Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ: Dần gỡ “nút thắt” hạ tầng giao thông

Theo TTXVN - 02/11/2022 | 9:52 (GTM + 7)

Khu vực Đông Nam bộ đang có những đóng góp lớn đối với nền kinh tế-xã hội không chỉ với vùng mà còn của cả nước. Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập về hệ thống giao thông kết nối đang là những trở ngại lớn kìm hãm sự phát triển chung.

Mô hình Dự án thành phần 1A của đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc Đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Văn Việt - TTXVN

Mô hình Dự án thành phần 1A của đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc Đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Văn Việt - TTXVN

Với một loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối chuẩn bị được khởi công hứa hẹn sẽ sớm gỡ “nút thắt” về hạ tầng cho vùng kinh tế trọng điểm này.

Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công Dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn I) thuộc đường Vành đai 3, Tp. Hồ Chí Minh đánh dấu cột mốc mới cho việc gỡ các “nút thắt” về hạ tầng kết nối vùng Đông Nam bộ và cũng là dấu mốc mới cho sự liên kết vùng vì dự án có cây cầu Nhơn Trạch kết nối Tp. Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng Nai.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, dự án này sẽ được thi công trong 3 năm, khi hoàn thành vào năm 2025, sẽ rút ngắn thời gian đi lại từ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến Tp. Hồ Chí Minh và Bình Dương, đồng thời góp phần phân luồng từ xa và giảm ách tắc cho các tuyến đường nội đô Tp. Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ, sau khi dự án thành phần đầu tiên của đường Vành đai 3, Tp. Hồ Chí Minh được khởi công, các địa phương nơi tuyến đường Vành đai 3 đi qua đang khẩn trương giải phóng mặt bằng để đồng loạt khởi công dự án trước tháng 6/2023 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025 cùng với Sân bay quốc tế Long Thành. Đây là tuyến đường kết nối đến Sân bay quốc tế Long Thành theo hướng Quốc lộ 51, giúp giảm tải cho cao tốc Long Thành - Dầu Giây, giảm chi phí vận tải cho doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Kết nối Tp. Hồ Chí Minh và Đồng Nai, bên cạnh đường Vành đai 3, còn có Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang thi công, sẽ hoàn thành vào năm 2025; Dự án đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã lên kế hoạch mở rộng lên 8 làn xe; cầu Cát Lái đang lấy ý kiến hướng tuyến, dự kiến khởi công trong thời gian tới.

Ở phía Nam Tp. Hồ Chí Minh, hướng kết nối với tỉnh Long An, Dự án mở rộng Quốc lộ 50, sau nhiều năm trục trặc, sẽ khởi công vào quý IV năm nay. Được HĐND Tp. Hồ Chí Minh thông qua với số vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, khi hoàn thành, Quốc lộ 50 sẽ giúp việc vận chuyển hàng hóa của các khu công nghiệp từ Tp. Hồ Chí Minh đến Long An, Tiền Giang được thông suốt.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang thi công, sẽ hoàn thành vào năm 2025. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang thi công, sẽ hoàn thành vào năm 2025. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Một tuyến cao tốc được kỳ vọng rất lớn là Tp. Hồ Chí Minh - Mộc Bài đang trong quá trình nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến khởi công vào năm 2024. Có chiều dài 53,5 km, nối từ Tp. Hồ Chí Minh đến Cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), khi hoàn thành, dự án sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và giảm tải cho Quốc lộ 22. Đây sẽ là tuyến giao thông xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Cũng theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, song song với việc đầu tư các dự án giao thông kết nối liên vùng, Tp. Hồ Chí Minh chuẩn bị khởi công hàng loạt dự án để tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng trong nội đô. Ngay cuối năm 2022, sẽ có 2 dự án được khởi công gồm nút giao An Phú (thành phố Thủ Đức); đường nối Trần Quốc Hoàn và đường Cộng Hòa (quận Tân Bình). Đây đều là các dự án gỡ điểm nghẽn ở các cửa ngõ dẫn vào đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh- Long Thành và Sân bay Tân Sơn Nhất.

Các chuyên gia giao thông nhìn nhận, với một loạt dự án chuẩn bị khởi công và một số dự án đang thi công, đến năm 2025, rất nhiều dự án liên kết vùng sẽ hoàn thành. Điển hình là tuyến đường Vành đai 3, Tp. Hồ Chí Minh kết nối một vòng tròn khép kín các tỉnh, thành phố gồm Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương. Ngoài ra, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Quốc lộ 50 sẽ tạo thêm các hướng vận chuyển mới giữa Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận.

Ông Đăng Tất Khang, lãnh đạo một đơn vị vận tải chia sẻ, mỗi tuần, doanh nghiệp chạy hàng chục chuyến hàng chở container giữa Tp. Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng Nai. Do kẹt xe thường xuyên ở Quốc lộ 51, nên hiệu suất quay đầu xe hiện giảm một nửa, chi phí tiêu hao nhiên liệu tăng lên. Khi có cầu Nhơn Trạch, từ thành phố Thủ Đức đi Đồng Nai sẽ gần hơn và không phải vòng qua cao tốc Long Thành - Dầu Giây hoặc Quốc lộ 1 hướng cầu Đồng Nai.

Chính vì vậy, các chuyên gia kinh tế khẳng định, đầu tư cho hạ tầng giao thông, đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân chính là tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước.

Thi công cầu Bạch Đằng nối liền 2 tỉnh Bình Dương - Đồng Nai. Ảnh: Bộ GTVT

Thi công cầu Bạch Đằng nối liền 2 tỉnh Bình Dương - Đồng Nai. Ảnh: Bộ GTVT

Với số vốn đầu tư rất lớn được Chính phủ “rót” vào hạ tầng giao thông, trong tương lai gần, hệ thống giao thông vùng Đông Nam bộ sẽ hình thành các trục dọc, đường vành đai khép kín kết nối các địa phương với hạt nhân là Tp. Hồ Chí Minh, tạo đột phá mới cho phát triển kinh tế của cả vùng.

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa diễn ra ngày 23/10 khẳng định, vùng Đông Nam bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Đông Nam bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.

Phát triển vùng Đông Nam bộ phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển.

Nghị quyết cũng đặt yêu cầu tập trung xây dựng các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với các hành lang giao thông. Huy động tối đa nguồn nội lực cho phát triển, kết hợp hài hoà với ngoại lực để phát triển nhanh, bền vững, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đáng chú ý, trong 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 24-NQ/TW có giải pháp phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị.

Tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu ngay sau hội nghị, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng cần cụ thể hóa Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ thành các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao để thực hiện cho bằng được…/.

Ý kiến của bạn
Hà Nội: Tìm nhân chứng vụ TNGT khiến người đàn ông tử vong

Hà Nội: Tìm nhân chứng vụ TNGT khiến người đàn ông tử vong

Tai nạn xảy ra vào khoảng 23h30 ngày 12/8, trên đường Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội.

Tàu Cát Linh - Hà Đông dừng bất ngờ, mức độ nghiêm trọng ra sao?

Tàu Cát Linh - Hà Đông dừng bất ngờ, mức độ nghiêm trọng ra sao?

Khoảng 19h00 ngày 17/9, một đoàn tàu đang chạy từ Cát Linh về Hà Đông, khi đến ga Phùng Khoang bất ngờ dừng lại, khi còn 5 ga nữa mới đến ga Yên Nghĩa. Vậy, mức độ nghiêm trọng của sự cố này ra sao? Làm thế nào để đảm bảo đảm an toàn cho hành khách đi tàu?

Thoát nước cho cao tốc, trách nhiệm của ai?

Thoát nước cho cao tốc, trách nhiệm của ai?

Như VOV Giao thôn đã thông tin, sau 10 ngày cơn bão số 3 đi qua, tình trạng ngập úng vẫn diễn ra trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, dù mực nước trên các sông liên tục giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân và chất lượng kết cấu công trình.

Hành khách sốc vì tàu điện Cát Linh - Hà Đông dừng đột ngột

Hành khách sốc vì tàu điện Cát Linh - Hà Đông dừng đột ngột

Sự cố dừng tàu Cát Linh tối 17/9 mặc dù được chuyên gia đánh giá là không tới mức nghiêm trọng, không ảnh hưởng an toàn vận hành, nhưng đối với hành khách, sự cố này vẫn khiến nhiều người cảm thấy... hơi sốc.

Đường sắt mở bán vé tàu Tết 2025

Đường sắt mở bán vé tàu Tết 2025

Ngành đường sắt nhận đăng ký mua vé tàu tập thể dịp Tết Ất Tỵ 2025 kể từ hôm nay (19/9) đến 15 giờ ngày 30/9.

Hà Nội: Nguy cơ mất đào, quất sau bão

Hà Nội: Nguy cơ mất đào, quất sau bão

Sau bão Yagi là trận lụt lịch sử khiến nước trên tại sông Hồng lên cao mức báo động 3. Những ngày này, nước đã rút, người dân cũng dần trở lại cuộc sống thường nhật, thế nhưng các vườn đào, vườn quất của Tây Hồ lại gần như hỏng hoàn toàn sau nhiều ngày bị vùi dưới lớp bùn dày đặc…

Đại lộ Thăng Long: Làn khẩn cấp trở thành 'phao cứu sinh' cho xe máy

Đại lộ Thăng Long: Làn khẩn cấp trở thành "phao cứu sinh" cho xe máy

Do đường gom hai bên Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) vẫn còn vị trí bị ngập, Sở GTVT Hà Nội có phương án phân luồng cho phép xe máy được đi lên làn đường cao tốc để tránh ngập.

// //