Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Cách nào đẩy nhanh tái định cư cho người dân dự án Vành đai 4 Hà Nội?

Hải Hà: Thứ hai 08/01/2024, 06:02 (GMT+7)

Sau 6 tháng thi công Dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô, 7 quận, huyện đã cơ bản phê duyệt và thu hồi được trên 763 hecta đất, đạt trên 96,5%. Mặc dù chỉ còn khoảng trên 27 hecta đất cần giải phóng mặt bằng, nhưng lại gặp không ít vướng mắc do chủ yếu là đất ở của người dân.

Thực hiện các giải pháp tái định cư cho các hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất sẽ giúp sớm ổn định cuộc sống người dân và đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằn, bàn giao đất cho dự án. Thành phố, Chính quyền các địa phương cần có những lưu ý gì cho công tác này?

 

Trong 7 địa phương có đường Vành đai 4 đi qua, huyện Mê Linh là địa phương có diện tích đất ở cần phải giải phóng mặt bằng cao nhất với gần 7 hecta đất. Song song với công tác giải phóng mặt bằng. địa phương này đang xây dựng 3/3 khu tái định cư tại 3 xã Văn Khê, Chu Phan và Đại Thịnh với tổng diện tích 14,8 ha.

Tại cuộc họp mới đây với lãnh đạo thành phố Hà Nội, ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, địa phương này đang đẩy nhanh các dự án khu tái định cư để kịp bàn giao đất cho nhà thầu thi công vào cuối quý I/2024. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, quá trình thực hiện cũng gặp không ít vướng mắc:

"Trên địa bàn huyện Mê Linh có những hộ dân có diện tích đất rất lớn lên tới 1.000-2.000 m2 nhưng đất ở chỉ khoảng 200 m2, 1.800m2 là đất vườn nên cũng có những băn khoăn trong tâm tư nguyện vọng khi được nhận những chỗ mới.

Hai là có những hộ gia đình họ có nhà thờ, họ muốn nguyện vọng khi ra khu tái định cư nếu mà bốc thăm thì được các khu đất liền kề nhau. VD như một hộ gia đình họ đã tách thửa, nếu mà sau này bốc thăm được 3 thửa gần nhau thì họ có điều kiện làm nhà thờ. Huyện sẽ làm sao cho đúng quy định nhưng vẫn lợi nhất cho người dân", ông Hoàng Anh Tuấn nói.

Trong 7 địa phương có đường Vành đai 4 đi qua, huyện Mê Linh là địa phương có diện tích đất ở cần phải giải phóng mặt bằng cao nhất với gần 7 hecta đất (Ảnh: Lê Tùng/VOVGT)

Trong 7 địa phương có đường Vành đai 4 đi qua, huyện Mê Linh là địa phương có diện tích đất ở cần phải giải phóng mặt bằng cao nhất với gần 7 hecta đất (Ảnh: Lê Tùng/VOVGT)

Huyện Đan Phượng đã giải phóng mặt bằng được 70,3/ 70,47 ha đất nông nghiệp và hiện đang thực hiện giải phóng mặt bằng 1,93 ha đất ở. Ông Lê Thanh Nam, chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, hiện địa phương đang xây dựng  khu tái định cư xã Hồng Hà và khu tái định cư xã Hạ Mỗ:

"Đến thời điểm này chúng tôi đã hoàn thành xong toàn bộ công tác thông báo thu hồi đất  cho 112 hộ và đồng bộ xây dựng hạ tầng cho 2 Khu tái định cư và đã công khai 77 trường hợp đủ điều kiện tái định cư. Với hai khu tái định cư thì chúng tôi sẽ phấn đấu trong vòng 20 ngày hoàn thành hạ tầng và xây dựng giá đầu đến, đầu đi và tổ chức bốc thăm".

Ông Nam cho biết thêm, theo kết hoạch, địa phương dự kiến đến 30/4/2024 bàn giao mặt bằng cho toàn bộ đất tái định cư. Tuy nhiên, trong các giải pháp của địa phương xây dựng  có liên quan đến rất nhiều hạng mục chung của đơn vị thi công- nhà thầu Vinaconex, nên địa phương sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng hành lang để các xe vận chuyển vật liệu xây dựng của các nhà thầu và có  phương án bàn giao sớm nhất cho nhà thầu.

Theo thông tin từ  Ban Quản lý dự án giao thông thành phố Hà Nội, 7 địa phương nơi có tuyến đường đi qua dang thi công xây dựng 12/13 khu tái định cư. Hiện huyện Thường Tín đã cơ bản hoàn thành 4/4 khu Tái định cư và đã tổ chức bốc thăm cho 137 hộ dân đủ điều kiện bố trí tái định cư.

Còn huyện Hoài Đức hiện đang xây dựng 02 khu tái định cư Đức Thượng và Đông La, Khu tái định cư xã Đức Thượng dự kiến xong và cho người dân bốc thăm trước Tết Nguyên Đán, Khu TĐC Đông La dự kiến giải phóng mặt bằng xong trong tháng 1/2024 và trong tháng 3 bốc thăm và bàn giao trước 30/4/2024. Theo lãnh đạo huyện Hoài Đức, hiện địa phương này đang xin cơ chế đền bù đặc thù cho 2 doanh nghiệp may thuộc diện giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Huyện Thanh Oai xây dựng 01/02 khu Tái định cư, hiện đang xây dựng khu tái định cư tại xã Tam Hưng, dự kiến đến hết tháng 1/2024 hoàn thành xong hạ tầng sẽ bàn giao đất cho quận Hà Đông phục vụ tái định cư cho các hộ dân ở quận Hà Đông. Còn đối với  hạ tầng của xã Cự Khê hoàn thành cơ bản công tác kê khai, kiểm đếm xong và dự kiến đến hết tháng 2 sẽ bàn giao.

Các địa phương cần có những giải pháp để sớm bàn giao đất tái định cư cho các hộ dân và thực hiện đồng thời việc giao đất, cấp sổ đỏ và cấp Giấy phép xây dựng cho người dân cùng 1 lúc (Ảnh: Lê Tùng/VOVGT)

Các địa phương cần có những giải pháp để sớm bàn giao đất tái định cư cho các hộ dân và thực hiện đồng thời việc giao đất, cấp sổ đỏ và cấp Giấy phép xây dựng cho người dân cùng 1 lúc (Ảnh: Lê Tùng/VOVGT)

Tại buổi làm việc với các địa phương, ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, khâu tái định cư nếu thực hiện tốt sẽ giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, do vậy các địa phương cần có những giải pháp để sớm bàn giao đất tái định cư cho các hộ dân và thực hiện đồng thời việc giao đất, cấp sổ đỏ và cấp Giấy phép xây dựng cho người dân cùng 1 lúc. Đối với những vướng mắc mà một số địa phương đã nêu, ông Đông cho biết:

"Thành phố vừa rồi cũng đã giải quyết nhiều dạng tương tự, ví dụ các hộ có trường hợp 1 thừa đất nhưng nhiều hộ cùng sở hữu, thành phố cũng đã có chính sách rồi, được xem xét giao thêm xuất tái định cư tối thiểu, cần thiết mua nhà tái định cư, nhà ở và giải quyết nhà ở người dân cần ưu tiên. Sở TNMT tập hợp kiến nghị của quận, huyện và sớm trình UBND trước ngày 10/1/2024 để giải quyết".

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, giải phóng mặt bằng liên qua đến đất thổ cư là vấn đề rất phức tạp. Thực tế cho thầy, thời gian qua đã xảy ra những trường hợp giải phóng mặt bằng treo do những sơ xuất trong những văn bản, quy định của cơ quan quản lý Nhà nước hay sự không thỏa mãn giữa nhu cầu của người dân với những chính sách giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến việc giao đất cho các dự án. Do vậy, GS Đặng Hùng Võ cho rằng:

"Theo kinh nghiệm của các nước, nếu có quy hoạch, có thiết kế thì cố gắng chừa vùng thổ cư của người dân. Nếu buộc không tránh thì phải thực hiện chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư  thật đúng đắn thật thỏa đáng. Cách tốt nhất là chúng ta phải nghiên cứu những thiệt hại của người dân khi bị thu hồi đất tại nơi ở và cố gắng bỏ tiền cao nhất để làm việc này".

Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội cho rằng, phát triển hạ tầng giao thông trong đó có dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô có một ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của thủ đô. Năm 2023, Hà Nội đã có những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án.

Tuy nhiên, đất ở Hà Nội có những điểm đặc thù, do vậy bà An đề xuất: "Đất Hà Nội hơi khác những nơi khác nên áp giá theo đúng quy chuẩn của trung ương phải nói là rất khó. Tôi đề nghị Hà Nội nên nghiên cứu đặc thù và đặc biệt đưa vào Luật thủ đô trong việc giải phóng mặt bằng ở những nơi, ở những vùng, cần thiết phải có cơ chế riêng.

Nên nghiên cứu và có những kiến nghị nào đó phù hợp với đặc thù của thủ đô. Thủ đô có những cái được vượt trội, có những cái được xé rào, có những cái được ưu tiên".

Thực tế thời gian qua, hầu hết các dự án bị vướng trong khâu giải phóng mặt bằng là do các hộ dân bị thu hồi đất đai phục vụ cho các dự án chưa thỏa mãn với chính sách đền bù, tái định cư (Ảnh: Lê Tùng/VOVGT)

Thực tế thời gian qua, hầu hết các dự án bị vướng trong khâu giải phóng mặt bằng là do các hộ dân bị thu hồi đất đai phục vụ cho các dự án chưa thỏa mãn với chính sách đền bù, tái định cư (Ảnh: Lê Tùng/VOVGT)

Công tác tái định cư cho các hộ dân thuộc diện thu hồi đất đai, tài sản trên đất là công việc rất phức tạp, khó khăn. Những chính sách tái định cư vừa phải đảm bảo đúng pháp luật nhưng vẫn phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân, không để người dân rơi vào cảnh mất việc làm, mất thu nhập.

Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOV Giao thông: "Tái định cư không chỉ là chuyển dịch về đất ở"

Kết thúc năm 2023, Ban quản lý dự án đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô đã tiếp nhận 714, 15 ha đất, tuy nhiên đây đa phần là diện tích đất thuộc phạm vi đất nông nghiệp, còn lại 27,35 ha thuộc phạm vi đất ở. Đây được cho là khâu phức tạp và khó khăn nhất trong các dự án nói chung và dự án đường Vành đai 4 nói riêng.

Thực tế thời gian qua, hầu hết các dự án bị vướng trong khâu giải phóng mặt bằng là do các hộ dân bị thu hồi đất đai phục vụ cho các dự án chưa thỏa mãn với chính sách đền bù, tái định cư. Chính sách tái định cư được hiểu là chính sách của Nhà nước nhằm giúp ổn định cuộc sống, bồi thường thiệt hại cho các chủ sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất bị thu hồi theo quy định.

Dự án đường vành đai 4 là dự án trọng điểm của vùng thủ đô. Bất kể sự chậm trễ trong khâu giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân nơi dự án đi qua đều ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án. Do vậy, việc xây dựng chính sách tái định cư đúng đắn, thỏa đáng sẽ sớm nhận được sự đồng thuận của người dân.

Trước hết, cơ quan quản lý về đất đai tại các địa phương cần nghiên cứu, xác định rõ những thiệt hại của các hộ dân bị thu hồi tài sản, đất đai. Việc xác định chính xác là yếu tố cơ bản để có những chính sách đền bù thỏa đáng.

Đất đô thị, nông thôn của Hà Nội có những điểm đặc thù khác với các địa phương khác như giá đất cao, bởi vậy việc xác định giá đầu đi đầu đến cần phải đảm bảo có sự cân đối, phù hợp. Thành phố cũng nên xem xét, nghiên cứu có những cơ chế riêng cho các đối tượng thuộc dự án đường Vành đai 4 thuộc diện thu hồi đất đai, tài sản.

Các chính sách cần được đưa ra, giải thích với các hộ dân trước khi thực hiện giải phóng mặt bằng. Có như vậy, người dân mới có thể đồng thời vừa ổn định nơi ở, vừa sớm có nguồn thu nhập, công ăn việc làm và đồng thuận với những chính sách của Nhà nước (Ảnh: Lê Tùng/VOVGT)

Các chính sách cần được đưa ra, giải thích với các hộ dân trước khi thực hiện giải phóng mặt bằng. Có như vậy, người dân mới có thể đồng thời vừa ổn định nơi ở, vừa sớm có nguồn thu nhập, công ăn việc làm và đồng thuận với những chính sách của Nhà nước (Ảnh: Lê Tùng/VOVGT)

Căn cứ vào nhu cầu của người dân, các địa phương có những giải pháp vừa đáp ứng đúng quy định pháp luật nhưng cũng vừa đảm bảo đáp ứng mong muốn của người dân. Các cán bộ công tác tại các chính quyền địa phương cần đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong công tác đền bù, hỗ trợ,

Đối với những trường hợp đặc biệt, các địa phương cần  xin ý kiến Sở Tài Nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân thành phố có những giải pháp tháo gỡ.

Cùng với đó, các địa phương cũng cần đẩy nhanh các dự án nhà ở tái định cư, các dự án nhà ở xã hội. Cần lưu ý, các dự án này cần được đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bao gồm các trường học, chợ, bệnh viện … .

Các cơ quan liên quan cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ, rút ngắn và đơn giản hóa các thủ tục về cấp phép xây dựng, cấp sổ đỏ cho các hộ dân thuộc diện di dời, để họ sớm có thể hoàn thiện xây dựng và ổn định nơi ở mới.

Song song với đó, chính quyền địa phương và thành phố Hà Nội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ được sự cần thiết phải di dời để phục vụ cho dự án phát triển hạ tầng chung của thành phố. 

Việc chuyển dịch đất phục vụ cho các dự án của Nhà nước là điều cần làm, tuy nhiên, cùng với việc thu hồi các diện tích đất nông nghiệp, đất ở, người dân sẽ mất thời gian loay hoay tìm kiếm việc làm. Để đảm bảo an sinh, ổn định xã hội, không chỉ bồi thường về đất, nhà ở, các chính sách tái định cư cần tính tới những giải pháp để tạo công ăn việc làm mới cho người dân phù hợp với năng lực và nhu cầu của họ.

Các chính sách cần được đưa ra, giải thích với các hộ dân trước khi thực hiện giải phóng mặt bằng. Có như vậy,  người dân mới có thể đồng thời vừa ổn định nơi ở, vừa sớm có nguồn thu nhập, công ăn việc làm  và đồng thuận với  những chính sách của Nhà nước.

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Thuê bằng lái để đối phó với phạt nguội: Xử lý ra sao?

Thuê bằng lái để đối phó với phạt nguội: Xử lý ra sao?

Thời gian gần đây, một số dư luận truyền tai nhau “mẹo” thuê bằng lái để đối phó phạt nguội, nhất là với những lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ đến mức bị tước giấy phép lái xe. Vậy, có những lổ hổng nào dẫn tới tình trạng này và cần bịt những lổ hổng này thế nào?

Cơ chế thu hút tín dụng xanh cho phát triển bền vững

Cơ chế thu hút tín dụng xanh cho phát triển bền vững

Phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn là một xu hướng phát triển tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới nhưng đòi hỏi phài có các dự án xanh và cần các nguồn tín dụng xanh.

Hỗ trợ 35.000 - 55.000 đồng/kg khi tiêu hủy gia súc, gia cầm

Hỗ trợ 35.000 - 55.000 đồng/kg khi tiêu hủy gia súc, gia cầm

Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật. Trong đó, ban soạn thảo đã đề xuất nội dung, điều kiện và mức hỗ trợ cho cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cũng như người tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Ấm lòng những chuyến xe nghĩa tình

Ấm lòng những chuyến xe nghĩa tình

Với mong muốn hỗ trợ những bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn có thể tiết kiệm chi phí, anh Nguyễn Huỳnh An, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã đứng ra vận động mạnh thường quân và anh em địa phương thành lập nên Câu lạc bộ Chuyến xe nghĩa tình chở bệnh nhân cấp cứu và chuyển viện hoàn toàn miễn phí.

Kích cầu du lịch nội địa: “Bài toán” tổ chức và chia sẻ lợi ích

Kích cầu du lịch nội địa: “Bài toán” tổ chức và chia sẻ lợi ích

Năm 2024, bên cạnh mục tiêu đón 18 triệu khách quốc tế, ngành du lịch cũng kỳ vọng phục vụ 110 triệu khách nội địa. Tuy nhiên, giá vé máy bay tăng cao đang là rào cản lớn, bởi chi phí di chuyển bằng đường hàng không có thể chiếm tới 50% giá tour.

Chỉ số MXV-Index cán mốc cao nhất 9 tháng

Chỉ số MXV-Index cán mốc cao nhất 9 tháng

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, kết thúc tuần giao dịch 22–28/4, thị trường hàng hoá ghi nhận nhiều mặt hàng có mức độ biến động lớn. Mặc dù xu hướng giá có phần trái chiều, nhưng lực mua áp đảo hơn đã kéo chỉ số MXV-Index tăng 0,22% lên 2.334 điểm, đạt mức cao nhất trong 9 tháng qua.

Làm nông thời công nghệ vừa an nhàn, vừa kinh tế

Làm nông thời công nghệ vừa an nhàn, vừa kinh tế

những năm gần đây, nông nghiệp ĐBSCL đã có những bước phát triển vượt bậc, ghi nhận được sản lượng lúa, trái cây tăng cao, chất lượng vượt trội hơn. Có được thành quả đó một phần nhờ vào việc nông dân đã mạnh dạn đầu tư hơn vào máy móc công nghệ...