Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Cần Thơ: Trẻ mắc tay chân miệng tăng đột biến, bệnh viện quá tải

Kim Loan: Thứ tư 08/11/2023, 08:41 (GMT+7)

Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ hiện có gần 250 ca mắc tay – chân - miệng đang điều trị nội trú tại khoa Nhiễm, trong khi khoa chỉ có 140 giường bệnh. Từ đầu năm đến nay, dịch trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, đến nay đã có gần 1.500 ca mắc và 4 trường hợp tử vong.

Ghi nhận tại khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, tình trạng tiếp nhận điều trị bệnh nhi mắc tay – chân - miệng đến từ các tỉnh/thành trong khu vực ĐBSCL hiện quá tải. Gường bệnh không đủ để đáp ứng, nhiều bệnh nhi buộc phải kê giường nằm ngoài hành lang, thậm chí phải trải chiếu nằm chen chúc dưới nền nhà.

Ông Nguyễn Thanh Bùi có cả 2 cháu đều mắc bệnh đã điều trị tại bệnh viện được 4 ngày. Số ca bệnh nhiều, người nhà nằm la liệt ở hành lang, đường đi qua lại chật chội không có lối chen. Không còn chỗ nên ông Bùi mua võng cho các bé nằm tạm. Điều trị trong không gian chật chội, thêm phần nóng nực nên các bé đau mệt quấy khóc suốt đêm.

Bệnh tay chân miệng tại Cần Thơ đã tăng đột biến từ tháng 6 đến nay

Bệnh tay chân miệng tại Cần Thơ đã tăng đột biến từ tháng 6 đến nay

Ông Nguyễn Thanh Bùi – Trú tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ cho biết: "Hai cháu nhà tôi sốt, nổi mục mụn ngoài da rồi nó xâm nhập vô đường ruột khiến cháu nó tiêu chảy và không ăn uống gì được hết. Tay – chân – miệng này nguy hiểm quá."

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh viện này đã tiếp nhận 14.790 ca khám ngoại trú và 3.579 ca điều trị nội trú mắc tay – chân - miệng (tăng 87% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, 430 ca nặng (tăng 2.150% so với cùng kỳ năm 2022). Cá biệt, có ngày bệnh viện tiếp nhận gần 250 ca điều trị nội trú. Các bác sĩ cho biết, trẻ em có thể tái mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần và đã từng ghi nhận 1 trẻ có đến 3 lần tái bệnh. Nguyên nhân là do trẻ sau khi bị nhiễm virus, dù có biểu hiện lâm sàng hay không có triệu chứng thì ít nhiều vẫn có kháng thể chống lại virus.

Bệnh tay- chân- miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virut lây truyền trực tiếp từ người sang người, xảy ra rải rác quanh năm, có xu hướng tăng cao vào các tháng chuyển mùa từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Dấu hiệu bệnh chân- tay- miệng ở trẻ em thường thấy là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, đau bụng, nổi ban đỏ trên da…nặng hơn là run giật, yếu chi, hôn mê, khó thở và tăng hoặc tụt huyết áp.

Bác sĩ Ngô Công Toại – Phụ trách tại Khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc, BV Nhi Đồng TP Cần Thơ cho biết cái khó trong phát hiện thời điểm khởi phát của tay – chân miệng đối với trẻ em: "Bệnh xuất hiện ở mọi độ tuổi nhưng nặng nhất là đối với trẻ em dưới 5 tuổi. Sức đề kháng của các bé còn yếu và nói chuyện chưa rành nên chỉ biết khóc. Từ đó cha mẹ khó phát hiện để đưa đi khám."

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh viện này đã tiếp nhận 14.790 ca khám ngoại trú và 3.579 ca điều trị nội trú mắc tay – chân - miệng

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh viện này đã tiếp nhận 14.790 ca khám ngoại trú và 3.579 ca điều trị nội trú mắc tay – chân - miệng

Ngăn ngừa tay – chân miệng chỉ có thể bắt đầu từ việc chăm sóc trẻ, giữ gìn thân thể trẻ luôn sạch sẽ. Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước tiểu, nước bọt). Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, lau nhà, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng. Lau nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác. Trẻ bị bệnh thì không cho đi học hoặc đến nơi tập trung nhiều trẻ cho đến khi khỏi bệnh.

Bác sĩ Lê Phúc Hiển – công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ khuyến cáo: "Người dân nên thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng, lau đồ chơi của trẻ. Khi phát hiện bệnh phải đến cơ sở để khám và được tư vấn."

Khi trẻ bị bệnh các phụ huynh đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để chẩn đoán chính xác và tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Bệnh tay- chân- miệng là bệnh truyền nhiễm nên chúng ta có thể dự phòng bệnh cho trẻ. Chính vì thế, ngoài việc nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thì hơn hết rất cần sự nâng cao nhận thức và ý thức chăm sóc, bảo vệ trẻ nhỏ của phụ huynh.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn