Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Chuyện trò trên phố

Bực mình vì xe bê tông chắn lối

Minh Hiếu: Thứ năm 10/10/2024, 19:27 (GMT+7)

Do nhu cầu xây dựng ngày càng tăng nên xe bồn trộn bê tông đang hoạt động với tần suất ngày càng dày trên đường phố. Tuy nhiên, không phải xe nào cũng tuân thủ đầy đủ các quy định, tình trạng dừng đỗ hoạt động gây cản trở, ùn tắc giao thông, mất vệ sinh môi trường diễn ra khá phổ biến.

Bên cạnh tôi là 2 tài xế taxi, anh Nguyễn Văn Đức, ở Đan Phượng và anh Nguyễn Văn Đồng, ở Long Biên, Hà Nội. Đầu tiên, các anh có thể chia sẻ về tình trạng xe trộn bê tông dừng đỗ hoạt động ảnh hưởng ra sao đến việc đi lại của mình?

Anh Đức: Trên đường tôi đi hay kể cả ngõ xóm gần nhà đều có trường hợp xe trộn bê tông dừng đỗ, nhưng vì “tình làng nghĩa xóm” nên chúng tôi vẫn lách đi đường khác. Còn những trường hợp đường phố, người ta đỗ chắn hết cả đường, chúng tôi phải vòng đi rất xa.

Mong là xe bê tông đổ vào ban đêm thì tránh ảnh hưởng các xe đi qua chứ không riêng gì tôi.

Anh Đồng: Rất là bức xúc vì nhiều khi vào những cung đường có xe trộn bê tông, vào đến nơi thì không thể đi lại được nữa, nhất là trong GCĐ lưu lượng xe rất lớn, không thể lùi lại được mà tiến thì không xong. Cái bất tiện cho người dân là nhà người ta ở ngay chỗ đó, mà thời gian đổ bê tông khoảng 2 tiếng thì người dân không thể đi lại được.

Tình trạng xe bồn trộn bê tông dừng đỗ hoạt động gây cản trở, ùn tắc giao thông diễn ra khá phổ biến ở hầu hết địa phương. Hình ảnh ghi nhận tại đường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. (Ảnh - Minh Hiếu)

Tình trạng xe bồn trộn bê tông dừng đỗ hoạt động gây cản trở, ùn tắc giao thông diễn ra khá phổ biến ở hầu hết địa phương. Hình ảnh ghi nhận tại đường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. (Ảnh - Minh Hiếu)

Cản trở, bất tiện là điều chắc chắn vì xe trộn bê tông đã to rồi mà những “chân, càng” của nó còn vươn ra xa. Bên cạnh cản trở thì theo các anh, xe này hoạt động trên đường còn tiềm ẩn những nguy cơ nào khác?

Anh Đức: Nhiều xe máy họ vẫn chui, nói thật người Việt Nam mình nhiều người thấy đi được là vẫn cố đi chứ họ không nghĩ nguy hiểm đến bản thân. Nhân đây thì mình cũng mong mọi người chú ý, đi qua chỗ đấy thì tránh xa ra đoạn khác, chứ chẳng may xảy ra gì thì hối hận không kịp.

Anh Đồng: Những cái xe trộn bê tông đó rất là nặng. Nó vào khu dân cư, đường thì đường dân sinh nên không đảm bảo kết cấu, nắp cống không chịu nổi là nó sẽ sập, sẽ rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Tình trạng này gần như xuất hiện ở tất cả địa phương, từ năm này qua năm khác. Theo các anh thì cần xử lý như thế nào?

Anh Đức: CSGT và thanh tra giao thông cứ theo pháp luật mà làm thôi, nên xử phạt là tốt nhất, nên có gì gắn trách nhiệm của người ta để lần sau người ta làm sạch, đỡ ùn tắc và bụi bặm cho tất cả mọi người. Có một vài số điện thoại để mọi người biết, gọi điện lên phản ánh.

Anh Đồng: Cái này đầu tiên phải là chính quyền địa phương, phường, thanh tra xây dựng. Vì thành phố mình đang phát triển, mật độ xây dựng lớn, nên xử phạt vấn đề đấy thì tôi nghĩ là khó. Trường hợp như thế phải có cảnh báo cho người dân, ở ngã ba, ngã tư phải có biển, để cho người dân người ta biết hướng, không vào công trình đó nữa.

Xin cảm các anh về cuộc trò chuyện hôm nay!

 

Không chỉ người tham gia giao thông mà người dân sinh sống quanh khu vực xe bê tông hoạt động cũng gặp nhiều phiền toái, nhất là vấn đề vệ sinh môi trường, nước thải và tiếng ồn. (Ảnh - Minh Hiếu)

Không chỉ người tham gia giao thông mà người dân sinh sống quanh khu vực xe bê tông hoạt động cũng gặp nhiều phiền toái, nhất là vấn đề vệ sinh môi trường, nước thải và tiếng ồn. (Ảnh - Minh Hiếu)

Nếu như người tham gia giao thông phát bực vì bị xe trộn bê tông chắn lối đi, thì người dân sống gần các công trường có lẽ còn phiền toái hơn nhiều.

Như chia sẻ của bà Phạm Thị Dung, ở Lâm Du, Long Biên, nhà bà ở đầu ngõ nên thường xuyên có xe trộn bê tông dừng trước nhà để ròng đường ống vào sâu bên trong:

Bà Du: Ảnh hưởng việc đi lại, nhưng quan trọng nhất là ảnh hưởng vấn đề vệ sinh. Sau khi người ta làm xong, vệ sinh thì kiểu gì thì kiểu cũng thứ nhất là bị nước đọng, thứ hai là nước bẩn. Nhiều khi vào những giờ mà nhà người ta không có người dọn kịp ý thì còn để một lúc lâu mới dọn, còn phải nhắc đi nhắc lại thì người ta mới dọn ý.

Góp ý với thợ thì không ăn thua, phải góp ý trực tiếp với chủ. Nói chung nhiều người nhắc thì mới có hiệu quả.

Nếu như xe trộn bê tông hoạt động về đêm để không ảnh hưởng giao thông thì cô thấy thế nào?

Bà Du: Làm đêm thì ảnh hưởng giấc ngủ, đêm không có phương tiện tham gia giao thông thì đấy lại là tiếng ồn chính.

Vậy cô có mong muốn gì để hạn chế ảnh hưởng từ hoạt động của xe trộn bê tông?

Bà Du: Vệ sinh là cái ảnh hưởng chung thì phải xử lý, vi phạm thì phải xử lý chứ, còn xử lý thế nào thì cho nó hài hòa, hợp tình hợp lý.

Vâng, cảm ơn bà rất nhiều!

Xe bồn trộn bê tông không tuân thủ quy định về giờ lưu thông, chạy xe vào đường cấm,… sẽ bị phạt tiền từ 4 - 12 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2 - 4 tháng, theo Nghị định 100 năm 2019.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy định chặt chẽ hơn về thời gian, tuyến đường được phép hoạt động, điều kiện, giấy phép hoạt động của các loại xe bồn bê tông để đảm bảo ATGT, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường.

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn