Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Vì sao Indonesia thúc đẩy xe máy điện chứ không phải ô tô?

Huy Văn: Thứ bảy 13/08/2022, 11:39 (GMT+7)

Quá trình chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong sang xe chạy điện đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Trong khi tiến trình này đang diễn ra chủ yếu với loại phương tiện là ô tô, thì tại Indonesia, chính phủ đang nhắm tới loại phương tiện phổ biến hơn tại quốc gia này, đó là xe máy.

Nằm trong kế hoạch quốc gia với mục tiêu giúp phương tiện giao thông trở nên thân thiện với môi trường, vào tháng 8 năm ngoái, chính phủ Indonesia tiến hành dự án thí điểm chuyển đổi 90 chiếc xe máy chạy xăng sang xe máy chạy điện.

Còn theo mục tiêu quốc gia, chính phủ Indonesia kỳ vọng đến năm 2025 sẽ hoàn thành chuyển đổi sẽ có 6 triệu xe máy điện, bao gồm cả xe chuyển đổi, vào năm 2025 và hướng tới 13 triệu xe máy cùng với 2,2 triệu ô tô điện vào năm 2030, trước khi cấm hoàn toàn phương tiện chạy xăng vào năm 2050.

Theo Bangkok Post, chiến lược này được đề ra trong bối cảnh Indonesia có 112 triệu xe máy và 15 triệu ô tô đang hoạt động trên cả nước theo thống kê năm 2019, trong khi số xe máy ở Việt Nam đang là hơn 50 triệu xe, ở Thái Lan là 22 triệu. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí, khí thải nhà kính trầm trọng tại Indonesia.

Do đó, mục tiêu chuyển đổi sang xe máy điện đang nhận nhiều sự ủng hộ từ phía người dân. Anh Yudistira, một người đã chuyển sang dùng xe máy điện so sánh: “Bình thường khi dùng xe máy chạy xăng, tôi phải trả khoảng 0.8 đô-la Mỹ cho 1 lít xăng và chạy được khoảng 30-40 km. Nhưng với xe máy điện, 1 kWh (Ki-lô-wat giờ) điện chỉ mất khoảng 0.13 đô-la Mỹ và xe cũng chạy được quãng đường tương tự”.

Indonesia hướng tới có 13 triệu xe máy điện vào năm 2030. Ảnh: Nikkei Asia

Indonesia hướng tới có 13 triệu xe máy điện vào năm 2030. Ảnh: Nikkei Asia

Theo hãng thông tấn Antara của Indonesia, hiện chính phủ nước này đang thúc đẩy việc kêu gọi các doanh nghiệp cả tư nhân và quốc doanh để đạt được mục tiêu vào năm 2030. Vào ngày 24/6 vừa qua, chính phủ đã kí một biên bản ghi nhớ với công ty điện lực nhà nước PLN và công ty dầu khí nhà nước Pertamia để hỗ trợ chương trình chuyển đổi sang xe máy điện. Một biên bản khác cũng đã được ký giữa PLN và một số ngân hàng nhà nước để hỗ trợ phát triển hạ tầng trạm sạc xe công cộng.

Theo Tổng thư ký Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Ego Syahrial, chiến lược chuyển đổi xe máy điện là nước đi tốt vì nó sẽ tạo cơ hội cho thế hệ trẻ tiếp cận các kỹ năng mới, mở ra thêm việc làm và đặc biệt là giúp tăng cường sản xuất linh kiện nội địa. Bởi hiện nay, chi phí chuyển đổi xe máy chạy xăng sang chạy điện vẫn khá tốn kém, thậm chí là đắt hơn việc mua một chiếc xe điện mới.

Anh Ady Siswanto, chủ một cửa hàng sửa chữa xe máy cho biết: “Hiện chúng tôi đang tìm nguồn hàng linh kiện nội địa để giảm bớt chi phí so với hàng nhập khẩu. Hiện chi phí chuyển đổi một chiếc xe máy sang xe điện dao động từ hơn 800 cho đến 1.100 đô-la Mỹ. Hy vọng năm tới, chúng tôi có thể giảm mức chi phí này về khoảng hơn 500 đô-la”.

Tuy nhiên, một vấn đề mà người dân Indonesia quan tâm, đó là về giấy tờ xe. Sau khi chuyển đổi phương tiện sang xe điện, người dân sẽ phải làm thủ tục chuyển đổi giấy tờ chứng nhận phương tiện của mình. Nếu không, phương tiện sẽ bị coi là tự ý thay đổi kết cấu xe. Theo các chuyên gia, chính phủ Indonesia sẽ phải có những quy định, hướng dẫn hợp lý về vấn đề này để quá trình chuyển đổi sang xe điện được “mượt mà” hơn.

Ông Rod Farmer, chuyên gia từ công tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey chia sẻ: “Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, liên quan tới lĩnh vực xe điện, khi một quốc gia áp dụng các chính sách hợp lý thì có thể tăng tốc độ chuyển đổi từ 24 tới tận 70%”.

Dự kiến nếu thành công, chiến lược chuyển đổi xe máy điện sẽ giúp chính phủ Indonesia tiết kiệm khoảng 22 tỷ đô-la Mỹ tiền trợ giá, cũng như giảm thiểu khoảng 65 triệu tấn khí CO2 thải ra mỗi năm. Điều này phần nào giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, nhất là tại các đô thị như thủ đô Jarkata, một trong những thành phố có tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới.

Ảnh: The Star

Ảnh: The Star

Nhưng theo các nhà hoạt động môi trường, việc thúc đẩy sản xuất linh kiện nội địa sẽ kèm theo việc thúc đẩy khai thác các loại kim loại cần thiết, trong đó có Niken, một kim loại không thể thiếu trong pin xe điện, từ đó sẽ ảnh hưởng tới môi trường theo hướng tiêu cực.

Ông Rere Christanto, người quản lý chiến dịch, bộ phận Năng lượng và Khai thác mỏ từ Diễn đàn Indonesia về Môi trường sống chia sẻ: “Việc sản xuất xe máy điện hàng loạt tại Indonesia có thể dùng làm lí do để nhượng bộ cho các hoạt động khai thác Niken tại nhiều tỉnh thành. Điều này đi ngược lại với mục tiêu giảm khí thải nhà kính mà chúng ta đã đề ra. Việc này có thể trở thành sai lầm trong giải pháp chống biến đổi khí hậu”.

Trở lại Việt Nam, Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe điện hoá ở Việt Nam hiện còn rất ít, năm 2019 là 140 xe điện, năm 2020 tăng lên 900 xe và đến hết Quý I/2021 có thêm 600 xe. Tất cả số xe trên đều nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe hybrid, xe plug-in hybrid, số xe chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Tỷ trọng của xe mô tô và xe máy điện sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 7% hàng năm, nhưng duy trì ở mức tăng trưởng đều.

Tại nhiều thành phố, so với xe đạp điện, xe máy điện dù chưa phổ biến bằng, nhưng cũng là lựa chọn của một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng hay giá thành phương tiện vẫn là những thách thức mà các doanh nghiệp phải vượt qua để phổ biến hơn xe điện tại thị trường trong nước.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn