Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Giao Bộ Công thương toàn quyền, liệu giải quyết dứt điểm việc thiếu nguồn cung xăng dầu?

Quách Đồng: Thứ tư 02/11/2022, 16:21 (GMT+7)

Trong khi ở TP.HCM và các địa phương phía Nam, vẫn còn một số nơi bán xăng hạn chế số lượng hoặc thường xuyên hết hàng, thì tại Hà Nội, gần đây, người dân cũng đang rất vất vả với tình cảnh tương tự, phải qua nhiều cây xăng mới mua được, hoặc xếp hàng mòn mỏi.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Tài chính đề xuất giao toàn diện vấn đề xăng dầu về Bộ Công thương quản lý, kể cả quyết định giá và chi phí định mức nhằm chủ động nguồn cung.

PV: Thưa ông, quan điểm của ông như thế nào về việc giao toàn bộ quyền điều hành giá xăng dầu cho Bộ Công thương chủ trì?

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính): Chúng tôi cho rằng việc giao toàn bộ điều hành xăng dầu cho Bộ Công thương chủ trì cũng hợp lý. Từ đó có thể tạo ra được sự thay đổi lớn trong quá trình thực hiện cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế trong tương lai.

Thực ra thì cung ứng xăng dầu trong thời gian gần đây gặp nhiều trở ngại, chủ yếu là do quá trình thực thi hoạt động điều phối xăng dầu chưa ổn, dẫn đến tình trạng có một số địa phương, một số doanh nghiệp tạo ra sự khan hiếm xăng dầu.

Vì thế, rất cần phải có một sự thống nhất, thay đổi cơ chế quản lý, điều hành, cũng như các vấn đề có liên quan đến quản lý xăng dầu trong tương lai.

Ảnh minh họa: Lê Tùng

Ảnh minh họa: Lê Tùng

PV: Theo ông, nếu như giao cho Bộ Công thương chủ trì quản lý xăng dầu thì tiến độ giải quyết những vấn đề hiện nay sẽ ra sao?

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Bộ Công thương phải chấn chỉnh lại toàn bộ hoạt động và chịu trách nhiệm trước việc quản lý xăng dầu một cách đầy đủ. 

Khi chúng ta nói đến việc giao cho Bộ Công thương quản lý, thì chúng ta hy vọng là sự thay đổi đến sớm nhất.

Còn khi nào thay đổi được thì hoàn toàn phụ thuộc Bộ Công thương và cách thức tổ chức của Bộ Công thương, quyết tâm và cách thức tổ chức của Bộ Công thương.

Rõ ràng hiện nay, trong cơ chế quản lý xăng dầu chúng ta đang có nhiều vấn đề và đã đến lúc cần thay đổi cơ chế quản lý, từ các doanh nghiệp cho đến cơ chế quản lý của ngành, để đáp ứng được các yêu cầu về hoạt động cho thị trường trong tương lai.

Vì vậy, việc giao quyền quản lý xăng dầu về Bộ Công thương là cần thiết và chúng ta cần tiến hành sớm.

Chúng ta không phải quá lo ngại về kịch bản xấu xảy ra đối với tiêu thụ xăng dầu và cung ứng xăng dầu, vì thực tế việc cung ứng xăng dầu hiện nay nó vẫn ổn và tương đối tốt.

Trong thời gian gần đây có sự thay đổi lớn về cách quản lý cũng như là cái cách thức kinh doanh xăng dầu, cho nên nó cũng xảy ra một sự xáo trộn mà chúng ta chưa kịp nắm bắt và chưa kịp thay đổi.

Đã đến lúc chúng ta cần xây dựng một thị trường xăng dầu mang tính thị trường thực thụ, để đảm bảo quá trình hoạt động của thị trường xăng dầu đi theo đúng tên gọi của thị trường và nó đảm bảo quá trình thực thi việc sản xuất kinh, doanh phân phối xăng dầu theo đúng nguyên tắc thị trường.

Cho nên là nhân dịp này thì chúng ta cũng nên có những chấn chỉnh một cách kiên quyết, dứt khoát để từ đó chúng ta đi theo đúng kinh tế thị trường, đảm bảo thị trường xăng dầu hoạt động một cách thị trường nhất và nó đáp ứng yêu cầu cũng như nguyện vọng của người dân.

PV: Xin cảm ơn ông.

Ảnh minh họa: Lê Tùng

Ảnh minh họa: Lê Tùng

Trong khi đó, trao đổi với VOV Giao thông, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch Chi hội xăng dầu, trực thuộc Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, việc giao cho Bộ Công thương toàn quyền quản lý, điều hành giá xăng dầu cũng không thực sự giải quyết được vấn đề, thậm chí càng rối thêm, bởi thực tế hiện nay, Bộ Công thương hoàn toàn có thể chủ động trong việc nhập khẩu, phân phối xăng dầu.

 “Với tất cả Nghị định 83, Nghị định 95 sửa đổi đều nói rất rõ là trách nhiệm của Bộ Công thương chủ trì, tổ chức chuỗi cung ứng và chủ động cách tính giá cơ sở, các thứ đều là Bộ Công thương phải chủ trì hết. Bộ Tài chính chỉ phối hợp và kiểm soát thôi. Với thực tế hiện nay, càng giao về Bộ Công thương càng rồi, bởi vì người ta không tìm ra đúng nguyên nhân, không giải quyết được. Không bắt đúng bệnh làm sao chữa được bệnh”, bà Nguyễn Thị Bích Hường nói.

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn