Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Biến rác thải nhựa thành viên nén nhiên liệu

Mỹ Phụng: Chủ nhật 04/02/2024, 07:42 (GMT+7)

Trăn trở với rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường biển, hai bạn trẻ Trương Thành Phúc và Hoàng Đức Tín, học sinh Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (TP Rạch Giá, Kiên Giang) đã mày mò, nghiên cứu kết hợp vỏ trấu, rác thải nhựa xay nhuyễn với bột đá vôi dolomit, làm ra viên nén nhiên liệu thân thiện môi trường.

Để có cái nhìn cận cảnh hơn về dự án này, VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn nhanh với bạn Trương Thành Phúc – thành viên của nhóm nghiên cứu ra sản phẩm này ngay sau đây: 

PV: Xin chào Phúc, từ đâu mà nhóm là có ý tưởng tạo ra viên nén nhiên liệu từ rác thải vậy?

Trương Thành Phúc: Hiện nay đất biển Kiên Giang đang phải oằn mình trước sự tấn công của rác thải nhựa. Các chương trình làm sạch biển hay vớt rác cứu biển vẫn đang luẩn quẩn trong câu chuyện: di chuyển rác từ biển lên đất liền.

Sau đó, nếu đem đi chôn lấp không những làm tốn diện tích mà còn đối mặt với ô nhiễm môi trường (vi nhựa, nước rỉ và khí nhà kính nguy hiểm phát sinh trong quá trình phân rã); còn nếu đốt nó thì khói độc, mùi hôi ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và môi trường; phương án tái chế để tái sử dụng thì còn rất nhiều bất cập.

Trong đó, vấn đề vi nhựa phát sinh từ rác thải nhựa đại dương đang là một thách thức to lớn. Từ những trăn trở đó, chúng em em nuôi quyết tâm tìm ra phương pháp xử lý hiệu quả rác thải nhựa. Với tâm niệm: “Trên hành trình vì một quê hương xanh, ta nhận được nhiều hơn những gì ta tìm kiếm”; qua dự án chúng em mong muốn gắn kết mọi người cùng nhau ứng xử có trách nhiệm với thế giới tự nhiên và sự phát triển bền vững của quê hương.

Sản phẩm viên nén thay thế cho than đá của nhóm đã giành giải Nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật tỉnh Kiên Giang năm 2023 – 2024

Sản phẩm viên nén thay thế cho than đá của nhóm đã giành giải Nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật tỉnh Kiên Giang năm 2023 – 2024

PV: Em có thể giới thiệu đôi nét về viên nén này được không?

Trương Thành Phúc: Viên nén nhiên liệu được tạo ra từ vỏ trấu, rác thải nhựa xay nhuyễn trộn với bột đá vôi dolomit. Bắt kịp hai xu hướng mới của thế giới là biến chất thải thành chất đốt và tận dụng nguồn phụ phẩm, phế phẩm để sản xuất các sản phẩm an toàn, thân thiện môi trường. Sản phẩm viên nén được nghiên cứu bài bản, chưa từng có trên thị trường; phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về bụi, khí thải công nghiệp.

Viên nén là nguồn chất đốt thay thế phù hợp và hiệu quả nhất cho than đá (giá rẻ hơn và nhiệt trị cao hơn), giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư hệ thống xử lý chất thải sau khi đốt, giảm chi phí vận hành, bảo dưỡng, dễ vận chuyển và bảo quản.

Vừa thực hiện được trách nhiệm của con người với môi trường (xử lý rác thải nhựa, giảm lượng phụ phẩm nông nghiệp ra ngoài môi trường) vừa mang lại hiệu quả kinh tế (biến rác thải nhựa thành viên nén nhiên liệu, nâng cao giá trị của phụ phẩm nông nghiệp là vỏ trấu, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa).

PV: Theo em thì sản phẩm này thân thiện với môi trường ra sao? 

Trương Thành Phúc: Mang đến một hướng đi mới đầy triển vọng cho hành trình làm sạch biển vì biến rác thải nhựa ven biển thành sản phẩm có giá trị kinh tế. Tận dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp là vỏ trấu có sẵn ở địa phương (sau khi xay xát người ta thường dùng trấu để làm phân bón, củi trấu còn lại sẽ bị đốt bỏ, thải ra môi trường gây lãng phí).

So với việc đốt riêng rẽ rác thải nhựa thì sản phẩm viên nén ít phát thải khí độc hại, giảm hiện tượng tạo cặn xỉ trong hệ thống lò đốt hơn so với củi trấu. Không chỉ mang trong mình giá trị kinh tế, viên nén  còn truyền tải thông điệp “phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường” và “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế". Đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, mục tiêu “NET ZERO - phát thải ròng bằng không”, phù hợp với kỷ nguyên năng lượng tái tạo.

PV: Dự định sắp tới của nhóm để đưa sản phẩm này phát triển rộng rãi ra thị trường? 

Trương Thành Phúc: Có rất nhiều phương pháp xử lý rác thải nhựa, trong đó phương pháp đốt và chôn lấp được coi là phương pháp cuối cùng vì nó còn nhiều bất cập do thành phần và nguồn gốc phức tạp có trong nhựa và thế giới buộc phải chấp nhận và áp dụng nó.

Một xu hướng hiện nay rất được quan tâm trên thế giới đó là đốt rác thải theo cách thức kiểm soát kết hợp thu hồi năng lượng; sử dụng rác thải như là nhiên liệu thay thế cho nhiên liệu hóa thạch (than, xăng dầu, và khí đốt).

Phúc và Tài (thứ 2 và 3 từ phải sang), 2 thành viên của nhóm nghiên cứu

Phúc và Tài (thứ 2 và 3 từ phải sang), 2 thành viên của nhóm nghiên cứu

Có 4 quốc gia sử dụng rác thải nhựa như chất đốt trong những nhà máy công nghiệp (là Úc, Maylaysia, Indonesia, Nhật Bản). Đây cũng là một hướng đi đầy triển vọng và phù hợp với nước ta và hiện nay nước ta đã có nhà máy điện rác Sóc Sơn, sản phẩm nhiên liệu từ rác thải nhựa (RPF và RDF) của công ty môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) và công ty Kim Trường Phúc (Đồng Nai).

Vì vậy chúng em mong muốn nhận được sự quan tâm, đầu tư của các tổ chức và cá nhân để đưa sản phẩm ra sản xuất với quy mô công nghiệp.

PV: Cảm ơn Thành Phúc về những chia sẻ vừa rồi. Chúc em và cả nhóm sẽ thật thành công với dự án của mình nhé !

Mỹ Phụng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn