Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Căng thẳng quanh vùng đảo Đài Loan (Trung Quốc) đe dọa chuỗi cung ứng

Huy Văn: Thứ tư 17/08/2022, 21:41 (GMT+7)

Những căng thẳng gần đây xung quanh đảo Đài Loan (Trung Quốc) đang là chủ đề nóng được nhiều người quan tâm và phần nào ảnh hưởng đến ngành vận tải.

Tuần trước, Trung Quốc đã triển khai nhiều máy bay chiến đấu và bắn tên lửa trong cuộc tập trận xung quanh vùng lãnh thổ Đài Loan nhằm đáp trả chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Các cuộc tập trận có quy mô lớn chưa từng thấy này đã khiến nhiều hãng hàng không như Korean Airlines hay Singapore Airlines phải hủy chuyến bay đến Đài Bắc. Trong khi đó, một số hãng hàng không của Nhật như ANA Holding hay Japan Airlines vẫn duy trì các chuyến bay tới Đài Loan, nhưng phải thay đổi các đường bay giữa Đông Nam Á và Đông Bắc Á nhằm tránh khu vực bị ảnh hưởng.

Đó là với hàng không, còn với vận tải biển, các công ty cũng phản ứng nhanh chóng với những diễn biến căng thẳng xung quanh đảo Đài Loan.

Ông Teo Siong Seng, giám đốc điều hành công ty vận tải Pacific Internaltional Line của Singapore chia sẻ: “Chúng tôi phải nhanh chóng đề ra một tuyến đường khác để đảm bảo các đội tàu vẫn có thể giao hàng tới nơi. Việc tốn thêm chi phí là điều không thể tránh khỏi với những trường hợp như thế này. Nhưng ít nhất thì chúng tôi vẫn kiểm soát được tình hình”.

Nhiều tàu phải tạm dừng hoặc đổi lộ trình do ảnh hưởng bởi căng thẳng xung quanh đảo Đài Loan. Ảnh: Reuters

Nhiều tàu phải tạm dừng hoặc đổi lộ trình do ảnh hưởng bởi căng thẳng xung quanh đảo Đài Loan. Ảnh: Reuters

Theo tờ Strait Times, một số nhà cung cấp dầu, khí đốt đã định tuyến lại hoặc giảm tốc độ các chuyến hàng của họ tới Đài Bắc và Nhật Bản. Thay vì đi qua tuyến đường thủy đông đúc nằm giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan, các tàu này phải đi đường vòng, mất thêm khoảng 3 ngày.

Khu vực eo biển Đài Loan được đánh giá là một trong những eo biển "bận rộn" nhất thế giới, nên tình hình căng thẳng có thể gây ra sự thiếu hụt trong chuỗi cung ứng. Nhưng đây không phải là lần đầu các công ty vận tải đối mặt với tình trạng kiểu này trong suốt 2 năm đại dịch. Hoặc trước đó cũng đã từng có những sự cố nghiêm trọng hơn như căng thẳng Nga – Ukraine hay sự cố kênh đào Suez. Thậm chí, các cơn bão vào thời điểm này hàng năm cũng có thể gây ra tình trạng tương tự.

Sau thời gian dài, trải qua nhiều thay đổi để đối phó với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, các công ty vận tải giờ hoàn toàn có thể giải quyết những vấn đề kiểu này.

Bà Sarah Mangeet Kaur, TGĐ công ty vận tải Asia Oceanic Container Line chia sẻ: “Trước đây, các tàu hàng có thể dừng chân tại một số cảng ở Trung Quốc như Thượng Hải, nhưng giờ họ nên tiến thẳng tới cảng Cao Hùng.”

Sau đó, Điện văn thông báo hàng không về sáu khu vực nguy hiểm tạm thờ đã kết thúc vào ngày 8/8 vừa qua, do đó một số hãng hàng không đã nối lại đường bay đến Đài Loan (Trung Quốc).

Theo Bloomberg, đã có khoảng 40 tàu hàng đi qua vùng tập trận trong 3 ngày mùng 6, 7 và 8/8 mà không gặp vấn đề gì. Vì vậy, nhiều tàu hàng vốn đã thay đổi lộ trình, nay đang bắt đầu quay trở lại lộ trình cũ.

Ảnh minh họa: Bloomberg

Ảnh minh họa: Bloomberg

Tuy nhiên, tới ngày 15/8, Reuters dẫn thông tin từ Chiến khu miền Đông của quân đội Trung Quốc thông báo cùng ngày tổ chức tập trận với các nội dung tuần tra sẵn sàng chiến đấu, phối hợp tác chiến cả trên vùng trời lẫn vùng biển lân cận Đài Loan. Điều này khiến nhiều công ty lo ngại tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ càng thêm trầm trọng.

Tuy nhiên, theo bà Sarah Mangneet Kaur, vẫn còn một số phương án khả thi để khắc phục tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng tại Đài Loan: "Các công ty hiện nay rất chủ động và phản ứng nhanh với các tình huống. Cho nên nếu tình trạng thiếu nguồn cung xảy ra, họ có thể nhanh chóng tìm nguồn cung khác, ví dụ như Hàn Quốc”.

Còn với Việt Nam, trước Điện văn thông báo hàng không về sáu khu vực nguy hiểm tạm thời bao quanh phần lớn đảo Đài Loan, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi các hãng hàng không trong nước và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có phương án điều chỉnh phù hợp để đảm bảo an toàn.

Còn phía Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, việc Trung Quốc thông báo tập trận quanh đảo Đài Loan gây ảnh hưởng tới các tuyến hàng hải từ Việt Nam qua khu vực này, nhưng tác động không quá lớn. Đối với vận tải biển, tàu thuyền phải thường xuyên theo dõi tọa độ để điều chỉnh hướng tàu. Do đó, tàu có thể đổi hướng đi vòng, tránh đi vào vùng biển đang tập trận.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn