Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Chó thả rông: Góc nhìn đúng để có giải pháp đúng

Minh Hiếu: Chủ nhật 09/06/2024, 15:43 (GMT+7)

Dù xã hội ngày càng phát triển nhưng nếp sống tiểu nông: nuôi chó, thả rông để vật nuôi tự giải quyết các nhu cầu vẫn diễn ra phổ biến.

Để thay đổi thói quen và nhận thức của một bộ phận lớn người dân thì cần nhiều thời gian và nhiều biện pháp đủ mạnh, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu nuôi chó mèo để bầu bạn ngày càng lớn trong xã hội.

Nếu bạn hỏi những người xung quanh thì có lẽ đa phần mọi người coi việc chó thả rông, không rọ mõm, phóng uế,… là chuyện bình thường, vì nó đang diễn ra hàng ngày. Hành vi đó nếu có gây phiền toái cho người khác thì nhiều người cũng chỉ “ngậm bồ hòn”, không muốn mất tình làng nghĩa xóm chỉ vì con chó.

Cứ thế, những vi phạm liên quan việc nuôi chó mèo diễn ra năm này qua năm khác, từ nông thôn đến thành thị. Nơi công cộng, như công viên, vốn đã thiếu để phục vụ con người, nay lại trở thành “nhà vệ sinh” cho chó mèo, nhan nhản chó nhỏ chó to không rọ mõm.

Đáng e ngại hơn cả là số ca tử vong vì bệnh dại những tháng đầu năm 2024 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023, trong khi mốc thời gian thực hiện mục tiêu không còn người chết vì bệnh dại là năm 2030.

Bất cập trong quản lý vật nuôi chỉ được nhìn nhận theo vụ việc đơn lẻ, trong khi chó thả rông luôn đi kèm nhiều nguy cơ, từ mất an toàn, dịch bệnh đến an ninh trật tự, giao thông, môi trường...

Bất cập trong quản lý vật nuôi chỉ được nhìn nhận theo vụ việc đơn lẻ, trong khi chó thả rông luôn đi kèm nhiều nguy cơ, từ mất an toàn, dịch bệnh đến an ninh trật tự, giao thông, môi trường...

Ý thức là một chuyện, vi phạm diễn ra phổ biến có một phần nguyên nhân từ việc thư thi pháp luật còn lỏng lẻo, hiếm thấy trường hợp chủ chó thả rông, phóng uế bừa bãi,… bị xử lý. Nhưng địa phương cũng có cái khó riêng, như một lãnh đạo phường từng trao đổi với VOV Giao thông rằng hiện chưa có quy định về việc cưỡng chế nộp phạt.

Tuy nhiên, không thể vì khó khăn mà cứ để những quy định mãi nằm trên giấy. Trước hết, cần thay đổi góc tiếp cận, chính quyền các địa phương cần nghiêm túc nhìn nhận chó thả rông không phải chuyện nhỏ, mà là một nguy cơ tiềm ẩn với cộng đồng. Đó là mất an toàn tính mạng, sức khỏe, mất an toàn giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường,… như đã đề cập.

Hành lang pháp lý cũng cần được hoàn thiện để chính quyền địa phương có căn cứ thực thi. Trên thực tế, vi phạm giao thông dễ xử lý vì có quy định tạm giữ phương tiện, còn việc xử phạt vi phạm về tiếng ồn, vứt rác, phóng uế,… khó khăn vì không thể cưỡng chế nếu người vi phạm không nộp phạt.

Nên chăng cần bổ sung quy định về việc tạm giữ vật nuôi nếu chủ vật nuôi không nộp phạt, mọi chi phí trông giữ do chủ vật nuôi chi trả. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để lực lượng chức năng có thể xử lý trên thực tế, tạo tính răn đe, nhất là khi thú cưng ngày nay có giá trị lên tới tiền triệu.

Tất nhiên, các quy định cần được thiết kế cho phù hợp điều kiện mỗi vùng miền, và cần thực hiện thí điểm ở thành thị, rút kinh nghiệm, điều chỉnh trước khi triển khai ở nông thôn hay vùng sâu, vùng xa.

Pháp luật về vật nuôi cũng cần được hoàn thiện, như việc xóa “vùng trống” trong quy định nuôi chó dữ, lập lại chế tài xử lý vật nuôi phóng uế, thậm chí, tăng nặng mức xử phạt với các vi phạm có tính chất nguy hiểm, như các quy định về việc tiêm phòng cho vật nuôi.

Xử phạt là hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất, cần bổ sung quy định về việc tạm giữ vật nuôi nếu chủ vật nuôi không nộp phạt, làm căn cứ thực thi trên thực tế (Ảnh minh họa: Báo Phụ nữ)

Xử phạt là hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất, cần bổ sung quy định về việc tạm giữ vật nuôi nếu chủ vật nuôi không nộp phạt, làm căn cứ thực thi trên thực tế (Ảnh minh họa: Báo Phụ nữ)

Sau khi có căn cứ xử lý thì cần lực lượng thực thi chuyên nghiệp. Đội săn bắt chó thả rông và xử lý các vi phạm không thể chỉ tận dụng nhân lực từ lực lượng dân phòng, mà phải là những người được đào tạo bài bản và có chế độ phụ cấp xứng đáng cho họ. Lực lượng này không nhất thiết phải thành lập cấp phường, xã, mà có thể ở cấp quận, huyện để có nguồn lực tốt hơn và tận dụng khả năng tốt hơn.

Xử phạt là hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất. Cùng với việc phổ biến các quy định của pháp luật về vật nuôi đến từng người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, thì những trường hợp bị xử lý nghiêm chắc chắn sẽ khiến người nuôi chó thay đổi nhận thức và ý thức một cách rõ rệt.

Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền thì đơn vị quản lý các địa điểm công cộng, như công viên, cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc nhắc nhở, xử lý những vi phạm liên quan vật nuôi trong phạm của vi mình.

Ngoài những giải pháp “cứng” thì việc phát triển các dịch vụ cho thú cưng cũng sẽ tạo điều kiện cho chủ vật nuôi dễ dàng hơn trong việc thực hiện các quy định của pháp luật. Trong tương lai, nhà nước cần xây dựng nhiều công viên, bệnh viện,… cho thú cưng, hoặc có cơ chế khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Nhiều địa điểm dành riêng cho vật nuôi với chi phí hợp lý sẽ hạn chế việc người dân mang vật nuôi ra nơi công cộng.

Chấm dứt triệt để tình trạng chó thả rông, đảm bảo an toàn cho cộng đồng là một con đường dài, và cần “khởi hành” ngay từ hôm nay nếu như muốn đến được vạch đích. 

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn