Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Bí mật “Hồ sơ Uber” (Kỳ 3): Dùng tiền thao túng các báo cáo, nghiên cứu

Huy Văn: Thứ năm 21/07/2022, 14:15 (GMT+7)

Không chỉ lợi dụng tài xế, vận động chính trị gia để gây sức ép, tạo ra ưu thế trước các đối thủ trên thị trường, tài liệu rò rỉ cũng chỉ ra rằng, Uber sử dụng nhiều các chiêu trò khác nhằm hướng tới mục tiêu tối thượng là thống trị thị trường.

Hồ sơ Uber đã chỉ ra rằng, trong khoảng thời gian từ 2014 đến 2015, khi bị giới chức nhiều nước nhắm vào để quản lý, thì công ty này không chỉ sử dụng tiền để lấy được sự ủng hộ từ các chính trị gia mà còn chi rất nhiều cho các giáo sư đại học tại các trường nổi tiếng để xuất bản các báo cáo, nghiên cứu kinh tế độc lập theo hướng có lợi cho mình.

Những dữ liệu của các báo cáo, nghiên cứu này đều do Uber cung cấp.

Theo tờ The Guardian, Uber đã thực hiện các thoả thuận, chi trả tiền cho các học giả, giáo sư để công bố những nghiên cứu về lợi ích của mô hình kinh tế của Uber.

Nội dung là những câu chuyện về việc họ tạo ra công việc được trả lương cao cho các tài xế, cung cấp phương tiện giao thông rẻ cho người tiêu dùng và làm tăng năng suất.

Số tiền mà Uber chi cho mỗi báo cáo có thể lên tới cả trăm nghìn USD.

Uber đã chi nhiều tiền để thuê các giáo sư làm các báo cáo có lợi cho mình. Ảnh minh họa: Funancial News

Uber đã chi nhiều tiền để thuê các giáo sư làm các báo cáo có lợi cho mình. Ảnh minh họa: Funancial News

Mục tiêu của công ty là sử dụng các báo cáo này để gây áp lực lên việc thay đổi các quy định bất lợi cho họ. 

Về vấn đề này, bà Laura Dosworth, nhà báo tự do từng cộng tác với nhiều tờ báo như Telegraph và Guardian cho biết, hành động của Uber thực tế đã được rất nhiều công ty, doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác thực hiện cũng nhằm mục đích quảng bá.

Những kiểu quảng cáo như thế này không hiếm nhưng vẫn hiệu quả bởi nhiều lí do.

Bà chia sẻ Laura Dosworth: “Các tựa đề như “ăn quá nhiều trứng sẽ giết bạn” hay “nho khô giúp kéo dài tuổi thọ thêm 10 năm”... những tựa đề kiểu này rất dễ để lên trang nhất trên các mặt báo. Nhưng người ta lại ít để ý đến nguồn gốc hay đơn vị tài trợ các nghiên cứu kiểu này.”

Trên thực tế, những báo cáo mang tính 'quảng cáo' như vậy là chiến lược phổ biến được nhiều công ty sử dụng. Ảnh minh họa: Joe Penney/Reuters

Trên thực tế, những báo cáo mang tính "quảng cáo" như vậy là chiến lược phổ biến được nhiều công ty sử dụng. Ảnh minh họa: Joe Penney/Reuters

Lấy dẫn chứng, tờ Guardian chỉ ra một bài viết trên Thời báo Tài chính hồi năm 2016 với nhan đề “Các ứng dụng gọi xe sẽ tạo ra việc làm cho người trẻ nghèo ở Paris nhưng những sự hạn chế về quy định vẫn xuất hiện”. Bài viết dựa trên nghiên cứu thực hiện bởi Giáo sư Augustin Landier của Trường Kinh tế Toulouse.

Những báo cáo này, nhìn có vẻ trung lập, nhưng lại thường nhấn mạnh vào việc Uber “tạo ra vô vàn việc làm ”, “tạo ra giải pháp giao thông giá rẻ" và “tăng cường năng suất lao động”. Sau đó, Uber sẽ gửi những nghiên cứu này cho các chính trị gia và truyền thông, để tác động vào những quyết định theo hướng có lợi..

Giáo sư Augustin Landier còn được trả 100,000 Euro để tạo ra một bản báo cáo được nhận xét là “quảng cáo trực tiếp vai trò kinh tế tích cực của Uber”.

Tương tự như vậy là với Giáo sư David Thesmar, với đánh giá đầy lạc quan trong bản báo cáo rằng “hầu hết tài xế kiếm được hơn 20 Euro một giờ, hơn gấp đôi lương cơ bản”. Bài viết này được đăng trên  Thời báo Tài chính.

Nhưng các báo cáo này đã khiến nhiều người lầm tưởng về việc làm tài xế công nghệ thì sẽ có mức thu nhập cao và ổn định

Nhưng các báo cáo này đã khiến nhiều người lầm tưởng về việc làm tài xế công nghệ thì sẽ có mức thu nhập cao và ổn định

Nhưng thực tế, con số thu nhập 20 euro/giờ chưa tính đến những chi phí khác mà lái xe phải trả. Một tài xế Uber tại Paris, Pháp chia sẻ: “Ngày nay, bạn buộc phải chạy xe khoảng 12 tiếng mỗi ngày để kiếm được 200 euro, nhưng sau đó tôi còn phải trả tiền xăng. Trước đây một vài người bạn của tôi nói rằng lái xe cho Uber chẳng khác gì trở thành nô lệ. Và giờ tôi đã hiểu”.

Hubert Horan, chuyên gia vận tải, người nhiều năm chỉ trích mô hình Uber nói rằng nhiều chuyên gia đã bỏ ngoài tai sự thật rằng Uber đã đốt hàng tỷ USD của nhà đầu tư. Chưa kể, "các khoản thanh toán" cho tài xế không phải là thu nhập cuối cùng họ được nhận. Do đó, "những tuyên bố về chất lượng công việc hoặc giá cả của Uber đều không bền vững".

Ngoài ra, Uber luôn miệng chỉ coi các tài xế như “đối tác” chứ không phải “lao động” để tránh việc phải chi trả cho các quyền lợi tối thiểu của họ. Kể cả tại các quốc gia như Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan… những quốc gia đã công nhận tài xế Uber là lao động, thì việc tính toán thời gian làm việc từ thời điểm bắt đầu chuyến đi - thay vì khi tài xế đăng nhập vào ứng dụng để tính giờ làm vẫn còn gây tranh cãi.

5043

Ông Yaseen Aslam, chuyên gia từ Liên minh quốc tế về công nhân vận tải dựa trên ứng dụng chia sẻ: “Vấn đề cốt lõi vẫn là ở việc cách mà Uber vận hành, vốn dựa trên việc lạm dụng các tài xế. Uber đã lờ đi chi phí lao động và những thiệt hại mà các lao động phải hứng chịu”.

Diễn biến mới nhất trong vụ rò rỉ Hồ sơ Uber, hiện Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang đối mặt với một cuộc điều tra của Quốc hội vì những thông tin tiết lộ từ “Hồ sơ Uber” cho rằng ông từng rất nhiệt tình giúp Uber vượt qua các quy định khắt khe của Chính phủ.

Về phía Uber, trước vụ bê bối này, có lẽ trong tương lai, các chiêu trò này sẽ khó có thể được áp dụng trở lại. Chưa kể, vụ việc sẽ khiến chính quyền các nước buộc phải nhìn nhận lại và siết chặt hơn trong việc quản lý các mô hình kinh doanh công nghệ theo kiểu này nhằm đối phó tốt hơn với sự phức tạp của thời đại kỹ thuật số.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn