Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Đài Loan, nỗi ám ảnh với người đi bộ

Huy Văn: Thứ sáu 21/07/2023, 09:21 (GMT+7)

Câu chuyện lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ không còn đường để đi vốn đã quen thuộc với nhiều người dân tại các đô thị ở Việt Nam. Tình cảnh này cũng đang là vấn đề nhức nhối tại Đài Loan.

Thời gian gần đây, những du khách tới Đài Loan đều được cảnh báo “hãy cảnh giác trước giao thông tại đây, bởi nhiều phương tiện không biết nhường đường cho người đi bộ”.

Thực tế, tình trạng mất ATGT cho người đi bộ tại Đài Loan đã có từ lâu, nhưng chỉ thực sự được dư luận quốc tế chú ý khi một trang Facebook có tên “Đài Loan là địa ngục dành cho người đi bộ” liên tục đăng tải thông tin về thực trạng mất ATGT tại đây. Tài khoản Facebook này được lập từ năm 2021 và có người 13 nghìn lượt theo dõi chỉ 1 năm sau đó.

Thực trạng mất ATGT đối với người đi bộ tại Đài Loan đã tồn tại từ lâu. Ảnh: CNA

Thực trạng mất ATGT đối với người đi bộ tại Đài Loan đã tồn tại từ lâu. Ảnh: CNA

Theo thống kê từ chính quyền Đài Loan, chỉ có 42% đường đô thị tại đây có vỉa hè. Nhưng đó chưa phải toàn bộ câu chuyện. Vỉa hè hay phần đường dành cho người đi bộ ở đây bị chiếm dụng bởi biển hiệu, hàng hoá của các cửa hàng, hoặc bị ô tô, xe máy đỗ kín. Điều này khiến người đi bộ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đi ra phần đường của ô tô, khiến tỉ lệ gặp TNGT tăng cao.

Một vài người dân chia sẻ: 

“Phải có đến hơn nửa số xe trên đường là không chịu nhường đường cho người đi bộ. Nếu tôi sang đường mà gặp trường hợp như vậy, có lúc thậm chí tôi còn mắng mấy người lái xe để có thể được họ nhường đường”.

“Một số đoạn đường gần trường học cho phép ô tô đỗ tạm thời bên lề đường để đón con, nhưng đồng nghĩa với việc lấn chiếm phần đường của người đi bộ khiến nhiều em nhỏ buộc phải đi ra ngoài phần đường cho ô tô. Thực sự rất nguy hiểm”.

Thống kê năm 2022 tại Đài Loan cho thấy, có hơn 16 nghìn người bị thương, gần 3 nghìn người tử vong do tai nạn giao thông, trong đó bao gồm gần 400 người đi bộ. Theo hãng tin CNN, con số này lớn gấp 6 lần Nhật Bản và 5 lần so với Anh.

Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, một phần nguyên nhân dẫn tới thực trạng giao thông hiện tại ở Đài Loan là do quá trình đô thị hoá đô thị. Khi Đài Loan bắt đầu hiện đại hoá cơ sở hạ tầng giao thông vào những năm 1960, quốc gia này nhận được sự chỉ dẫn từ Mỹ, dẫn đến việc hạ tầng ưu tiên cho ô tô nhiều hơn. Những năm gần đây khi các quốc gia khác đang dành sự quan tâm dành cho những người tham gia giao thông yếu thế hơn như người đi bộ hay xe đạp thì Đài Loan đã bị tụt lại phía sau.

Bên cạnh đó, có quá nhiều cơ quan có thẩm quyền đối với việc xây dựng và quản lý đường xá. Điều này làm phức tạp hoá việc phân chia trách nhiệm và cản trở các nỗ lực thay đổi.

Ông Chang Chih-ming, Giám đốc Ban Kỹ thuật và Xây dựng Đài Loan cho biết:

“Nếu khu vực xảy ra va chạm hay tai nạn mà không có phần đường dành cho người đi bộ thì chúng tôi lại không thể đưa ra án phạt cho phương tiện. Do đó chúng tôi đang trong quá trình xem xét và sửa đổi lại luật để có thể áp dụng phạt cho các trường hợp kiểu như vậy”.

Mới đây, vụ tai nạn thương tâm khiến một bé gái 3 tuổi thiệt mạng đã khiến chính quyền Đài Loan thực sự phải xem xét lại các quy định về ATGT. Ảnh: CNA

Mới đây, vụ tai nạn thương tâm khiến một bé gái 3 tuổi thiệt mạng đã khiến chính quyền Đài Loan thực sự phải xem xét lại các quy định về ATGT. Ảnh: CNA

Mới đây, Đài Loan đã đưa ra kế hoạch hành động nhằm giúp đường phố an toàn hơn cho người đi bộ. Theo đó, sẽ có 19 phương án được thực hiện nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thúc đẩy giáo dục an toàn đường bộ, thắt chặt thực thi pháp luật đối với người vi phạm. Kế hoạch được đưa ra khoảng 2 tuần sau khi một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra khiến một bé gái 3 tuổi thiệt mạng.

Một số quy định đã chính thức có hiệu lực từ ngày 30/6, bao gồm các mức phạt cao hơn đối với người lái xe không nhường đường cho người đi bộ. Theo đó, những người vi phạm quy định này sẽ bị phạt 6 nghìn Đài tệ (tương đương 4.5 triệu đồng VN), trừ 3 điểm bằng lái và buộc học bổ túc luật giao thông.

Tuy nhiên, trong các quy định đang được xem xét, có một quy định mà theo đó các phương tiện tham gia giao thông buộc phải dừng lại khi thấy người đi bộ, bất kể trường hợp nào. Quy định này nhanh chóng bị phản đối khi nhiều người cho rằng quá vô lý. Trước những phản đối vừa nêu, đại diện chính quyền cho biết sẽ xem xét và đề xuất các thay đổi cho phù hợp.

Còn tại Việt Nam, nhiều năm qua "cuộc chiến" giành lại vỉa hè cho người đi bộ tại các đô thị lớn dường như vẫn chậm chân tại chỗ. Dù cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đợt ra quân lập lại trật tự vỉa hè, nhưng chỉ sau một thời gian, đâu lại vào đấy.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, đòi lại vỉa hè cho người đi bộ là chủ trương đúng. Song, dù đã thực hiện cả chục năm, nhưng đến nay, việc đòi lại vỉa hè vẫn chưa đạt yêu cầu. Để duy trì được trật tự, theo chuyên gia, cần phải phân loại vỉa hè để có giải pháp thích hợp, chứ không thể đánh đồng chung chung các loại vỉa hè với nhau. Hơn nữa, với bài toán giành lại vỉa hè, cần có giải pháp bền vững hơn là những giải pháp manh tính tình thế.

 

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn