà cha mẹ nuôi dạy.

Những thứ đấy không bán được tiền, nhưng là vốn liếng để tôi có thể sử dụng để đối mặt với cuộc đời, dù vất vả, nhưng đầy tự tin, và cả sự tự tôn nữa.

Người làm cha mẹ, có lẽ nên nghĩ về việc con cái của mình nên kế thừa điều gì? Tài sản vật chất, hay một tương lai mà con cái họ có thể tự tạo dựng?

Phạm Trung Tuyến/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn